Mình đã rất muốn kể, muốn tâm sự rất nhiều điều nhưng thật sự rất khó để có được một người biết lắng nghe...
Để được xem là một người giỏi kĩ năng giao tiếp, người đó phải cần có rất nhiều chi tiết và điều kiện. Sau đây là 7 kỹ năng cơ bản cần có trong giao tiếp:
1. Kỹ năng chào hỏi và tạm biệt.
2. Kỹ năng lắng nghe – kỹ năng cơ bản nhất định phải làm nếu muốn giao tiếp thành công.
3. Kỹ năng quan sát.
4. Kỹ năng kiểm soát cảm xúc.
5. Kỹ năng nói chuyện – diễn đạt.
6. Kỹ năng đặt câu hỏi.
7. Kỹ năng mời hẹn.
Đây là những dòng đầu tiên hiện ra khi mình tra google "Những kĩ năng cần có trong giao tiếp". Và ở mục thứ 2 "Kỹ năng lắng nghe" có lẽ là quan trọng nhất. Hồi trước, lúc mình còn học ở cấp 2, cấp 3 tụi mình hay nghe đi nghe lại câu nói của thầy cô: "Các em giữ trật tự đi, cô đang giảng bài, có người nói có người nghe chứ !". Có người nói có người nghe là một điều cực kỳ tuyệt vời trong giao tiếp.
Nhưng đâu phải ai cũng hiểu điều này. Mình dám chắc bạn phải đã trải qua ít nhất một lần trong đời cảm thấy mình thấp bé khi chẳng có ai chịu lắng nghe những thứ từ thâm tâm của mình. Có những ngày rất vui khi có đạt một thành tựu hoặc mục tiêu và mình muốn chia sẻ điều đó cho người mình yêu thương. Và cuối cùng thì thứ mình nhận được là gì là những lời kiểu như: "Vui dữ vậy hả?", "Ghê à", "T tưởng m lụm được cục vàng !". Đó là trong trường hợp vui... còn đáng sợ hơn là trong những lúc tâm trạng mình không ổn và có chuyện buồn. Đó thật sự là lúc mình cần lắm một người biết lắng nghe chứ không phải một người luôn mình bảo: "À ba cái chuyện này", "Hồi trước t cũng bị vậy","Thôi đừng buồn nữa".Ảnh
Ảnh của một group mình vô tình thấy trên Facebook và quyết định viết bài này - Gen Z tích cực
Ảnh của một group mình vô tình thấy trên Facebook và quyết định viết bài này - Gen Z tích cực
Vui buồn đã đành, đôi khi chỉ là một vài câu chuyện hay một vài điều mình trải nghiệm được và kể lại cho người khác. Và khi mình vừa kể đến nửa câu chuyện hoặc thậm chí là chỉ mới mở đầu thì đôi khi người không chịu lắng nghe đã vội vàng nhảy vào chen câu chuyện của họ. Thế là mình chẳng buồn kể tiếp. Trong giao tiếp khi 2 người nói chuyện với nhau phải hiểu được nhau chứ tại sao lại chỉ có một người hiểu, còn người kia chỉ lo hiểu câu chuyện của chính mình...thật đáng trách...
Thôi dù ngoài kia có đối xử với mình như thế nào nhưng mình phải biết học cách lắng nghe người khác. Để biết đâu một ngày nào đó sẽ có người đến bên cạnh và thật sự lắng nghe những câu chuyện của mình.
“The word 'listen' contains the same letters as the word 'silent' .”
― Alfred Brendel
"Trong từ 'lắng nghe' có chứa chữ cái giống như từ 'im lặng'."
Tự lắng nghe chính mình cũng là cách tự xoa dịu và làm lành những tổn thương sâu thẳm trong bản thân mình.
Bài viết được viết trong những ngày yếu lòng. Chứ thật ra cuộc đời mình vẫn đang rất tươi đẹp và rất ít biến động so với nhiều người ngoài kia. Thanks nếu bạn có ghé qua <3