Kết quả hình ảnh cho Trịnh Công Sơn


Mình đã suy nghĩ khá lâu để xem nên bắt đầu những câu chữ về Trịnh Công Sơn như thế nào. Có lẽ bởi đã có quá nhiều bài viết về ông, quá nhiều người viết về ông, và cũng quá nhiều những hội thảo về ông. Cũng giống như những người hát nhạc Trịnh không hề ít, thậm chí là cả những người nước ngoài, nhưng thực sự để có thể coi là thành công và tạo được tiếng tăm thì chỉ đếm trên đầu ngón tay chứ chưa nói đến thành công vang dội.
Vì sao người ta hát nhạc Trịnh nhiều? Câu hỏi này cứ trở đi trở lại trong mình theo từng giai đoạn khác nhau. Phải chăng vì người ca sĩ đến một mức độ nào đó khi đã hát đủ nhiều nhạc của Trịnh Công Sơn sẽ nghiễm nhiên được gán cho hai từ “đẳng cấp”? Mình là một kẻ mơ mộng nhưng không phải thiếu thực tế. Mình cho rằng điều này là có thật và có những người đến với nhạc Trịnh vì lẽ đó. Nhưng lại với tiếng nói của một kẻ mộng mơ, mình vẫn muốn dành niềm tin vào những thứ đẹp đẽ hơn. Và mình có câu trả lời cho riêng mình: chúng ta, ai cũng có thể tìm thấy bản thân mình, ở trong âm nhạc của ông.
Cố nhạc sĩ Phạm Duy từng nói về nhạc của Trịnh Công Sơn: “Toàn bộ âm nhạc của anh đẹp như một bức họa trừu tượng hơn là tả thực. Cả nhạc lẫn lời, cả xác lẫn hồn thơ, nghe lãng đãng, mơ hồ, khó phân định cho đúng nghĩa”.
Trịnh Công Sơn sáng tác nhiều chủ đề. Hiếm ai mà lại không một lần trong đời ngân nga: “Ta mang cho em một đóa quỳnh. Quỳnh thơm hay môi em thơm” hoặc cùng những người xung quanh cất ca vang ca từ đầy tính hiệu triệu của “Nối vòng tay lớn”. Người ta từng so sánh và tìm những điểm tương đồng giữa Trịnh Công Sơn với Bob Dylan, một biểu tượng âm nhạc Mỹ cũng như thế giới cùng thời với nhạc sĩ người Huế. Thế nhưng ít nhất có một điểm không giống như đồng nghiệp người Mỹ, một người luôn là kẻ phụ tình và đem những oán hận vào lời ca, thì Trịnh Công Sơn luôn là người phải ngắm nhìn những người phụ nữ rời bỏ mình. Ông từng viết về tình yêu như sau:
“Tình yêu thường mang đến khổ đau nhưng đồng thời tình yêu cũng mang đến hạnh phúc và có một đóa quỳnh hương héo úa ngủ trong khổ đau. Tình yêu khi muốn ra đi thì không có một tiếng kèn nào đủ màu nhiệm để lôi về lại được. Tình yêu là tình yêu. Trong nó đã sẵn có mầm sống và sự hủy diệt”.
Chuyện tình yêu, giống như chuyện sinh tử, là một lẽ tự nhiên trong cuộc đời. Mất cha từ năm 16 tuổi, có lẽ ông cũng ý thức được cái lẽ sống chết, cái khổ đau từ rất sớm. "Cái hạnh phúc ở trần gian chính là ý thức được khổ đau", ông viết.
Mỗi người nghệ sĩ khi cho ra đời một tác phẩm nghệ thuật là đã nói lên tiếng lòng của mình. Tiếng lòng của một trái tim nhân hậu, một con người thuận theo lẽ tự nhiên như triết lý Phật giáo được thể hiện xuyên suốt sự nghiệp đồ sộ của con người tài hoa này.
Để viết về người nhạc sĩ ấy, có lẽ viết cả ngày cũng chẳng hết, hoặc là bạn có thể tìm thấy rất nhiều những thông tin trên báo đài, trên đây là một vài dòng mình muốn tri ân đến người nhạc sĩ một đời đã vắt kiệt mình cho nghệ thuật này.
Nếu bạn có điều gì muốn chia sẻ về Trịnh Công Sơn, hay một bài hát yêu thích nhất của ông, hãy cùng comment bên dưới nhé <3