Đây chỉ là những chia sẽ rất nhỏ bé của mình về tiểu thuyết của Victor Hugo
Tình yêu là gì? Câu hỏi này có lẽ chẳng bao giờ được trả lời một cách đầy đủ cả. Nếu những câu trả lời là những mảnh ghép của một bức tranh “tình yêu” toàn thể, thì các mảnh ghép ấy không bao giờ lấp đầy. Vậy thì tại sao chúng ta làm cố gắng đi tìm câu trả lời thật chính xác làm gì? Liệu có cách nào khác để hiểu được tình yêu hay không? 
Mình đọc qua rất nhiều tựa sách và tiểu thuyết về tình yêu, trải qua hàng tá cung bậc cảm xúc của các đôi uyên ương quấn lấy nhau, rồi vội chia xa vội vã. Mọi cuốn tiểu thuyết tình yêu đều có mô típ như vậy, đôi lúc mình cảm thấy chán ngán, mình nghĩ rằng có lẽ mình hiểu được tình yêu rồi. Mãi một thời gian sau này, ở cái tuổi 25, không quá già và cũng không còn trẻ nữa. Cuộc đời cũng ban phát và cũng lấy đi các mối tình, những câu hỏi về tình yêu lại đến. 
Nhà thờ Đức Bà Paris đến với mình như vậy đấy. Những nghi vấn về tình yêu nói riêng, và tình người nói chung cuối cùng đã tìm được câu trả lời, và mình cảm thấy thoã mãn với nó. 

Victor Hugo đưa chúng ta về với nước Pháp thế kỉ XV-XVI. Ở cái thời gian mà hầu như mình nghĩ các bạn trẻ của chúng ta đều cảm thấy xa lạ. Thành đô Paris đẹp đẽ tráng lệ với những kiến trúc Gothic đặc trưng, nhưng cùng lúc nó cũng khoác lên màu u tối cho những kiếp người. Tác giả dẫn chúng ta đi thật sâu vào bối cảnh lịch sử, sự thay đổi và phát triển của kiến trúc, thơ ca, những con người từ lãnh chúa cho tới nô lệ. Với một người lần đầu tiếp xúc với tiểu thuyết của Victor Hugo, chỉ có một từ là choáng ngợp trước toàn cảnh mà tác giả miêu tả qua những con chữ. Đôi lúc mình cảm thấy đọc cuốn tiểu thuyết này khá nặng nề, vì mình không am hiểu nhiều về mặt lịch sử hay diễn biến của nước Pháp thời đó. Mình xin mạn phép dừng lại ở toàn cảnh và mô tả phần cốt truyện chính mà thôi. 
Quay lại cái thành phố Paris đáng nguyền rủa này, một thứ mà mình bắt đầu cảm nhận ngay từ những trang đầu tiên là một thành phố hỗ lốn, từ những lãnh chúa, thầy tu, pháp quan cho đến những thường dân bình thương, loại hạ đẳng ăn mày hay loại đầu trộm đuôi cướp. Mọi thứ trộn chung vào một nồi lẩu “thành phố Paris”. Và nhờ chính cái nồi lẩu đầy sự tầm thường đấy, Victor Hugo trao cho người đọc một cái đẹp, một cái đẹp mà mình nghĩ là tác giả đã dụng ý đẩy nó vượt xa khỏi mức tầm thường, đi ra khỏi cái chuẩn mực đẹp đẽ trần tục. Chính là nhân vật Esmeralda, cô gái Ai Cập, gót chân nàng thoăn thoắt trên phố phường Paris. Dáng điệu nàng lướt nhẹn cùng những điệu nhảy, cái không gian cũng nghiêng mình im lặng trước nàng. Ánh nắng của tuổi đôi mươi vươn cành nhẹ bỗng, cho đi những hoá trái ngọt ngào, vuốt ve từng mảnh đời khốn khổ. 

Tình yêu có thể đưa bạn đến bậc thềm thiên đường, nhưng có thể cũng sẽ đẩy bạn xuống hố sâu địa ngục
Và ở đâu đó nơi toà tháp nhỏ trông xuống quảng trường của nhà thờ Đức Bà. Hai bóng người nhìn xuống sinh vật đẹp đẽ ấy một cách ngưỡng mộ, hồ như nhen nhóm trong họ một cảm xúc, có lẽ đã mất từ lâu. Tình yêu. 
Họ đâu có biết rằng, khoảnh khắc họ nhìn thấy nàng cũng là lúc cái thảm đỏ tình yêu được kết bằng hoa hồng nhưng cũng đầy gai nhọn đang chờ họ. Hai con người - hai số phận khác nhau, giao nhau tại một điểm được gọi là định mệnh. 
Giám mục Claude Frollo và Thằng gù Quasimodo
Mình thật sự không muốn tiết lộ cho các bạn những tình tiết về sau, và mục đích của bài chỉ là cảm xúc cá nhân của mình về tác phẩm. Với mình, mình đọc tác phẩm với một tâm thái vô tư, có thể sau này khi bạn đến hồi kết của truyện, ai có lẽ cũng sinh ra ý nghĩ phán xét về thứ tình yêu của họ. Nó sai hay đúng? Nó hèn hạ hay cao cả? Nhưng mình nghĩ rằng, hãy tha thứ cho họ, từng nhân vật trong câu chuyện (trừ một người). Vì bản chất tình yêu là mù quáng.