Ngụy biện tích cực hóa từ sách và một vài vấn đề của tư tưởng tích cực hóa
“Bạn nghĩ thế nào, thì cuộc sống của bạn sẽ diễn ra đúng như thế. Đừng bao giờ đổ lỗi cho bất kỳ ai, mà hãy đổ lỗi cho chính mình đầu...
“Bạn nghĩ thế nào, thì cuộc sống của bạn sẽ diễn ra đúng như thế. Đừng bao giờ đổ lỗi cho bất kỳ ai, mà hãy đổ lỗi cho chính mình đầu tiên”
Bên trên là một câu trích dẫn trong một cuốn sách nào đó mà tôi vô tình đọc được trên facebook tối hôm qua, đọc qua thì thấy câu trích dẫn trên khá là thuyết phục, khá là đúng đắn để chúng ta thực hiện nó và tiến tới thành công. Nhưng mà vốn dĩ có rất nhiều vấn đề cần phải nói rõ hơn, để nó phù hợp với thực tế, và để cho những người mộng mơ chìm đắm trong ảo tưởng về sự tích cực đó được thức tỉnh.
Đầu tiên chúng ta hãy cũng bàn qua về câu đầu tiên “bạn nghĩ thế nào, thì cuộc sống của bạn sẽ diễn ra đúng như thế”. câu này rất phiến diện và mang tính “vỗ về” tinh thần là chủ yếu. Thực sự thì nó quá đề cao sức mạnh của suy nghĩ trong cuộc sống hằng ngày.
Chúng ta nghĩ như này, chúng ta nghĩ như kia, chúng ta mong muốn rất nhiều điều nhưng tại sao nó không thành hiện thực? Chẳng phải theo như câu trích dẫn đầu tiên thì chỉ cần chúng ta nghĩ về điều gì đó, cuộc sống sẽ đáp ứng điều đó cho chúng ta. Không hề, câu nói đó cực kì sáo rỗng,những người tin vào điều đó và mơ tưởng về cuộc sống của mình sau đó thật chẳng khác nào ngủ mơ giữa ban ngày.
Các bạn hãy khoan đưa ra luận điểm rằng có rất nhiều người thành công bởi việc họ nghĩ về những gì họ muốn. Xin nhấn mạnh rằng đừng đánh đồng việc nghĩ rồi bỏ đó với việc nghĩ và hành động. Hai cái đó là khác hoàn toàn nhau. Việc nghĩ về cuộc sống mai sau hay nghĩ về một thứ mình muốn đôi khi nó sẽ đem lại cho chúng ta động lực để hiện thực hóa những suy nghĩ của mình. Thế nhưng đồng thời nó cũng sẽ đem lại rất nhiều hệ lụy mà nhiều khi chúng ta không để ý, mà có thể sẽ cho đó chỉ là những điều không đáng nhắc tới.
Hệ lụy đầu tiên là nó sẽ làm cho chúng ta cảm thấy mệt mỏi, làm cho chúng ta tiếp tục chìm đắm vào giai đoạn suy nghĩ thay vì chuyển qua giai đoạn hành động, hoặc là nó khiến chúng ta cảm thấy những gì mình muốn nó quá khó và đẩy ta đến bờ vực bỏ cuộc.
Hệ lụy thứ hai là mình không kiểm soát được độ lớn của giấc mơ. Chúng ta hay được tiêm vào đầu cái suy nghĩ “hãy nghĩ lớn, hãy mơ lớn”, nhưng mà để làm gì? Có bao giờ các bạn soạn kế hoạch làm việc cho một ngày thật dài, khoảng 20 mục tiêu cần hoàn thành, đinh ninh trong đầu rằng “chúng ta có cả một ngày, vì vậy những mục tiêu này không đáng là bao”, nhưng rồi khi đến cuối ngày, chúng ta không hoàn thành được hết, rồi lại tự dằn vặt chính bản thân mình. Rồi đến ngày hôm sau, chúng ta lại tiếp tục đem những mục tiêu ngày hôm qua gộp vào luôn ngày hôm nay, rồi coi đó là sự trừng phạt cho sự “không cố gắng” của bản thân. Nhưng mà nhiệm vụ lại càng nhiều lên, rồi chúng ta bất lực, chúng ta từ bỏ. Hay giống như việc chúng ta quyết tâm trong vòng 1 tháng, sẽ đọc hết một cuốn sách, vậy là chúng ta lao vào đọc. Không tính tới những người có nhiều thời gian đọc, nhiều lúc việc đặt mục tiêu đó lại khiến chúng ta coi đó là nhiệm vụ sống còn, bất chấp tất cả để đạt được, nhưng rồi lại chẳng tiếp thu được gì từ cuốn sách đó. Việc đặt giấc mơ quá lớn cũng như vậy, nó làm chúng ta cảm thấy chán nản vì nhận ra bản thân không đủ khả năng, hoặc là khiến bản thân lạc trong mớ hỗn độn không biết đi đường nào. Ví dụ khá sát cho việc này có lẽ là việc ôn thi của các bạn sĩ tử, nhiều bạn đặt mục tiêu khá lớn, như là học xong chương a, chương b trong 2 tuần, 1 tháng, Nhưng khi đến hạn, chưa hoàn thành được mục tiêu đó, các bạn ấy lại chán nản, thất vọng vì bản thân. Hoặc là mất đi định hướng trong việc ôn thi, có quá nhiều kiến thức phải học, phải làm sao?. Giải pháp hữu ích nhất mà đa số mọi người đều dùng và được khuyên dùng chính là chia nhỏ giấc mơ, chia nhỏ mục tiêu, góp gió ắt sẽ thành bão. Nếu bạn có giấc mơ trở thành tỷ phú, hãy chia nhỏ thành các giai đoạn như tích lũy kinh nghiệm, kiến thức, xây dựng nền tảng ban đầu,....
Hệ lụy thứ ba là khiến chúng ta xa rời thực tế. Nếu bạn nghĩ rằng chỉ cần ước mơ đủ lớn , chả cần hành động gì, ngồi yên thì thành công sẽ tới. Thật là một người mộng mơ. Có khá nhiều dẫn chứng về các vĩ nhân, về các doanh nhân, người thành công mà chúng ta coi họ như tấm gương để mình phấn đấu. Không hề sai, nhưng mà chúng ta đừng lầm tưởng thành công của họ dễ dàng như vậy. Đa phần những kiểu suy nghĩ như vậy được bồi đắp khá nhiều từ những cuốn sách self help đang trôi nổi ngoài kia. Công nhận sách self help đã làm rất tốt trong mảng truyền thông tới tay người đọc, vì nó đánh vào tâm lý khát khao thành công của những người trẻ. Và đặc biệt hơn là nó lấy dẫn chứng từ câu chuyện của những người thành công - những người mà chúng ta ngưỡng mộ. Nhưng có bao giờ các bạn đặt lại vấn đề với những câu chuyện đó chưa, kiểm chứng xem thực tế đã đúng như vậy chưa? Lấy ví dụ như cuốn sách ưa thích của khá nhiều người, Đắc Nhân Tâm, cuốn sách này lấy rất nhiều dẫn chứng từ rất nhiều người thành công, những câu chuyện được kể dường như khá thuyết phục và có vẻ là hợp lý. Nhưng ngày nay chúng ta hoàn toàn có thể kiểm chứng được tính đúng đắn của những dẫn chứng ấy, không ngoài dự đoán của tôi, có khá nhiều dẫn chứng chỉ được nói “một nửa của sự thật” hoặc là “số 0 của sự thật”
Dẫn chứng: cách phê bình cực đoan đã đẩy Thomas Chatterton, nhà thơ Anh, đến chỗ tự sát
Dẫn chứng này hoàn toàn là không có căn cứ. Theo nhiều tài liệu thì ông chết do ngộ độc arsenic, đúng hơn là tự tử trong cơn điên do dùng arsenic. Hoàn toàn không phải do chịu phán xét từ người đời như trong cuốn sách nói. Và thông tin tôi đưa ra được lấy từ một bài viết của đại học Bristol
https://www.bristol.ac.uk/news/2004/493.html (link của bài viết)
Ngoài ra còn có rất nhiều dẫn chứng mơ hồ, sáo rỗng và vô căn cứ khác. Nếu bạn có nhiều thời gian hơn tôi, bạn có thể liệt kê hết dẫn chứng ra và đi xác minh nó.
Hệ lụy thứ tư, nó khiến cho chúng ta mất đi sự hứng thú với những gì mình từng mong mỏi. Điều này là một mặt trái của kỳ vọng, mà chúng ta rất khó để tránh được. Có câu nói vui rằng “không kỳ vọng thì sẽ không thất vọng”, câu này có nhiều cách hiểu. Một cách hiểu khác của nó là chỉ cần không kỳ vọng quá nhiều vào điều mình muốn, thì khi đạt được điều đó, chúng ta sẽ không cảm thấy quá thất vọng. Có bao giờ bạn kỳ vọng vào một kì nghỉ, một món quà, nhưng sau khi có được những thứ đó, bạn nhận ra nó không làm bạn hứng thú như bạn từng nghĩ. Đấy là cái giá mà chúng ta phải trả khi nghĩ nhiều về mong ước của mình. Chưa chắc bạn nghĩ về cái mình khao khát, bạn hành động để có được nó thì cuộc sống của bạn sẽ như bạn tưởng.
Câu chuyện về sự thành công của Bill Gates, trên mạng chúng ta chỉ tìm được các dẫn chứng về việc ông ấy bỏ học đại học và thành công khi là người sáng lập Microsoft. Thế nhưng đằng sau câu chuyện thành công đó là một câu chuyện mà ít người biết hơn. Đó là trường cấp 3 mà ông học, Lakeside School, là một trong số ý ngôi trường thời đó ứng dụng máy tính vào học tập sớm nhất. Vì vậy, Bill Gates có cơ may hơn rất nhiều người cùng thế hệ khi được tiếp xúc với máy tính từ sớm.
Hơn hẳn thế, là việc thành công vào thời xưa nó rất khác so với bây giờ. Gần như thời đó chưa có bất cứ thứ gì, việc thành công khá là dễ hơn so với thời nay. Lúc ấy sự cạnh tranh chưa hề nhiều và áp lực từ người tiêu dùng cũng không gay gắt như hiện nay - khi mà mạng xã hội nở rộ.
Các bạn có thể tham khảo video ngụy biện thưởng đẳng thế hệ của hội đồng cừu để có thêm góc nhìn về vấn đề này
Về câu trích dẫn thứ 2 “ Đừng bao giờ đổ lỗi cho bất kỳ ai, mà hãy đổ lỗi cho chính mình đầu tiên” lại đưa chúng ta lên một tầm cao mới - một bậc thánh nhân. Chúng ta là con người, và con người thì phải mắc lỗi, chẳng có ai là hoàn hảo cả.
Vô hình chung nó dẫn chúng ta tới một suy nghĩ “tôi phải nhịn những uất ức mà mình phải chịu, đổ hết mọi thứ lên đầu mình”. dần dần chúng ta sẽ đặt cho mình quá nhiều áp lực, khiến chúng ta kiệt quệ hơn sau mỗi lần thất bại. Lôi chúng ta ngày càng tự ti hơn, xa lánh với mọi người.
Tôi không có ý nói hãy đổ lỗi cho người khác, điều đó là sai. Mà hãy nhìn nhận lại vấn đề mà mình gặp phải, từ đó sửa chữa, thay đổi chứ không phải trút hết lên bản thân.
Bài viết của tôi chỉ đến vậy, khá cụt ngủn ở câu trích dẫn thứ 2. nếu sau này đã có nhiều trải nghiệm hơn, tôi có thể sẽ hoàn thiện nốt bài viết của mình
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất