1. Giữ tâm trí yên tĩnh, không để tình cảm lấn áp

Trời có cái lẽ tự nhiên của nó, con người có cái lẽ tự nhiên của nó. Mùi thơm, vị ngon, rượu nồng, thịt béo làm ngon miệng nhưng sinh bệnh. Kẻ da mịn, răng trắng làm cho tình cảm thích nhưng hao phí tinh lực. Cho nên phải bỏ cái quá đáng, cái thái quá, thì thân mình mới khỏi bị hại.
Cái quyền không nên lộ ra, bản chất nó là vô vi. Công việc làm ở bốn phương nhưng then chốt là ở trung ương. Bậc Thánh Nhân nắm lấy cái chủ yếu, bốn phương đến phục dịch. Mình hư tâm đối xử, người ta tự họ thi hành. Bốn biển đã đầy đủ, do âm mà thấy dương, những người xung quanh đã xác lập xong, mở cửa đế đón tiếp. Không thay không đổi, nắm lấy hai cái hình và danh để xét, xét mãi không thôi. Đó gọi là cách cai trị đúng đắn vậy.
Nói chung, sự vật đều có chỗ thích hợp của nó, của cải đều có chỗ dùng của nó, mỗi người đều ở vào chỗ đúng của mình, cho nên trên dưới vô vi. Khiến con gà gáy sáng, khiến con mèo bắt chuột, mọi vật đều dùng cái tài của nó thì người trên vô vi. Bề trên nếu có sở trường của mình thì công việc không làm tròn. Bề trên khoe và thích trổ tài thì bị cấp dưới lừa dối. Bề trên thích làm ân huệ và hiếu sinh thì người dưới sẽ lợi dụng cái đó. Nếu người trên kẻ dưới thay đổi vai trò của mình thì nước sẽ bị thế mà không trị an.

2. Giữ vững nguyên lý (Danh chính) không hùa theo cái khôn lỏi

Cái đạo bất biến của việc cai trị là lấy cái danh tên gọi làm đầu. Cái danh đã chính thì sự vật được xác định. Cái danh là thiên lệch thì sự vật thay đổi.
Cho nên Bậc Thánh Nhân nắm lấy cái duy nhất và giữ yên tĩnh, khiến cái danh tự nó ra lệnh, khiến sự vật tự nó được giải quyết.
Nếu Nhà Vua không biểu lộ cái khéo léo của mình thì người dưới sẽ tỏ lòng ngay thực và đúng đắn. Nhà Vua nhân đó mà dùng họ, khiến cho họ tự mình chọn việc. Nhân đó mà giao quyền cho họ khiến cho họ tự mình làm nhiệm vụ. Nhà Vua lấy cái danh để đề cử họ. Nếu không biết cái danh thì theo dõi cái hình tình hình thực tế.
Nếu cái danh và cái hình đã phù hợp với nhau thì kết quả sẽ tự nó đến. Hai cái này đều thực đúng, thì người dưới sẽ bộc lộ tình thực của họ. Cẩn thận trau đổi công việc của mình chờ mệnh ở Trời, không bỏ mất cái chủ yếu, như thế mới là Bậc Thánh Nhân.
Đạo của Bậc Thánh Nhân là từ bỏ cái khôn ngoan và cái khéo léo. Nếu không bỏ cái khôn ngoan và cái khéo léo thì khó lòng giữ được cái nguyên lý bất biến. Nếu người dân dùng đến cái khôn ngoan và khéo léo thì thân sẽ bị điều tai ương. Nếu ông Vua ở trên dùng đến cái khôn ngoan và khéo léo của mình thì nước sẽ suy vong.
Dựa theo cái đạo của Trời, theo cái danh mà xét sự thực, xem xét kỹ lưỡng điều đó. Cái gì có kết thúc thì có bắt đầu.
Phải hư tâm, yên tĩnh, ở sau người ta, không bao giờ dùng cái khôn của mình. Nói chung, cái lo của người trên là ở chỗ mình hùa theo cái khôn của người ta. Giữ chữ tín nhưng không hùa theo người ta thì vạn dân đều theo mình.

3. Phải theo Pháp luật (Đạo) mà làm

Nói chung, đạo rộng lớn nhưng vô hình, đức thâm nhập vào tất cả mọi vật và phổ biến mọi nơi, đến tận mọi sinh vật. Nếu châm chước đạo và đức mà dùng thì muôn vật đều phồn thịnh, nhưng đạo và đức không cùng yên ổn với vạn vật.
Đạo có mặt trong mọi việc cho nên phải theo đạo mà làm, sống và chết theo đúng thời. So sánh cái danh và cái thực, dùng pháp luật để xét cái tình thực.
Cho nên nói: Đạo không trùng làm một với vạn vật, đức không trùng làm một với âm dương, cái cân không trùng làm một với sự nặng nhẹ, dây mực không trùng làm một với chỗ lồi chỗ lõm, cái kèn nhỏ không trùng làm một với sự nhanh chậm, Nhà Vua không trùng làm một với bầy tôi. Cả sáu cái này đều do đạo mà ra. Đạo không có hai cho nên gọi nó là một.
Cho nên vị Vua sáng lo lấy cái đạo làm nội dung. Vua và bầy tôi không cùng một đường. Kẻ dưới người trên phân loại theo cái danh. Nhà Vua nắm lấy cái danh, bầy tôi làm ra sự thực hình. Cái danh và sự thực phù hợp với nhau thì trên dưới hòa hợp.
(Trích Thiên VIII - Nêu cao uy quyền, Hàn Phi Tử, dịch giả Phan Ngọc, tiêu đề và tên các mục do người trích đặt)