Ít người biết rằng thuốc lá (tên chung tiếng anh: Tobacco) là món quà mà thổ dân Châu Mỹ tặng cho Christopher Columbus trước khi ông dong thuyền quay về Châu Âu. Chỉ mất vài trăm năm, thuốc lá đã đánh bật các loại thuốc phiện bản địa (opium) và trở thành thứ được ngậm nhiều nhất trên thế giới ở thời điểm hiện tại. Mỗi ngày, gần 20 tỉ điếu thuốc được tiêu thụ, mang về cho các công ty thuốc lá gần 150 triệu đô.
Bài viết nằm trong chuỗi bài viết về những chất gây nghiện - những thú phê pha của con người. Những chất này có thể làm chúng ta vui lên trong giây lát, cũng có thể giúp chúng ta du hành xuyên không gian, như đi lên cung trăng tâm sự với chị Thỏ Ngọc. Các bài viết được thực hiện dưới góc độ cá nhân và không (thể) hoàn toàn đảm bảo tính chính xác.

Một vài thông tin bên lề

Số lượng thuốc lá được tạo ra mỗi năm đủ để nhét đầy tòa tháp Empire State ở nước Mỹ 60 lần hay nhét đầy đấu trường cổ Colosseum ở nước Ý 250 lần. Nếu dành số nguyên liệu đó làm duy nhất một điếu thuốc lá thì nó sẽ cao hơn 4km.
Mỗi điếu thuốc lá sẽ đưa 10 miligram các hỗn hợp hóa học vào phổi. Với số lượng thuốc lá loài người hút, số lượng chất hóa học di cư đến phổi mỗi năm này sẽ cần 6000 toa tàu hàng để chở.
Có khoảng 1 tỉ người hút thuốc trên thế giới (gần 15% dân số). Con số 15% này có xu hướng chững lại thời gian gần đây. Tuy tỉ lệ dân số sử dụng thuốc lá chững lại nhưng liều lượng trung bình lại tăng dần đều. Nếu năm 1900 trung bình mỗi người nghiện thuốc tiêu thụ 54 điếu thuốc mỗi năm thì năm 2010, con số này là 1500 điếu.
Thuốc lá là nguyên nhân trực tiếp, gần như là duy nhất (các nguyên nhân thứ yếu là virus, di căn...) của ung thư phổi và là nguyên nhân gián tiếp của 14 loại ung thư khác. Riêng ung thư phổi gây ra cái chết của từ 20 đến 30% tổng số ca tử vong vì ung thư.

Nghe nguy hiểm thế sao người ta vẫn hút?

Bởi vì hút thuốc là cách đơn giản, tiện dụng và phù hợp trong một số hoàn cảnh nhất định để giải tỏa stress. Trong guồng máy lao động 8-5 của thời đại công nghiệp, thuốc lá là thứ giải trí/tiêu khiển dễ thực hiện. Nó giống như một vài phút giải tỏa trong chuỗi dài công việc.
Nếu so sánh với các hình thức giải tỏa bằng chất kích thích khác, rõ ràng hút thuốc lá nhanh gọn và... hợp pháp hơn. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng mức độ hưng phấn/thư giãn (tỉ lệ thuận với mức độ dopamine tiết ra trong não) của các chất có cồn và thuốc lá bằng một nửa đến xấp xỉ mức độ khi có quan hệ tình dục, và bằng một phần ba đến một phần mười mức độ khi bạn sử dụng các sản phẩm từ Cocaine hay Meth [1]. Giả sử như lúc 10h sáng, sau một cuộc họp căng thẳng mà bạn muốn giải lao/giải tỏa thì có những cách thức nào? Bạn không thể uống rượu/hút cần. Bạn cũng chưa tu tiên đến độ chỉ cần nhắm mắt-tĩnh tâm-rồi mọi thứ sẽ ổn. Bạn cũng không muốn quẹt ngang quẹt dọc, nói chuyện thông minh, rồi tốn tiền và thời gian cho những công đoạn lằng nhằng. Cuối cùng thì hiệu quả cũng chỉ như một vài điếu thuốc lá (!?). Có lẽ đây là lí do mà phim ảnh cổ điển hay có cảnh những người đàn ông ngồi trong tĩnh lặng thở khói mịt mù như này:
Cảnh trong phim God Father
Cảnh trong phim God Father
Một nghiên cứu chỉ ra rằng 90% số người nghiện thuốc lá bắt đầu từ khi còn đi học, và 75% trong số này phụ thuộc vào thuốc lá cho đến hết cuộc đời. Thống kê cho thấy lí do bắt đầu chủ yếu là bị tác động bởi môi trường (xung quanh có nhiều người hút thuốc, phim ảnh, ảnh hưởng từ bạn bè...) Điều này cho thấy nguy cơ của ngành truyền thông/giải trí đối với các đối tượng dễ bị tổn thương như trẻ em. Ở tuổi thiếu niên, thứ/cách thức đầu tiên chúng ta dùng để giải trí có thể trở thành tính cách hoặc cái án chung thân của cuộc đời mỗi người.

Nicotine và cây thuốc lá

Thứ làm chúng ta say đắm thuốc lá là Nicotine. Nicotine là một thành phần trong cây thuốc lá, có tác dụng tự nhiên nhằm giúp cây thuốc lá chống chọi với sâu bệnh, và vì thế, được coi là "thuốc trừ sâu thực vật" để lại nơi nó hoạt động như một loại thuốc trừ sâu thực vật. Khối lượng của Nicotine chiếm khoảng 1,5% khối lượng của 1 điếu thuốc lá thương mại. Trước khi điếu thuốc lá trở nên phổ biến, có nhiều hình thức để hấp thụ Nicotine như nhai, ngậm... Do các hình thức này thông qua đường tiêu hóa nên thời gian tác dụng lâu. Đến thế kỉ 18, hình dạng điếu thuốc như hiện nay dần trở nên phổ biến. Lí do cho sự phổ biến này là công thức để trộn Nicotine với các loại phụ gia/chất hóa học khác, nhằm làm giảm thời gian Nicotine tác động vào cơ thể. Ở thời kì đầu, lá và rễ cây thuốc lá được phơi khôi, băm nhỏ, rồi trộn với nhựa thông, tạo thành các "viên thuốc". Những viên thuốc này được đốt trong các tẩu thuốc, trở thành hình ảnh quen thuộc trong giới quý tộc Châu Âu.
Sherlock Holmes (BBC)
Sherlock Holmes (BBC)
Điều thuốc có hình dạng như ngày nay được thành hình vào thế kỉ 19. Trước đó, các điếu thuốc dạng cuộn không được chào đón trên thị trường do có giá thành cao. Phải đến năm 1864, khi cái máy cuộn thuốc lá tự động đầu tiên ra đời, thuốc lá mới thật sự bùng nổ. Một phát minh quan trọng trong ngành công nghiệp thuốc lá là giấy cuộn nhân tạo, được phát minh vào đầu thế kỉ 20. Trước thời điểm này, điếu thuốc được cuộn bằng lá cây thuốc lá ngâm dầu rồi phơi khô, nên khó bảo quản và vận chuyển đường dài. Hệ thống tự động và giấy cuộn nhân tạo đã tạo nên bộ mặt thuốc lá ngày nay, một ngành công nghiệp trị giá gần 60 tỉ đô la vào năm 2020.
Hình ảnh máy cuộn thuốc lá đầu tiên
Hình ảnh máy cuộn thuốc lá đầu tiên
Giấy cuộn bọc ngoài giúp điếu thuốc cứng cáp hơn
Giấy cuộn bọc ngoài giúp điếu thuốc cứng cáp hơn

Nicotine: Lên nhanh xuống nhanh

Nicotine trong thuốc lá hấp dẫn bởi yếu tố nhanh, gọn, tiện lợi... tuy nhiên có một tác nhân cũng đóng phần không nhỏ vào sức hút của Nicotine: đó là ít hoặc hầu như không có tác dụng phụ trong thời gian ngắn. Chúng ta thường nghe nói đến tác dụng nhãn tiền khi sử dụng các chất kích thích: đau, mỏi, mất cảm giác, ăn không ngon, ngủ không yên... Tuy nhiên điều này không hoàn toàn đúng. Có nhiều loại chất kích thích hầu như không có tác dụng phụ rõ ràng lên cơ thể. Điều này vô hình chung làm con người lạm dụng và phụ thuộc vào chúng. Ở đây có thể kể đến các dòng thuốc an thần. Hoặc các sản phẩm ma túy được tinh chế (sẽ được nói kĩ hơn ở các phần sau).
Khi chúng ta sử dụng thuốc lá, chỉ tầm mười giấy là Nicotine "thấm" qua khí quản hòa vào máu. 30 giây sau số Nicotine này lên đến não, kích hoạt não giải phóng dopamin. Adrenaline cũng đồng thời được giải phóng, tăng nhịp tim và giản nở đường hô hấp. Tác dụng mạnh nhất trong vòng 3 phút đầu và mất dần trong 30 phút tiếp theo, khiến người hút thuốc bắt đầu có khao khát hút thêm ở thời điểm này.
Biểu độ thể hiện mực độ giải phóng Dopapin của bốn chất: Amphetamine, Cocaine, Nicotine và Morphine. Có thể thấy đặc điểm của Nicotine (và cũng của Amphetamine) là đường dựng đứng "thẳng cột cờ" (aka: lên nhanh xuống nhanh) chứ không uốn lượn mĩ miều như một vài chất khác. Điều này tạo nên tính chất của việc nghiện Nicotine: Luôn kích thích mong muốn được lặp lại trong thời gian ngắn. Bộ não sẽ luôn yêu cầu/mong mỏi chúng ta hút thêm điếu thứ hai, thứ ba... để giữ mức độ "phê pha" luôn trên đỉnh như vậy.

Thứ thực sự ảnh hưởng đến sức khỏe

Chúng ta có thể thấy rằng Nicotine được dùng như thứ gây nghiện, và khác biệt với các thể loại nghiện "lành mạnh" khác như tập Yoga, làm từ thiện... việc nghiện Nicotine đi kèm với hành động hút thuốc lá sẽ đưa vào cơ thể chúng ta nhiều chất hóa học độc hại. Mỗi điếu thuốc đưa vào cơ thể chúng ta gần 10 mg hợp chất, trong đó chỉ có 1mg là Nicotine. Cái 1mg này làm chúng ta phê pha và quên đi (hoặc bất chấp) sự hiện diện của 9 mg còn lại. 9 mg âm thầm này có hai tác dụng: (1) là làm tăng sự phê pha và nhanh chóng của 1 mg Nicotine kia và (2) là làm giảm tuổi thọ chúng ta, theo những cách đau đớn có thể.
Đã có ít nhất 70 hợp chất trên tổng số 7357 hợp chất tìm thấy trong thuốc lá được thừa nhận gây hại cho sức khỏe người dùng. Có thể kể tên một vài hợp chất như Benzene, Acrolein (Propenal), Aromatic Amin...Các hợp chất này đều bị cấm dùng trong thực phẩm, nhưng thuốc lá thì không. Thế mới biết các công ty thuốc lá có hậu thuẫn/chống lưng mạnh đến thế nào.