Lời tựa:                       Như đã giới thiệu trong series, Seneca thực sự là nguồn cảm hứng Stoicism của mình. Đọc Seneca không chỉ là về triết học mà còn là một trải nghiệm nghệ thuật, khi những bài học, triết lý quan trọng được phản ánh qua những hình ảnh quen thuộc, bình dị và đời thường, thể hiện cái tinh tế trong quan sát của một thiên tài với sự từng trải của cuộc đời.                                           Với hy vọng giới thiệu Stoicism đến với các bạn trẻ Việt Nam, xin gửi tới các bạn bản dịch những bức thư quan trọng nhất trong cuốn "Moral Letters to Lucilius", tác phẩm đã làm nên tên tuổi của Seneca và là một trong bộ ba cuốn sách nền tảng của Stoicism.                                                             Do không phải anh dịch thuật, nên bản dịch này hoàn toàn tập trung vào việc truyền tải thông điệp và hy vọng có thể giúp bạn cảm thấy dễ dàng hơn trong việc tiếp cận với bản tiếng Anh, để có thể thấy cái hay cái đẹp trong việc sử dụng ngôn từ của Seneca (dù thực ra bản tiếng Anh cũng chỉ là một bản dịch). Một anh bạn người Ý của mình đã chia sẻ Seneca được đưa vào chương trình giảng dạy tại Ý như một bậc thầy về việc sử dụng ngôn từ. Vì vậy, xin cam đoan tất cả những gì khiến bạn cảm thấy trúc trắc từ bản dịch là bởi khả năng hạn chế của mình, và rất mong nhận được đóng góp của các cao nhân để bản dịch được hoàn thiện hơn. Lưu ý: vì một số lý do như nội dung không còn quá sát và cần thiết với thời hiện tại, mình sẽ không dịch 4 bức số 58, 85, 92, và 95 nhé. Nếu bạn nào muốn tìm hiểu thêm thì bản tiếng Anh có sẵn trên Wiki, hay có thể nhắn cho mình mình sẽ gửi bản pdf sách.
Bạn có thể đọc trước giới thiệu về Seneca ở đây:

Bức thư số 115

Bạn thân mến!
Tôi mong bạn có thể bớt lo lắng về ngôn từ và cấu trúc câu hơn, bạn của tôi. Tôi cho rằng có những thứ quan trọng hơn nhiều cần bạn quan tâm đến. Hãy tự hỏi mình bạn đang viết về điều gì, chứ không phải bạn phải viết nó như thế nào; và ngay cả cho những nội dung khi đã biết chắc là chính đáng ấy, thì mục đích của bạn không nên là viết chúng, mà là thực sự cảm nhận chúng, để chúng thấm sâu vào bạn và thực sự là ấn tượng của chính bạn, như thể bạn đang đóng con dấu riêng của mình lên chúng.
Khi phong cách viết hay diễn thuyết của một người quá chỉn chu và trang trọng, bạn có thể chắc chắn rằng tâm trí ông ta cũng đang bị chi phối bởi rất nhiều những thứ tiểu tiết. Những người thực sự vĩ đại thì thường lại ăn nói rất bình thường: ngôn từ của ông ta giản dị chân thành, chứ không phải là sự sắp xếp kiểu cách. Bạn biết đấy, với những cậu thanh niên làm dáng - tóc tai và bộ râu hoành tráng, đi ra từ những tiệm lớn - chắc bạn không hy vọng sẽ thấy sự dũng cảm, hay kiên cường từ họ chứ! Văn phong, cách ăn nói cũng có thể coi như phục trang của tâm trí: nếu ta thấy chúng quá kiểu cách, được điểm trang quá màu mè, và quá quan trọng hóa ở một người, ta có thể đoán rằng tâm trí ông ta đã khiếm khuyết, có những sai lầm từ bên trong. Quá kiểu cách đâu có hợp với một con người sáng suốt và chân thành.
Nếu xem xét tâm trí của một người thông thái, ta sẽ thấy nó thật sự đẹp và thiêng liêng đến thế nào. Sự vĩ đại, sự bình thản sẽ tự chúng tỏa sáng, và những phẩm cách: sự công bình ở một phía, dũng cảm ở phía khác, trong khi sự điều độ và cẩn trọng cũng xuất hiện ngay ở đó. Bên cạnh chúng, sự thanh đạm, khả năng tự kiểm soát tuyệt vời, sự nhẫn nại can trường, lòng khoan dung, và sự hân hoan cởi mở cũng sẽ tỏa sáng, và lòng tốt của con người, thứ mà (khó có thể tin nổi) lại rất hiếm giữa nhân loại. Sự nhìn xa trông rộng nữa, và cả sự tinh tế, và trên tất cả, sự vĩ đại của tâm hồn: vẻ duyên dáng, được tạo nên bởi Chúa, và sự thiêng liêng nó được ban cho! Sự vĩ đại của đấng liêng thiêng, và sự trân trọng của tâm hồn với họ: tâm hồn được yêu thương ban phúc, và nó cũng thể hiện sự tôn thờ với đấng thiêng liêng. Nếu một người có thể cảm nhận được sự nghiêm trang ấy, thiêng liêng và sáng chói hơn bất cứ thứ gì trong đời sống con người, liệu anh ta có không dừng lại, để bản thân chìm đắm, kinh ngạc bởi ơn phước từ đấng thiêng liêng, và nhẩm đọc những lời cầu nguyện không thành tiếng hướng tới họ, rồi như được triệu tập bởi sự tốt lành của sắc thái ấy, bước lên giữa sự tôn sùng và yêu kính? Rồi sau khi đắm chìm trong cái nhìn, cảm nhận ấy một lúc lâu, thiêng liêng hơn bất cứ trải nghiệm nào khác, với những con mắt - vì sao lấp lánh với ánh sáng dịu dàng mà vẫn mạnh mẽ như ngọn lửa cháy bừng, anh ta cuối cùng, trong sợ hãi và kinh ngạc, thốt lên những lời của Virgil:
Đức mẹ đồng trinh, con có thể tôn xưng người thế nào? Vì khuôn mặt người
không phải là của một thứ tồn tại hữu hạn, và giọng người
không phải là tiếng nói của nhân loại. Xin người hãy nhân từ,
làm yên lòng mọi gánh nặng trong con.
Sự thiêng liêng ấy sẽ biểu lộ với ta, nó thực sự sẽ làm dịu mọi gánh nặng, nếu ta lựa chọn đi theo nó. Nhưng lòng mộ đạo ấy không có trong việc giết và dâng hiến xác những con bò, hay cống nộp vàng bạc, hay đóng góp vào các quỹ, mà chỉ trong ý chí thuần khiết và đoan chính. Hãy cho phép tôi nhắc lại: chắc sẽ không ai trong chúng ta không cảm thấy sự thiêu đốt nồng nàn trong tình yêu thiêng liêng ấy, chỉ cần có thể nhìn thấy (cảm nhận được) nó. Vậy mà thực tại, có quá nhiều những chướng ngại khiến ta hoặc lóa mắt với ánh sáng quá mạnh hoặc đẩy ta chìm sâu vào bóng tối. Nhưng cũng giống như phương thuốc đúng có thể loại bỏ chướng ngại và làm sáng mắt ta, thì chỉ cần có ý chí, ta có thể khiến tâm trí mình giành lại được tự do khỏi mọi thói xấu. Lúc ấy, phẩm cách sẽ lại hiện ra rõ rệt, ngay cả nếu nó ở sâu bên trong, và ngay cả với nghèo đói, hay với sự tầm thường ti tiện của đám đông bao quanh. Tôi nhắc lại: ta sẽ thấy ánh tươi đẹp ấy, ngay cả khi nó bị che phủ bởi bùn lầy dơ bẩn. Và ta sẽ hiểu thấu những thô tục, tội lỗi của tâm trí chìm trong sầu thảm, ngay cả khi nó được bao quanh bởi sự lộng lẫy và lấp lánh của của cải, khi ánh hào nhoáng giả tạo của địa vị và quyền năng tấn công mắt ta từ mọi phía.
Chỉ khi đó ta mới có thể hiểu được sự phù phiếm và vô giá trị của những thứ mà mình từng ngưỡng mộ. Ta giống con trẻ, chỉ chăm chăm thu thập mọi đồ chơi và quan tâm nhiều hơn đến những thứ đồ rẻ tiền ấy hơn là anh chị, hay thậm chí là cha mẹ chúng. Như Aristo từng nói, chúng ta nào có khác chúng, ngoại trừ với ta những bức tượng, bức tranh có giá cao hơn cho sự ngờ nghệch của mình? Chúng có thể vui thích với những viên đá trơn bóng trên bờ biển với những màu sắc khác nhau, còn ta vui thích với đá cẩm thạch nhập từ sa mạc Ai Cập hay những con thú hoang dã từ châu Phi, những cột đá để chống đỡ cả một hội trường tiệc tùng đủ rộng để chứa toàn bộ dân một thị trấn. Ta để mình ngỡ ngàng trong những căn phòng tường chạm đá cẩm thạch, dù biết rõ đó chỉ là lớp bề mặt mà thôi. Ta tự lừa chính mình với đôi mắt: khi ta mạ vàng mái vòm, chẳng phải ta đang lừa dối hay sao? Vì ta biết rõ một vài loại gỗ chẳng hề bắt mắt nằm sau lớp mạ vàng ấy. Và kiểu giả bộ trang hoàng ấy không chỉ được áp dụng cho tường hay trần nhà. Hãy nhìn tất cả những người đi đứng khệnh khạng nơi cao quý: sự giàu sang của họ, đâu có là gì ngoài một lớp mạ. Hãy xem xét kỹ càng và bạn sẽ thấy bao nhiêu những sa đọa được che giấu dưới lớp áo choàng danh vọng mỏng manh ấy. Một thứ thu hút được mọi quan tòa, mọi pháp quan; và cũng là thứ tạo ra tất cả những chức vụ ấy: tiền bạc! Từ giây phút tiền bạc được trọng vọng, thì những thứ giá trị thực sự đã bị lu mờ. Với những thương gia và hoạt động của họ, ta không hỏi kỹ họ mua bán thứ gì, mà giá bao nhiêu. Sự trung thành của ta có giá nhất định, và nếu giá khác cao hơn ta sẽ phản bội: ta chỉ cư xử ngay thẳng bao lâu ta còn hy vọng việc cư xử ngay thẳng ấy vẫn cho ta lợi ích, nhưng sẽ làm trái ngược lại nếu những tội lỗi có thể cho ta nhiều hơn thế.
Ta học từ cha mẹ mình để nhìn một cách ngưỡng mộ đầy thèm muốn vàng bạc. Sự tham lam đã được truyền cho ta từ rất sớm, và nó đã ngấm sâu vào trong ta. Rồi đến đám đông: họ cứ trái ngược nhau ở gần như mọi thứ, nhưng chỉ thứ này (tiền bạc) là họ đồng thuận. Đó là thứ họ ngưỡng mộ, họ mong muốn có được cho mình và gia đình; họ hiến dâng cho đấng thiêng liêng khi muốn xuất hiện như những kẻ biết ơn, như thể đó là thứ vĩ đại nhất mà con người sở hữu. Sau đó bản chất của con người tha hóa đến độ sự nghèo đói trở thành thứ ghê tởm đáng nguyền rủa, bị khinh thường bởi những kẻ giàu có và bị căm ghét bởi chính những kẻ nghèo túng ấy. Những tác phẩm thơ cũng vào cuộc, châm thêm lửa vào lòng ham muốn của ta: tài sản được ca ngợi trong chúng như thể nó là thứ duy nhất vẻ vang và đáng tán dương trong cuộc đời. Với lũ nhà thơ ấy, những đấng thiêng liêng vĩnh cửu cũng chẳng có thứ gì tốt đẹp hơn mà họ có thể sở hữu hay ban cho con người:
Cung điện của thần mặt trời cao vời vợi trên những cây cột lừng lững,
rực rỡ với ánh lấp lánh của vàng
Và hãy nhìn xe ngựa của Ngài:
Trục xe bằng vàng, càng xe cũng bằng vàng;
những vòng bánh cong được đúc vành bằng vàng;
và những nan hoa bằng bạc tỏa chiếu
Họ cũng nói về "Kỷ nguyên vàng" – Golden Age, với nghĩa chỉ thời đại hoàng kim.
Ngay cả trong những tác phẩm bi kịch nổi tiếng của Hy Lạp cũng có những nhân vật mà vì của cải từ bỏ cả sự thanh khiết, sức khỏe, và thậm chí cả thanh danh.
Hãy cứ gọi ta là một tên vô lại, nhưng là một tên vô lại giàu có
Vì tất cả các người chỉ hỏi liệu một người có giàu có hay không, chứ đâu ai hỏi anh ta có tốt hay không
Chẳng hỏi tại sao ta có tài sản, hay từ đâu
mà chỉ bao nhiêu - đó là tất cả mọi thứ các người muốn biết
Trên toàn thế giới, giá trị của một người được đánh giá qua khối tài sản anh ta sở hữu
Và điều gì khiến một người cảm thấy hổ thẹn: Không sở hữu chút tài sản nào.
Vậy nên hãy để ta hoặc sống trong giàu sang, hoặc chết trong nghèo khổ
Được chết khi đang kiếm tiền, đó là một phước lành
Vì tiền là thứ tốt đẹp vĩ đại của loài người
Nó có thể cho ta cảm giác dễ chịu hơn cả tình mẫu tử
hay cái chạm của con trẻ, hay sự tôn kính với phụ thân
Nếu khuôn mặt của thần Venus có thể kết hợp với ánh lấp lánh tuyệt vời này
thì nàng đáng được hưởng tình yêu của cả đấng thiêng liêng và con người
Khi phần kết này được thể hiện trong vở bi kịch của Euripides, toàn bộ người xem đã đứng cả dậy với mục đích duy nhất là đuổi tất cả diễn viên cũng như đoàn kịch khỏi sân khấu, cho đến khi chính Euripides phải nhảy lên sân khấu và cầu xin khán giả hãy kiên nhẫn chờ xem điều gì sẽ xảy đến với thói tôn sùng bạc vàng này. Bellerophon trong vở kịch phải nhận hậu quả thích đáng, cũng như tất cả những ai giống hắn ngoài đời thực. Vì lòng tham không bao giờ có thể hoàn toàn tránh khỏi những trừng phạt. Nhưng thực ra sự trừng phạt đã nằm trong chính lòng tham rồi. Nước mắt, nỗi đau nó tạo cho người nô lệ của nó! Về những chịu đựng đối với những thứ nó mong muốn có được - và cả với những thứ nó đã có được! Và cả những nỗi lo lắng mỗi ngày nữa: càng tích lũy nhiều của cải, càng có thêm nhiều lo toan. Tiền bạc thì thậm chí còn đày đọa những người đã sở hữu nó nhiều hơn là những người đang cố có được nó. Họ thường khổ sở thế nào với mỗi vụ thua lỗ! Vì họ mất những khoản lớn, và nghĩ rằng chúng thậm chí còn lớn hơn thực tế. Ngay cả nếu vận mệnh không lấy đi của họ thứ gì, thì bất cứ thứ gì họ thất bại không có được với họ đều như một sự thua lỗ vậy.
"Nhưng mọi người đều gọi ông ta là thành công, là giàu sang phú quý, và luôn mong có được những gì ông ta có". Tôi đồng ý với bạn. Nhưng điều đó mang lại thứ gì cho họ? Để họ lại gánh chịu những đau khổ, và cả ganh tị từ những người khác nữa; bạn có nghĩ được tình cảnh nào tệ hơn thế? Sẽ tốt hơn đến thế nào nếu những người cứ khao khát làm giàu được thực sự mục kiến tình cảnh của những người giàu có! Và sẽ tốt hơn thế nào nếu những người ứng cử chức vụ quan trọng thực sự mục kiến tình cảnh của những người giữ chức trước họ, những vị trí quan trọng nhất trong cả một thể chế! Có lẽ họ sẽ thay đổi ước muốn của mình nhanh hơn họ có thể tưởng tượng. Vậy mà thực tế thì những người than vãn về thành quả của họ thực ra lại luôn mong muốn nhiều hơn, cao hơn nữa. Con người không bao giờ thỏa mãn với quyền lực hay của cải của họ, ngay cả khi tất cả chúng đến với họ cùng một lúc. Họ than vãn về cả những kế hoạch, sự thăng tiến của họ, và luôn miệng nói rằng thứ họ chưa có thì giá trị hơn.
Đó chính là thứ triết có thể làm cho bạn - và thực tế, tôi nghĩ đó là món quà quý giá nhất: bạn sẽ không bao giờ nuối tiếc về hành động của mình. Đó là một nền tảng vững chắc cho hạnh phúc, thứ không dông tố nào của cuộc đời có thể ảnh hưởng. Nhưng bạn sẽ không thể đến đó bằng cách cưỡi trên cơn gió của những tranh biện, hay sự trôi chảy của ngôn từ. Hãy để chúng đến một cách tự nhiên; nhưng hãy tập trung vào việc để tâm trí bạn có được sự kiên định và bình thản. Hãy để nó thực sự vĩ đại, an toàn trong niềm tin vào những thứ tốt đẹp của con người, và có thể tự hài lòng khi tất cả mọi người xung quanh không thể cảm thấy hài lòng (với của cải, địa vị của họ). Hãy để nó đánh giá sự tiến bộ của nó bằng hành động, cách cư xử trong cuộc sống, nhận ra rằng những kiến thức mà nó có thể thực sự nắm và làm chủ được chỉ là: nó có thể hoàn toàn tự do khỏi ham muốn và sợ hãi. Tạm biệt!
A Dreamer
Lưu ý: Vì sau khi Spiderum update, thực sự việc copy bản tiếng Anh vào bài viết quá trúc trắc. Vậy nên bạn nào muốn đọc cả bản tiếng Anh có thể tự download sách trong link dưới hoặc tìm trên Wiki nhé.
Bạn nào có tâm muốn ủng hộ mình, chỉ xin ủng hộ Spiderum là mình vui rồi :)
Trần Việt Anh - STK: 0451000364912 (Vietcombank chi nhánh Thành Công, Hà Nội)