Vì sao chúng ta cần hy vọng? - Hãy khiến tương lai biết ơn vì hiện tại bạn đã cố gắng hết mình (Bạch Tô)
"Hy vọng là một điều tốt, nhiều khi là điều tốt đẹp nhất. Mà những thứ tốt đẹp thì không bao giờ lụi tàn..."
"Hy vọng là một điều tốt, nhiều khi là điều tốt đẹp nhất. Mà những thứ tốt đẹp thì không bao giờ lụi tàn.."
Có lẽ ai đã từng xem bộ phim Nhà tù Shawshank thì không thể nào quên được những dòng chữ này trong bức thư mà nhân vật chính Andy gửi lại bên gốc cây sồi cho người bạn tù Red. Sau 40 năm mới được trả tự do, song sắt, những bức tường và thể chế hóa của ngục tù mài mòn dũng khí và niềm hy vọng của những con người bên trong đó, đến không còn lại gì ngoài sự phụ thuộc và sợ hãi trước thế giới rộng lớn ngoài kia. Như tác giả Bạch Tô trong cuốn sách “Hãy khiến tương lai biết ơn vì hiện tại bạn đã cố gắng hết mình” đã nhận xét: “Bộ phim giống như một hình ảnh thu nhỏ của cuộc sống thực tại: thành công, thất bại, bỏ cuộc… Ước mơ của chúng ta ngày xưa đâu mất rồi? Những người trẻ với hoài bão vĩ đại đã đi đâu?” Hãy cùng khám phá cuốn sách để tìm ra câu trả lời thỏa đáng qua những câu chuyện và lời gửi gắm của tác giả Bạch Tô nhé!
Tác giả và tác phẩm
Bạch Tô, một nữ nhà văn người Trung Quốc coi việc viết lách là niềm vui trong cuộc sống, nổi bật với những ai yêu thích dòng sách truyền cảm hứng. Cô rời xa mảnh đất quê hương, một thân một mình nơi đô thị sầm uất để theo đuổi ước mơ của mình. Hành trình trưởng thành đầy cam go từ lúc còn là một cô bé miền núi nghèo khổ cho đến khi trở thành một nhà văn nổi tiếng, một người phụ nữ đầy bản lĩnh đã cho Bạch Tô những kinh nghiệm quý báu đúc kết lại qua những tác phẩm của cô. Cuốn sách “Hãy khiến tương lai biết ơn vì hiện tại bạn đã cố gắng hết mình” là tổng hợp 50 câu chuyện tương đương với 50 lời khuyên cho các bạn trẻ trên hành trình nhìn nhận và phát triển bản thân của tác giả. Mặc dù nội dung đôi lúc còn sáo rỗng, hay bị lặp lại không cần thiết nhưng cuốn sách vẫn có những điều thú vị riêng đáng để học hỏi, và cũng là những phần mình tâm đắc nhất muốn chia sẻ đến mọi người. Nhất là một trong những giá trị xuyên suốt cuốn sách, giá trị của niềm hy vọng, thông qua một khái niệm mà chắc hẳn nhiều người chưa từng nghe đến, đó là "thể chế hóa".
1. Thể chế hóa là gì?
Trong cuốn sách, tác giả có viết về trải nghiệm từ bộ phim kinh điển The Shawshank Redemption với khái niệm thể chế hóa. Vậy thể chế hóa là cái gì? Trước hết, thể chế có nghĩa là hệ thống gồm các nguyên tắc, quy định, các luật lệ,... Thể chế được sử dụng để định hướng sự phát triển của một tổ chức hay một nhà nước, ở những lĩnh vực nhất định trong xã hội. Còn trong phim, thể chế hóa ám chỉ hành vi khi những tù nhân trong ngục ở đó lâu đến nỗi họ coi cái nơi ấy chính là nhà của mình. Và như Red, nhân vật mình đã đề cập ở bên trên đã nói, khi một người bạn tù khác cố tình phạm tội chỉ để được ở lại sau khi ông ấy mãn hạn: " Ông ta chỉ bị 'thể chế hóa'... Ông ta đã ở đây 50 năm rồi, 50 năm, Heywood ạ! Đây là tất cả những gì ông ấy có. Ở trong này ông ấy là người đàn ông quan trọng, một người có học. Ngoài kìa, ông ấy chẳng là gì cả... Cậu cứ tin những gì tùy cậu. Nhưng những bức tường nhà tù này rất hài hước, lúc đầu ta ghét chúng, rồi về sau ta quen với chúng, khi thời gian trôi đủ lâu... ta sẽ phụ thuộc vào chúng. Đó gọi là 'thể chế hóa'". Và câu đầu tiên mà những người quản giáo nói với kẻ tội phạm là gì? “Hãy trao linh hồn cho Chúa, giao thể xác cho tôi.” Chúng ta nhận ra điều gì ở đây? Hóa ra điều đáng sợ nhất trong nhà tù ấy không phải những bức tường cao sừng sững, không phải cửa sắt và cũng chẳng phải bạo lực, mà chính là sự thể chế hóa của ngục tù đã mài mòn đi dũng khí và niềm hy vọng.
Nhà tù đã làm cho những con người nơi ấy hoàn toàn có đủ thời gian bị hoàn cảnh chinh phục, Red và những người bạn tù trở thành một phần của hoàn cảnh, ông cũng không thể rời khỏi Shawshank. Và ở ngoài xã hội rộng lớn kia, gã đàn ông đã sống gần nửa đời ở trong tù không thể hòa nhập với cuộc sống hối hả "bên ngoài". Họ bị nỗi sợ giày vò, phải đối mặt với sự thật mà họ phải thừa nhận "tôi chẳng làm được gì ở ngoài này cả". Liệu bạn có nhìn thấy hình ảnh của bản thân hay ai đó trong câu chuyện này, hoàn cảnh khó khăn, ước mơ thuở bé,... Trong quá trình lớn lên, khi thấy những sự thật phũ phàng mới lại thấy rằng những ý nghĩ ban đầu thật nực cười, “chúng ta bị thời gian mài mòn, mài chúng ta thành những kẻ thiếu góc cạnh.” Để rồi dần dần chấp nhận thực tế, nhận ra ổn định mới là hạnh phúc, thế nhưng liệu những gì ta coi là ổn định có thực sự ổn định? Những người có nhịp điệu và cuộc sống lặp đi lặp lại sớm tối không thể ngờ rằng ngày tháng cứ thế vội vã trôi đi, hai mươi năm, bốn mươi năm, cả một đời! Đến khi nhận ra thì đã muộn, lúc đầu ta căm ghét chúng, rồi về sau làm quen với chúng, khi thời gian đủ lâu… ta sẽ phụ thuộc vào chúng, ta đã bị thể chế hóa.
2. Giá trị của hy vọng
Trong câu chuyện trên, có một nhân vật đại diện cho một thứ đối lập với cái thể chế đã bào mòn đi giá trị sống của những con người khốn khổ vật lộn với cuộc sống kia, đó chính là Andy, con người của hy vọng. Anh chàng bị kết án oan ấy đã ròng rã viết thư cho chính phủ suốt 6 năm để xin vốn mở thư viện và lớp học thêm trong tù, con người chỉ bằng một cây búa nhỏ nhưng với nguồn động lực bất tận từ niềm hy vọng của bản thân đã tự giải thoát cho chính mình chỉ trong 20 năm. Vâng, là 20 năm với một chiếc búa mà Red, người bạn thân của anh cho rằng "phải mất đến 600 năm mới làm được". Bò qua ống nước thải bẩn thỉu và lao ra ngoài hét điên cuồng trong đêm mưa tầm tã… Chỉ với hy vọng, anh đã được tự do, tự do một cách thực sự.
Bởi “Hy vọng là thứ tốt đẹp nhất của con người, chỉ cần không từ bỏ, hy vọng mãi mãi ở bên ta”. Tác giả Bạch Tô cũng từng là một đứa bé miền núi nghèo khổ vùng Tây Nam Trung Quốc, khi ấy nhà không có nổi một cái ô, mùa mưa ở Tây Nam dầm dề liên miên, muốn không bị ướt chỉ có thể chạy thật nhanh mà về nhà. Đặt trong hoàn cảnh ấy, như tác giả vẫn nói “Thực ra trong cuộc sống, đa phần mọi người đều giống bạn và tôi, đều là những đứa trẻ gặp mưa mà không có ô. Chúng ta đều rất bình thường, bình thường đến mức thế giới này không cảm nhận được sự tồn tại của chúng ta, không phải vì bản thân khiêm tốn mà sự thật chẳng có vốn liếng để cao ngạo.” Hy vọng chạy thật nhanh sẽ không bị ướt, nỗ lực thật nhiều sẽ có được thành quá, ví như Bạch Tô không có suy nghĩ ấy thì chắc gì cô ấy đã chạy, đằng nào mà chả ướt, đằng nào người khác chả thành công hơn. Nếu thế thì đã chẳng có câu chuyện này mà kể lại. Nhưng chẳng phải người ta vẫn thường hay nói hy vọng càng nhiều thì đến lúc có kết quả sẽ càng thất vọng hay sao, vậy hy vọng ra sao, kỳ vọng thế nào mới là đúng đây?
3. Hạnh phúc bé nhỏ
Để hy vọng nhưng không bị thất vọng, cuốn sách có đề cập đến một công thức đơn giản và thú vị trong kinh tế học:
Hạnh phúc = Hiệu quả / Giá trị kỳ vọng
Rõ ràng, có hai cách để tăng thương số hạnh phúc là tăng tử số hoặc giảm mẫu số. Nhưng tăng hiệu quả ở đây lại khó có thể cải tiến trong một sớm một chiều được. Vậy thì, giảm giá trị kỳ vọng hay giảm mức độ hy vọng lại là một biện pháp vừa hiệu quả lại vừa thực tế.
Tâm lý học định nghĩa “giá trị kỳ vọng” theo hai khía cạnh:
1. “Kỳ vọng là ước tính chủ quan của mọi người về việc liệu hành vi và nỗ lực của họ có thể dẫn đến kết quả mong muốn hay không, tức là dùng kinh nghiệm cá nhân đánh giá khả năng đạt được mục tiêu lớn hay nhỏ.
2. “Giá trị kỳ vọng là một dạng mong muốn chủ quan của công chúng đối với tất cả các chuẩn mực đạo đức, nhân sinh quan, giá trị quan của cá nhân hoặc tầng lớp trong một địa vị và vai trò xã hội nhất định.”
Vậy khi không thỏa mãn giá trị mà ta đã kỳ vọng, điều đơn giản và hiệu quả nhất ta có thể làm chính là hạ thấp giá trị kỳ vọng của bản thân. Đáy của giá trị kỳ vọng càng lớn thì đỉnh của tháp hạnh phúc càng nhọn - bất kể sự kỳ vọng này là vật chất hay tinh thần. Đôi khi ta phải chủ động hạ thấp kỳ vọng của bản thân, cho dù đến cuối cùng sự việc không đạt được hiệu quả đúng như ý muốn thì cũng không khiến chúng ta quá thất vọng.
Giới hạn mức kỳ vọng cũng như hy vọng nhưng việc đó cũng không đồng nghĩa với việc làm việc cẩu thả, thiếu nhiệt huyết và tinh thần. Điều đó có nghĩa là chỉ cần cố gắng hết sức thì không cần quá bận tâm xem kết quả có được như kỳ vọng hay không.
4. Đánh giá chung
Cá nhân mình thấy nội dung sách ở mức tạm ổn, dễ đọc, khá phù hợp với các bạn trẻ, nếu chưa từng tiếp xúc với dòng sách self-help thì cũng rất ổn để bắt đầu. Cũng vì là dạng sách truyền động lực nên khó tránh khỏi giáo điều, sáo rỗng, lấy ví dụ như việc ở một chương tác giả đưa ra vấn đề của bản thân và kết luận về sự cô đơn. Cô nói: “Khi tận hưởng sự cô đơn, bạn sẽ phát hiện ra rằng cô đơn cũng là trạng thái tuyệt mỹ của tâm hồn, nó không phải do tiền tài hay những buổi party huyên náo mang đến. Chỉ bằng việc tận hưởng sự cô đơn, chúng ta mới hiểu thấu bản chất của cuộc sống. Như nhà văn Yasunari Kawabata đã nói: ‘Khi tôi một mình, tôi hạnh phúc. Bởi có thể ở một mình, nên khi ở cùng với mọi người, tôi nhận ra mình cô đơn, chỉ vì tôi đã trở nên rất hạnh phúc!’”.
Khoan chưa bàn tới tính đúng sai của vấn đề này, nhưng việc kể một câu chuyện rồi đưa ra kết luận mà lại không hề có một phương pháp cụ thể nào để người đọc có thể áp dụng cho bản thân họ. Nó giống như việc bạn đang rất cô đơn và thật sự cần người nào đó, có thể là bạn bè, có thể là gia đình, nhưng ai đó lại nói với bạn rằng “đừng lo, hãy cứ tận hưởng sự cô đơn đi, tôi thấy nó cũng rất tuyệt”, thay vì nói cho bạn biết nên tận hưởng sự cô đơn theo cách nào. Bạn thấy rằng bản thân có thể ổn khi một mình mà tận hưởng sự cô độc mà không biết rằng điều này có thể tốt nhưng cũng có thể nguy hại cho sức khỏe về lâu dài. Con người là động vật xã hội, nghĩa là con người cần giao tiếp, cần sống trong xã hội, vì mình và vì người khác, qua người khác mà vì mình và ngược lại. Có những người hoàn toàn có thể tận hưởng sự cô độc một mình mà vẫn thấy niềm vui và hạnh phúc, nhưng nếu không thể, hãy cứ tìm ai đó mà bạn tin tưởng để giúp đỡ. Tiến sĩ Vivek Murthy đã nói trong bài báo về WHO của tờ The Guardian so sánh những rủi ro về sức khỏe do tình trạng cô đơn gây ra có tác hại tương đương việc hút 15 điếu thuốc mỗi ngày, và thậm chí còn vượt xa những nguy cơ liên quan béo phì và ít hoạt động thể chất. Lại nói thêm về nhà văn Yasunari Kawabata, với những ai có tìm hiểu và quen thuộc với những tác phẩm của ông thì đều có thể cảm nhận được sự cô đơn từ cuộc sống cho đến các câu chuyện bên trong những cuốn sách. Yasunari Kawabata đã kết thúc cuộc đời mình bằng khí đốt trong một căn phòng ở Hayama, Kamakura năm 1972. Nhiều giả thuyết đã được đưa ra, nào là sức khỏe kém, nào là mối tình bị cấm đoán, nào là cú sốc do vụ tự tử của bạn ông, nhà văn Mishima Yukio năm 1970. Sau tất cả, mặc dù chẳng ai biết nguyên nhân thực sự đằng sau cái kết ấy, nhưng có lẽ chính việc tuổi thơ phải trải qua những mất mát từ gia đình, phải chịu sự cô đơn từ khi còn nhỏ cho đến lúc trưởng thành đã rèn rũa nên một tinh thần cứng rắn nhưng đồng thời nó cũng hủy hoại dần tâm hồn của một con người. Thế nên là, nếu không biết cách tận hưởng sự cô đơn thì hãy cứ mạnh dạn tìm kiếm sự giúp đỡ, chỉ cần bạn sẵn lòng mở lời, sẽ có người sẵn lòng dang tay.
Lời kết
Trên đây là những cảm nhận, đánh giá chung và những điều mình tâm đắc nhất về cuốn sách “Hãy khiến tương lai biết ơn vì hiện tại bạn đã cố gắng hết mình” của tác giả Bạch Tô. Và lời cuối dành cho các bạn, xin trích dẫn lại dòng cuối cùng trong cuốn sách “Kết quả khác nhau của đời người bắt nguồn từ thái độ khác nhau. Nếu cảm thấy thế giới biến thành một màu u ám, thì đó là vì nội tâm của bạn không đủ ánh nắng mặt trời. Chỉ cần hạ thấp kỳ vọng xuống một chút, bạn sẽ có được hạnh phúc. Bỏ đi yêu cầu quá cao, đến gần hơn với nội tâm của mình, nghiêm túc trải nghiệm cuộc sống, hưởng thụ cuộc sống, chúng ta sẽ thấy rằng cuộc sống vốn rất đơn giản và tràn ngập niềm vui.”:
BGM: "Panic! At The Disco - High Hopes"
BGM: "Panic! At The Disco - High Hopes"
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất