Nhà Glazer và Man United: Tôi đã " Hủy diệt" một đế chế như thế nào? (Phần 1)
Dưới tư cách là fan MU aka Mân Con aka MNSĐ mình sẽ không phân tích tại sao MU lại đang có phong độ tệ hại như nào mà cùng quay về quá khứ và nhìn lại nguyên nhân lớn hơn đang khiến Quỷ Đỏ rơi vào một vòng lập luẩn quẩn không lối ra.
1. Mối lương duyên " kỳ lạ"
Gia đình Glazer bắt đầu nắm toàn quyền kiểm soát United vào tháng 6 năm 2005 khi mua lại 95% cổ phần của CLB với giá 790 triệu bảng. Tuy nhiên, thương vụ này hoàn toàn không được lòng người hâm mộ của Man United vì phần lớn số tiền này được huy động chủ yếu thông qua các khoản vay được đảm bảo bằng chính CLB. Nói dễ hiểu, gia đình Glazer đã gán MU cho ngân hàng để có được khoản tiền để mua CLB này.
Tại thời điểm đó, bất chấp sự phản đối dữ dội từ những người hâm hộ việc tiếp quản MU của nhà Glazer, thì mọi thỏa thuận vẫn được giữ bí mật mà không có bất kỳ thông tin chính thức nào được đưa ra cho fan và giới truyền thông. Sau cùng, Glazer chỉ có một bản thông báo ngắn gọn trên kênh truyền thông chính thức của câu lạc bộ mà không đề cập đến các bên liên quan cũng như là chi tiết của bản hợp đồng.
Theo mình, cách truyền thông của Glazer ngay từ đầu đã có vấn đề. Họ thiếu trầm trọng những cuộc giao tiếp với những CĐV đội bóng một cách chính thức. Kể từ khi sở hữu MU, đã có rất nhiều sự không hài lòng từ những người ủng hộ CLB và các bên liên quan với ban lãnh đạo mới. Tất cả những gì CĐV biết về thông tin mới đang diễn ra tại đội bóng đều là thông qua các trang web hoặc báo chí mà không có sự giao tiếp rõ ràng nào từ BLĐ.
Công bằng mà nói, thời gian đầu dù bị các cổ động viên Quỷ Đỏ phản đối nhưng kể từ khi mua lại MU bằng "đòn bẩy" thì thành tích CLB có phần đi lên và thậm chí, trở thành một giai đoạn thành công nhất lịch sử CLB. Malcom Glazer và 6 người con của ông - Avram, Joel, Bryan, Kevin, Darcie và Edward - tất cả đều nằm trong ban giám đốc điều hành United. Mình đánh giá bước đầu trong việc quản trị MU của nhà Glazer khá thông minh. Khác với những ông chủ mới khác,thay vì muốn tạo nên dấu ấn cá nhân của mình khi tiếp quản CLB, thì gia đình Glazer biết rằng họ không hiểu gì về bóng đá cả và ở Man United đang có sẵn một người hiểu đội bóng như trong lòng bàn tay đó là Sir Alex Ferguson. Do đó, trong 8 năm kể từ khi tiếp quản CLB thì gia đình tỷ phú người Mỹ này chỉ gần như là một Investor đơn thuần, mọi quyết định về chuyên môn đều được giao cho Sir Alex và CEO David Gill phụ trách.
Tôi luôn cảm thấy thoải mái với tình hình của nhà Glazer. Họ thật tuyệt vời. Họ luôn ủng hộ tôi bất cứ khi nào tôi hỏi ý kiến họ. Tôi chưa từng phải đối mặt với sự khó khăn nào.
Từ năm 2005 đến năm 2013, Manchester United dưới thời Glazer dành được 5 Premier League, 3 League Cup, 1 Champions League và 1 Fifa Club World Cup. Đây là thành tích tốt nhất của một CLB Anh đạt được trong cùng thời kỳ, mà điều đáng ngạc nhiên hơn: Net Spend của Man United cho chuyển nhượng trong giai đoạn này chỉ là 201,3 triệu bảng, ít hơn khá nhiều nếu so với các đối thủ như Chelsea (460 triệu), Man City (442 triệu) hay Liverpool ( 209 triệu).
Nhưng sự tăng trưởng xét trên khía cạnh thương mại và kinh doanh mới là điểm nhấn của MU dưới triều đại Glazer. Theo Deloitte Football Money League, mùa giải 2004/2005 - mùa giải đầu tiên Glazer thâu tóm CLB, tổng doanh thu của Man United "chỉ" là 221,9 triệu bảng ( đã tính cả lạm phát) thì đến mùa 2012/2013, Man United kết thúc mùa giải cuối cùng của Sir Alex với con số là 371 triệu bảng và nằm trong top 3 CLB bóng đá giá trị nhất thế giới theo Forbes. Xét trên khía cạnh nợ, điều mà khiến nhà Glazer luôn là cái gai trong mắt các fan Quỷ Đỏ chỉ còn 389 triệu bảng vào năm 2013, con số này ấn tượng hơn rất nhiều so với mức cao nhất ở mùa 2008/2009 khi MU phải gánh 719 triệu bảng.
Sau khi trở thành nhà vô địch EPL mùa giải 2012/2013, Sir Alex Ferguson thông báo nghỉ hưu khiến các fan của Man United có phần lo lắng. Nhưng mặt khác, với tình hình tài chính rất mạnh sau nhiều năm tích luỹ, Man United hoàn toàn có thể vượt qua sự khó khăn tạm thời một cách dễ dàng. Nhưng đối với gia đình Glazer, có lẽ họ lại muốn tăng thêm độ khó cho game hơn...
2. Hậu Sir Alex - Kỷ nguyên hỗn loạn tại Nhà Hát
a. Giai đoạn 2013 - 2016
Sau khi Sir Alex nghỉ, Man United cũng mất đi CEO David Gill - người đứng sau sự thành công của Quỷ Đỏ trong thời gian qua. Trong bối cảnh đó, đa phần mọi người sẽ tư duy rằng MU nên tìm kiếm những Giám đốc kĩ thuật hay Giám đốc thể thao đã có kinh nghiệm thì Glazer đã đưa Ed Woodward - Giám đốc thương mại của Man United lúc đó trở thành CEO và có chân trong ban lãnh đạo của đội bóng. Hãy nhớ kĩ cái tên này, vì đây là một nhân tố chính góp công khiến MU từ đương kim vô địch nước Anh trở thành một kẻ thách thức... top 4 ở Premier League. Dù làm việc cho Man United từ năm 2005 nhưng xuất thân của người đàn ông sinh năm 1971 là một kế toán viên, ngay từ những ngày đầu tại Manchester ông ta cũng chỉ phụ trách vận hành về thương mại. Nói nôm na, trước khi ngồi vào ghế CEO, Ed Woodward chỉ là tay mơ trong giới thể thao.
Bất kỳ tổ chức nào đang hoạt động, dù mang tính chất lợi nhuận hay phi lợi nhuận, đều nên phải xem xét đến lợi ích và quan điểm của các bên liên quan vì họ là những người duy trì hoạt động của tổ chức. Về bản chất, các bên liên quan là động lực tạo điều kiện và cho phép tổ chức đạt được cả mục tiêu ngắn hạn và dài hạn. Manchester United có nhiều đối tác và cổ đông, tất cả đều rất quan trọng đối với sự tồn tại của câu lạc bộ. Do đó, chính sách quản lý của câu lạc bộ hay bất kỳ quyết định hoặc thông cáo nào được đưa ra đều phải vì lợi ích của các bên liên quan. Ban lãnh đạo MU không nên ngó lơ lợi ích của các cổ đông nhỏ mà theo đuổi lợi ích ích kỷ của các cổ đông lớn của đội bóng. Man United nói không ngoa, đã đi ngược lại lợi ích của các nhà đầu tư khi quyết định bổ nhiệm Ed Woodward trở thành Giám đốc điều hành dù đã có nhiều tranh cãi về background "non football" của ông. Chính điều này đã là viên gạch cuối cùng trên bức tường ngăn cách BLĐ đội bóng với CĐV và những người có liên quan đến CLB.
Mùa giải 2013/2014 bắt đầu bằng một kịch bản không thể tồi tệ hơn cho nửa đỏ thành Manchester. Cả mùa hè năm 2013, Man United dưới sự kết hợp của Ed và HLV mới là David Moyes đã chạy đôn chạy đáo để mang về những cầu thủ mới nhằm thay thế cho các trụ cột đang dần bước sang bên kia sườn dốc của sự nghiệp. Có rất nhiều ngôi sao đã được liên hệ: Thiago, Toni Kroos, Fabregas, Coentrao,... Nhưng tất cả những gì MU có thể mang về đó là cậu học trò cũ của Moyes tại Everton - Fellaini với giá 27,5 triệu bảng vào những giờ cuối cùng của thị trường chuyển nhượng (TTCN). Điều buồn cười hơn nữa ở chỗ nếu MU mua Fellaini sớm hơn 1 tháng thì số tiền mà đội chủ sân Old Trafford bỏ ra chỉ là... 23 triệu. Kết quả của mùa giải đầu tiên sau kỷ nguyên Sir Alex cũng không có gì bất ngờ, MU cán đích ở vị trí thứ 7, lần đầu tiên sau rất nhiều năm CLB phải ngồi nhà xem TV vì không có vé dự cup Châu Âu, HLV David Moyes nhận trác sa thải.
Tôi không cũng không rõ Ed là thiên tài hay là một gã hề nữa
Đó là về mặt chuyên môn, ở khía cạnh thương mại thì Man United vẫn là một tên tuổi đủ hấp dẫn đối với bất kì nhà tài trợ nào. Ed Woodward với vị trí Giám đốc điều hành đã chứng tỏ vì sao ông luôn là cánh tay phải của nhà Glazer từ khi các tỷ phú này mua lại CLB vào năm 2005. Tổng doanh thu của Quỷ Đỏ tăng ấn tượng 19% (70 triệu bảng Anh) lên mức cao kỷ lục 433 triệu bảng Anh và EBITDA (Lợi nhuận trước thuế lãi vay và khấu hao) tăng 20% (22 triệu bảng Anh) lên 130 triệu bảng Anh. Các khoản thanh toán lãi vay (Net Interest Payable) đã giảm đáng kể, gần 61% (43 triệu bảng), còn khoản lỗ trước thuế (Profit/loss before tax) 9 triệu bảng của mùa giải trước đã được cải thiện thành lợi nhuận là 41 triệu bảng. Lãi sau thuế ( Profit after tax ) dù đã giảm từ 146 triệu bảng xuống còn 24 triệu bảng nhưng lí do là năm 2012/13 MU đã được hưởng lợi từ khoản tín dụng trị giá 155 triệu bảng, phần lớn là do việc ghi nhận tài sản thuế thu nhập hoãn lại của Hoa Kỳ, đây là một trường hợp đặc biệt chỉ xảy ra một lần.
Doanh thu của Man United tăng 19% như đã nói ở trên, chủ yếu nhờ doanh thu đến từ hoạt động thương mại (Commercial) tăng 24% (37 triệu bảng) từ 152 triệu bảng lên 189 triệu bảng và doanh thu bản quyền truyền hình (Broadcasting) tăng 34% ( 34 triệu bảng) từ 102 triệu bảng lên 136 triệu bảng. Doanh thu ngày diễn ra trận đấu (Match day) thì giảm đôi chút từ 109 triệu bảng xuống còn 108 triệu bảng. Với doanh thu 433 triệu bảng của United, không quá ngạc nhiên, đây là mức cao nhất ở Anh, nhiều hơn khoảng 86 triệu bảng so với người hàng xóm Manchester City, tiếp theo là Chelsea 320 triệu bảng và Arsenal 299 triệu bảng.
Mức tăng trưởng 49% trong doanh thu tài trợ (45 triệu bảng) lên 136 triệu bảng là đặc biệt đáng chú ý, do MU đã có một số nhà tài trợ mới và gia hạn hợp đồng tài trợ với các nhà tài trợ cũ cao hơn đáng kể. Đó còn đến từ chuyến du đấu Châu Á thành công tiền mùa giải và các trận đấu quảng bá hình ảnh để mang về 11 triệu bảng vào năm 2014.
Tuy kết thúc một mùa giải 2013/2014 đầy sóng gió, nhưng với một sức khoẻ tài chính cực kì vững mạnh, NHM Quỷ Đỏ hoàn toàn tin rằng đội bóng có thể quay trở lại. Nhất là khi HLV tiếp theo của MU là Louis Van Gaal - một tên tuổi lớn trong làng bóng đá. Ngoài ra, trong giai đoạn này, đội chủ sân Old Trafford cũng đã có được một bản hợp đồng quảng cáo áo đấu cực kỳ béo bở với hãng ô tô Chevrolet của tập đoàn General Motors. Cụ thể, Man United đã ký hợp đồng 7 năm với ông lớn ngành ô tô của Mỹ bắt đầu từ mùa bóng 2014/2015. MU sẽ kiếm về cho mình 46 triệu bảng mỗi năm, tăng thêm 2,1% mỗi mùa giải sau đó và cao hơn rất nhiều nếu so với con số 20 triệu bảng mà đội chủ sân Old Trafford đang nhận từ Aon. Đáng kinh ngạc hơn, Chevrolet cũng đã trả cho United 18,6 triệu USD cho mỗi mùa giải 2012/13 và 2013/14 để... “ hỗ trợ và tiếp xúc trước tài trợ ”. Ờ thì, với một bản hợp đồng điên rồ như thế này nên không bất ngờ là Giám đốc marketing toàn cầu của GM là Joel Ewanick đã mất ghế ngay sau khi bản hợp đồng tài trợ được ký kết chỉ... 2 ngày với lí do "đã không cung cấp cho cấp trên của mình đầy đủ thông tin chi tiết về khoản tài trợ trước khi ký thỏa thuận".
Với nguồn tài chính dồi dào thì mùa hè thứ 2 của Ed Woodward trên cương vị là CEO đã diễn ra tương đối... điên rồ. Khác với mùa giải trước, MU đã chốt xong 2 bản hợp đồng từ rất sớm với Ander Herrera và Luke Shaw với giá lần lượt là 29 triệu bảng và 27 triệu bảng. Sau đó MU cũng đã mang về thêm tận 5 tân binh nữa trong đó đáng chú ý là ngôi sao Angel Di Maria từ Real Madrid với giá 59,7 triệu bảng. Tổng cộng, United đã chi ra 145 triệu bảng cho mùa Hè 2014.
Cùng với mức đầu tư "khủng" từ mùa hè, MU cuối cùng cũng đã trở lại Champions League sau 1 năm vắng mặt. Đây hứa hẹn sẽ "buff" cực mạnh cho tình hình tài chính của đội chủ sân Old Trafford. Thật vậy, Manchester United dù tụt xuống vị trí thứ ba trên bảng xếp hạng "các câu lạc bộ bóng đá kiếm tiền nhiều nhất thế giới" do đội đã vắng mặt ở các giải đấu châu Âu vào mùa giải 2014/15, nhưng MU vẫn là đội có doanh thu cao nhất ở Premier League.
Tổng doanh thu của United nhìn chung đã giảm 38 triệu bảng so với mùa giải 2013/14 từ 433,2 triệu bảng xuống còn 395,5 triệu bảng. Vì MU không tham gia Champions League hay thậm chí là Europa League nên việc chỉ có 21 ngày thi đấu tại Old Trafford so với 28 ngày của năm ngoái đã khiến cho doanh thu từ phát sóng giảm 21% xuống còn 107,7 triệu bảng và doanh thu từ trận đấu giảm 17% xuống còn 86,7 triệu bảng. Tuy vậy, doanh thu thương mại của Man United vẫn tăng trưởng 4% (7 triệu bảng) để đạt cột mốc 200,8 triệu bảng - chiếm hơn 50% tổng doanh thu của CLB. Trong đó, bản hợp đồng tài trợ quảng cáo áo đấu với Chevrolet chiếm phần lớn, ngoài ra thì với 12 nhà tài trợ khác nhau đã giúp cho doanh thu từ tài trợ tăng 14% so với năm 2014 đạt 154,9 triệu bảng. Con số này sẽ còn tiếp tục tăng lên vì Quỷ Đỏ cũng đã đồng ý ký 1 bản hợp đồng tài trợ áo đấu kéo dài 10 năm bắt đầu từ mùa giải 2015/2016 với hãng thể thao Adidas với tổng trị giá 750 triệu bảng.
Mùa Hè lại đến và cơn...điên của CEO Ed Woodward chưa dừng lại. Với sự thúc đẩy về mặt tài chính mạnh mẽ, MU đã tiếp tục đã có những sự bổ sung rất chất lượng. Dù chia tay với "bom xịt" Di Maria nhưng Woodward đã kịp mang về cho HLV Van Gaal 7 tân binh với trị giá 105 triệu bảng. Đây là mùa giải thứ 3 của CEO Ed Woodward nên chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy được sự máu lửa của người đàn ông này, dù ông ta không phải là dân bóng đá nhưng ông không hề giấu diếm khao khát xây cho MU một Galaticos, điều này không chỉ thúc đẩy thành tích sân cỏ của CLB mà nó còn hứa hẹn mang đến sự bùng nổ trên khía cạnh thương mại. Với con mắt của fan United lúc đó, dù còn hạn chế nhưng Ed Gỗ đích thị đang là idol mới nổi.
Về vấn đề này, BLĐ MU lại đang tiếp tục phạm phải những sai lầm trong quá trình điều hành CLB. Theo ý kiến cá nhân của tác giả, có lẽ làn sóng bơm tiền từ bên ngoài vào English Premier League do các chủ giàu có như Manchester City, Chelsea đã khiến các câu lạc bộ như Manchester United thường phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan khi phải buộc chi quá nhiều tiền cho các bản hợp đồng " World Class", điều này gián tiếp gây thêm gánh nặng cho đội bóng, bên cạnh các khoản nợ khổng lồ mà câu lạc bộ hiện đang phải trả hàng năm.
Điển hình là việc ký hợp đồng với Robin Van Persie từ Arsenal đã tốn một khoản lương khổng lồ và thậm chí còn gây ra những bất đồng trong ban lãnh đạo vì cầu thủ này cũng đã 29 tuổi. Do đó, dù các cầu thủ đẳng cấp thế giới có đóng góp lớn đến thành công của câu lạc bộ hay không, điều quan trọng nhất phải là cân nhắc tài chính trước để đảm bảo việc ký hợp đồng không gây nguy hiểm cho tình hình tài chính của câu lạc bộ. Hơn nữa, đã có những trường hợp CLB tốn một số tiền khổng lồ để chiêu mộ nhưng lại không chứng tỏ được khả năng và điển hình trong giai đoạn này là Angel Di Maria. Nhưng có lẽ United chưa bao giờ học được từ những sai lầm của họ.
Mùa giải 2015/2016 đáng kỳ vọng lại trở thành một cơn ác mộng của đoàn quân HLV Louis Van Gaal. Dù đã có sự đầu tư, nhưng MU đã phải dừng bước sớm tại vòng bảng của Champions League và rơi xuống chơi tại Europa League. Ở đấu trường hạng 2 ở Châu Âu, United cũng chỉ dừng chân ở tứ kết sau khi thua đại kình địch Liverpool. Sân chơi chính của Man United là Ngoại hạng Anh thì Quỷ Đỏ lại trình diễn một lối đá nhạt nhoà, vô hồn khiến cho thầy trò Van Gaal chỉ cán đích ở vị trí thứ 5 qua đó vụt mất tấm vé dự Champions League mùa giải năm sau. Chiếc cup FA vào cuối mùa giải cũng chỉ là phần thưởng an ủi cho đội chủ sân Old Trafford. Việc "Tuy luýp thép" người Hà Lan nhận được thông báo sa thải chỉ 40 phút sau khi giúp CLB đoạt cup FA có phần tàn nhẫn và "bị phản bội" nhưng là kết cục không thể tránh khỏi.
"Không phải lúc nào tôi cũng có được những cầu thủ như ý muốn Bạn luôn phụ thuộc vào Woodward.” Louis Van Gaal
Tuy phong độ thiếu ổn định trên sân cỏ, nhưng một mặt, CLB đã đạt được thành công lớn, bằng chứng là một kết quả tài chính 2015/2016 xuất sắc.
“Kết quả kinh doanh kỷ lục năm 2016 của chúng tôi đã phản ánh sức mạnh cơ bản liên tục của đội bóng”. Ed Woodward
Thật vậy, United đã có lợi nhuận trước thuế ( profit before tax) rất tốt là 48,833 triệu bảng, có sự cải thiện đáng kể so với khoản lỗ 3,5 triệu bảng của năm trước. Lợi nhuận sau thuế ( profit after tax) đạt mức 36,371 triệu bảng Anh, đây cũng là một kết quả hết sức tuyệt vời.
Lý do chính cho sự cải thiện đáng kể này là Tổng doanh thu tăng 120 triệu bảng (30%) từ 395 triệu bảng lên 515 triệu bảng. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử một câu lạc bộ Anh vượt qua mốc doanh thu 500 triệu bảng trong một năm.
Nhìn chung, tất cả các dòng doanh thu đều có sự tăng trưởng, và dòng tiền từ thương mại là ngôi sao dẫn đầu. Doanh thu thương mại đã tăng 71 triệu bảng (36%) từ 197 triệu bảng lên mức đáng kinh ngạc là 268 triệu bảng, chủ yếu là do hợp đồng tài trợ áo đấu với Adidas bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1 tháng 8 năm 2015
Ngoài ra, việc trở lại Champions League đã đóng góp tích cực cho doanh thu từ Phát sóng và Ngày diễn ra trận đấu. Những khoản này tăng lần lượt 33 triệu bảng (30%) lên 140 triệu bảng và 16 triệu bảng (18%) lên 107 triệu bảng.
Sự tăng trưởng doanh thu ấn tượng cũng đồng thời làm gia tăng thêm các chi phí cho CLB. Hóa đơn tiền lương đã tăng 30 triệu bảng (15%) lên 232 triệu bảng, chủ yếu là do gia hạn hợp đồng với cầu thủ hiện tại, cùng với việc tăng lương do MU đã quay trở lại đấu trường Châu Âu. Tương tự, các chi phí hoạt động khác cũng tăng từ 19 triệu bảng lên 91 triệu bảng, chủ yếu đây là chi phí bán lẻ và hàng hóa cộng với việc tăng chi phí trong các ngày thi đấu do có thêm các trận đấu trên sân nhà.
Các khoản đặc biệt khác đã tăng thêm tận 13 triệu bảng và đạt con số 15 triệu bảng, phần lớn là khoản phí 7 triệu bảng để xóa giá trị của tuyển thủ Đức Bastian Schweinsteiger, người mà “không còn được coi là thành viên của đội một nữa”.
Ngoài ra còn có một khoản nhỏ khác trị giá 8 triệu bảng đền bù hợp đồng cho van Gaal và các thành viên trong ban huấn luyện của ông. Điều đó có nghĩa là United hiện đã đền bù tổng cộng khoảng 16 triệu bảng cho 2 huấn luyện viên bị mất việc thời hậu Ferguson.
Quay trở lại vấn đề quỹ lương. Tiền lương của United đã tăng 15% (30 triệu bảng) từ 203 triệu bảng lên 232 triệu bảng, chủ yếu là do gia hạn hợp đồng cầu thủ và tăng lương do tham dự Champions League, mặc dù tỷ lệ tiền lương trên doanh thu đã giảm từ 51 % đến 45% sau khi doanh thu phát sinh đột biến trong năm này.
Khoản 232 triệu bảng ở mùa giải 2015/16 này của MU đã vượt qua mức lương 216 triệu bảng của Chelsea từ mùa giải trước và cao hơn khoảng 40 triệu bảng so với mức lương 194 triệu bảng của Manchester City và 192 triệu bảng của Arsenal. Nó còn đang vượt xa hầu hết các câu lạc bộ ở Premier League. Tính nhanh, quỹ lương của United tương đương với mức lương của Tottenham, Everton và Leicester City cộng lại. Với mức tăng trưởng thương mại khổng lồ thì đây chưa phải là mối bận tâm dành cho BLĐ MU, nhưng nó đang là một ngọn lửa âm ỉ và có thể bùng nổ trong tương lai.
Mình ưu ái phân tích kĩ hơn mùa giải 2015/2016 của Man United không chỉ vì đây là mùa giải mình xem nhiều nhất, đó còn là mùa giải MU trở thành đội bóng Anh đầu tiên vượt mức 500 triệu bảng doanh thu, chứng kiến Quỷ Đỏ lần đầu giành được một danh hiệu lớn ( major trophy) sau kỷ nguyên Sir Alex. Quan trọng hơn, đây là một năm bản lề cho một giai đoạn sau đầy thăng trầm của Man United với thêm một HLV đầy cá tính nữa ngồi trên băng ghế huấn luyện. Đó là Jose Mourinho. Việc một câu lạc bộ có tầm cỡ và lịch sử như United gặp khó khăn như vậy là một bất ngờ lớn, đặc biệt là khi ban lãnh đạo đã nới lỏng hầu bao kể từ khi Sir Alex Ferguson ra đi. Tất nhiên, tiền không đảm bảo thành công nhưng liệu Mourinho có thể đưa United trở lại vinh quang trước đây hay không? Đó là câu hỏi lớn. Nhưng chỉ một điều chắc chắn là nếu triều đại của Mou kết thúc trong thất vọng thì nguyên nhân khó có thể là do thiếu tiền. (Còn nữa)
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất