Tôi vẫn nhớ có lần vào nhà sách Tri Văn ở một con hẻm trên đường Điện Biên Phủ. Lúc đang lựa sách bên kệ, tôi nghe hai cậu sinh viên, tay cầm vape hít rồi nhả khói, bàn với nhau về Wittgenstein hay Lacan, với những cái tóm lại ngắn gọn “ông này nói về cái này”, “ông kia nói về cái kia”, “bọn trong cái group đó là bọn neo-Marxist”, ”ông triết gia này dở ở chỗ này chỗ này”, “Foucault muốn đọc thì phải thế này thế này”...
Điều tôi nói ra đây có thể đầy cảm tính: Cái hình ảnh đó bày ra cho tôi một thái độ điển hình trong việc đọc và bàn luận về triết học ở thời buổi này, mà có người đã gọi tên là cái truyền thống “quán nước vỉa hè”, một thứ sa-lông văn hóa của những con người tự mãn rằng mình đã hiểu thấu triệt hết toàn bộ cái ý tưởng mà mấy ông triết gia đã dành cả đời mình để suy nghĩ, và rốt lại thì mấy ông ấy “cũng chỉ có vậy”. 
Hôm nọ tôi có xem một cái reading list của một nhân vật khá đình đám hay bàn về Deleuze, thì các title đều là tiếng Anh, nhưng chính người ấy còn không lưu tâm xem là bản dịch đó là bản dịch từ tiếng Pháp, tiếng Đức hay tiếng Đan Mạch sang tiếng Anh của ai, in lần đầu năm nào, tái bản năm nào, có những hiệu đính gì, so với bản dịch trước và sau nó thì nó được đánh giá thế nào. Nghĩa là, cách tiếp cận văn bản của người này theo kiểu chỉ cốt nắm lấy cái ý tưởng của văn bản, mà quên mất rằng chính những thứ hết sức cụ thể thuộc về dịch thuật và xuất bản lại tạo ra những nhầm lẫn trong tiếp nhận. Chẳng hạn, cái phiên bản dịch khái niệm “Vorstellung” của Schopenhauer phổ biến nhất ở Việt Nam là “biểu tượng”. Theo đó, cuốn Die Welt als Wille und Vorstellung dịch là Thế giới như ý chí và biểu tượng. Nhưng như vậy có đúng không? Thực ra, Schopenhauer muốn nói về gì khi dùng từ “Vorstellung”?
Nhưng những nhân vật nổi lên như một gương mặt đọc thiên kinh vạn quyển kiểu vậy thì lại chẳng ai đi bắt bẻ. Những người chưa đọc thì chẳng biết gì để bắt bẻ, mà chỉ cần like và share thôi cũng cho họ cảm giác là mình đang dự phần vào một cái gì đấy cao siêu tinh túy lắm. Những người đã tìm hiểu rất kỹ thì lại thấy chẳng biết phải bắt bẻ chỗ nào, vì có quá nhiều nhầm lẫn mà chẳng biết phải gỡ từ đâu. Những người bắt bẻ thì thường lại là những người đọc cũng chỉ cỡ đó nhưng lại đố kỵ, muốn rằng mình đúng người kia sai.
Cái tôi muốn nói ở đây không phải là tẩy chay hay phê phán, mà tôi muốn trình bày ra một thái độ khác trong tiếp cận và nghiên cứu triết học, khác hẳn với thái độ “ăn trên ngồi trốc”, đọc sparknotes, xem The School of Life, rồi cho rằng mình đã sắp xếp ổn thỏa ông này bà kia trong tâm trí.
Đó là cái thái độ mà khi càng tìm hiểu kỹ về gốc tích của các tài liệu, không vu khoát mà rất cụ thể về ngày tháng, về số trang, về tên tuổi và hành trạng của dịch giả hay nhà sưu tầm, tôi nhận ra. 
Những thảo luận của Plato hay Aristotle chẳng hạn, cũng trong một sự liên tục với những triết gia thời trước đó, gọi một cách khách quan là early Greek thinkers, mà gọi một cách phổ biến là pre-socratic philosophers. Để biết được những con người đó từng nói những gì, ở đâu, khi nào, những nhà nghiên cứu như Hermann Alexander Diels hay Walther Kranz đã phải sưu tầm bút tích, di cảo của họ trên những tờ giấy papyrus xỉn màu, mất chữ, rách bươm rồi học tiếng Hy Lạp để dịch ra từng câu một với sự trung thành tuyệt đối với nguyên tác, nhằm giữ đúng ý tưởng của tiền nhân. Họ chú thích, họ đánh số, họ trích dẫn, làm việc đó với một thái độ tôn trọng, tỉ mỉ, cần mẫn, mà có khi mất mấy chục năm trời, thậm chí cả đời để hoàn tất.
một văn bản được cho là ghi lại lời của Plato
một văn bản được cho là ghi lại lời của Plato
Họ làm vậy để bù đắp những hạn chế của doxography, của việc đọc về người thời trước qua lời giới thiệu của Plato hay Aristotle. Vì cách làm như vậy giản lược một cách tàn nhẫn những di cảo của tiền nhân. Aristotle chẳng hạn, nhìn nhận một cách đơn giản Thales và pre-socratic philosophers như những người mà thành tích đáng kể nhất họ làm được là cố gắng nắm bắt thế giới bằng những loại vật chất, như nước, khí, lửa. Và chính cách nhìn nhận đó của Aristotle đã ảnh hưởng mạnh mẽ lên cách nhìn nhận của người đời sau. 
Việc tìm hiểu triết học, nếu muốn cặn kẽ và chính xác hơn, nhất thiết phải liên quan đến tìm hiểu về chính những văn bản triết học. Và đồng thời, nên tránh giản lược hóa sự nghiệp của bất kỳ một triết gia nào, tránh xem họ là kém hơn hoặc ưu việt hơn người khác, mà phải nhìn nhận họ trong cái tổng hòa phức tạp của thời đại, của bối cảnh xã hội mà họ sống, có như vậy mới hòng tạo ra được một bài sử khác cho triết học, dù là phương Tây hay phương Đông.
Đó là một công việc của rất nhiều nỗ lực, không có gì huy hoàng, mà lặng lẽ và chịu đựng, và trên hết là rất đáng kính. Toàn bộ những người về sau, dù là Hobbes hay Descartes đều được đặt để trong một sự liên tục của các ý tưởng; Đọc một người là mình lại phải tìm về người mà họ đọc, để đối chiếu với cách hiểu của người mà mình đọc về người mà họ đọc. Đó còn là sự nghiêm cẩn, đứng đắn. Và trong hai thái độ, cá nhân tôi tôn trọng hơn cái thái độ thứ hai.
Đọc thêm: