The Whale (2022) là dự án phim thứ tám của đạo diễn người Mỹ Darren Aronofsky. Mặc dù luôn được đánh giá cao về mặt nghệ thuật và tính chuyên môn, song những tác phẩm của ông cũng nhận không ít những phản ứng trái chiều về quan điểm tôn giáo và triết lý sống. Đó là sự hoài nghi về “giấc mơ Mỹ” trong Requiem for a dream (2000); quan điểm về cái chết và sự tái sinh trong The Fountain (2006); góc nhìn đầy u tối về cái giá của sự thành công và bản chất thực sự của con người trong Black Swan (2010); hay ranh giới mong manh giữa đức tin và sự sống trong Noah (2014). Dưới cái nhìn hoài nghi đầy khắc nghiệt, bạo lực và không kém phần dị biệt, Darren Aronofsky luôn tạo ra những tác phẩm khác lạ, đôi khi hơi nhạy cảm về mặt nội dung. Song đó là cách vị đạo diễn người Mỹ nhìn nhận về thế giới – một thế giới không hoàn hảo và đầy nỗi đau – mà ở đó, những nhân vật trung tâm của ông thường là những người yếu thế. Họ bắt buộc phải lựa chọn và đấu tranh với chính bản thân mình. Lý thuyết phân tâm học của Freud được ông vận dụng tối đa để mang tới một sự phát triển hoặc phân mảnh nhân cách của những nhân vật thành những mảnh nhỏ. Sự khoái cảm trong cơ chế phòng vệ bản thân của những nhân vật trong phim đã tạo nên sự căng thẳng điên rồ. Một sự ngột ngạt về mặt thể chất và tâm hồn nhằm bóp méo đi cái hiện thực, từ đó tạo ra những ảo mộng được cho là hợp lý đối với “cái tôi” trong thực tại.
Với phong cách kể chuyện đầy lãnh cảm, có phần thờ ơ và lạnh lùng, Darren Aronofsky tiếp tục trở lại màn ảnh rộng với dự án The Whale (2022) – một tác phẩm được dựa trên một vở kịch cùng tên của nhà biên kịch Samuel D. Hunter được viết vào năm 2012. The Whale là câu chuyện về những khó khăn trong cuộc sống của giáo sư Charlie – người mắc chứng béo phì luôn nhốt mình trong nhà – và câu chuyện cố gắng kết nối lại với người con mà anh ta đã bỏ rơi suốt chín năm, Ellie. Với sự chăm sóc của người bạn thân Liz – người đã nhiều lần khuyên Charlie đến bệnh viện nhưng luôn bị ông từ chối vì không có tiền trả bảo hiểm – Charlie mỗi ngày luôn chật vật trong sinh hoạt cá nhân. Ông không thể tự di chuyển nếu không có chiếc xe lăn, không thể tự nhặt chiếc chìa khóa bị đánh rơi dưới đất, thậm chí việc đứng lên với Charlie cũng cần một nỗ lực phi thường. Bộ phim khắc họa những ngày cuối cùng trong cuộc đời của Charlie, về sự tự ti của ngoại hình bản thân và sức khỏe, cũng như mong ước hàn gắn lại mối quan hệ với người con gái đang trong độ tuổi nổi loạn của mình. The Whale có một cốt truyện đơn giản, thậm chí có phần tẻ nhạt khi tóm tắt. Song điều hấp dẫn của tác phẩm không đến từ nội dung của bộ phim mà đến từ những quan điểm và góc nhìn về một bộ phận nhỏ những con người trong xã hội – những người mắc căn bệnh béo phì. Cùng với đó là quan điểm về giới tính, về tôn giáo và đức tin, mối quan hệ giữa những người thân trong gia đình. Nhìn lại thế giới những năm qua, khi phong trào LGBT đang dần được mọi người chấp nhận thì vẫn có một bộ phận những người lên tiếng chỉ trích gay gắt; hay những vụ án bạo hành, bỏ rơi, thiếu sự quan tâm của cha mẹ đối với con cái. Tất cả những vấn đề ấy đã trở thành chủ đề được Darren Aronofsky đưa vào trong tác phẩm. Cũng giống như tác phẩm Noah (2014), khi nhìn nhận về đức tin và thái độ của con người đối với nó, The Whale (2022) không mang tới cho chúng ta một câu trả lời đúng hay sai, ngược lại tác phẩm còn đặt cho chúng ta những câu hỏi để tự vấn chính bản thân mình.
Không gian bộ phim trở nên ngột ngạt khi chỉ được gói gọn trong một căn nhà ẩm thấp, u tối và ảm đạm của Charlie. Căn nhà như một hầm mộ, được xây dựng nên bằng chính sự tự ti của ông. Ra đời trong bối cảnh đại dịch, Charlie sử dụng chiếc laptop của mình để dạy học online cho các sinh viên và camera luôn được ông tắt với lý do bị hỏng. Xuất hiện trên màn hình của những sinh viên chỉ là một màn hình đen với giọng nói truyền cảm về cách xây dựng và viết một bài luận. Khoảnh khắc đó, chính khán giả cũng không thể hình dung đằng sau màn hình ấy là một người đàn ông nặng gần 300kg, đang chật vật trong sinh hoạt hàng ngày. Khi bộ phim dần trôi về cuối, Charlie lần đầu tiên bật camera lên, cho sinh viên thấy bộ dạng thảm hại thực sự của chính mình. Đó có phải lúc ông dám mở lòng để xóa bỏ sự tự ti của bản thân mình? Không, đó đơn giản chỉ là khoảnh khắc ông nhận ra mọi người đều ghê tởm ông, như cách ông ghê tởm chính bản thân mình và ông đã lựa chọn đối mặt với nó để không còn vướng bận trong lòng. Hành động trước khi kết thúc khóa học của Charlie nói về sự sự thật, một sự thật đôi khi nghiệt ngã nhưng đó là sự thật chúng ta vẫn thường trốn tránh để xây dựng nên một vỏ bọc cho chính mình. Giống như cách chúng ta viết một bài luận, về một đề tài nhàm chán nhưng luôn phải xây dựng một vỏ bọc tán dương để che đi những quan điểm thực sự. Hành động ném bỏ chiếc laptop khiến nó vỡ vụn của Charlie cho thấy, dù ông có thể dám nhìn nhận sự thật thì đôi khi sự thật đó vẫn quá nghiệt ngã để có thể chấp nhận. Sự chối bỏ bản thân ấy mới chính là nguyên nhân dẫn đến cái chết của Charlie chứ không phải căn bệnh béo phì.
Sự chối bỏ bản thân của ông xuất phát từ tình yêu đồng giới của ông với người yêu mình Alan. Cả hai đã làm tất cả mọi việc, bất chấp mọi sự phản đối để có thể chung sống với nhau, vì vậy khi Alan tự tử, mọi thứ xung quanh Charlie bắt đầu sụp đổ. Vốn là một nhà truyền giáo, Alan đã đi ngược lại với đức tin của mình, từ bỏ giáo hội và điều này đã cật vấn lương tâm của anh. Liệu khi đặt lên bàn cân giữa tình yêu và tôn giáo, điều gì mạnh mẽ hơn để giúp con người có niềm tin để tiếp tục sống? Alan không có câu trả lời, vì vậy tự tử để trốn chạy khỏi sự thật là cách anh lựa chọn. Về mặt nội dung, The Whale (2022) không phủ nhận mặt đức tin đối với tôn giáo, nhưng những nhân vật trong phim luôn có một cái nhìn về một khía cạnh u tối hơn về mặt đức tin. Rằng đức tin ấy có thể cứu sống con người trong ngày tận thế để giúp họ tái sinh trong một hình hài hoàn toàn mới? Hay đó vốn dĩ chỉ là những lời nói suông, không căn cứ của những nhà truyền giáo, mà thực tế khi muốn cứu giúp những người như Charlie về mặt tinh thần nhằm thoát khỏi sự tự ti và chối bỏ bản thân, vẫn luôn cảm thấy ghê tởm khi nhìn thấy ông như cách mà nhà truyền giáo trẻ tuổi Thomas đã bật ra khi hoảng sợ? Không giống như sự thờ ơ nhưng có phần lịch sự của Charlie, Liz – người bạn thân của Charlie và đồng thời là em gái của Alan – thể hiện sự chối bỏ về mặt đức tin có phần mạnh mẽ hơn khi luôn cố gắng đuổi Thomas ra khỏi nhà Charlie. Song có thực sự Charlie thờ ơ với tôn giáo? Bản thân ông cũng đã chối bỏ đức tin về tôn giáo và sự cứu rỗi của bản thân mình khi nói với Alan rằng tình yêu của ông sẽ khỏa lấp đức tin trong anh, rằng Alan sẽ không cần một ai khác ngoài ông. Đó là sự phủ nhận đức tin mạnh mẽ, vượt qua chính tôn giáo mà Charlie muốn bao trùm lên Alan. Nói cách khác, Charlie muốn trở thành một vị Chúa trong tôn giáo mới để Alan tin vào nó. Và sự giằng xé bản thân khi phải lựa chọn của Alan đã dẫn anh tới cái chết – lối thoát duy nhất anh có thể chọn giữa những lựa chọn không có câu trả lời.
Sự chối bỏ bản thân của Charlie còn đến từ việc ông từ bỏ gia đình. Đối mặt với sự chì chiết và ghê tởm của vợ và con gái, Charlie không đưa ra bất kỳ lời biện hộ hay giải thích nào. Ông luôn cố gắng nhìn vào mặt tích cực của người khác để ủng hộ hay luận giải việc họ làm. Hoặc những cố gắng đó của ông là một hình thức khỏa lấp đi những lỗi lầm của bản thân trong quá khứ khi đã bỏ rơi vợ và con gái mình một cách tàn nhẫn, mà ở đây gần như là đoạn tuyệt. Có thể Mary – vợ cũ của ông – luôn ngăn cấm việc ông liên lạc hay đến gần Ellie, song thực tế, ngoài việc gửi tiền nuôi con hàng tháng, ta có thể thấy Charlie có phần vô trách nhiệm của một người cha khi không thực sự quan tâm tới con gái. Họ gặp lại nhau trong một hoàn cảnh trớ trêu nhất đó là khi ông đã gần chết, chỉ để tiếp tục buông những lời cay nghiệt và một thái độ ghê tởm đối với thân hình của ông. Có thể một phần Ellie vẫn luôn yêu mến và muốn ông trở thành một phần trong cuộc đời của cô, song sự vô trách nhiệm và thái độ thờ ơ của ông đã làm cô bé trở nên khó kiểm soát, mà ở đây theo cách nói của Mary là xấu tính. Ellie không ngần ngại buông những lời lẽ nhục mạ người cha cả ngoài đời hay trên mạng xã hội, hay mỉa mai người truyền giáo trẻ Thomas khi anh đến nhà Charlie rằng họ chỉ quan tâm đến nhau bởi tình dục. Cô bé thậm chí còn trộn thuốc ngủ vào thức ăn của ông bất chấp tình trạng sức khỏe ngày càng xấu của Charlie. Ở một chiều hướng khác về hành động này, khán giả có thể giả định cô bé thực chất chưa hiểu rõ tình trạng sức khỏe của ông và chỉ có ý muốn khám phá cuộc sống trong căn nhà ẩm thấp của người cha. Song những gì mà Ellie thể hiện ra vẻ ngoài bằng cả hành động và lời nói, khiến hầu hết chúng ta không mấy thiện cảm về cô. Cô chấp nhận làm bài luận hay tới nhà Charlie chỉ vì tiền, xúc phạm người cha bệnh tật và ghê tởm con người thực sự của ông. Cô đại diện cho một thế hệ trẻ, một thế hệ có phần nổi loạn, luôn giận dữ với những sai lầm của cha mẹ mình và luôn phủ nhận những nỗ lực của họ. Đó là tất cả những gì chúng ta ấn tượng về Ellie và đồng thời cũng chính là cách xã hội nhìn nhận về cô bé. Có vô vàn những giả định được đạo diễn Darren Aronofsky sử dụng để chúng ta liên tưởng tới sự xấu xí của con người cô. Như cách cô chụp hình người khác khi không được phép và mỉa mai họ trên mạng xã hội; dồn ép những người lớn tuổi hơn mình vào thế không thể từ chối cô bằng những lời đe dọa; hay hình ảnh chiếc đĩa bị vỡ nát bên ngoài khung cửa sổ – nơi Charlie để những mẩu vụn thức ăn cho những chú chim – và Ellie là người duy nhất trong cả bộ phim để ý đến chúng. Liệu cô có đập vỡ chiếc đĩa hay không? Hay lý do tại sao Ellie lại xấu tính đến vậy? Về mặt trần thuật, bộ phim không cho chúng ta bất kỳ lời giải thích nào mà chỉ có những suy nghĩ tích cực của Charlie về con gái. Một lần nữa, khán giả có thể giả định việc ông luôn ủng hộ cô bởi muốn khỏa lấp những sai lầm trong quá khứ, song trong bài luận yêu thích nhất của ông – mà thực chất là một bài luận thể hiện sự giận dữ và quan điểm của Ellie về một tác phẩm tẻ nhạt – Charlie đã nhìn thấy một tia sáng le lói, rằng cô là người duy nhất trong cả cuộc đời ông dám nhìn nhận thẳng thắn vào sự thật. Một quan điểm gai góc, đi ngược lại đám đông nhưng đó là sự thật mà Ellie cảm nhận và cô bé là người duy nhất dám nói ra điều này. Nói cách khác, Ellie là người dũng cảm nhất là Charlie từng biết tới, người không xây dựng một vỏ bọc hào nhoáng hay đẹp đẽ để nói về những thứ bản thân mình không yêu thích. Dám đối diện với sự thật là khao khát mà suốt đời Charlie và những người xung quanh ông cả đời không thể làm nổi.
Xuyên suốt tác phẩm, khán giả nhận ra những nhân vật đều đang cố gắng chạy trốn khỏi nỗi đau của bản thân mình. Dù không trực tiếp xuất hiện, nhưng ba gia đình (bao gồm gia đình Charlie, Liz và Thomas) đều hiện lên với những nỗi đau không nói thành lời. Đó là vị giáo sư mắc bệnh béo phì chạy trốn khỏi sự chối bỏ và tự ti về bản thân; một Alan chạy trốn khỏi sự lựa chọn giữa tình yêu và đức tin; một Liz khi chạy trốn khỏi nỗi đau mất người thân; nhà truyền giáo trẻ tuổi Thomas chạy trốn khỏi quê nhà và gia đình bởi những quy chuẩn về mặt đạo đức hay đức tin của giáo hội; một Mary chạy trốn khỏi nỗi đau buồn trong cuộc hôn nhân với người chồng cũ và lo sợ sự xấu tính của Ellie sẽ làm ông thất vọng; hay người giao bánh pizza Dan chạy khỏi nhà Charlie khi nhìn thấy hình dáng thật sự của Charlie. Tất cả bọn họ đều xuất hiện tại nhà Charlie trong những cơn mưa tầm tã như để thể hiện sự u tối và ảm đạm trong tâm hồn họ. Chỉ duy nhất trong phân cảnh cuối phim, Ellie xuất hiện trước cửa nhà Charlie trong ánh sáng ngập tràn, bao trùm lên cô bé. Ẩn ý của đạo diễn Darren Aronofsky trong phân cảnh này là gì? Đó có phải việc Ellie là ánh sáng của cuộc đời Charlie, hay bản thân ông đã tìm thấy ánh sáng và ý nghĩa của cuộc đời mình?
“Liệu có ai muốn một người như bố trở thành một phần trong cuộc đời của họ?” Charlie hỏi con gái mình khi cô nói đã từng muốn ông là một phần trong cuộc đời của cô bé. Bản thân Charlie cũng trở nên hoài nghi về chính bản thân mình, liệu anh có xứng đáng để được yêu, để được người khác đón nhận trong cuộc đời. Khi mà giờ đây, phòng ngủ cũ của Charlie và Alan – nơi giống như thiên đường với vị giáo sư – đã giống như một cấm địa mà ông không thể tự mình đặt chân vào, mà chỉ có thể cảm nhận không khí trong căn phòng. Và những chú chim mà ông vẫn thường cho ăn ngoài cửa sổ, giống như giấc mơ được thoát ly khỏi thực tại khắc nghiệt.
Một góc nhìn khác mà tác phẩm muốn đề cập tới đó là cách xã hội nhìn nhận về những con người mắc căn bệnh béo phì như Charlie và cách họ nhìn nhận về giới tính. Sự cứu rỗi mà nhà truyền giáo trẻ Thomas hướng tới, liệu có đúng đắn? Mặc dù anh ta chỉ làm theo những gì mình tin, những gì mình đã biết tới trong phần lớn cuộc đời, song tình yêu đồng giới liệu có đi ngược với bất kỳ quy chuẩn nào của xã hội quy định? Nói một cách khác, “cái ác” trong Charlie mà theo cách nói của Thomas sẽ bị tiêu diệt là tình yêu đồng giới của ông liệu có thực sự là điều đúng đắn? Cùng với đó là sự thành thật của Charlie đối với sinh viên của ông, khi ông đã dũng cảm nhìn nhận vào sự thật bằng cách bật camera cho họ thấy bộ dạng thực sự của mình. Hầu hết phản ứng của những sinh viên lúc này đều là kinh ngạc. Họ sốc trước những gì đang được chứng kiến. Có người phải che miệng cười, có người dùng điện thoại để ghi lại khoảnh khắc ấy, cũng có người bàng hoàng không nói nên lời. Phải chăng đó sẽ là phản ứng của phần lớn xã hội khi đối diện với một thứ bị coi là dị biệt?
Trong đoạn kết của phim, như đã nói, Ellie xuất hiện trong ánh sáng ngập tràn và đọc bài luận của cô cho Charlie nghe. Bằng một nỗ lực phi thường, Charlie đã đứng dậy và tiến về phía con gái mình. Ánh sáng ngập tràn ông như thể muốn rũ bỏ đi sự tự ti và chối bỏ bản thân của ông bấy lâu. Cuối cùng, ông như thể được bay bổng, đôi chân lơ lửng. Điều đó dẫn tới việc có hai giả thiết chúng ta có thể hướng tới. Giả thiết thứ nhất, đó là việc Charlie đã được cứu rỗi và ông đã lên thiên đàng sau khi qua đời. Điều này gần như đã phá bỏ đi ranh giới của đức tin và những tội lỗi bản thân ông (và những người khác cho rằng) mắc phải. Từ đó tạo nên một cái nhìn cởi mở hơn giữa tôn giáo về những quan điểm về giới tính, tình yêu và con người. Giả thiết thứ hai đó là việc Charlie đứng lên và tiến tới con gái mình hoàn toàn do ông tưởng tượng ra trước khi qua đời. Bởi ngay trong lúc sức khỏe chưa nguy kịch, Charlie cũng đã rất chật vật để có thể đứng thẳng mà không có sự trợ giúp của xe lăn. Điều này giúp chúng ta liên tưởng tới “lý thuyết phân tâm học của Freud” mà đạo diễn Darren Aronofsky thường sử dụng trong những tác phẩm của mình. Một cơ chế phòng vệ bản thân đã tạo ra khoái cảm, giúp Charlie bóp méo đi thực tại và tạo ra một ảo mộng phù hợp với “cái tôi” của chính ông. Song điều quan trọng nhất ở đây, đó là việc Charlie đã có thể thoát khỏi sự tự ti, chấp nhận bản thân và tha thứ cho chính mình.
Nam diễn viên Brendan Fraser đã bật khóc trước tình cảm của công chúng dành cho anh và cho bộ phim. Tác phẩm đã nhận được tràng pháo tay dài sáu phút tại liên hoan phim Venice 2022. Để vào vai vị giáo sư mắc căn bệnh béo phì, nam diễn viên đã mặc bộ đồ nặng 136kg và mất sáu tiếng để hóa trang. Vai diễn vô cùng xuất sắc của Brendan đã mang về đề cử Oscar đầu tiên trong sự nghiệp cho hạng mục Nam chính xuất sắc nhất. Bên cạnh đó, đạo diễn Darren Aronofsky chia sẻ ông chưa từng xem hay có ấn tượng gì về những tác phẩm khác mà nam diễn viên Brendan Fraser từng thủ vai nhưng ông biết chắc chắn nam diễn viên là người phù hợp nhất. “Tôi đã mất mười năm để chuyển thể câu chuyện này lên màn ảnh, với lý do không thể tìm ra một diễn viên nào phù hợp. Sau này tôi tình cờ xem được một đoạn giới thiệu ngắn về một bộ phim độc lập kinh phí thấp của Brazil mà Brendan đóng một vai nhỏ trong đó. Thành thật mà nói, tôi chưa thực sự xem bất kỳ phim nào anh ấy đóng. Nhưng tôi đã chọn Brendan, và tôi biết anh ấy là người phù hợp nhất”, vị đạo diễn chia sẻ.
The Whale (2022) là một tác phẩm gai góc, dị biệt nhưng vô cùng cảm động. Sự thờ ơ và lạnh lùng trong lối dẫn chuyện quen thuộc của Darren Aronofsky một lần nữa đã khiến bầu không khí của tác phẩm trở nên bi ai, ngột ngạt của nỗi đau trong mỗi gia đình và sự thống khổ của việc làm người.