Hãy tưởng tượng rằng một người đang thực hiện việc tung đồng xu. Đồng xu đã xuất hiện mặt ngửa năm lần liên tiếp. Đồng xu sẽ hạ cánh như thế nào trong lần tung thứ sáu? Nếu người đó chọn mặt sấp chỉ vì đồng xu đã xuất hiện mặt ngửa năm lần, thì họ đã trở thành nạn nhân của khuynh hướng ngụy biện của con bạc.
Ngụy biện của con bạc hay nguy biện Monte Carlo là niềm tin sai lầm khi cho rằng các sự kiện trong quá khứ sẽ ảnh hưởng đến các sự kiện trong tương lai, ngay cả khi những sự kiện này độc lập với nhau. Điều này dẫn đến việc đưa ra các giả định không chính xác về xác suất xảy ra của một sự kiện và ảnh hưởng đến kết quả sai so với trên thực tế.
Ngụy biện của con bạc có thể biểu hiện theo 2 lối suy nghĩ:
- Nếu một sự kiện độc lập nào đó xảy ra thường xuyên hơn dự kiến trong quá khứ, thì nó sẽ ít có khả năng xảy ra lần nữa trong tương lai.
- Nếu một sự kiện độc lập nhất định xảy ra ít thường xuyên hơn dự kiến trong quá khứ, thì nó có nhiều khả năng xảy ra lần nữa trong tương lai.
Cả hai niềm tin này đều đại diện cho một kỳ vọng cơ bản về sự đảo ngược có hệ thống trong các chuỗi ngẫu nhiên của các sự kiện độc lập. Điều này là sai lầm, vì khi các sự kiện độc lập với nhau, thì những lần xảy ra trong tương lai của chúng không bị ảnh hưởng bởi những lần xảy ra trong quá khứ, ngay cả khi trực giác của con người khiến họ kỳ vọng sự việc sẽ xảy ra theo chiều hướng khác.
Trong ví dụ đầu tiên, việc đồng xu nằm ngửa năm lần liên tiếp không ảnh hưởng đến việc nó sẽ rơi vào mặt nào trong lần tung tiếp theo. Do đó, bất kể kết quả trước đó của nó như thế nào, đồng xu sẽ luôn có 50% cơ hội xuất hiện mặt ngửa và 50% mặt sấp. Biến cố "6 mặt ngửa liên tiếp" và biến cố "5 mặt ngửa, rồi 1 mặt sấp" đều có khả năng xảy ra bằng nhau. Do đó, không thể nào chắc chắn được đến lần thứ 6 sẽ là mặt sấp.
<i>Photo by Aidan Howe on Unsplash</i>
Photo by Aidan Howe on Unsplash
Trường hợp nổi tiếng nhất về khuynh hướng ngụy biện con bạc đã được quan sát thấy tại một sòng bạc ở Las Vegas. Vào tháng 8 năm 1913, những người đánh bạc quanh bàn roulette bắt đầu nhận thấy rằng quả bóng roulette đã rơi vào ô màu đen nhiều lần liên tiếp. Khi quả bóng rơi vào ô màu đen liên tiếp 15 lần, mọi người đã bắt đầu xôn xao, ai cũng nghĩ rằng cơ hội tốt đã đến, lần tới màu đỏ phải xuất hiện, người đặt gấp đôi, kẻ đặt gấp ba, tất cả dồn về màu đỏ. Tuy nhiên, quả bóng đã liên tiếp rơi vào màu đen 26 lần, mãi đến vòng 27 thì quả bóng mới chuyển sang màu đỏ.
Bởi vì quả bóng bánh xe roulette thường xuyên rơi vào màu đen nên những người đánh bạc nghĩ rằng khả năng nó rơi vào màu đỏ tăng lên. Giả định này là không chính xác và việc giữ những giả định đó trong đầu khiến các con bạc thiệt hại hàng triệu đô la. Xác suất thực tế của quả bóng rơi xuống màu đỏ là 50/50 cho mỗi lần quay. Số lần quả bóng rơi vào màu đen không ảnh hưởng đến kết quả tiếp theo của quả bóng roulette.
Trong các trò cá cược, dù là trên máy đánh bạc, bàn quay roulette, hay một ván bài, bạn luôn có xu hướng cho rằng mình may mắn hoặc xui xẻo, đang và vào dây đỏ hay dây đen. Bạn sẽ nói những câu như "sắp đổi vận rồi đây" bạn xem việc thay người chia bài là 1 dấu hiệu tích cực, hoặc khi có người đứng dậy, bạn tin rằng vòng chơi sẽ thay đổi.
Thực tế là chẳng có hành động nào ở trên có thể thực sự ảnh hưởng lên xác xuất. Xác suất suất chiến thắng hay thất bại luôn là 50/50, nhưng đôi khi bạn vẫn nghĩ rằng mình có thể thay đổi nó.
Nếu tung xu 500 lần, bạn có thể sẽ gặp phải những chuỗi mặt sấp hoặc ngửa liên tiếp, đôi khi là rất dài, nhưng cuối cùng thì tỷ lệ cho những lần tung vẫn luôn 50/50. Nếu chỉ tung 5 lần thì khả năng cao để bạn gặp 1 chuỗi các mặt giống nhau là khá cao. Đây là cách các sòng bạc kiếm lời, bởi lẽ đặt trường hợp khi đang trong chuỗi chiến thắng thì bạn rất khó có thể dứt ra. Ngược lại, nếu đang trong chuỗi thua, bạn lại có niềm tin là ''ráng một chút nữa'' rồi chuỗi chiến thắng sắp sửa tìm đến với bạn. Thực tế, bạn càng chơi lâu thì xác suất càng được chia đều, nhưng bạn sẽ chẳng bao giờ biết chuỗi chiến thắng của mình bắt đầu và kết thúc khi nào.
<i>Photo on Google</i>
Photo on Google
Năm 1975, Ellen Langer - Giáo sư Tâm lý học người Mỹ tại Đại học Harvard đã thực hiện một thí nghiệm. Cụ thể, bà cho những người tham gia tung đồng xu 30 lần và dự đoán xem nó sẽ ra mặt nào. Kết quả của việc tung xu đều đã bị kiểm soát bởi người làm thí nghiệm. Nhóm đối tượng đầu tiên được cho biết rằng họ đã đoán đúng liên tiếp 15 lần đầu tiên, nhóm thứ hai được báo rằng mình đã đúng 15 lần cuối cùng và nhóm cuối cùng thì được cho biết đã đoán đúng 15 lần nhưng trải đều trong cả 30 lần tung. Sau thí nghiệm, khi tiến hành phỏng vấn 3 nhóm đổi tượng thì những người ở nhóm đầu tiên cho rằng họ có thể luyện tập để có kết quả tốt hơn. Nhóm thứ 2 và nhóm thứ 3 thì lại kém tự tin hơn. Mặc dù số lần đoán đúng là như nhau ở cả 3 nhóm nhưng những người được ''hưởng dây đỏ'' lúc đầu cảm giác như thể mình ít nhiều có khả năng kiểm soát tình huống. Họ tin rằng mình có khả năng chiến thắng sự ngẫu nhiên.
Không có gì lạ khi nhiều người trở thành nạn nhân của loại ngụy biện này. Điều này là do bộ não của chúng ta được lập trình sẵn để tìm kiếm các trình tự và đưa ra các giả định từ chúng. Xu hướng tự nhiên của bộ não là tìm kiếm các mô hình và trình tự. Chúng ta thường muốn áp đặt ý thức trật tự lên những thứ thực sự ngẫu nhiên.
Bộ não con người cũng tin rằng một chuỗi may mắn hoặc xui xẻo sẽ phải thay đổi theo chiều hướng ngược lại vì kết quả tương tự không thể kéo dài lâu. Các nhà nghiên cứu đã kết luận rằng hầu hết mọi người ở một mức độ nào đó đều có những suy nghĩ về phép màu khi cho rằng suy nghĩ của mình có thể gây ảnh hưởng lên những thứ nằm ngoài tầm kiểm soát. Vấn đề là các sự kiện ngẫu nhiên chỉ có thế - ngẫu nhiên. Chúng không tuân theo lý trí hay các quy trình logic mà thay vào đó phụ thuộc vào xác suất và cơ hội.
Nhận ra được những hình mẫu, trở nên quen thuộc hơn với trò chơi, có những lựa chọn chủ động trong khi chơi, tất cả những điều này đều góp phần xây dựng nên ảo giác về sự kiểm soát. Sự ngẫu nhiên đáng ra là 1 điều hiển nhiên, nhưng người người tham gia lại có xu hướng cho rằng đó là một thứ họ có thể đánh bại.
<i>Photo by Erik Mclean on Unsplash</i>
Photo by Erik Mclean on Unsplash
Ngụy biện của con bạc có thể ảnh hưởng đến việc chúng ta ra quyết định ở nhiều vấn đề trong đời sống hằng ngày. Sau đây là một vài những trường hợp điển hình về biểu hiện của ngụy biện con bạc:
- Một thủ môn bắt penalty nhận thấy 4 cầu thủ trước đó đều sút bằng chân phải, khả năng cao anh ta sẽ giả định cầu thủ thứ 5 sẽ sử dụng chân trái.
- Tin rằng những chuỗi may mắn hay xui xẻo phải sớm kết thúc bởi vì người ta phải cân bằng sự may mắn. Ví dụ một đội bóng rất khó có khả năng duy trì chuỗi chiến thắng của mình trong thời gian dài.
- Nếu năm ngoái bạn đã có một năm tồi tệ thì bạn có niềm tin hơn vào năm tiếp theo sẽ thay đổi theo chiều hướng tích cực.
- Một ví dụ điển hình khác thường thấy ở các bậc cha mẹ khi tin rằng giới tính của những đứa con đầu sẽ ảnh hưởng đến giới tính của đứa con tiếp theo. Ngay cả khi một cặp vợ chồng có 5 con trai đầu, điều đó cũng không đảm bảo khả năng đứa con thứ 6 là con gái. Tỷ lệ giới tính của đứa trẻ sẽ luôn là 50/50.
- Lối ngụy biện này cũng có thể ảnh hưởng đến việc ra quyết định trong lĩnh vực kinh doanh. Một nghiên cứu năm 2019 liên quan đến các nhà sản xuất nông nghiệp cho thấy những người có kết quả tốt vào năm trước ít có khả năng dự đoán kết quả tốt cho năm sau. Những dự đoán này được đưa ra vì các nhà sản xuất nghĩ rằng vận may của họ phải kết thúc. Họ đã không đưa ra quyết định dựa trên sự thật và dữ liệu sẵn có.
- Đặc biệt đối với thị trường cổ phiếu, nơi thường xuyên sản sinh ra những dự đoán và giả định thì ngụy biện của con bạc cũng đóng một vai trò nhất định trong các phiên giao dịch. Các thương nhân và nhà đầu tư thường mắc phải lối nguy biện này khi họ dự đoán rằng xu hướng ngược lại sẽ xuất hiện sau khi thị trường chứng khoán đi theo một xu hướng cụ thể trong một thời gian. Điều này có thể khiến họ đưa ra quyết định sai lầm và có thể dẫn đến thua lỗ.
Nếu một cổ phiếu tăng giá trị, một số người có thể cảm thấy muốn bán vì họ không nghĩ rằng nó có khả năng tiếp tục tăng nữa, vì nó vừa tăng đáng kể. Ngược lại, nếu giá trị của một cổ phiếu giảm đáng kể, một số người sẽ nắm giữ vì họ nghĩ rằng nó không có khả năng giảm hơn nữa.
Tất nhiên, nếu bạn có kiến ​​thức về nền kinh tế hoặc thị trường chứng khoán, thì bạn có nhiều dữ liệu hơn để đưa ra dự đoán trong tương lai, và do đó, trường hợp này sẽ không phải mắc vào lối ngụy biện con bạc. Nhưng đối với một người bình thường không có kiến ​​thức về kinh tế và thị trường chứng khoán, họ có thể sử dụng ngụy biện con bạc để đưa ra quyết định đầu tư.
<i>Photo by Nick Chong on Unsplash</i>
Photo by Nick Chong on Unsplash
- Trong lĩnh vực pháp lý thì thẩm phán - người đưa ra phán quyết cuối cùng trong những phiên tòa cũng có khả năng vướng vào lối tư duy này. Theo đó, Kelly Shue, nhà nghiên cứu tại Đại học Chicago, cùng với các đồng nghiệp của cô ấy là Daniel Chen và Toby Moskowitz, đã phân tích 150.000 phán quyết của các thẩm phán tại các tòa án về vấn đề di trú. Kết quả cho thấy, các thẩm phán có xu hướng từ chối việc tị nạn nếu họ đã cấp quy chế tị nạn cho trường hợp trước đó và ngược lại, họ có xu hướng cấp quyền tị nạn nếu họ vừa từ chối quyền tị nạn đối với trường hợp trước đó.
Tuy nhiên, nếu hỏi các thẩm phán, thì họ sẽ trả lời rằng vụ án này không liên quan gì đến vụ án tiếp theo. Vậy nên, cũng có thể nhận thấy lối ngụy biện con bạc thường hoạt động bên ngoài nhận thức có ý thức của mọi người.
Thế nhưng, không phải là hoàn toàn không thể ngăn chặn nếu ta biết học cách suy xét vấn đề cẩn thận, để nhận biết được bản chất của sự việc.
Bạn nên dừng lại và tự hỏi mình ''Liệu sự việc ấy xảy ra vì bị chi phối bởi các sự việc từng xảy ra trong quá khứ hay vốn được quyết định bởi những yếu tố ngẫu nhiên khác?"
Ngoài ra, khi xem xét một sự việc, hãy nhấn mạnh tính độc lập của các sự kiện khác nhau đang được đề cập, bằng cách làm nổi bật việc chúng không có khả năng ảnh hưởng lẫn nhau.
Song, ngụy biện con bạc không phải lúc nào cũng hoàn toàn mang đến những ảnh hưởng tiêu cực. Thực chất trong một số trường hợp, nó có thể mang đến những tác động tích cực. Ví dụ trong trường hợp một người gặp thất bại hay xui xẻo, việc giữ một niềm tin rằng lần tới có thể sẽ thay đổi là một điều cần thiết, bởi lẽ, nếu không có suy nghĩ ấy, sẽ rất dễ nản lòng từ bỏ. Tuy nhiên, cần phải luôn làm rõ rằng, suy nghĩ ấy cốt chỉ giúp cho tinh thần chúng ta được phấn chấn, có niềm tin và bản thân có nhiều động lực hơn. Thực tế, để có thể đạt được thành công hay gặt hái một điều gì đó, cần phải biết nhìn nhận, sửa chữa những lỗi sai trong quá khứ từ đó tìm cách đề ra những phương pháp, cách làm mới phù hợp trong tương lai.

Kết

Ngụy biện của con bạc là một khuynh hướng nhận thức và sự tinh vi của nó cũng thể hiện ở việc nó tồn tại trong ''tầng không gian'' ngoài ý thức của con người. Vậy nên, nếu không cẩn thận, lối tư duy này có thể khiến mọi người đưa ra những quyết định sai lầm và tồi tệ. Đây là lý do tại sao điều quan trọng là phải nhận biết được ngụy biện, để tránh đưa ra quyết định cá nhân dựa trên logic sai lầm và thiếu sót.
Thank you for reading ^^.