Ảnh: Pinterest
Ảnh: Pinterest
Khi Google cụm từ “chỉ trích GenZ", tôi nhận được 941000 kết quả trong 0.35 giây. Những lời chỉ trích thường hướng tới 1) thái độ của Gen Z trong công việc như lười biếng, cảm tính, ảo tưởng 2) trí tuệ cảm xúc của Gen Z như dễ vỡ, mỏng manh, sốc nổi, chỉ biết nghĩ đến bản thân mình, và 3) lối sống của Gen Z, vô độ, sa đoạ, hết tình một đêm lại đến friends with benefits. 
Tôi nghĩ giáo dục đã đi qua cái thời cần phải chê bai một ai đó thật nhiều để họ cảm thấy xấu hổ mà phải gắng sức tốt lên. Nếu thực sự muốn ai đó cải thiện, tôi nghĩ mình cần hiểu họ trước khi cố gắng “sửa" họ.
Tôi tự hỏi, thứ nhất - bao nhiêu phần trăm các vấn đề trên là một phần của sự phát triển tự nhiên của con người, nghĩa là thế hệ nào cũng có, thứ hai - yếu tố nào khiến Gen Z trở nên khác biệt, trở thành trung tâm của sự chỉ trích và thứ ba - bản thân mỗi Gen Z có thể tự cải thiện được điều gì. 
Okay, đầu tiên thì, 

- GEN Z LÀ AI? -

Tôi đã gặp không ít tranh cãi về khái niệm Gen Z tại Việt Nam. Bản thân tôi cũng luôn băn khoăn, không biết các loạt thông tin nhắm đến Gen Z có dành cho mình hay không. Tôi chỉ đủ già để biết Bức Tường và cũng không đủ trẻ để dành 3h một ngày trên Tiktok...
Cá nhân tôi không phải là người nghiên cứu về xã hội học để có thể đưa cho các bạn những kiến thức chính xác nhất về cách phân chia này. Tôi xin phép được chia sẻ lại những kiến thức thú vị về vấn đề này từ anh Nguyễn Quốc Tấn Trung (Hội Đồng Cừu) như sau:
Thuyết thế hệ [theory of generations] được đưa ra bởi nhà xã hội học Karl Mannheim là nền tảng của cách phân chia thế hệ. Các thế hệ được phân tách dựa vào sự khác nhau của những yếu tố chính trị, lịch sử, văn hoá, xã hội hình thành nên thế giới quan độc đáo của mỗi thế hệ từ khi họ còn trẻ. Theo thuyết này, ông bà, bố mẹ, anh chị em chúng ta được chia thành 4 thế hệ như sau:
Thế hệ Baby boomer, sinh ra vào sau Chiến tranh Thế giới Thứ II, từ 1946 đến 1965. Tiếp theo đó là Thế hệ X, sinh ra vào khoảng những năm 1965 - 1980. Tại Việt Nam, thế hệ Baby Boomer và GenX không tồn tại, thay vào đó, chúng ta có thế hệ Hô hào Kháng chiến [the Warcry Generation], sinh từ những năm 1960 đến hết 1979. 
Thế hệ Millennial, sinh ra trong khoảng những năm 1981 - 1995 còn Gen Z thì sinh ra trong khoảng thời gian từ năm 1996 đến 2012. Các bạn Gen Z hiện nay sẽ đang trong khoảng 11 - 27 tuổi, và thường có anh chị thuộc thế hệ Millennials.

- GEN Z GIỐNG CÁC THẾ HỆ KHÁC

Ở ĐIỂM GÌ? -

Ảnh: Pinterest
Ảnh: Pinterest
Đầu tiên, gen nào cũng có một thời vị kỷ, cho mình là độc nhất, là số một, khó lòng chấp nhận những điểm khác biệt ở người khác. Nếu nhìn dưới lăng kính Tâm lý học Phát triển, cho dù thuộc thế hệ nào đi chăng nữa, ai cũng sẽ phải trải qua giai đoạn vị thành niên 11-18 tuổi. Lý thuyết sự phát triển nhận thức của nhà tâm lý học Piaget từ đầu thế kỷ 20 cho thấy, trẻ vị thành niên khó có thể đặt mình vào vị trí của người khác để hiểu cho quan điểm và góc nhìn của họ do khả năng tư duy của trẻ còn bị giới hạn. Việc "ảo tưởng", nghĩ rằng mình là trung tâm của vũ trụ, cũng từ đó mà nảy sinh. 
Vào năm 1986, nhà tâm lý học Labouvie-Vief cho rằng, sự phát triển nhận thức ở trẻ không chỉ dừng lại ở 18 tuổi mà còn tiếp tục cho tới tận tuổi 25. Ở giai đoạn sau 18, người trẻ mới zhọc được cách thay đổi cách giải quyết vấn đề sao cho phù hợp với từng bối cảnh. Ví dụ, việc cáu gắt và tức giận với cha mẹ có thể là cách giải quyết vấn đề hợp lý nhưng người trẻ sẽ không thể dùng cách này để giải quyết các vấn đề ngoài xã hội. Trong giai đoạn này, người trưởng thành trẻ tuổi cũng học cách tư duy thực tế hơn và nhận ra sự ảnh hưởng mạnh mẽ của cảm xúc đến suy nghĩ và hành vi của mình. 
Một nghiên cứu của đại học Harvard vào năm 2008 cho thấy, người trẻ chỉ có thể chạm tới mức phát triển này nếu như họ có đầy đủ những nguồn tài nguyên tri thức, cảm xúc, xã hội và triết học cần thiết. Đây là những thứ họ chỉ có thể nhận được khi trải nghiệm, va vấp thật nhiều để hiểu bản thân và xã hội. 
Thứ hai, trong giai đoạn này, vùng não cảm xúc cũng phát triển mạnh mẽ, áp đảo khả năng hoạt động của vùng não trước trán - vùng đảm nhận tư duy, quản lý cảm xúc và lên kế hoạch hành vi. Miệng nhanh hơn não, vạ miệng, suy nghĩ, hành động theo cảm xúc hay cảm tính là việc khó tránh khỏi. 
Thứ ba, cùng trong giai đoạn này, vùng não tưởng thưởng trở nên cực kỳ nhạy cảm với những phần thưởng mang tính chất xã hội. Nghĩa là khi hội sửu nhi làm điều gì đó cùng nhau, chúng ta sẽ cảm thấy vô cùng thích thú. Hoạt động “cộng đồng" của Millennials ngày xưa chỉ tồn tại trong thế giới thực tế, xa hơn là ở trong quán net. Còn hoạt động cộng đồng của Gen Z ngày nay chủ yếu tồn tại trên mạng xã hội, xa hơn là trên mạng xã hội, nhưng ở quán cafe. Dù là ở đâu thì các luồng tư tưởng, văn hoá phổ biến, và cả những hành vi bồng bột nguy hiểm từ nhóm bạn cũng có ảnh hưởng mạnh mẽ đến cá nhân mỗi người.

- ĐIỀU GÌ KHIẾN GEN Z

TRỞ NÊN KHÁC BIỆT? -

Ở Việt Nam, thế hệ Millennials lớn lên vào đúng thời kỳ Đổi mới và Hội nhập Kinh tế Quốc tế (1986 - 2005). Tôi không biết ở các vùng khác như thế nào vì tôi không sinh ra và lớn lên ở đó nhưng ở Hà Nội, các anh chị tôi lớn lên với TV bé xíu như cái hộp đen trắng, máy tua băng và khi vào đại học hay sắp ra trường rồi, họ mới có những trận cãi vã với bố mẹ xem ai là người được lên mạng, ai là người được buôn chuyện qua điện thoại bàn. 
Còn tôi và mấy đứa nhỏ trong nhà, cấp một đã được xây biệt thự thâu đêm trong The Sims, cấp hai ai cũng có một cái tên Yahoo thật sành điệu, dạng như danchoi_khongsomuaroi hay c0bexjt33n. Đến cấp ba, chắc hiếm lắm mới tìm được đứa không dùng insta, Facebook và khi tôi tốt nghiệp đại học thì tiktok đã trở thành một trào lưu và tôi thì hay bị gọi là nhà quê vì không cập nhật thường xuyên drama ở trên đó. Nhỏ hơn cả chúng tôi là thế hệ các em, các cháu, lúc nào về quê cũng châu đầu ngồi xem Netflix và ăn mặc cực kỳ xjteen. 
Từ những yếu tố trên, tôi thấy thế hệ mình và các anh chị có những khác biệt sau. Ở Việt Nam không có nhiều nghiên cứu về vấn đề này nên tôi sẽ chia sẻ từ góc nhìn cá nhân. 

THỨ NHẤT: Không khác biệt lắm…

Có những sự kiện đã xảy ra từ quá lâu mà tôi nghĩ những thế hệ trước đã phần nào quên mất. Ngày còn trẻ, họ có dám cãi ông bà, dám làm những điều “trái với luân thường đạo lý", ngay cả khi hình phạt ngày ấy có thể kinh khủng gấp nhiều lần so với ngày nay? Các nghiên cứu về tâm lý học Tính cách cũng đã chỉ ra, theo thời gian, ai rồi cũng sẽ thay đổi, có phần dễ tính hơn, nghiêm túc và tận tâm hơn. Có phải, làm người lớn lâu quá rồi, họ đã  quên mất ngày mình còn tuổi đôi mươi? Bỏ qua hơn hai năm cuộc đời dành cho COVID, có phải, sự phát triển của GenZ cũng đang bị đình trệ?
Việc thế hệ trước có rối loạn trầm cảm, rối loạn lo âu và các chứng bệnh tâm thần khác chắc chắn có. Nhưng thời ấy đã làm gì có những tên gọi này để mô tả vấn đề. Ai có cũng chỉ biết chịu đựng, cúng bái, hoặc chữa một triệu chứng thân thể của các chứng này như đau nhức kinh niên, rối loạn tiêu hoá, đau đầu, hay mất ngủ.

THỨ HAI: Gen Z ngày nay phải đối diện với không chỉ các vấn đề offline, mà cả vấn đề online 

Thế giới online không bao giờ ngủ. Chỉ cần bật mạng xã hội lên, thì cho dù có là 4 giờ sáng, Gen Z vẫn hoàn toàn có thể rơi vào hố sâu của cảm xúc khi nhìn thấy một loạt những bữa tiệc mình đã bỏ lỡ, những bộ quần áo mình không thể mua, những thành tựu xã hội mình chưa đạt tới. Ở Anh, tổ chức HOPE cho biết, trong vòng ba năm trở lại đây tại Anh, số lượng trẻ em và trẻ vị thành niên tìm kiếm sự hỗ trợ cho các rối loạn ăn uống đã tăng 110%! Không ngạc nhiên khi đang ở giai đoạn kém tự tin nhất với những thay đổi kỳ cục ở cơ thể… mặt lấm tấm trứng cá, các bạn nữ thì cơ thể trở nên to lớn hơn còn các bạn nam thì bỗng nhiên cao lớn lênh khênh, thì ngồn ngộn trước mắt lại là những hình ảnh hoàn hảo trai xinh gái đẹp được chỉnh sửa kỹ lưỡng.
Thế giới online cũng là nơi đưa GenZ ra với thế giới. Nhưng… lối sống “phương Tây” và các quan điểm “phương Tây” xuất hiện trên màn ảnh nhỏ rất khác với cuộc sống “phương Tây" thực tế. Đồng ý rằng các nước đã phát triển có tồn tại nhiều hình thái mối quan hệ khác nhau, phù hợp với nhiều nhu cầu đa dạng. Tuy nhiên, các mối quan hệ này được hỗ trợ và nuôi dưỡng bởi hệ thống nghiên cứu khoa học, dịch vụ hỗ trợ và thông tin phong phú từ các ngành khoa học Xã hội, cụ thể là Tâm lý học. Việc bắt đầu một mối quan hệ không theo khuôn mẫu cần nhiều hơn là “thích thì làm"

THỨ BA: Thị trường nghề nghiệp thay đổi 

Ở Việt Nam, nếu như các Millennials có bằng đại học, có tiếng Anh tốt thì gần như chắc chắn sẽ có nghề nghiệp ổn định, lương không quá tệ. Còn ngày ngay, Gen Z còn cần thêm cả các kỹ năng cứng không phải chuyên ngành của mình, và tất nhiên là rất nhiều kỹ năng mềm. Các Gen Z không có cơ hội học trường quốc tế hay tham gia các dự án có mentor chất lượng thì cơ hội các bạn học được gì từ các dự án sinh viên là rất thấp. Mình đã từng gặp rất nhiều dự án sinh viên quên không trả lời tin nhắn khách mời (chính là mình), mời nhầm khách (mình chính là người bị mời nhầm ;’)), hay chê khách mời quá khó tính khi nhận được feedback để cải thiện (vâng, người khó tính cũng chính là mình :( )
Khi bước chân vào môi trường làm việc thực sự chuyên nghiệp với yêu cầu cao, các em rất có thể rơi vào trạng thái analysis paralysis. Tức là nghĩ mãi, không biết phải làm gì, thành ra không làm luôn. Hơn nữa, số lượng cơ hội nghề nghiệp ngày nay cũng nhiều hơn hẳn so với thời Millennials, thành ra, các bạn trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm sẽ nghĩ rằng, nếu như mình chuyển môi trường, mọi chuyện sẽ khác, nên cũng không có nhu cầu cố gắng để thay đổi trong môi trường hiện tại.

Ngoài ra... tôi nghĩ rằng cách cha mẹ dạy dỗ millenials cũng sẽ rất khác với cách họ dạy GenZ

Ở một số gia đình miền Bắc, khi có Gen Z cũng là lúc gia đình đã khá giả hơn, nhưng đồng thời cha mẹ cũng bận bịu hơn, và quan điểm của Gen Z về cách nuôi dạy của cha mẹ cũng đã thay đổi. Các anh chị 8x của tôi nhiều khi chịu khổ quen, thời đó gần như ai cũng khổ, ai ai cũng bị bố mẹ đánh chửi, thành ra thấy chuyện đó là hoàn toàn bình thường. Nhưng đến thời tôi, tự nhiên nhận ra không phải ai cũng bị đánh chửi, mình mình bị gọi là con *&, con *&^@, mình đâm ra tủi thân, quay ngược lại tự trách bản thân mình, chứ chẳng phải là nhạy cảm mỏng manh hơn thế hệ các anh chị.
Đây là bài toán không có một mẫu số chung nào cả, cũng chưa có nghiên cứu nào thống kê cho các bạn các con số và trường hợp cụ thể. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà, mỗi cảnh. Nhà các bạn thì sao?
-----
Là một Gen Z (theo định nghĩa), tôi nhìn thấy được bản thân mình trong các anh chị mình, nhưng cũng hiểu rằng con đường của mình có những thử thách và lợi thế hoàn toàn khác họ.
Tôi mong rằng cụm từ Gen Z sẽ bớt bị lạm dụng như một miếng mồi của truyền thông hay một công cụ gây hấn của thế hệ này dành cho thế hệ khác. Cụm từ này còn quá nhiều những khía cạnh mang tính giáo dục cao hơn cần được khai thác, để chúng tôi hiểu được mình cần định hướng bản thân như thế nào trong thế giới muôn chiều kích này.
Tác giả: Keira Ngo