Người nghèo trong "Ký sinh trùng"
Những ngày trời nắng như đổ lửa... phải lao động ngoài trời thật nhọc. Mình xem Ký Sinh Trùng vào chủ nhật tuần trước, khi người người...
Những ngày trời nắng như đổ lửa... phải lao động ngoài trời thật nhọc.
Mình xem Ký Sinh Trùng vào chủ nhật tuần trước, khi người người nhà nhà dường như chẳng còn xa lạ gì với diễn biến và cốt truyện của nó nữa.
Mình sẽ không nói giá như mình xem phim này sớm hơn, vì thời điểm mình nghĩ cần xem phim thì cái triết lý trong phim đã cộng hưởng với mình của hiện tại. Mình nên xem nó ngay tại khi đó, không sớm hơn, không muộn hơn.
"Ký sinh trùng" bất giác khiến mình thấy sợ: sợ cái nghèo, sợ cái mùi, sợ cái tầng hầm, sợ sự tối tăm, sợ kế hoạch hoàn hảo, sợ sự thông minh tinh ranh bất hảo, sợ cái ác, sợ cái thiện, sợ đúng, sợ sai...
Mình nghĩ ai cũng nôm na hiểu điều bộ phim muốn nói.
Rằng cái nghèo không lấy đi nhân cách, tự tôn hay lòng tốt vốn có, nhưng nó lại tước đoạt cơ hội để bạn trở thành người tốt hơn. Bạn không đủ điều kiện để trở thành người tốt với mọi người mọi nhà, bạn chỉ có khả năng tốt với mình bạn hoặc người nhà mình.
Giống như cái cách mà cô con gái trong phim nói "Đừng để tâm tới họ, chúng ta đã nhiều vấn đề lắm rồi".
Rằng cái nghèo cũng khiến người ta cảm nhận cuộc sống tươi đẹp thật dễ, nó đơn giản là một khoảng vườn rộng trong khuôn viên nhà, đầy nắng, có thể phơi mình trên thảm cỏ tươi, ngẩng mặt lên thấy bầu trời trong xanh thoáng đãng .
Rằng cái nghèo cũng khiến người ta hoài nghi bản thân về sự xứng đáng. Liệu có xứng đáng được ngẩng cao đầu, xứng đáng với những điều tốt đẹp, với sự sang trọng, sự hiện diện đàng hoàng chính chính?
Bộ phim mang nhiều triết lý sâu sắc về đời sống xã hội, tình cảm gia đình. Những điều này bất giác khiến mình nhận ra tầm quan trọng của tầng lớp giàu có, bất giác khiến mình đột nhiên muôn phần kiếng nể họ, bất giác khiến mình nghĩ ranh giới giữa lòng tốt, bụng xấu là thứ gì đó rất mong manh nếu bạn không có khả năng bảo lãnh hành động của mình.
Có những phân cảnh trong phim mình luôn để ý ở tuyến nhân vật là đàn ông, như điều mình luôn để ý của các tuyến nhận vật đàn ông như ông bố, ông chú bị nhốt dưới hầm, cậu con trai, đó là cảm giác bất lực mỗi khi nhìn người thân yêu của mình lâm vào khốn cùng nhưng chẳng thể làm gì được.
Đúng là "Không có kế hoạch thì không có gì sai cả". Nghe câu nói này tưởng chừng như lời lẽ của một người cha lười biếng, thụ động, ỷ lại. Nhưng có lẽ không, đơn thuần nó chỉ là việc chấp nhận những sự thật, những diễn biến phải xảy ra như vốn có của nó, không phải họ không muốn thay đổi thế cờ, lật ngược tình thế bằng mọi thủ đoạn. Mà là họ hiểu, họ đã đang và sẽ đánh đổi điều gì nếu kế hoạch thành công hay thất bại. Bởi khi đã lập ra kế hoạch, ta luôn biết trước mục tiêu và kết quả mong muốn. Nhưng dù kế hoạch thành công cũng không có nghĩa là nó đúng, kế hoạch thất bại cũng có thể nó không sai.
Người nghèo có rất ít tiếng nói trong xã hội, không phải họ bị hiếp đáp, khinh rẻ hay nạt nộ, mà là chính bản thân họ cũng không biết nói gì nhiều hơn ngoài cái nghèo và khao khát thoát khỏi nó.
Cái kết của phim tuy hơi buồn nhưng mình cho là lý tưởng. Nó là lời giải đáp cho tất cả khúc mắc, nó cũng vẽ ra cho nhân vật người con trai - tia hi vọng cuối cùng một lối đi đàng hoàng chính chính. Cái kết cũng cho thấy số phận của người nghèo thực sự đặt trong tay ai, chi phối bởi ai, không phải người giàu, không phải xã hội, không phải luật pháp. Khi họ trốn chui trốn lủi chấp nhận cái nghèo, chẳng ai tìm kiếm được họ, khi họ dám ước mơ và vươn lên đạt được những điều họ mong muốn, thì họ sẽ xứng đáng có được ánh mặt trời, sân vườn rộng, tự do phơi mình trên thảm cỏ xanh, đầy nắng.
Kế hoạch nào được xây dựng tùy tiện bằng sự khôn lanh bất hảo cũng có thể thất bại, hoặc thành công, nhưng không bao giờ đúng, chỉ có sự thông minh và nỗ lực đàng hoàng chính chính.
Mình biết rồi cuộc sống sẽ rất khó khăn, khi người nghèo nhìn nó. Nhưng nếu nó chẳng bao giờ dễ dàng hơn được nữa, thì tại sao không làm nó bớt khó từ bây giờ?
Phim
/phim
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất