Là một người đang sống ở Anh, may mắn khi được trải nghiệm nền giáo dục “ở bển”, được gặp gỡ các bạn trẻ đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau, góc nhìn của mình về Sex Ed được mở rộng hơn. Ở đây là so với chính bản thân mình cách đây 5 năm, khi còn chân ướt chân ráo ôm mộng 1 “lý tưởng lớn lao” về Sex Ed khi bắt đầu định hình được sự quan tâm của mình cho chủ đề này.

Giáo dục theo tiêu chuẩn Mỹ với Anh mới là nhất ư? Không hề! 

Chúng ta chắc đã quá quen với những sự ngợi ca về tiêu chuẩn giáo dục của Anh và Mỹ. Điều này đúng trên nhiều phương diện và lĩnh vực. Nhưng với Sex Ed thì có lẽ là không.
Sự thật thì 2 đất nước to bự này lại đứng… bét bảng về tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn và lây nhiễm STIs trong số các nước phát triển. 
Lý do có lẽ sẽ khiến nhiều người khá ngạc nhiên:
Rất nhiều người Mỹ khá bảo thủ trong việc nói về Sex Ed cho học sinh.
Thậm chí nếu thử Google, bạn sẽ thấy ở Mỹ có cả 1 phong trào đấu tranh yêu cầu nhà trường không được phép dạy về Sex Ed cho tụi trẻ (Abstinence sex ed only), vì họ cho rằng nói về phòng tránh thai, về pỏn, về việc quan hệ an toàn là tiêm nhiễm vào đầu tụi trẻ con những kiến thức khiến chúng sử dụng để đi quan hệ tè le lung tung. 
Còn người Anh thì quá… lịch sự để nói về Sex Ed 
Để mình lấy 1 ví dụ vui vui như trong ảnh cho mọi người hình dung nhé:
Sắp chết đuối tới nơi thì chỉ có kêu “Cứu! Cứu!” thôi chứ gì nữa.
Nhưng người Anh thì sẽ kiểu “Tôi rất xin lỗi đã làm phiền nhưng mà anh có thể làm ơn ném cho tôi cái phao được không nếu điều đó không làm ảnh hưởng gì tới anh…” lol =))
Tất nhiên ngoài đời ko ai làm thế =)) nhưng sự dài dòng lịch thiệp của người Anh là có thật như vậy. Và chính văn hóa lòng vòng lịch sự này khiến họ có sự e dè khi nói về Sex Ed.
Mình có hỏi han thầy cô và các bạn bè người bản xứ của mình về việc mọi người đã từng được học, hay từng nói với con cái của mình về Sex Ed như thế nào. Câu trả lời mình nhận được, đều bắt đầu bằng những cái nhíu mày suy nghĩ mất cỡ vài giây, và rằng “ah, tao cũng chẳng biết nói sao nữa”.
Sex Ed không phải môn học bắt buộc, cũng hơi giống ở VN ha~
Bạn có thể không tin, nhưng Sex Ed tại các trường học ở Mỹ là điều tùy thuộc vào mỗi bang, thậm chí mỗi trường. Không hề bắt buộc.
Còn ở Anh, thì quy định bắt buộc dạy về GDGT toàn diện (Comprehensive sex education) cho học sinh mới chỉ được phổ cập cỡ đâu từ năm 2017.
Câu chuyện này được kể ra, để thấy là chúng ta cũng không quá đi sau Anh và Mỹ trong việc học về Sex Ed đâu mọi người ạ. Nên có lẽ thay vì lên án mãi, chúng mình nên bao dung hơn một chút trong việc cùng nhau chia sẻ và học tập về Sex Ed ha?
Vì suy cho cùng, để đạt được tới “cảnh giới” thực sự phát triển trong lĩnh vực GDGT, sẽ luôn là 1 quá trình dài, đồng hành cùng nhau. Không chỉ dừng lại ở mặt kiến thức, mà còn ở cách chúng mình mở lòng hơn khi nói về nó nữa ^^!

Vậy nước nào mới dậy về Sex Ed tốt nhất? Chính là Hà Lan – nơi nổi tiếng với “phố đèn đỏ” 

Nhắc tới phố đèn đỏ, bởi đây là một trong những điều nổi tiếng khiến mọi người tò mò về đất nước này nhất, nơi mà mại zâm được coi là một nghề hợp pháp.
Con phố này không hề “đèn mờ” như nhiều người nghĩ. Nó vô cùng sầm uất, nhộn nhịp, lại ở nơi vô cùng trung tâm. Đi bộ ở đây giống như việc bạn đi dạo phố shopping ở Cầu Giấy chẳng hạn, các cửa hàng quần áo mọc cạnh nhau san sát, nhưng thay vì nhìn thấy toàn ma-nơ-canh bằng nhựa cứng đờ, bạn sẽ thấy người thật, mặc những bộ bikini gợi cảm, đang lả lướt bên ô cửa kính, vô cùng sống động.
Và điều đặc biệt là: không có bất kỳ giới hạn độ tuổi nào cho người đến thăm con phố này.
Nói vậy để mọi người có thể hình dung thế này: mọi thứ về sex ở đây đều vô cùng cởi mở. Trẻ em hoàn toàn có thể tiếp xúc với những hình ảnh, thông tin mà trong con mắt của bố mẹ Việt Nam, và bố mẹ nhiều nước khác nữa, là điều vô cùng cấm kỵ.
Theo logic của rất nhiều người lớn thì đây chắc hẳn là sự cởi mở quá đà, và rằng sẽ tạo ra hậu quả xấu cho tụi trẻ.
Tuy nhiên, trong rất nhiều nghiên cứu về tính hiệu quả của chương trình giáo dục giới tính, Hà Lan luôn là hình mẫu được ca ngợi, họ cũng là nước có tỉ lệ thấp nhất thế giới về mang thai ở độ tuổi teen, và tỉ lệ trẻ em quan hệ lần đầu khi dưới 15 tuổi cũng thấp nhất trong số các nước Châu Âu luôn. Đặc biệt là khi so sánh với Mỹ, tỉ lệ nhiễm HIV và các bệnh lây lan STIs khác thấp hơn Mỹ hẳn 5 lần!
Kết luận được đưa ra (cũng trong rất nhiều nghiên cứu), đó là việc cởi mở về sex như những gì Hà Lan đang làm thực tế lại giúp trì hoãn việc quan hệ lần đầu sớm, và giảm thiểu những vấn đề liên quan như mang thai ngoài ý muốn, các bệnh lây nhiễm…
Đôi khi, việc nói về tác hại, những mặt tiêu cực, hay hậu quả của sex… lại không mang lại tác dụng gì như nhiều người vẫn nghĩ. Ví dụ như: bạn bắt gặp con/em mình xem phim sex, dù bạn không mắng mỏ quát tháo gì, chỉ nhẹ nhàng nói là “ây, phim này xấu lắm, mình đừng xem nhé”, thực ra cũng không phải là cách dạy về GDGT hiệu quả.
Ở Hà Lan, theo luật, GDGT là môn học bắt buộc phải có, không chỉ bao gồm những nội dung về phòng tránh thai, họ còn nói về LGBT, nói về… thủ dâm và những trải nghiệm tình dục. Để “yêu” người khác, chúng ta phải biết cách “yêu” bản thân mình trước đã.
Ngẫm lại bản thân mình ngày xưa, và các bạn trẻ VN bây giờ, các kiến thức này mới chỉ bắt đầu được nhen nhóm và nói qua loa khi chúng ta vào… đại học. Thủ dâm vẫn là một thứ quá đỗi xấu xí và có hại, còn LGBT vẫn là những con người kỳ lạ mà “người bình thường” không sao hiểu nổi, và được phép bị mang ra để trêu chọc.
Đã gọi là môn học bắt buộc, tức là không phải chỉ 1-2 tiếng lồng ghép trong tiết học sinh học hay giáo dục công dân, các bạn ấy được học NHIỀU BUỔI HỌC riêng về sexed, và KÉO DÀI trong tất cả các năm học từ cấp 1 tới hết cấp 2, với các kiến thức phù hợp với từng độ tuổi. Còn trong thực tế, các bạn nhỏ từ 4 tuổi đã phải được giáo dục về giới tính rùi.Chính phủ Hà Lan coi sex là một chủ đề rất bình thường, một phần hoàn toàn tự nhiên của cuộc sống và trẻ em càng được trang bị nhiều kiến thức thì sẽ càng có sự phát triển toàn diện hơn.
Mục đích trọng tâm của SexEd ở Hà Lan, không phải chỉ để giảm thiểu tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn, mà là để các bạn trẻ biết cách xây dựng những mối quan hệ KHỎE MẠNH (là khỏe mạnh, chứ không phải chỉ LÀNH MẠNH nha).
SexEd được dựa trên cơ sở kiến thức khoa học, và các bạn trẻ được khích lệ nói ra suy nghĩ của mình, trước khi người lớn đưa ra những lời dạy dỗ.Các bạn trẻ học về việc xây dựng ranh giới của bản thân, và tôn trọng ranh giới của người khác. Tình dục được gắn với tình yêu và sự tôn trọng.
Các bạn cũng được dạy các kỹ năng về cách nói “không” cho đến khi cảm thấy bản thân đã sẵn sàng cho việc have sex, biết bản thân mình cần gì, muốn gì, và biết cách trao đổi với người ấy một cách tôn trọng và trách nhiệm.
Tức là các các bạn trẻ biết rất rõ mình muốn havesex khi nào, ra sao, mình cần làm gì, sử dụng biện pháp tránh thai nào, dùng ra sao… chứ không phải kiểu mù mờ “ờ thì bạn bè ai cũng làm thì mình cũng làm, nhỡ có bầu thì đẻ, đẻ rồi thì nuôi”, hay như rất hừng hực cho lần đầu làm chiện í nhưng ngay sau đó lại rất hoang mang “cái lỗ để đút vào ở đâu, sao đút mãi ko vô, sao lần đầu không chảy máu”… vân vân và mây mây…
Một điều rất hay khác, đó là ở Hà Lan, các bạn từ độ tuổi nhỏ đã được dạy rằng: Con trai hoàn toàn có thể yếu đuối, và có thể khóc. Điều mà có lẽ trong vô thức, chúng ta luôn nhắc nhở chính bản thân mình là “đàn ông con trai phải mạnh mẽ lên, phải là trụ cột gia đình…”.
Có thể bạn sẽ nghĩ rằng, dạy tụi nhỏ những điều này chỉ khiến chúng nghĩ về sex mà chểnh mảng học hành. Tới khi nào có nhu cầu thì học cũng chưa muộn mà. Bố mẹ mày ngày xưa có làm sao đâu.
Không không.
Đợi đến khi có nhu cầu thì đã quá muộn rồi…
Còn tại sao lại quá muộn, thì mình sẽ hẹn mọi người trong một bài post khác nhé ^^!
Yêu thương,
Hà Phạm.
--------------------
Mình có một niềm yêu thích đặc biệt với Sex Education và Animated Video. Nếu quan tâm tới các bản viết liên quan tới chủ đề Girls Empowerment via Sex Education, bạn có thể ghé thăm trang cá nhân của mình tại đây nhé ^^: https://she-talks.org/