Nhà nghiên cứu ở đâu trong nghiên cứu của chính mình?
Nhận ra tính chủ thể của nhà nghiên cứu, chứ không phải tảng lờ nó, khẳng định tinh thần phản tư của khối nhân văn.
Nhận ra tính chủ thể của nhà nghiên cứu, chứ không phải tảng lờ nó, khẳng định tinh thần phản tư của khối nhân văn.
1. Xác định một điểm nhìn
Như chúng tôi đã nhấn mạnh trong nhiều bài viết nhập môn trước, điểm khiến Nhân văn khác biệt so với các ngành khoa học khác đấy là việc nhà nghiên cứu không lẩn trốn việc diễn giải của mình không thể khách quan, mà chúng luôn có những thiên kiến riêng được tạo ra bởi bối cảnh họ đang sống.
Không giống như tiếp cận với hòn đá và nhà nghiên cứu có thẩm quyền tuyệt đối với việc lên tiếng thay cho hòn đá đó vì nó không biết nói, trong Nhân văn, nhà nghiên cứu là một phần thuộc về vấn đề và cộng đồng họ nghiên cứu. Vì vậy, họ phải giải trình xem mình đứng ở đâu và có thẩm quyền gì trong việc quan sát, lắng nghe, và phân tích cuộc sống của người khác.
Các nhà nghiên cứu thường xây dựng điểm nhìn của mình dựa trên ba cân nhắc về triết học: Cân nhắc Bản thể luận (Ontological considerations), cân nhắc Nhận thức luận (Epistemological considerations) và cân nhắc Đạo đức luận (Ethical considerations). Các cân nhắc này trả lời được những câu hỏi như:
- Bạn nghiên cứu về điều gì? Vì sao điều đó quan trọng?
- Bạn và vấn đề nghiên cứu có quan hệ với nhau như thế nào?
- Nhà nghiên cứu hướng đến giá trị nào khi thực hiện công trình của mình?
2. Bản thể luận
Cân nhắc Bản thể luận quan tâm đến một học thuyết về bản chất của sự tồn tại của thực tiễn cuộc sống và chủ thể nghiên cứu. Nó đặt ra những câu hỏi như: Cái gì tồn tại? Bản chất của sự tồn tại là gì? Đâu là những quy luật áp dụng được cho những sự vật/hiện tượng có thật? Có nhiều cách để trả lời những câu hỏi này, nhưng hai hướng tiếp cận mâu thuẫn nhau, tạo ra sự phân tách giữa ngành Nhân văn và các ngành khoa học khác là Chủ nghĩa Kiến tạo (Constructivism) và Chủ nghĩa Quy chất (Essentialism).
Chủ nghĩa Quy chất cho rằng xã hội loài người vận hành dựa trên những bản chất và quy luật khách quan, ổn định. Trong xã hội đó, cộng đồng người có những phẩm chất cốt lõi, vốn có, vĩnh cửu, không thể thay đổi, và có thể được phát hiện thông qua những nghiên cứu về giới tính, chủng tộc, dân tộc, nguồn gốc quốc gia, xu hướng tính dục và giai cấp.
Đây là nền tảng bản thể luận mà các nhà Nhân văn không đồng tình. Phê phán Chủ nghĩa Quy chất, nhóm ngành Nhân văn cho rằng những khẳng định về bản chất khách quan của loài người thực tế xuất phát từ những tiền giả định đã có sẵn trong trải nghiệm, văn hoá và ngôn ngữ của nhà nghiên cứu. Nói cách khác, đi theo lối tư duy quy chất luận, họ về cơ bản chỉ đặt ra một giả định và phát hiện xem thực tiễn có gì trùng khớp với cái trong đầu họ, thay vì trực tiếp tương tác với đời sống.
Điển hình cho lối nghĩ nay là cách thức nghiên cứu dân tộc học của người châu Âu về người dân xứ thuộc địa vào thế kỷ XVIII, XIX. Thay vì tham gia vào hội thoại và nỗ lực thấu hiểu đời sống của người dân bản địa, các nhà dân tộc học quan sát từ xa và sử dụng thuyết nhân quả để nhận định về đối tượng nghiên cứu, rằng với những đặc điểm cơ thể và nhân trắc học khác với người phương Tây, dân bản địa có sức khoẻ vật lý và trí tuệ thấp kém hơn người phương Tây. Vì lẽ này, công cuộc “khai sáng văn minh” của thực dân là tối cần thiết.
Nền tảng Bản thể luận mà các nhà Nhân văn có thể đồng ý với nhau là Chủ nghĩa Kiến tạo. Nó cho rằng thực tiễn xã hội được kiến tạo nên thông qua quá trình tương tác giữa người với người, giữa người với môi trường xung quanh, vì thế nó không tách rời khỏi tính chủ thể (subjectivity) và liên chủ thể (inter-subjectivity) của con người. Vì lẽ này, mô hình xã hội liên tục được tạo ra từ sự sản xuất của các hệ thống ý nghĩa trong đời sống giao tiếp và sản xuất của con người.
Chủ nghĩa Kiến tạo trong Nhân văn đặc biệt chịu ảnh hưởng bởi Hiện tượng học (Phenomenology) - nghiên cứu về những kinh nghiệm có ý thức của con người. Những học giả chịu ảnh hưởng của Hiện tượng học bắt đầu với những câu hỏi mà mới đầu ai cũng nghĩ là dở hơi, như: Vì sao ta lại coi cái bàn này màu nâu? Vì sao cảm giác của chúng ta, như thính giác và xúc giác, đã làm cho ta tin rằng ta đã sờ và cảm thấy chính cái bàn đó chứ không phải cái bàn khác? Cảm giác tự thân nó là cái gì? Ý nghĩ có nghĩa là gì?
Công trình The Social Construction of Reality của Peter Berger và Thomas Luckmann nêu rõ lập trường của Chủ nghĩa Kiến tạo như một phương pháp luận. Hai tác giả đã tập trung chất vấn những gì chúng ta coi là lẽ thường và tồn tại khách quan như tri thức và thực tại, cho rằng thực tại, hay cái có thật, đã được kiến tạo thông qua màng lọc của ngôn ngữ và văn hoá, và trở thành tri thức liên chủ thể của cộng đồng trong quá trình tương tác.
3. Nhận thức luận
Nhận thức luận là học thuyết về bản chất, nguồn gốc và những giới hạn của tri thức con người. Nhận thức luận quan tâm đến mối quan hệ giữa cái được biết và người biết, và đây cũng là điểm các học giả theo Chủ nghĩa Quy chất và Chủ nghĩa Kiến tạo không chia sẻ chung một lập trường.
Những người theo Quy chất luận xây dựng nền tảng Nhận thức luận của mình dựa trên Chủ nghĩa Thực chứng (Positivism). Chủ nghĩa Thực chứng là một học thuyết trong đó nhà nghiên cứu tự gói mình vào những dữ liệu kinh nghiệm và trải nghiệm họ thu thập và phân tích bằng lý tính khi tương tác với thế giới xung quanh. Nói cách khác, các nhà thực chứng cho rằng những tri thức đúng phải được kiểm nghiệm thực tế thông qua sự xác thực bằng phương pháp khoa học.
Có thể thấy một sự ngầm giả định trong chủ nghĩa Thực chứng rằng có những bản chất và quy luật vận hành ngầm của xã hội mà nhà nghiên cứu có thể tiên đoán trước, “truy cập” và diễn giải bằng khoa học. Vì vậy, những nghiên cứu thực chứng thường được viết theo lối diễn dịch, nghĩa là bắt đầu từ lý thuyết tới giả thuyết, quan sát nghiên cứu và cuối cùng là khẳng định. Phương pháp nghiên cứu của Chủ nghĩa Thực chứng thường là định lượng, logic và trọng số liệu, còn tính chủ quan của nhà nghiên cứu chỉ được tính đến như “lỗi kĩ thuật”.
Đứng trên bình diện tri thức có tính chất hoài nghi về các giới hạn của người nghiên cứu, các học giả Kiến tạo luận ủng hộ nền tảng Nhận thức luận của Chủ nghĩa Duy nghiệm (Empiricism). Các nhà Duy nghiệm cho rằng nguồn gốc chính yếu của tri thức đến từ những trải nghiệm của con người, đặc biệt là những trải nghiệm đến từ thân thể. Như vậy nó đã không lược đi tính chủ thể của nhà nghiên cứu, đồng thời chấp nhận những giới hạn của con người trong việc diễn giải thế giới khách quan.
Chủ nghĩa Duy nghiệm từ chối sự tồn tại của một thực tiễn khách quan mà nhà nghiên cứu có thể diễn giải trọn vẹn, và chấp nhận rằng người diễn giải luôn là một phần của thực tiễn và ngược lại, như vậy công việc của học giả là khai mở nhiều hơn một khả thể của thực tiễn. Thay vì nhìn hiện thực như một mô hình duy lý sẵn có nằm trên lý thuyết của nhà nghiên cứu, Chủ nghĩa Duy nghiệm triệt để không bỏ qua tính chất bất ngờ của trải nghiệm cũng như chấp nhận rằng những “sự thật” trong nghiên cứu là có tính lịch sử, chúng sinh ra và chết đi cùng lịch sử.
Những nghiên cứu duy nghiệm thường được viết theo lối quy nạp, tức là bắt đầu từ sự quan sát và trải nghiệm, sau đó đi tìm những hình thái và bình diện lý thuyết có thể đối thoại với trải nghiệm của mình, và kết thúc bằng những đóng góp về lý thuyế. Phương pháp nghiên cứu của Chủ nghĩa Duy nghiệm thường là định tính, đề cao tính tự sự, hội thoại và thấu hiểu, và nhà nghiên cứu được xem như không tách rời khỏi thực tiễn.
4. Đạo đức
Với những bất đồng lớn trên cả hai phương diện Bản thể luận và Nhận thức luận, giới nghiên cứu tiếp tục bất đồng gay gắt khi đề cập đến cân nhắc Đạo đức luận. Câu hỏi đặt ra ở đây là có hệ thống giá trị đạo đức tồn tại vĩnh cửu, khách quan hay không? Hay nó luôn thay đổi dựa trên không
Những người theo Chủ nghĩa Quy chất cho rằng có một hệ thống đạo đức phổ quát có thể áp dụng ở mọi nơi, bất kể sự khác biệt về văn hoá và ngôn ngữ qua các vùng miền khác nhau. Lập trường này thật dễ hiểu, vì họ cũng cho rằng có sự tồn tại của một sự thật duy nhất về thế giới khách quan, và đạo đức nằm trong số đó. Họ thường phê phán các nhà Nhân văn theo chủ nghĩa Kiến tạo là những người theo Chủ nghĩa Tương đối Đạo đức (Moral Relativism), tức là cho rằng đánh giá đúng/sai phụ thuộc vào văn hoá và bản sắc của từng cộng đồng, chứ không có tiêu chuẩn đạo đức phổ quát.
Lời phê phán gay gắt hơn nhắm tới ngành Nhân văn là nếu như họ hoài nghi sự tồn tại của một thực tại khách quan, phổ quát, phải chăng họ là những người Hư vô Chủ nghĩa (Nihilist), tức là không đặt niềm tin vào bất kỳ điều gì và không hề có cam kết đạo đức trong nghiên cứu?
Dĩ nhiên là nhận định trên bị phản bác. Với nhãn quan tất định luận xã hội (social determinism), các nhà Nhân văn cho rằng bất cứ con người nào tồn tại bên trong một xã hội cũng đều không thể không cam kết với một hệ thống đạo đức nhất định, bởi lẽ họ bị trói buộc trong ngôn ngữ. Vì giá trị đạo đức thì đều đã đan quyện vào ngôn ngữ và được thực hành trong những mối quan hệ xã hội. Nhiều học giả Kiến tạo luận còn tuyên bố vị trí của mình là tuyệt đối đạo đức. Tức là, họ không dễ dàng đồng thuận với một tiêu chuẩn đạo đức sẵn có, mà liên tục tự chất vấn để làm rõ vấn đề về sự chênh lệch cơ hội, đặc quyền và rủi ro giữa kẻ yếu và kẻ mạnh. Câu hỏi nghiên cứu của họ vì vậy luôn mang những mệnh lệnh đạo đức.
Michel Foucault là một trong những triết gia làm rõ khía cạnh đạo đức của các nghiên cứu vị văn hoá trong Nhân văn bằng cách gọi con người là “chủ thể có tính đạo đức” (ethical subject). Foucault cho rằng những quy định đạo đức và luân lý được cho là “khách quan” được sinh ra và thay đổi theo từng thời kỳ lịch sử, khi những thiết chế xã hội có chức năng quản lý con người nối tiếp nhau được xây dựng nên và bị phá huỷ.
Dẫu vậy, chủ thể con người không thể nào vượt thoát khỏi hệ hình đạo đức của thời đại mình, vì họ tồn tại bên trong lịch sử và bên trong thời gian. Tuy vậy, là những “chủ thể đi tìm tự do” (freedom-seeking beings), con người kháng cự lại tiêu chuẩn xã hội bằng cách khẳng định những giá trị đạo đức từ nội tại của mình. Đạo đức nội tại này được nhào nặn nên thông qua hằng hà sa số những tương tác và trải nghiệm sống ở đời của từng cá nhân. Không có trải nghiệm của ai là giống nhau hoàn toàn, vì vậy giá trị đạo đức xuất phát từ chủ thể và giá trị được áp đặt từ xã hội luôn có khoảng cách. Hai luồng giá trị đạo đức trên đối thoại với nhau ở từng chủ thể con người.
Như vậy, từ câu hỏi “Đâu là những yếu tố cho phép chúng ta thay đổi chính mình và trở thành những chủ thể đạo đức?” mà Foucault đã đặt ra, nhà nghiên cứu có thể thấu hiểu đạo đức trên tất cả các bình diện lịch sử-văn hoá-xã hội của nó. Xem xét toàn bộ những bình diện trên, họ có những cam kết đạo đức trong việc đảm bảo sự cất tiếng của những cộng đồng thiểu số và yếu thế, vốn khả thể đi tìm tự do luôn bị hạn chế so với những nhóm khác.
Hoài nghi lớn nhất được đặt ra cho Nghiên cứu Văn hoá và các ngành Nhân văn vị văn hoá vẫn là mối quan hệ thân mật của các ngành này tới Chủ nghĩa Tương đối (Relativism), vốn là một lập trường bị cho là cải lương và không đưa ra được nhận định gì có giá trị (A cũng đúng và B cũng đúng). Clifford Geertz đã phản pháo nhận định này bằng cách chỉ ra rằng cách sử dụng cụm từ “chủ nghĩa tương đối” của nhiều học giả đã trở nên quá xáo rỗng và không có ý gì khác ngoài tấn công.
Geertz cho rằng chúng ta cần phải chấp nhận rằng có những văn hoá khác biệt, với những hệ giá trị và lối sống khác biệt hoàn toàn so với lối sống và trải nghiệm của phương Tây – nơi các ngành hàn lâm nói trên ra đời. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là cổ xuý Chủ nghĩa Vùng miền (Provincialism) mà thay vào đó, nhà nghiên cứu phải là chất xúc tác cho các đối thoại, cổ vũ sự thấu hiểu giữa con người thuộc về những miền văn hoá khác nhau.
Nhà nghiên cứu chỉ có thể thấu hiểu cộng đồng mình nghiên cứu về khi đã đắm mình và trở thành một phần của lối sống thường nhật của cộng đồng. Nghiên cứu của họ là tự sự về những trải nghiệm của kẻ thông ngôn (vừa là người ngoài, vừa là người trong cuộc), tạo ra đối thoại và tôn trọng tính tự chủ của người trong cuộc, thay vì nói thay lời người trong cuộc.
5. Kết luận
Về cơ bản, xác định tính vị trí bên trong một nghiên cứu, một lời nói, hay đơn giản chỉ là một suy tư, là lời chất vấn vừa riêng tư, vừa kỹ thuật của người viết với chính bản thân họ. Nó là sự nhận ra, và xác định rằng ý thức và tư tưởng của chúng ta bị chi phối bởi những hệ thống cấu trúc lớn hơn mình, từ ngôn ngữ, văn hoá cho đến quyền lực. Vì vậy điều chúng tôi muốn hướng đến là rèn luyện một thái độ lưỡng lự trước khi lên tiếng.
Trong bài viết cuối cùng của series, chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng sản phẩm của 3 chúng tôi không có độ phủ rộng ở tất cả các ngành thuộc lĩnh vực Nhân văn. Vì vậy, nhóm luôn luôn mong muốn nhận được sự góp ý có tính xây dựng để hoàn thiện các bài viết của mình.
Người trong muôn nghề
/nguoi-trong-muon-nghe
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất