Tôi là một sinh viên y khoa năm tư tại thủ đô. Gia đình tôi ở tỉnh lẻ nhưng vì cũng thuộc dạng khá giả nên cuộc sống sinh viên không quá thiếu thốn. Thậm chí nếu so với bạn bè đồng trang lứa, tôi còn khá thoải mái trong khoản ăn tiêu. Bề ngoài tôi cũng đẹp mã. Dù không có được cái nhan sắc thuộc hàng Nam Vương, nhưng cũng chỉ cần chải chuốt qua quít cũng đủ sức cưa đổ mấy em sinh viên. Bởi vậy nên khi mới học năm đầu tôi đã có bạn gái. Tuy nhiên, tình yêu sinh viên thoáng qua hời hợt, chẳng bền lâu. Chưa hết học kỳ tôi và bạn gái đã chia tay. Suốt thời gian sau, tôi đâm đầu vào học tập, chẳng quan tâm gì tới gái gú nữa. Phải đến cuối năm thứ ba, tôi mới gặp và làm quen được với người bạn gái hiện tại. Nàng hiện là sinh viên một trường nghệ thuật gần đó. Nàng rất đẹp, một vẻ đẹp mà tôi chưa từng thấy ở bất kỳ cô gái nào trước đó. Khi ở bên nàng tôi luôn có cảm giác mình đang ở cạnh một cái gì đó hết sức cổ kính và xưa cũ. Từ vẻ bề ngoài đến cách ứng xử, bạn gái tôi luôn phảng phất những nét của những nàng thiếu nữ của thế kỷ trước, không, có lẽ chỉ vài thập kỷ trước mà thôi. Từ cách ăn uống, vén tóc, chìa tay, bước đi,... Tất cả như thể nàng là một diễn viên đang diễn lại một khung cảnh trong một bộ phim đen trắng thuộc hàng kinh điển.
Mỗi khi rảnh rỗi tôi thường đến tìm nàng, nghe nàng nói chuyện và phần lớn thời gian là ngồi nghe nàng chơi đàn. Căn phòng trọ của nàng ban đầu phải chia sẻ với hai người bạn cùng phòng. Sau vì không thể chịu được tiếng vĩ cầm của nàng, họ lần lượt phải chuyển đi. Không phải vì nàng chơi dở mà là vì những giai điệu nàng chơi tạo cho họ cái cảm giác quá xưa cũ, nó tạo nên một không khí u uẩn và trì trệ. Biết nàng gặp khó khăn khi phải một mình bao trọn cả một căn phòng lớn, tôi đã nhanh tay giúp đỡ nàng, coi như đó là một phần trong cái khoản tình phí để tôi được cặp kè với nàng. Nàng biết ơn tôi lắm. Một phần vì tôi là người duy nhất có thể ngồi nghe nàng chơi đàn quá một tiếng đồng hồ. Phần vì nếu không có tôi, chắc nàng chẳng đủ tiền để học tiếp. Nàng kể rằng nhà nàng nghèo lắm. Mẹ nàng đau ốm quanh năm. Ba nàng thì đã mất từ mười năm trước. Ba người em của nàng đều còn nhỏ. Một chị gái đi lấy chồng xa, rất lâu mới gửi chút tiền về hỗ trợ. Tất cả hi vọng đều đặt vào người em trai liền sau nàng hiện đang học ở một trường kỹ thuật. Tiền của trong nhà nàng đều là thừa hưởng từ bà ngoại. Dù vậy, số tiền ấy đang dần cạn kiệt. Bởi vậy, ngoài thời gian đi học, nàng còn đi làm thêm ở các quán bar. Lúc thì làm bồi bàn, lúc may mắn thì được lên sân khấu để tấu lên vài khúc nhạc. Đó cũng là nơi chúng tôi quen nhau.
Đã đôi lần tôi đưa nàng về gặp gia đình mình. Mẹ tôi ưng nàng lắm. Bà khen nàng đủ điều. Ba tôi thì chẳng nói gì. Ông chỉ nhận xét trông nàng rất quen, như thể đã gặp ở đâu đó.
Ngày cuối học kỳ một, tôi nhắm sẽ được nghỉ khoảng một tuần nên quyết định sẽ theo nàng về thăm gia đình. Nàng vui lắm bởi tiền cũng đã cạn mà chưa thấy mẹ gửi thêm.
Hôm đó chúng tôi ra bến xe để bắt một chuyến về quê nàng. Trời đông lạnh giá và đầy sương mù. Người về quê cũng chật ních bến. Chuyến xe êm đềm đưa chúng tôi rời xa phố thị ồn ào đến một vùng nông thôn đồi núi chập chùng bát ngát. Khi tới bến, chúng tôi phải đổi xe bằng một cuốc xe ôm, nhưng cũng chỉ đưa chúng tôi đến nửa đường. Anh tài xế kiên quyết từ chối chở tiếp khi thấy trời đã sậm tối và phía trước là núi non trùng điệp.
Chúng tôi trả tiền cho anh ta rồi cùng nhau cuốc bộ về nhà nàng. Phải đi thêm cả nửa tiếng mới tới nơi. Ngôi nhà hiện ra bên sườn một quả đồi lớn. Đó là một ngôi nhà ba tầng rộng rãi và đầy đủ tiện nghi. Chỉ có điều nó cũng thật bừa bộn và có phần khá lem nhem. Bao quanh bên ngoài ngôi nhà là hàng rào dây leo chằng chịt. Có lẽ lâu lắm chưa có ai tỉa tót cho chúng. Cửa nhà nàng chỉ khép hờ mà chẳng khoá hay chốt lại. Sàn nhà lem luốc bùn đất. Quần áo cũng như rẻ lau vứt lung tung khắp căn nhà. Và trong bếp bốc ra một cái mùi cháy khét. Tìm đến nơi phát ra cái mùi khủng khiếp đó, chúng tôi thấy một cô bé đang ngủ gục trên bàn bếp, trên tay còn cầm một cuốn truyện sặc sỡ. Bạn gái tôi lay cô bé dậy và cô bé cười chìa ra một cái răng sún trông hết sức đáng yêu. Cô bé trông rất xinh và thật ra nó như thể một bản sao hồi nhỏ của người yêu tôi. Cô bé hối hả chữa cháy cho món súp trong khi nàng kéo tôi lên thăm hỏi mẹ nàng.
Mẹ nàng nằm trong một căn phòng nhỏ và khá tăm tối. Trong phòng chỉ có một ngọn đèn dầu đã cạn. Trong khi tôi đang tự giới thiệu trước mẹ nàng thì nàng nhanh chân đi tìm thêm dầu đèn. Mẹ nàng khó nhọc nhổm dậy khỏi giường và ho rũ rượi. Theo kinh nghiệm y khoa của tôi, rất có thể bà bị ho lao mãn tính. Và có vẻ bà ấy đang được hưởng một chế độ chăm sóc nghèo nàn. Cô bé ở dưới bếp là người duy nhất sống cùng bà. Người chị lớn hơn của cô bé, theo lời bạn gái tôi, hiện đang học ở một trường nội trú. Cũng phải thôi, để một cô bé chín tuổi chăm sóc một người bệnh kinh niên thì đâu dám hy vọng gì nhiều. Khi cây đèn được bạn gái tôi thắp lên, tôi vô cùng kinh ngạc khi nhìn thấy khuôn mặt bà mẹ vợ tương lai thấp thoáng qua làn tóc rối nùi. Trông bà ấy giống bạn gái tôi như hai giọt nước. Có lẽ chỉ già hơn đôi chút. Bà hỏi han tôi trong khi liên tục phát ra những tiếng ho khan khản đặc. Bạn tôi phải liên tục vỗ vào lưng để giúp bà dễ chịu. Sau đó nàng chạy vội xuống bếp để giúp cô em gái nấu nốt bữa ăn tối.Tôi trả lời từng câu hỏi của bà trôi chảy và cũng thật lễ phép khiến bà hài lòng lắm. Thấy mình cũng đã tạo được thiện cảm, tôi không quên hỏi han thêm về mọi chuyện. Bà cũng cởi mở mà đáp lời. Câu chuyện đang rất trôi chảy thì hai chị em nàng đã bưng lên một khay đồ ăn. Cô em gái đặt khay đồ ăn lên đôi chân đang duỗi thẳng của mẹ. Rồi theo lời mẹ mà chạy đến bên cửa sổ để đóng lại. Buổi tối ở đây vừa lạnh vừa nhiều côn trùng. Chẳng thể ngủ yên nếu mở cửa. Bạn gái tôi cũng nhanh nhẹn thu dọn căn phòng giúp cô em, tôi cũng theo nàng mà giúp một tay. Khi căn phòng trông đã gọn gàng sạch sẽ hơn, ba chúng tôi cùng đi xuống để ăn tối. Người mẹ chỉ ăn vỏn vẹn một bát súp nhỏ rồi đã lại nằm xuống để nghỉ ngơi. Tôi chúc bà ngủ ngon trước khi rời đi.
Bữa ăn tối của chúng tôi cũng không khá hơn mẹ nàng. Mỗi người cũng chỉ có một bát súp và vài lát bành mì. Vừa ăn tôi vừa hỏi chuyện người em. Cô bé đang học ở một trường dòng ở gần đây. Cả trường chỉ có cô bé là không ở lại trường học nội trú. Cũng chỉ còn người mẹ đau yếu. Ngày ngày cô bé phải dậy thật sớm để chuẩn bị đồ ăn sáng cho mẹ rồi vội vàng đến trường. Phải quá trưa cô bé mới trở về nhà. Nấu xong bữa trưa khi đã hai giờ chiều. Thời gian còn lại là lúc cô bé giặt giũ và chăn đàn bồ câu trên gác mái. Đến tối, sau khi người mẹ đã đi ngủ, cô bé mới có thời gian để làm bài tập. Mỗi ba hay bốn ngày, cô bé mới giúp mẹ rửa ráy và thay đồ. Tôi vừa kinh ngạc vừa thương cảm trước những việc cô bé phải làm. Ở cái tuổi cô em gái nàng, bọn trẻ trên thành phố nhiều đứa còn chưa biết tự rửa mặt chứ đừng nói làm từng ấy việc. Cô bé cười típ mắt khi thấy tôi trố mắt ngạc nhiên. Bạn gái tôi cũng cười khi thấy biểu hiện đó của tôi.
Sau bữa cơm, tôi và nàng giúp cho cô em nhỏ kia có được một buổi tối bình yên để học bài. Tôi và nàng cũng nhau dọn dẹp nhà cửa, thi thoảng lên phòng mẹ nàng đế giúp bà long đờm trong cổ. Đến tầm mười một giờ, chúng tôi mới được trở về phòng với bộ dạng hết sức mệt mỏi. Em gái nàng thì đã ngủ gục trên bàn học từ bao giờ. Tôi bế cô bé lên phòng. Khi rời khỏi phòng còn không quên đắp chăn buông màn cho cô bé.
Tôi nằm ôm nàng mà thiu thiu ngủ vì mệt. Nàng bảo tôi rằng, chắc chỉ một hai ngày nữa là hai người em của nàng sẽ trở về. Tôi ậm ừ trước khi chìm vào một giấc ngủ sâu.
Sáng sớm, tôi thức dậy đã không thấy cô bạn gái bên cạnh. Nàng đã dậy từ sớm và ra vườn cho chim ăn. Tôi cũng theo nàng ra thăm chuồng chim. Những cái chuồng san sát. Mỗi ô cửa sổ tròn đánh dấu một đôi chim cu ở trong đó. Chắc có khoảng vài chục gia đình bồ câu như vậy. Nàng chỉ cho tôi một chú chim trông cực kỳ bắt mắt với bộ lông hạt cườm duyên dáng. Chú ta xoè rộng đôi cánh vỗ đập liên tục nhưng còn do dự chưa dám bay lên. Người yêu tôi bảo đó là chim mới ra ràng. Nàng định bắt một đôi để nấu cho tôi. Nhưng khi nhìn thấy khuôn mặt bí xị của cô em nàng, tôi xoa tay từ chối.
Cạnh ngôi nhà có một vườn hoa rất đẹp với ba dải hoa riêng biệt. Mỗi dải hoa là một loài hoa dại chỉ tìm thấy ở vùng này. Dải màu vàng là của người chị cả. Dù chị ấy đã đi lấy chồng nhưng đó cũng lại là loài hoa yêu thích của người mẹ. Dải đỏ ở giữa là của cô em út. Tôi không khó nhận ra đó là một đám hoa mào gà. Nhìn độ tươi tắn của dải hoa, không khó để đoán ra cô bé đã dành rất nhiều công sức chăm lo cho đám hoa đó. Và dải hoa cuối cùng là loài hoa ưa thích của người yêu tôi. Một đám những bông hoa li ti màu tím thẫm. Mỗi bông hoa như một cái miệng chúm chím đang nhoẻn cười.
Hôm đó, cô em của nàng cũng được nghỉ học. Cả ba chúng tôi cùng phụ nhau quán xuyến việc nhà. Đến bữa trưa, chúng tôi đón người mẹ xuống phòng ăn để cùng thưởng thức một bữa trưa thịnh soạn. Bà vui lắm, có lẽ cũng vì thế mà căn bệnh của bà bớt biểu hiện hơn. Khi đang ăn cơm, chúng tôi lần lượt nhận được ba cuộc điện thoại. Bạn gái tôi là người nghe cả ba cuộc gọi đó. Cuộc thứ nhất là của em trai nàng. Cậu chàng gọi về thông báo sẽ nghỉ lễ tại trường, không thể về được. Người mẹ tỏ vẻ buồn rầu trong khi cô em út hớn hở ra mặt. Có lẽ vì cô bé sẽ được hưởng sái căn phòng của người anh trai. Người mẹ lấy ra một cuốn album và chỉ cho tôi xem ảnh của người cậu ta. Cậu bé mang khuôn mặt bầu bĩnh khác xa ba người phụ nữ đang ngồi quanh bàn. Bà mẹ vợ tương lai cho biết cậu ấy giống ba như đúc.
Cuộc điện thoại thứ hai là của cô em còn lại. Cô bé thông báo sẽ về tới nhà trong hôm nay. Giọng nói có vẻ khá cục súc và bất cần đời. Việc cô bé phái đi học ở một trường nội trú xa xôi khiến tôi nghĩ ngay đến một cô gái có tính cách nổi loạn tuổi dậy thì. Tôi phì cười khi nhìn thấy vẻ phụng phịu của cô em út khi nghe tin ấy. Quả thực tôi thấy cô em này mới thật đáng yêu.
Cuộc gọi thứ ba là của người chị cả. Chị thông báo sẽ về chơi thăm nhà vào ngày cuối của kỳ nghỉ lễ và thiết tha đề nghị nếu có ai ở đó xin hãy lán lại cho đến khi chị đến. Tôi thấy không có gì là bất tiện khi phải ở đây cả một tuần. Dù gì tôi cũng xác định sớm muộn gì những người ở đây cũng sẽ trở thành người thân của tôi. Hơn thế, cuộc sống và cung cách sống ở căn nhà này dù khác xa với lối sống thành thị của tôi, nhưng lại khiến tôi có cảm giác rất thoải mái.
Chiều đó tôi cùng cô em gái nhỏ ra chợ để mua thêm chút đồ. Cô bé vui vẻ suốt cả chặng đường. Khi nghe tôi hứa sẽ tặng cho một món quà vào ngày cuối kỳ nghỉ, cô bé vui sướng lắm. Cô bé nhảy lên ôm hôn tôi khiến tôi cũng đỏ cả mặt.
Bữa cơm chiều diễn ra muộn hơn khi tất cả nhất trí sẽ cố chờ cho cô con gái thứ ba trở về. Trong lúc cô út phụng phịu vì đói, tôi đề nghị với người mẹ để xin một chút bệnh phẩm mang về thành phố xét nghiệm. Bà đồng ý ngay. Dù rằng tôi cũng đã có giả thuyết khả dĩ về căn bệnh của bà nhưng một xét nghiệm cận lâm sàng sẽ đem lại kết quả chính xác hơn. Tôi cũng không quên lấy thêm mẫu máu của cô bé út. Cô bé chỉ hơi nhăn mặt rồi lại cười tươi. Tôi lo sợ căn bệnh của người mẹ sớm muộn sẽ lây sang cho cô bé.
Có tiếng gõ cộc cộc ngoài cửa. Tôi hăm hở ra mở cửa và hi vọng sẽ lại thấy được một khuôn mặt giống hệt người yêu mình. Nhưng rồi tôi đã phải thất vọng. Người con gái thứ ba có khuôn mặt tròn giống bố và anh trai. Cô gái lùn hơn tuổi mười sáu và thân hình có chút đẫy đà. Hơn thế tính cách của cô em gái này còn có phần cáu bẳn.
Năm chúng tôi ngồi ăn trong ánh đèn dầu lập lờ. Bầy côn trùng cứ thi thoảng lại thiêu thân vào ngọn đèn mà nổ tanh tách. Cô con gái thứ ba không hỏi han tôi nhiều như em nàng, khi được hỏi chuyện, cô gái cũng chỉ đáp nhát gừng. Không khó để tôi nhận ra cô gái này hẳn đang là một dân anh chị có số má ở trường nội trú.
Ăn xong, cô em thứ ba cũng lấy lý do mệt mỏi sau chuyến đi dài mà chạy tót lên phòng. Chúng tôi không lấy đó làm phiền. Chỉ có người mẹ là có vẻ mặt buồn rầu.
Tôi đưa bà về phòng và ngồi nghe bà tâm sự. Bà kể rằng, bà đã sống ở đây từ nhỏ. Mẹ bà có năm đứa con và bà là thứ tư. Trên bà còn có ba chị gái, dưới cũng còn một cô em gái nữa. Lúc còn sống, mẹ bà là một cảnh sát có tiếng trong tỉnh, đã từng lập nhiều công trạng chống tội phạm buôn lậu. Nghe mẹ bà kể lại, trước kia bà ngoại của bà dắt díu cô con gái duy nhất đến vùng đất này với hai bàn tay trắng. Hai mẹ con phải làm đủ nghề để kiếm sống, kể cả bán thân làm điếm. Bà ngoại của bà mất sau lần tiếp một vị khách làng chơi vũ phu. Kẻ đã cắn nát một bầu vú của bà ấy. Khi lớn lên, mẹ của bà quyết trở thành cảnh sát để trừng trị những kẻ đã chà đạp mẹ mình.
Không khí có phần trầm xuống vì những chuyện không mấy tốt đẹp được kể ra. Khi tôi cam đoan với bà rằng câu chuyện đó không thể lay chuyển được tình cảm mà tôi dành cho con gái bà, người mẹ bệnh tật liền nở một nụ cười hiền hậu. Bà kể tiếp. Ngôi nhà này là do mẹ bà lấy của một tên trùm ma túy. Băng đảng của hắn đã bị mẹ bà tận diệt tại chính ngôi nhà này. Thì ra là vậy. Bây giờ tôi mới biết vì sao lại có một ngôi nhà to lớn nằm tách biệt giữa đồi núi như vậy. Sau đó mẹ bà lần lượt hạ sinh năm chị em bà. Họ không biết cha mình là ai. Người mẹ cương trực cũng không nói năng gì thêm, chỉ lặng lẽ nuôi nấng mà thôi. Tất cả trôi qua bình lặng khi cả năm người con gái chỉ nhận được sự quan tâm chăm sóc từ mẹ. Đến đây, bà tỏ ra vui vẻ hẳn ra khi kể lại tuổi thơ của mình. Ánh mắt bà chợt u tối dần khi nói tới tuổi trưởng thành. Mẹ bà sau nhiều ngày tháng phục vụ cho cảnh sát, bỗng tới một ngày bị bắt và kết tội câu kết với tội phạm. Trong những lần tới thăm, mẹ của bà liên tục khẳng định bà ấy bị oan. Nhưng rồi bà ấy vẫn bị đem ra xử bắn không lâu sau đó. Họ tới lục soát căn nhà nhưng không tìm thấy gì. Từ đó, từng người chị lớn của bà phải đứng lên gánh vác việc gia đình. Nhìn thấy vẻ chân thành của tôi khi chăm chú lắng nghe câu chuyện, người mẹ vợ tương lai giành cho tôi một lời thật lòng. Rằng lúc bé, bà vẫn tin lời mẹ, đó là tin bà ấy vô tội. Nhưng khi lớn lên, trải đời nhiều hơn, bà dần nghĩ lại, có lẽ người mẹ của bà cũng đã làm chuyện ấy thật. Lời nói dối khi xưa chẳng qua chỉ để không làm dơ bẩn tâm hồn con trẻ. Vào một lần lau dọn nhà cửa, chị em bà phát hiện ra một kho tàng của cải lớn được giấu trong hốc tường đằng sau bức tranh của chính mẹ bà. Bà bảo rằng, bức tranh ấy hiện vẫn còn được lưu giữ trong chính căn nhà này và tôi có thể xem nếu muố
- Và chớ có ngạc nhiên đấy nhé.
Bà dặn khi lại kể tiếp. Sau đó, nhờ số tiền của ấy, chị em bà cũng vượt qua được thời kỳ gian khó. Nhưng rồi bất hạnh đâu đã chịu buông tha cả nhà.
Thay triều đổi đại, vị quan tỉnh mới nhậm chức đã chú ý tới câu chuyện khi xưa. Hắn ta từng vài lần cử người tới thăm dò lẫn doạ dẫm. Tới khi biết mọi chuyện không thể giấu giếm được nữa, người chị cả của bà quyết định ra tay. Kể đến đây mẹ vợ của tôi chợt oà ra khóc nức nở. Sau một hồi bà mới chịu kể tiếp. Rằng ngày đó, biết ông ta cũng là loại người háo sắc, chị bà quyết định sẽ lấy người con trai thiểu năng của ông ta. Thực ra là để hiến thân cho ông ta. Từ đó, vì mê mẩn trước sắc đẹp của chị ấy, bốn người em cũng được yên thân một thời gian. Nhưng rồi bất hạnh lại xảy ra, trong một đêm gió heo may lồng lộng thổi, cả nhà viên quan tỉnh cháy rụi. Hơn hai chục người chết cháy, trong đó có chị bà.
Hơi thở bà nặng nhọc và cơn ho lại kéo đến. Tôi khuyên bà dừng kể để nghỉ ngơi và hẹn sẽ nghe bà kể tiếp vào tối hôm sau. Người mẹ thấy cũng đã mệt nên bằng lòng với đề nghị của tôi. Tôi khép cửa phòng lại mà lòng nhiều u uẩn.
Sáng hôm sau, tôi xuống dọn phòng kho với bạn gái mình. Khi nhìn thấy một khung ảnh to bị che kín bằng vải, tôi hỏi nàng. Nàng cho biết đó là bức tranh của bà ngoại nàng. Bức tranh ấy do một gã trai si tình vẽ bà rồi lén đem tặng. Người đó sau đó ở vậy và mất không lâu sau đó. Vì tò mò quá, tôi thử với tay kéo tấm vải che xuống trong khi nàng nở một nụ cười bí hiểm. Khi bức tranh lộ ra, tôi phải kinh ngạc trước những gì tôi nhìn thấy. Bức tranh vẽ một người phụ nữ mặc một bộ đồ quân cảnh trong dáng bộ rất hiên ngang thách thức. Duy chỉ có điều, người trong tranh giống người yêu tôi như hai giọt nước. Tôi nhìn nàng rồi lại ngó qua bức tranh. Nhìn vẻ sững sờ trên gương mặt tôi, nàng hiểu ngay khi nói:
- Anh chẳng khác gì những người xem trước. Ai cũng kinh ngạc khi nhìn thấy nó.
Rồi nàng vừa cười vừa bắt chước động tác của bà ngoại mình trong bức tranh. Tôi mỉm cười nhìn nàng. Nàng đến bên tôi và gục đầu vào vai khi thủ thỉ:
- Mẹ bảo rằng chính động tác hăm doạ của bà ngoại trong tranh đã khiến không ai dám khám xét nó. Vì thế mà bảo toàn được số của cải đằng sau nó.
Cả ngày hôm đó, tôi dù làm việc gì cũng không thể tập trung. Đầu óc tôi cứ lảng vảng câu chuyện về gia đình nàng. Nỗi tò mò thôi thúc tôi được nghe mẹ nàng kể tiếp câu chuyện về quá khứ đó.
Buổi chiều, tôi lấy cớ muốn lấy máu của cả nhà để xét nghiệm bệnh để xin nốt máu của cô em gái bầu bĩnh. Phải nói mãi cô ta mới chịu. Tôi cũng cảm nhận tính cách của cô em này hẳn là thừa hưởng từ cha, luôn cau có và khó chịu, không được vui vẻ và dịu dàng như người chị và cô em.
Sau bữa cơm tối, tôi lại đưa người mẹ về phòng và háo hức được nghe bà kể thêm về gia đình. Sau liều thuốc tự chế của tôi, cơn ho của bà có vẻ đã thuyên giảm phần nào. Thấy vẻ háo hức lồ lộ của tôi, bà chẳng hỏi cũng biết tôi muốn gì. Bà bắt đầu kể tiếp câu chuyện dang dở hôm qua.
Ngày đó, sau vụ cháy bí ẩn ở nhà vị quan tỉnh, một viên thanh tra được điều tới để điều tra. Họ tìm tới gia đình bà vì cho rằng bọn họ cũng có động cơ để làm chuyện ấy. Người được cử tới là  một anh điều tra viên trẻ tuổi. Anh ta là cánh tay phải của viên thanh tra kia. Và cũng chẳng mấy chốc, anh chàng đã phải lòng người chị thứ hai của bà. Họ bắt đầu yêu đương và làm công cuộc điều tra bị gián đoạn. Hay nói đúng hơn là được đẩy đi theo một hướng khác, không còn nhắm vào gia đình bà. Tuy nhiên, sau đó, vị thanh tra già không còn tin tưởng vào người điều tra viên trẻ. Ông tự mình tìm đến các chị em bà và một mực khẳng định họ có liên quan và là những người khả nghi nhất. Mọi chuyện sau đó diễn ra theo chiều hướng ngày càng tồi tệ. Chị gái bà và người điều tra viên hẹn gặp ông sếp tại một nhà hàng ven sông. Bà kể rằng chính bà cũng không biết tại sao họ lại phải gặp nhau, rồi thì khi gặp nhau thì họ định bàn về chuyện gì. Không ai biết cả. Chỉ biết rằng ngay tối đó, viên thanh tra đã bắn chết người điều tra viên trên cầu. Xác anh ta rơi xuống sông và trôi đi tận năm dặm mới được tìm thấy. Về phần chị gái bà, bà ấy chạy về nhà trong tâm trạng hoảng loạn. Bà kể rằng còn nhớ rõ từng tiếng khóc nấc của người chị trong cái đêm đó. Chỉ đến khi có một cuộc điện thoại gọi tới, chị ấy mới dần lấy lại vẻ bình tĩnh. Dù chị cúp máy ngay nhưng tất cả đều nhận ra tiếng của viên thanh tra vang lên trong điện thoại. Ông ta chỉ nói vỏn vẹn mấy chữ:
- Thoả thuận vẫn còn hiệu lực.
Tối ngày hôm sau, người chị dặn dò các cô em gái trước khi ra đi. Cả đêm hôm ấy, ba người em  ôm nhau trong phập phồng lo sợ. Sáng hôm sau mới biết tin chị ấy đã bắn chết viên thanh tra đáng kính. Ông ta chết trong bộ dạng trần truồng trong phòng riêng. Người chị hai của bà cũng tự sát sau đó. Điều đáng nói là cây súng đã giết chết cả hai chính là cây súng của người điều tra viên trẻ tuổi.
Tôi thật sự bàng hoàng trước những sự việc đau lòng đó. Lòng tôi cồn cào như có thứ gì cào xé. Nửa sợ hãi phải nghe thêm, nửa tò mò về những chuyện tiếp theo.
Bà mẹ vợ nhấp một ngụm trà tâm sen rồi kể tiếp. Rằng sau đó người ta càng chú ý hơn tới gia đình bà. Cảnh sát đến thăm hỏi liên miên. Thế là người chị thứ ba trong nhà quyết định phải hành động. Mấy tháng sau đó, chị ba của bà làm lễ kết hôn với một chàng thương nhân giàu có trong vùng. Đó cũng là người đã theo đuổi chị ấy bao năm qua. Anh chàng đó to béo nhìn thật chẳng xứng đôi vừa lứa nhưng đồng tiền đã bịt miệng tất cả. Cũng vì tiền, người anh rể đã khiến tất cả những lời gièm pha về gia đình nhà vợ phải chìm vào quên lãng. Không lâu sau đó, đến lượt bà phải lấy chồng. Theo lời mai mối của anh rể, bà cũng gặp và kết hôn với một người họ hàng xa của anh ta. Người này cũng to béo và rất đen. Tính tình thì cũng lại rất cộc cằn, chẳng có được cái nho nhã của anh rể. Bà ban đầu không nghe nhưng vì bị ép mà phải lấy. Theo lời bà kể, vào ngày cưới, bà ngồi khóc tỉ ti trong phòng không chịu ra. Chị bà phải vào động viên mà mãi bà không chịu nghe. Thế rồi, chỉ vì câu nói sau cùng của người chị mà bà đành nhắm mắt đưa chân:
- Đời chị thì hỏng rồi. Chị xin lỗi vì không thể giúp em được sống theo ý mình. Chị chỉ xin em, chị em mình vẫn còn một đứa em gái. Em có thể giúp nó được sống thật sự không?
Thế là bà lấy chồng. Bà cũng theo chồng về làm dâu. Trong cảnh sung túc, hai chị em bà cùng lo cho cô em út một tấm chồng như ý. Đó chỉ là một chàng thợ mộc ở cách đó mấy ngọn đồi  Nhà cậu ta không khá giả nhưng lại là người mà đứa em yêu quý của hai người yêu thương. Trong ngày cưới của cô em, hai người chị vui như chính mình được lấy chồng. Nhưng đời không như là mơ. Ngay năm sau, người anh rể của bà mất vì đột quỵ. Người chị gái đứng ra cáng đáng việc kinh doanh. Hai năm sau thì chị theo ba mẹ chồng sang nước ngoài sinh sống. Không có sự trợ giúp của người anh họ, công việc kinh doanh của chồng bà đi xuống. Nhưng vì thói gia trưởng và thái độ khinh miệt của ba mẹ chồng, bà chẳng được nhúng tay vào những việc trọng đại. Rồi khi ba mẹ chồng bà lần lượt nằm xuống thì cả gia đình cũng đã phá sản. Khi ấy bà mới chính thức nắm quyền trong tay. Bà bán hết của cải để trả nợ. Rồi lại mang theo chồng con về đây để ở. Bà lấy ra đống của cải của mẹ để lại để nuôi con. Chồng bà từ ngày ấy đâm ra nhụt chí. Chỉ biết bia rượu suốt ngày và cáu bẳn. Nhưng ông cũng chưa hề có hành động vũ phu với bà. Bà chợt thở dài mà nhận xét:
- Có lẽ lòng tự tôn của ông ấy bị tổn thương khi phải sống nhờ gia đình nhà vợ nên mới đâm ra như vậy.
Rồi bà kể tiếp. Chồng bà mất cách đây chục năm. Buổi sáng hôm ấy bà dậy và vẫn thấy ông ấy ngồi trên ghế bành. Tay vẫn cầm một chai bia. Tưởng rằng ông ngủ quên. Nhưng mà lay mãi không thấy ông ấy tỉnh lại nữa.
Câu chuyện thật buồn. Bà nằm xuống và bảo tôi bằng giọng trầm trầm:
- Thôi. Con cũng đi nghỉ đi. Mai bác kể tiếp cho con nghe. Bác cũng đã coi con là con rồi đấy.
Tôi nhẹ mỉm cười rồi lễ phép rời khỏi phòng.
Bữa sáng ngày hôm sau, cô em gái đang học nội trú của nàng bày tỏ nguyện vọng với cả nhà. Rằng cô muốn mua một chiếc xe máy phân khối lớn để đi cho bằng bạn bằng bè. Và thêm nữa, cô gái thông báo sẽ chỉ học thêm một học kỳ nữa. Cô định sẽ đi tuyển quân vào binh đoàn nữ binh Hoa hồng đen sau khi nghỉ học. Vì theo cô bé, cô có học tiếp cũng chẳng đi tới đâu. Tính cách của cô chỉ hợp với mấy việc đánh đấm mà thôi.
Bạn gái tôi và người mẹ đón nhận những thông tin ấy không mấy vui vẻ. Người mẹ cố khuyên nhủ đứa con nhưng nó ương bướng không chịu nghe. Thấy cuộc trò chuyện có thể dẫn tới mâu thuẫn sâu nặng, tôi đành can thiệp. Tôi hứa với cô em của người yêu sẽ mua cho một chiếc xe đúng ý. Dù tiền tôi cũng không có nhiều nhưng để mua một chiếc xe xịn sò thì có lẽ không khó. Bạn gái tôi không ưng lắm, còn cô em thì nhìn tôi như thể là một kẻ đang cố dùng tiền của để chen chân vào gia đình cô. Việc mà nhiều kẻ khác đã từng làm. Tôi nói thêm như ra điều kiện:
- Đổi lại em phải dừng ngay ý định tham gia cái tổ chức đó. Cuối năm học anh sẽ lo cho em một công việc như em muốn. Làm một võ sỹ đường phố chắc em sẽ hài lòng.
Nghe đến đây cô em gái có vẻ dịu hẳn. Cả người mẹ và bạn gái tôi đều có phần nhẹ nhõm. Cả ba chúng tôi đều biết cái quân đoàn Hoa hồng đen kia vốn chỉ là một đám ô hợp của các thanh niên nổi loạn mang tư tưởng cực hữu. Trong cái tổ chức tự xưng là quân đội ấy, chẳng tệ nạn nào là không có.
Ngày hôm ấy, người việc nghĩ vẩn vơ về câu chuyện gia đình bạn gái, tôi còn nhẩm tính số tiền tôi có thể gom góp được để thực hiện lời hứa của mình với cô em vợ tương lai.
Tối đó, như đã thành thói quen, tôi lại đến bên giường người mẹ để nghe bà kể chuyện. Hôm nay sức khoẻ bà khoẻ hơn thấy rõ. Bà cho tôi thấy hôm nay bà sẵn sàng kể tới tận nửa đêm.
Câu chuyện tiếp tục về người chị thứ ba của bà ở nước ngoài. Sang đó được hai năm thì chị bà sinh được một cô con gái kháu khỉnh. Nhà chồng đều kết tội ngoại tình cho chị gái bà. Người chị phải bồng bế con ra ở riêng, trong tay chỉ có chút vốn tích cóp bao năm. Nhưng vì  đã rất sành sỏi trong việc kinh doanh, người chị không mấy khó khăn để có lại cuộc sống dư giả. Vài năm sau, bố mẹ chồng của chị ấy cũng mất cả. Của cải thì không người thừa kế. Cũng chẳng biết người chị của bà xoay sở thế nào mà sau đó tất cả số của cải ấy đều vào tay cô con gái nhỏ. Bà kể thêm rằng, cô con gái ấy cũng xinh lắm, càng lớn càng giống mẹ. Cứ mỗi hai năm lại về thăm hai dì. Còn lại thì thư từ, điện thoại đều đặn hàng tháng hàng tuần. Chỉ tiếc là người chị của bà cũng vừa mới mất năm rồi. Người con gái sau đó tiếp tục công việc kinh doanh của mẹ. Bà nói thêm với tôi khi cười tươi:
- Nếu gặp, mẹ chắc con sẽ nhầm là bạn gái đó. Hai con bé cũng chạc tuổi nhau nên dễ lẫn lắm.
Bà coi việc con cháu trong nhà có ngoại hình giống nhau như thế là chuyện bình thường. Đúng, thường thì họ hàng có nét giống nhau, nhưng mà giống nhau nhiều và với tần suất như gia đình bạn gái tôi thì đây là lần đầu tôi gặp.
Thế rồi khi tôi nói ra điểm này, bà cũng vui vẻ mà lấy ra một cuốn album ảnh trông rất xưa cũ. Bà lật giở từng trang và đưa cho tôi xem. Một bức ảnh chụp cả gia đình bà lúc xưa. Đó là người mẹ cùng năm cô con gái. Tất cả trông giống nhau như đúc, chỉ khác về tuổi tác. Rồi lại thêm hai bức ảnh chụp hai mẹ con của người chị thứ ba của bà. Đúng như bà nói, cô con gái giống bạn gái tôi như đúc. Nhìn ngày tháng in ở góc bức ảnh, tôi biết rằng nó mới chỉ được chụp cách đây hơn một năm. Cuối cùng, bà lôi từ một góc bí mật của cuốn album ra một bức ảnh đen trắng nhỏ xíu. Trong đó cũng là hai người có khuôn mặt giống hệt như phần lớn người trong gia đình bà. Đó là hai mẹ con, người mẹ đang bế một cô bé trông rất xinh xắn. Bà nói rằng đó chính là ảnh thời bé của mẹ bà chụp với bà ngoại. Đó là kỷ vật gần như xưa cũ nhất của gia đình. Nhìn không gian đằng sau hai mẹ con, tôi chợt liên tưởng tới một đô thị sầm uất ở một nơi nào đó rất xa xôi. Có lẽ gốc gác của người bà ngoại của mẹ vợ tôi hẳn là ở xa lắm. Như để kết lại câu chuyện về người chị thứ ba, bà nói với tôi:
- Thực ra chị ấy là người đã chu cấp cho bọn trẻ suốt thời gian qua. Số của cải khi xưa đã hết từ lâu. Bác rất cảm kích con vì lo cho con tư. Nếu lần tới chị họ nó về, bác sẽ ...
Tôi ngắt lời bà ngay bằng việc khuyên bà không nên lo lắng về việc đó. Rằng tôi thực tình muốn đóng góp một phần trách nhiệm cho gia đình. Người mẹ nắm lấy tay tôi mà cảm ơn. Đôi tay bà run run. Tôi chào bà để về phòng mình. Nơi mà bạn gái đang đợi tôi.
Suốt mấy ngày hôm sau tôi chờ đợi chuyến viếng thăm của người dì và cô em họ. Trong thời gian ấy, tôi cũng tìm hiểu thêm đôi chút về gia đình của bạn gái. Lần này là qua lời của chính nàng. Nàng kể rằng chị gái nàng lấy chồng cách đây ba năm. Chồng chị ấy là một sỹ quan tầu ngầm. Họ đến với nhau vì tình yêu đích thực chứ không vì vụ lợi như phần lớn các cuộc hôn nhân trước ở gia đình nàng. Gia đình người anh rể cũng có quyền thế lắm và cũng tốt bụng nữa. Bởi vậy chị nàng cũng là người thường xuyên chu cấp cho gia đình mỗi khi thiếu thốn.
Khi hỏi đến gia cảnh của người dì, nàng cho biết cũng không lạc quan lắm. Dì cũng chỉ có một người con chạc tuổi nàng. Họ vẫn ngày ngày kiếm sống trên mảnh ruộng vườn đồi cạnh nhà mà thôi. Cuộc sống vẫn như bao đời. Và dù phải sống trong gian khổ như thế nhưng dì ấy và đứa em vẫn giữ được cái nét thuần hậu vui vẻ từ thuở xưa.
Khi hỏi đến cha nàng, bạn gái tôi cười hinh hích và chỉ cho tôi một điểm đáng ngờ mà nàng cho rằng mẹ nàng đã cố tình che giấu. Nàng cho biết khi còn sống bên nhà chồng, mẹ nàng mới chỉ hạ sinh hai chị em nàng. Khi về lại nhà của bà ngoại, mẹ nàng lần lượt sinh thêm cậu em trai và cô em gái nổi loạn. Rồi ba nàng mất. Khoảng gần một năm sau, mẹ nàng mới sinh được cô em gái út. Tôi chợt nhớ tới chi tiết mà mình đã bỏ lỡ. Đúng là cha nàng mất đã mười năm mà cô bé mới chỉ lên chín tuổi. Cho rằng có lẽ khi ấy mẹ nàng đã đậu thai, nhưng bạn gái tôi  lại phản pháo ngay. Nàng cho biết ngày mất của cha nàng và ngày sinh của cô em chênh nhau tới hơn mười một tháng. Tôi trầm tư khi cho rằng có thể đây là một ca y khoa hi hữu, khi thai nhi vì tình trạng tâm thần bất ổn của người mẹ sau cái chết của người chồng mà đã lưu lại lâu hơn trong tử cung người mẹ. Bạn gái tôi không tin vào giả thuyết ấy. Nàng bĩu môi trêu chọc tôi. Nghĩ đi nghĩ lại, niềm háo hức được nghiên cứu một tình huống như vậy khiến tôi muốn trở lại ngay trường đại học để mở ra một đề tài khoa học.
Bạn gái tôi cho biết, chính sự dè bỉu của những người trong làng và cả của chị em nàng đã khiến người mẹ trầm cảm đến đổ bệnh. Bốn chị em nàng từ trước đến giờ vẫn cho rằng mẹ nàng đã ngoại tình và âm thầm không công nhận đứa em ấy. Dù rằng đến nay, mọi suy nghĩ đã dần nguôi ngoai nhưng nàng biết chắc hẳn cô bé cũng đã cảm nhận được phần nào sự ghẻ lạnh ấy. Nghe đến đây tôi chợt giật nảy mình. Nghĩ tới cô em gái út ngây thơ đáng yêu phải chịu sự lạnh nhạt từ chính các anh chị của mình khiến tôi không thể chịu được. Một phần vì tôi là con một, tuổi thơ của tôi đã quá thấm thía sự cô đơn khi không có anh chị em, chứ đừng nói có anh chị nhưng lại bị đối xử như người dưng. Phần vì với kinh nghiệm y khoa, tôi tin chắc cô em của nàng còn giống nàng về mặt di truyền hơn bất kỳ cặp chị em nào. Tôi ngắt lời bạn gái và dành cho nàng một tràng giáo huấn. Thấy vẻ nghiêm túc và có phần hơi tức giận của tôi, cô bạn gái chỉ biết im lặng lắng nghe. Sau cùng nàng hứa với tôi sẽ yêu chiều cô bé như mọi đứa em khác của nàng. Tôi vui lắm, vì ít nhất cũng làm được một điều tốt.
Từ lúc ấy, tôi bắt đầu suy nghĩ về món quà sẽ giành tặng cho cô em gái nhỏ. Và cuối cùng tôi cũng chọn được một món quà như ý.
Vào ngày cuối cùng của kỳ nghỉ lễ, tôi và bạn gái đưa cô bé ra phố để mua quà. Tôi mua cho cô bé một chiếc xe đạp địa hình loại xịn nhất để cô bé dễ dàng đến trường hơn. Kèm theo đó là vài bộ quần áo lộng lẫy với đầy đủ phụ kiện dễ thương. Sau cùng chúng tôi ngồi ăn kem bên một quán ven đường. Cô em gái nhỏ mừng vui đến phát khóc và nói rằng đó là ngày cô bé cảm thấy vui nhất. Tôi và bạn gái phải quay ra dỗ dành mãi cô em bé bỏng mới chịu nín. Bạn gái tôi dường như cũng đã thay đổi thái độ sau cuộc nói chuyện với tôi, cả ngày hôm đó nàng bày đủ trò để chọc cô bé cười. Cô bé cứ vừa nhìn chị mình bày trò vừa ôm bụng cười đến rụng rốn.
Chúng tôi trở về nhà khi đã quá trưa. Nhìn cánh cổng mở toang, cả hai chị em nàng bỗng reo lên mừng rỡ:
- Dì đến chơi.
Tôi đi theo hai người và chạm mặt ngay hai người phụ nữ cao ráo với thân hình mảnh khảnh. Và một lần nữa tôi lại được nhìn thấy hai bản sao của người yêu mình. Cô em họ giống nàng như hai giọt nước. Nếu không vì quần áo chắc tôi sẽ nhận nhầm cho xem. Còn người dì thì cũng xinh đẹp và duyên dáng như những người con gái trong cái gia đình này. Bà còn giống chị mình ở chỗ trên khuôn mặt luôn phảng phất nét ưu tư phiền muộn.
Chúng tôi cùng ngồi vào bàn, vừa nhấm nháp chút trà bánh mà trò chuyện. Sau màn hỏi han về tôi, đến lượt mẹ con người dì trải lòng tâm sự. Thấy tôi có vẻ là người tốt và cũng đã chiếm trọn được niềm tin của gia đình người chị gái, người dì ấy cũng không ngần ngại kể hết những góc khuất trong cuộc đời.
Cuộc đời người dì những tưởng cứ bình lặng mà trôi đi, không phải trải qua nhiều sóng gió như những chị gái mình, nhung không, nó cũng éo le không kém. Dì ấy lấy chồng được vài năm thì một tai nạn xảy ra. Xưởng gỗ của chồng dì bị sập, người chồng bị trấn thương cột sống dẫn tới thương tật liệt nửa thân dưới, phải nằm yên tại chỗ, chẳng làm ăn được gì. Ông ấy có một người em trai cũng say mê dì ấy lắm. Khi thấy anh trai bị liệt giường, người em suốt ngày quấy rầy người chị dâu. Gia đình đều biết nhưng không sao ngăn cản được. Tuy vậy, tình cảm ấy chẳng thể làm lay động trái tim thủy chung của dì. Sau nhiều lần bị chối từ, người em quyết định giở trò đồi bại. Trong lúc vật lộn, dì ấy vô tình dẫm bẹp hai viên tinh hoàn của kẻ định cưỡng hiếp mình. Mọi chuyện vỡ lở, người em vì tủi hổ mà bỏ nhà ra đi. Cha mẹ chồng nửa thương con dâu, nửa lại giận dì vì từ đó cả hai người con trai của họ đều tuyệt đường sinh sản. Nhưng mọi thứ vẫn chưa chấm dứt, hơn năm sau thì dì mang thai và hạ sinh cô con gái duy nhất. Dì kể thật lòng với tôi:
- Ngày ấy dì đau buồn lắm. Nhiều đêm leo lên người ông ấy. Định chiết ra được chút nào hay chút ấy. Nhưng rốt cuộc chẳng được gì. Có đêm, gì tự ôm mình mà khóc đến gần sáng. Thế rồi, chẳng hiểu thế nào, bụng gì cứ to ra. Dì cố nhớ mãi có khi nào hớ hênh bị người ta chiếm đoạt không nhưng cũng chẳng nhớ ra điều gì. Thế rồi dì cũng sinh ra nó. (Người gì chỉ vào cô con gái đang nói đùa tíu tít với bạn gái tôi). Họ không tin lời dì. Người thì bảo dì đi cặp kè với nhân tình. Kẻ độc miệng hơn thì bảo rằng dì là ma nữ, không chồng mà chửa. Ba mẹ chồng thì lúc tin thế này, lúc tin thế khác. Từ căm giận dì chuyển thành sợ hãi dì. Họ đuổi dì ra khỏi nhà. Dì mặc kệ, cứ dựng một cái chòi cạnh đó mà sống. Vì dì còn yêu chồng nhiều lắm. Dì biết ông buồn nhưng dì cũng chẳng biết giải thích làm sao. Cứ có việc gì với ông ấy, dì lại chạy sang. Rồi mọi chuyện dần nguôi ngoai. Sau đó, khi ba mẹ chồng lần lượt qua đời, dì lại chuyển về sống cùng ông ấy. Năm trước, người em ông ấy về nhìn thấy cảnh ấy mà mỉa mai dì. Ông ta bảo với dì rằng, biết thế sao ngày trước không ưng thuận ông ấy. Để giờ ba mẹ ông ấy chết không nhắm được mắt. Dì tủi nhục lắm. Chẳng biết thổ lộ với ai. Rồi thì có kẻ còn bảo ba chị em dì như là một ổ điếm. Rồi lại gọi cả nhà dì là Tam phụ chửa hoang. Ôi. Nhiều áp lực lắm. Dì chẳng biết phải nói sao cho con hiểu. Dì chỉ xin thề với trời đất rằng dì chẳng ăn nằm với ai khác ngoài chồng mình. Cháu là sinh viên y khoa, liệu có thể giải thích giúp dì không, còn là vì cả mẹ con và bác con nữa.
Tôi ngần ngừ vì lời đề nghị ấy. Ở một góc bàn, mẹ của người yêu tôi đã khóc sụt sùi. Tôi đành lựa lời để giải thích cho dù tôi biết những gì tôi nói có thể không phải là sự thật. Theo đó, tôi vin vào giả thuyết rằng họ đã đậu thai từ trước và do cơ địa khác người của ba chị em, thai nhi đã tạm dừng phát triển một thời gian, dẫn tới kéo dài thời gian thai kỳ. Nghe tôi kể xong, hai chị em dì ôm nhau mà khóc nức nở. Mấy cô con gái cũng dần dần rơm rớm nước mắt. Khi thấy trời đã tối, người mẹ đứng lên và như đã lấy lại vị thế của người chủ gia đình, bà chỉ huy đám con cháu cùng chuẩn bị cho bữa tối.
Đang lúc công việc bếp núc sắp xong thì lại có tiếng chuông cửa reo. Tất cả mấy chị em của bạn gái tôi đều lao ra cửa mà gọi to:
- Chị. Chị cả về.
Cô gái rũ rũ lớp áo mưa để phẩy đi làn mưa xuân ướt át. Khi cô đi vào nhà, trước mặt tôi lại là một người con gái khác giống y chang bạn gái mình.
Sau màn chào hỏi xã giao, tất cả lại ngồi và cùng nhau ăn tối. Bữa tối diễn ra hết sức vui vẻ cho đến khi cô chị cả lôi ra một mớ giấy tờ vào cuối bữa ăn. Đó là tiền bạc cô mang về để giúp đỡ mẹ và các em trang trải cuộc sống. Cô cũng không quên biếu người dì một phần trong số ấy. Sau rồi, cô chị liếc nhìn tôi như để thăm dò độ tin tưởng. Thấy vậy, người mẹ đành mở lời:
- Có việc gì con cứ nói ra. Cậu ấy là người tốt. Mẹ và các em con đều đã coi như người trong nhà. Không có gì phải giấu giếm.
Tôi nở thêm một nụ cười để tỏ vẻ chân thật. Như không còn lựa chọn nào khác. Người chị ngập ngừng nói trong khi cúi đầu nhìn xuống hai bàn tay đang vặn xoắn vạt áo:
- Con có thai rồi.
Niềm vui của những người xung quanh vừa bùng lên chợt tắt lịm và trở thành u sầu khi cô nói thêm:
- Cái thai đã được ba tuần rồi. Trong khi con không gần gũi anh ấy sáu tháng rồi. Anh ấy tới tháng ba mới được về phép. Con thì chẳng có quan hệ bên ngoài với ai khác nữa. Con chẳng biết điều gì đang xảy ra nữa.
Người mẹ đang định nói thì cô con gái đã lại nói tiếp:
- Con dự định đi phá thai trong tuần tới. Con...
Nghe đến đây, cả nhà đều nhao nhao phản đối. Tôi lắng nghe những lời khuyên can từ cả người mẹ lẫn người dì, rồi tới của bạn gái tôi và những cô em của nàng.
- Đừng chị ơi, bỏ chồng chứ đừng bỏ con.
Đó là câu nói của cô em gái mũm mĩm. Sau câu  nói ấy, người chị cả bỗng oà ra khóc. Chị kể lể rằng cuộc sống hôn nhân của hai người vẫn rất hạnh phúc. Chỉ vì cái thai oái oăm từ đâu tới mà đe doạ hạnh phúc của cô.
- Suốt mấy tuần qua, ngày nào con cũng ở trong nhà, ngày ngày nhắn tin gọi điện với anh ấy. Đêm nào cũng trằn trọc mong anh ấy về. Làm sao mà con bỏ anh ấy được.
Chi tiết ấy chợt khiến tôi nảy ra một giả thuyết. Dù có mười phần vô lý nhưng nó là lý thuyết duy nhất giải thích cho tất cả mọi chuyện.
Tôi đành hắng giọng để lên tiếng. Mọi người cùng nhìn tôi như hi vọng vào một điều gì đó. Tôi không vội nêu ta giả thuyết điên rồ của mình. Điều trước tiên tôi phải làm là đưa ra một giải pháp cho cái tình thế éo le này.
Tôi đề nghị người chị gái đến sống với bạn gái tôi một thời gian để cách ly với gia đình người chồng.
- Hãy lấy lý do là để chuẩn bị cho hôn lễ của chúng em.
Rồi tôi đi vào phần mấu chốt của vấn đề:
- Chị sẽ sinh con ở đó. Bọn em sẽ nhận làm con mình. Em sẽ nhờ người giỏi nhất mổ bắt con sớm cho chị. Vết mổ sẽ rất khéo không ai có thể thấy được. Nếu chưa ổn, em sẽ làm giả một bệnh án tai nạn cho chị hợp thức hoá vết mổ đó.  Chỉ là sau khi mổ xong, chị phải trở về nhà chồng ngay. Và tất cả chúng ta sẽ coi như chưa có chuyện gì xảy ra.
Thấy giải pháp của tôi có vẻ hứa hẹn, mọi người dần đồng tình. Mỗi người góp ý thêm vào cho kế hoạch thêm hoàn hảo. Khi đã bàn luận đến nát nước, ai nấy đều dậm dịch đứng lên để chuẩn bị. Người chị vừa cảm ơn tôi vừa lau nước mắt. Chị hứa sẽ đến chỗ tôi trong khoảng hai tháng nữa. Tôi gật đầu và tranh thủ ngỏ lời xin mẫu máu của chị để chuẩn bị cho việc sinh nở. Tôi cũng ngỏ ý để xin thêm máu từ hai mẹ con người dì, họ cũng vui vẻ mà đồng ý.
Cuối buổi, tôi mượn người mẹ chiếc nhẫn bà đang đeo rồi quỳ xuống mà cầu hôn bạn gái mình. Khỏi nói cũng biết nàng hạnh phúc tới nhường nào. Gia đình nàng ai cùng chúc phúc cho chúng tôi trong những giọt nước mắt vui sướng.
Đêm ấy, trong vòng tay của tôi, cô bạn gái khẽ thủ thỉ:
- Em sẽ không bao giờ ngoại tình đâu. Anh yên tâm.
Tôi hiểu nàng đang muốn nói về điều gì. Tôi ôm nàng khi khẽ nói:
- Chị gái em không ngoại tình đâu. Cả dì em nữa. Cả mẹ và bác của em nữa. Không có ai đâu.
- Sao anh lại nói thế?
Nàng ngước ánh mắt trong trẻo lên nhìn tôi. Tôi vỗ lưng nàng khi khẳng định:
- Tin anh đi. Sau này anh sẽ giải thích cho em hiểu.
Rồi nàng cũng yên tâm mà nằm im mà ngủ trong vòng tay tôi. Tôi nằm đó thao thức vì những suy nghĩ rối rắm. Tôi vạch ra một danh sách những việc cần làm khi trở về thành phố. Khi cảm thấy đã ổn phần nào tôi mới nhẹ nhàng chìm vào giấc ngủ.
Sáng hôm sau, chúng tôi tạm biệt gia đình để trở về thành phố. Ai cũng tươi cười chào tôi như thể họ đã công nhận tôi như một phần của gia đình họ.
Chuyến xe trở về thật dài. Lòng tôi như có lửa đốt khi biết bao việc muốn làm cứ lướt qua trong đầu.
Sau khi đưa bạn gái trở về phòng trọ, tôi lao ngay đến phòng thí nghiệm sinh hoá của trường. Sinh viên trở về vẫn còn thưa thớt nên tôi không khó để chiếm cho mình phòng thí nghiệm tốt nhất. Tôi vùi đầu trong đó để phân tích những mẫu vật đã thu thập được trong chuyến đi về quê vợ. Từ việc tìm hiểu căn bệnh dai dẳng của người mẹ vợ. Thử xem cô em gái út có mang mầm bệnh nào không. Và nhất là phân tích và đối chiếu gen di truyền của tất cả những thành viên trong gia đình ấy. Sau khi giao việc cho đống máy móc, tôi ước chừng để máy chạy xong chắc phải mất vài ngày, nên đành khoá cửa lại để đi ra ngoài.
Đang định về thăm ba mẹ thì tôi bị một tấm băng rôn hút lấy sự chú ý. Dải băng rôn chào mừng cuộc gặp mặt và trò chuyện với sinh viên trong trường của một người rất nổi tiếng: bác sỹ Riddle. Tôi vui mừng khi biết người mà mình ngưỡng mộ sắp tới đây. Bác sỹ Riddle là một người nổi tiếng trong giới y khoa về những kinh nghiệm y khoa độc lạ, những chứng bệnh kỳ lạ và những phương pháp dị thường. Riddle không phải là tên thật, đó chỉ là một cái tên anh ấy dùng để hành nghề mà thôi. Tôi biết anh hơn tôi tầm chục tuổi, và cũng chỉ được gặp mặt nói chuyện một lần. Dù tôi không phải là sinh viên có học lực xuất sắc nhất nhưng như anh nói, anh rất quan tâm và lấy làm thú vị trước những giả thuyết y khoa táo bạo của tôi.
Nghĩ rằng có lẽ người đó sẽ quan tâm tới vấn đề kỳ thú mà tôi vừa phát hiện được, tôi bèn đến bên bàn đăng ký để xin một cuộc gặp mặt. Người thư ký ghi tên tôi vào với vẻ thông cảm. Cũng phải thôi, nhìn vào danh sách dài dằng dặc toàn những tiến sỹ, giáo sư xin gặp anh ấy, tôi không nghĩ mình sẽ có được cơ hội.
Ba ngày sau, tôi trở về phòng thí nghiệm để xem kết quả. Tôi lần lượt làm những việc quan trọng trước.
Kết quả cho thấy, mẹ của bạn gái tôi chỉ bị mắc một loại virus cúm thông thường. Chúng gây ra một loại bệnh hô hấp mà đối với phần lớn sẽ nhanh chóng sẽ tự khỏi mà không cần chữa trị gì. Tôi hơi ngạc nhiên vì bà ấy lại mắc bệnh lâu đến vậy. Phỏng đoán có lẽ vấn đề tinh thần đã khiến căn bệnh dai dẳng, tôi kê cho bà vài loại thuốc, định bụng sẽ mang tới vào dịp gần nhất.
Đến phần cô em út. Tôi thở phảo khi cô bé âm tính với tất cả các loại bệnh thông thường. Các chỉ số của cô bé cũng rất tốt. Cho thấy cô bé đang rất khoẻ mạnh. Tâm trạng tôi nhẹ nhõm khi nghĩ đến vẻ ngây thơ trong sáng ấy.
Cuối cùng là việc so sánh mẫu gen của những người trong gia đình. Tôi thực sự kinh ngạc khi cầm những tờ kết quả trên tay.
Thứ nhất, nó cho tôi biết sáu người gồm: bạn gái tôi, mẹ nàng, dì nàng, chị gái nàng, cô em gái út và người em con của dì nàng đều có chung một bộ mã di truyền. Nói cách khác họ là bản sao của nhau hay tất cả chỉ là một. Điều này thật là hi hữu, với xác suất xảy ra với một cặp mẹ con cũng tới một phần vài triệu tỷ, khi mà người mẹ phải ngẫu phối với một người có bộ gen gần giống mình, để rồi chờ đợi sự run rủi của tạo hoá để bà ấy đẻ ra chính mình. Điều đó là không thể đối với bất kỳ loài sinh sản hữu tính nào.
Thứ hai, người em gái lớn của bạn gái tôi có bộ gen di truyền khác xa những người còn lại. Thậm chí là ngay cả với mẹ mình, phân tích độ tương đồng trên nhiễm sắc thể còn bác bỏ họ là mẹ con. Điểm bất thường thứ hai là hai nhiễm sắc thể giới tính X của cô bé giống y hệt nhau. Cứ như cô bé chỉ được nhận mã di truyền từ một người duy nhất vậy. Tôi thử giả định rằng  giao tử của người cha bị tổn thương. Điều này khá hợp lý khi ông ấy đã nghiện rượu lâu năm.
Thứ ba, khi phân tích sâu hơn vào trình tự sắp xếp của các gen trong nhiễm sắc thể, bộ gen của sáu người phụ nữa kia mới dần lộ ra điểm khác biệt. Dù cả sáu người có chung tất cả gen di truyền nhưng sự phân bố của chúng trên nhiễm sắc thể lại có vài chỗ khác nhau. Tôi tập trung vào việc so sánh mẫu gen của cô bạn gái và mẹ của nàng. Những đoạn gen ở nàng bị trùng lặp nhiều hơn, với tần suất xuất hiện của một vài gen hơi khác so với mẹ nàng. Điều đó cho thấy đã có sự trao đổi gen giữa những nhiễm sắc thể trong cặp tương đồng. Điều đó chỉ xảy ra trong quá trình hình thành hợp thể và nó chỉ có ở các loài sinh sản hữu tính. Một lần nữa bộ óc của tôi bị thử thách.
Tôi cố làm thêm vài phép so sánh khác. Và rồi tôi cũng dần lờ mờ đoán ra quy luật di truyền ở gia đình nàng.
Bước ra khỏi phòng thí nghiệm với vẻ đờ đẫn, tôi bất ngờ khi nhận thông báo rằng mình được bác sỹ Riddle ưu ái dành cho một cuộc nói chuyện riêng trong mười lăm phút. Thật không còn gì tuyệt vời hơn. Tôi rất muốn nghe giả thuyết của anh ấy về những gì tôi đang có, muốn anh đánh giá giả thuyết của tôi, và nếu có thể là bổ khuyết vào giả thuyết ấy những chỗ còn yếu. Nhìn bản danh sách rút gọn, đến cả thầy hiệu trưởng còn bị anh gạt ra, cho thấy con người ấy coi trọng tôi đến mức nào.
Cuộc hẹn được chuyển tới một phòng trà trên tầng hai căng tin trường theo đề nghị của tôi. Tôi biết đó là nơi có cà phê ngon nhất và cũng là nơi anh hay ghé tới mỗi khi ghé qua. Đó là một gian phòng rộng rãi nhưng kín đáo. Tôi muốn sẽ chỉ có hai chúng tôi tham gia cuộc thảo luận này nên đã bao luôn cả tầng.
Tôi đến từ sớm và tự lấy cho mình một bình cà phê đầy. Tôi ngồi đó vừa nhâm nhi tách cà phê vừa soạn đống giấy tờ cho có lớp lang thứ tự. Bên phòng giảng đường gần đó, tôi còn nghe rõ tiếng bác sỹ Riddle vọng sang. Có lẽ buổi nói chuyện đang tới lúc cao trào.
Đến giờ hẹn tôi bất chợt bị một bàn tay vỗ vai kèm tiếng nói ôn tồn:
- Cậu đây rồi. Nhìn thấy tên cậu là tôi đồng ý ngay. Chắc lại có gì thú vị phải không?
Tôi quay lại đã thấy người đàn ông to cao ấy bước qua và ngồi đối diện mình. Anh tự rót lấy một tách cà phê nóng và bắt đầu nhấp môi. Người phụ tá của anh từ đâu tới đã kéo theo một cái va li to tổ trảng đến bên cạnh rồi nhẹ nhàng đi ra. Đó thực ra là đống đồ bất ly thân của anh ấy, bao gồm tài liệu và một vài thứ đồ nghề chuyên dụng. Bác sỹ Riddle nói với người phụ tá trước khi quay qua tôi.
- Ồ. Cảm ơn nhé. Cậu có thể đợi ở bên ngoài. Có gì cần tôi sẽ gọi. Rồi. Chúng ta có gì nào anh bạn trẻ?
Tôi cười với anh và bắt đầu câu chuyện. Chúng tôi mở màn bằng việc trao đổi thông tin y khoa về những ca bệnh cũ. Những ca bệnh mà tôi đã phát hiện ra và Riddle đã góp phần điều trị.
- Anh hiểu rồi. Vậy là em cũng đã không thể làm gì. Không trách em được, một khi bệnh nhân đã không hợp tác thì...
Anh hớp một ngụm cà phê trước khi chuyển đề tài:
- Vậy có ca nào mới không, kể anh nghe.
Tôi ngập ngừng khi bắt đầu nói về câu chuyện của gia đình bạn gái:
- Anh à. Em sắp kết hôn.
- Ồ. Vậy à! Anh được mời chứ? Anh hứa sẽ có quà.
- Không phải vậy. Chuyện là bạn gái em...
Tôi bắt đầu tường thuật lại về chuyến đi về quê vợ. Những gì tôi quan sát được, những thông tin tôi thu thập được. Anh ngồi nghe tôi chăm chú và vẻ tươi cười dần tắt trên gương mặt anh. Thay vào đó là vẻ trầm ngâm chìm đắm trong suy tư. Khi tôi bày ra từng tờ kết quả, anh lao tới mà vồ lấy để đọc. Vừa đọc vừa nghe tôi nói, nét mặt anh dần giãn ra và lại được thay thế bằng một nụ cười. Trong lúc tôi đang dần đi đến kết thúc của câu chuyện thì anh quay sang bên cạnh và mở tung cái thùng đồ. Anh lục lọi trong đó như để tìm thứ gì đó. Và rồi anh reo lên khi đã tìm thấy thứ muốn tìm. Khi tôi kết thúc câu chuyện thì anh cũng đặt trước mặt tôi ba tấm ảnh và nói:
- Nào xem đi. Xem có giống nhau không nào?
Tôi cầm một bức ảnh đầu tiên lên xem và kinh ngạc khi thấy trong ảnh là một gia đình ba người trong đó có hai phụ nữ mang những nét hao hao với những người trong gia đình bạn gái mình. Bức ảnh đen trắng đã úa màu. Trông trang phục họ mặc thì có lẽ đã rất xa xưa rồi. Bức thư hai mới hơn và cũng là một bức ảnh đen trắng. Trong ảnh là một đại gia đình khoảng chục người và những người phụ nữ trong đó cũng có vẻ ngoài y chang. Sắc phục của họ có lẽ là từ một sắc dân du mục nào đó khi mà xung quanh là vương vãi lều trại và dê cừu. Bức thứ ba là ảnh màu và còn khá mới. Trong ảnh chỉ có một người duy nhất. Cô ta ăn mặc sang trọng, có vẻ là người có địa vị trong xã hội. Tôi ngước nhìn lên hỏi người tiền bối:
- Vậy là anh đã biết chuyện này rồi ư?
Anh lắc đầu khi bắt đầu giải thích:
- Trong những chuyến đi lang thang của anh. Anh đi qua những cộng đồng khác nhau, cố gắng tìm hiểu đặc điểm nhân chủng của họ. Có đôi lần anh bị thu hút về những chuyện lạ trong cộng đồng ấy vì chúng khá giống nhau. Họ kể rằng đã từ rất lâu, cộng đồng của họ đang sống yên ổn bỗng có một hoặc một vài cô gái lang bạt đến. Họ dù là người ngoại tộc nhưng dần hoà nhập vào với cộng đồng. Họ lập gia đình với đàn ông bản địa rồi cũng sinh con. Chỉ có điều, trong mỗi gia đình có sự hiện diện của một người phụ nữ trong đám lang bạt ấy, con trai thì giống bố như đúc, còn con gái thì y hệt mẹ.
Anh chỉ vào bức ảnh thứ hai. Tôi chợt nhận ra điểm mà tôi bỏ sót. Những người đàn ông trong ảnh cũng trông y tranh nhau. Anh nói tiếp với tôi:
- Ban đầu anh cũng chẳng để ý, cho đến khi anh thấy câu chuyện này cứ xuất hiện theo một dòng thời gian nối tiếp và đi theo từng cộng đồng nối tiếp nhau theo một con từ Âu xuống Á. Anh lôi ra một tấm bản đồ và quét một đường ám chỉ đường đi của những sự kiện đó.
- Những con người lang bạt đó chỉ sống ở cộng đồng đó một thời gian. Thường là vài đời. Sau đó vì nhiều lý do, họ bị chính những người trong cộng đồng ghét bỏ, xa lánh. Khi họ đi khỏi, không thể tìm thấy dấu vết về vật chất di truyền của họ trong cộng đồng ấy nữa. Đó mới là điều làm anh ngạc nhiên. Anh đã không thể có nổi một mẫu vật để mà nghiên cứu.
Anh chỉ tay vào tấm ảnh đầu tiên.
- Đây là bức ảnh chụp cách đây gần hai thế kỷ. Như em thấy đó, người con gái giống hệt người mẹ và khác xa người bố to béo. Cô con gái sau đó trở thành một diễn viên xiếc nổi tiếng ở châu Âu. 
Rồi tới bức thứ hai:
- Bức ảnh này được chụp cách đây khoảng một trăm năm tại một cộng đồng dân cư ở Trung Á.
Tới bức thứ ba, anh giải thích và khiến tôi bị bất ngờ:
- Bức ảnh này cách đây chỉ ba bốn chục năm gì đó. Cô ấy là một ca sỹ nổi tiếng. Có thể em không biết nhưng nếu em mang tấm ảnh này về hỏi ông bà, bố mẹ, có lẽ họ sẽ biết đấy. Một ca sỹ phòng trà đã từng khuynh đảo trái tim thanh niên thời đó.
Tôi chợt nhớ ra cái cô ca sỹ trong bức ảnh ấy là ai. Cuối cùng tôi cũng biết vì sao ba tôi thấy bạn gái tôi quen mặt dù mới gặp lần đầu.
Bác sỹ Riddle ngồi thẳng dậy và thư thái nhìn tôi.
- Bây giờ, phải nói rằng những gì em mang tới cho anh thật sự không khác gì kho báu. Vậy thì chàng trai, với những kết quả ấy, em có kết luận gì nào?
Tôi ngập ngừng khi nói ra giả thuyết của mình:
- Trinh sản.
Bác sỹ Riddle lắc đầu cười:
- Anh không cần một cái tên. Hãy giải thích đầy đủ bằng ngôn ngữ khoa học giúp anh.
Tôi vận dụng hết tâm trí để dùng lời lẽ diễn tả cái lý thuyết điên rồ nhất của mình.
- Như anh biết đấy. Trinh sản chỉ xảy ra ở một vài loài cá, rắn và thằn lằn. Nó xảy trong môi trường khắc nghiệt khi mà việc ghép đôi thông qua sinh sản hữu tính bị cản trở vì mật độ quần thể quá thưa thớt. Con cái khi đó sẽ tự thụ thai trứng của mình. Con non sinh ra sẽ giống hệt mẹ về đặc điểm di truyền. Có thể nói là con mẹ đã tự tạo ra bản sao của chính nó. Làm tăng số lượng của bản thân để tăng cơ hội gặp được con đực. Và khi gặp được con đực, quá trình sinh sản sẽ lại quay trở lại như bình thường. Lúc đó con cái sẽ ưu tiên việc sinh sản qua ghép đôi hơn là trinh sản.
Tôi nhấp một ngụm cà phê để lấy giọng:
- Giả thuyết của em là. Những người phụ nữ ấy vì một lý do nào đó từ rất lâu rồi. Cơ thể của họ không thể tạo ra được một tế bào trứng bình thường. Như anh đã biết, tế bào sinh trứng của phụ nữ sẽ phân đôi hai lần tạo ra bốn phôi trứng. Sau đó, ba sẽ tiêu biến, chỉ có một phát triển thành trứng hoàn thiện. Em cho rằng, sai sót nằm trong việc phân chia của tế bào sinh trứng. Nó đã không phân chia. Dẫn tới việc tế bào trứng có đầy đủ cả bộ nhiễm sắc thể. Từ đó mà đứa con sinh ra giống hệt mẹ.
Bác sỹ Riddle phe phẩy tờ kết quả trên tay để chỉ ra điểm yếu chí tử của giả thuyết này.
- Vậy em giải thích sao về việc họ vẫn có thể sinh con với một người đàn ông. Thêm vào đó đứa con trai còn giống hệt cha nó và không hề có dấu vết ADN của người mẹ trong đứa con ấy. Hơn nữa, nếu giả thuyết của em là đúng thì đáng ra họ phải sinh con liên tục vì mỗi quả trứng đều có cơ hội phát triển thành thai nhi. Vì chúng ta đang nói về con người, mỗi tháng phụ nữ rụng trứng một lần, không như động vật ngoài tự nhiên, do thiếu thốn thức ăn mà quá trình ấy bị kéo dài hơn.
Tôi tự vấn lại và giả thuyết của mình và thấy nó yếu thực sự. Tôi hỏi lại bác sỹ Riddle như muốn anh động não hộ:
- Vậy giả thuyết của anh là gì?
Vị bác sỹ trầm ngâm một lúc rồi dè dặt nói:
- Chúng ta có thể tìm ra đơn giản bằng cách nghiên cứu trực tiếp những người còn sống. Nhưng mà. Được rồi. Đây là giả thuyết của anh. Nếu có thiếu sót ở đâu, em hãy bổ sung nhé.
Anh nhấp thêm một ngụm cà phê rồi mới bình tĩnh trình bày:
- Giả sử thế này, lỗi vẫn xảy ra trong quá trinh sinh trứng. Theo đó, tế bào sinh trứng vẫn phân chia tạo ra bốn tế bào trứng nhưng ở pha cuối, có hai tế bào đã không phân chia đúng, dẫn tới một thì có nửa bộ nhiễm sắc thế, một thì không có nhiễm sắc thế nào. Như vậy sẽ có ba dạng tế bào trứng được tạo ra. Hai thì mang một phần tư bộ nhiễm sắc thể của người mẹ, đây là tế bào bình thường. Một mang một nửa bộ nhiễm sắc thế. Một chỉ là vỏ trứng, không có nhân nhiễm sắc thể.
Tôi reo lên khi bắt đầu phân tích theo giả thuyết này. Mọi việc đang dần sáng tỏ.
- Vậy thì khi các tế bào bị tiêu biến đi, thì xác suất là 50 phần trăm bình thường, 25 phần trăm rỗng và 25 phần trăm có thể tự phát triển thành trinh sản. Do chỉ có một phần tư cơ hội để trinh sản xuất hiện lên phần lớn những người phụ nữ ấy vẫn có biểu hiện kinh nguyệt bình thường.
- Chính xác. Giả thuyết của anh là vậy.
Anh ngó thêm mấy tờ kết quả của tôi trước khi nói tiếp:
- Anh cho rằng lỗi ấy cũng sẽ dẫn đến sự khác biệt về cấu tạo vỏ của tế bào trứng được tạo ra. Hai tế bào bình thường sẽ có cấu tạo vỏ dày hơn đáng kể, dẫn tới việc khó thụ thai cho chúng hơn. Trong khi hai tế bào còn lại sẽ có vỏ mỏng hơn và dễ hình thành bào thai hơn.
Tôi gật đầu và bắt đầu phân tích từng trường hợp:
- Khi quả trứng có chứa lượng nhiễm sắc thể gấp đôi bình thường đi xuống tử cung, nó nghiễm nhiên sẽ phát triển thành bào thai. Nhưng trước đó, bộ nhiễm sắc thể sẽ tiến hành trao đổi chéo giữa các cặp tương đồng. Điều đó dẫn tới cá thể con có tần suất một số gen hơi khác so với cá thể mẹ.
Anh bổ sung về trường hợp tiếp theo:
- Tế bào trứng mang bộ nhiễm sắc thể bình thường có vỏ dày hơn nên khó được thụ thai hơn. Từ đó giải thích cho việc anh chưa tìm thấy dấu vết gen của họ tại những cộng đồng họ ghé qua.
Tôi nói ngay vì đã có giả thuyết về trường hợp cuối cùng:
- Tiếp đến là tế bào trứng rỗng nhân. Nếu nó được thụ tinh bằng một tinh trùng duy nhất, nó sẽ không thể phát triển. Tuy nhiên, do vỏ trứng mỏng, có thể cho phép hai tinh trùng cùng xâm nhập. Nếu cả hai tinh trùng mang nhiễm sắc thể giới tính Y, hợp tử sẽ bị coi là khuyết tật gen và không thể phát triển. Nếu cả hai cùng mang nhiễm sắc thể giới tính X, hợp tử sẽ là con gái. Còn nếu là một X, một Y, sẽ sinh ra con trai. Do xác suất X và Y là ngang nhau nên cơ hội sinh ra con trai sẽ cao. Điều đó giải thích tất cả những đứa con trai được sinh ra từ họ đều giống bố. Còn đối với cô em gái lớn của bạn gái em. Có lẽ cô ấy rơi vào trường hợp hiếm hơn kia. Khi mà hai tinh trùng cùng manh bộ nhiễm sắc thể giới tính X của người cha kết hợp với nhau trong tế bào trứng rỗng của người mẹ. Điều mà chưa từng có trong quá khứ
Vị bác sỹ gật gù với giả thuyết của tôi. Anh vừa bổ sung vừa cung cấp thêm thông tin:
- Trường hợp ấy thường không sống được tới tuổi trưởng thành. Vì với bộ gen như vậy, các bệnh di truyền dễ biểu hiện hơn.
Vậy là chúng tôi đã giải thích gần như đầy đủ những biểu hiện của hiện tượng người trinh sản bằng giả thuyết này. Chỉ còn đợi kiểm chứng bằng thực nghiệm nữa mà thôi. Duy chỉ còn một điểm làm tôi băn khoăn. Tôi hỏi ngay khi thấy anh đã xem giờ và đang thu dọn đồ đạc:
- Em chỉ không hiểu, tại sao tần suất họ trinh sản lại cao đến vậy mà không phải là hoà gen với chồng. Em từng thử nghĩ tới yếu tố tâm lý để giải thích nhưng nghe có vẻ mù mờ và phản khoa học lắm.
- Giải thích thử xem nào. - Anh ngừng ngang để nghe tôi nói.
- Em cho là, những người phụ nữ ấy, vì quá yêu chồng. Vào những lúc xa chồng và trong lòng lại nảy sinh ước muốn có con mãnh liệt. Yếu tố tâm lý ấy đã khiến xác suất tạo ra những tế bào trứng có gấp đôi nhiễm săc thể cao hơn. Cũng vì vậy mà cuộc đời họ liên tục gặp phải những tình huống éo le.
Anh đã đóng cặp và quay lại nhìn tôi.
- Có thể lắm cậu em ạ. Việc này anh giao cho em nghiên cứu thêm đấy. Lần sau gặp lại phải có kết quả để giao phó cho anh đấy nghe chưa.
Tôi hơi bắt ngờ khi hỏi lại:
- Anh không định nghiên cứu sâu hơn vào vụ này sao?
Anh lắc đầu và đã đứng lên:
- Không. Chú em ạ. Vì anh đã có em ở đây rồi mà. Hãy làm hết sức đi. Cả nhà bạn gái em chắc đang trông ngóng vào kết quả này lắm đấy.
Tôi gật đầu và anh rời bước quay ra cửa. Nhưng đi được mấy bước bất ngờ anh quay lại với vẻ mặt nghiêm túc:
- Anh phải nói thêm với em điều này. Tại những nơi anh đi qua và bắt gặp dấu vết của họ. Không phải họ tự bỏ đi đâu. Họ bị chính những người ở đó coi là ma quỷ hay phù thủy rồi đuổi họ đi. Cuộc sống phải lang bạt nay đây mai đó thật chẳng dễ dàng lắm đâu. Ở nhiều nơi, những người như họ còn bị coi là hiện thân của ma quỷ vì những người quen mẹ lại tưởng nhầm con. Từ đó họ từng bị coi là ma cà rồng hay có phép Trường Sinh bất lão. Nhiều kẻ xấu xa thời xưa với ý nghĩ hủ lậu còn nghĩ họ là bảo vật của tạo hoá. Họ từng bị lùng sục và đem bắt về làm vật mua vui cho các vị chúa đất.
Anh thở dài khi nói tiếp:
- Ngày nay, khi khoa học phát triển, chúng ta mới dần biết được bản chất của họ. Âu cũng là giải thoát cho họ khỏi cái số phận hẩm hiu ấy.
Rồi bất chợt anh nở một nụ cười khi nói thêm:
- Riêng anh thì hơi duy tâm một tý. Anh cho rằng chính trong con người họ cũng luôn tồn tại một sự đấu tranh mạnh mẽ với nghịch cảnh. Bằng chứng là ở gia đình bạn gái em đó. Họ buộc phải lấy những người chồng mà họ chẳng hề yêu thương. Những đứa con sinh ra khi ấy đều là do trinh sản mà đẻ ra chính mình. Chỉ khi họ có tình cảm với người chồng, họ mới cho phép việc tạo ra con của anh ta trong người họ. Có thể họ chính là bảo vật của tạo hoá thật, ai mà biết được. Theo những ghi chép của cả anh và em, những người mang bộ gen đó đều có tài năng suất chúng về một mặt nào đó. Thực sự tất cả những người phụ nữ ấy chỉ là một người mà có thể đa tài như vậy ư. Bộ gen của họ hẳn phải đặc biệt lắm mới có thể tùy hoàn cảnh mà phát sinh khả năng tương ứng như vậy được. Liệu có phải đó là một bộ gen toàn năng giống như cách chúng ta ngày nay đang nỗ lực cải tạo  bộ gen của chính mình hay không. Có thể họ đã, không, cô ấy đã có mặt từ cả nghìn năm trước đến giờ. Ấy vậy mà vẫn không chịu hoà gen của mình với bất kỳ ai trong chúng ta. Cô ấy cứ như một thiên thần được đấng tối cao cử xuống để tìm người phù hợp vậy. Người sẽ khiến cô ấy thực sự ở lại thế gian này. Nghĩ đến đó thôi, anh thấy em cũng thật may mắn đó.
Anh vỗ vai tôi khi nói lời sau cuối:
- Và anh hi vọng người ấy là em. Chàng trai ạ.
Khi anh đi rồi tôi ngồi và ngẫm nghĩ lại mọi chuyện. Đúng như anh nói, số phận của những người trinh sản như bạn gái tôi đã từng rất đau khổ. Tôi tự hỏi liệu có thật như anh nói, họ tới đây có phải để tìm cho mình một người chồng xứng đáng hay không? Họ thông minh, tài năng, xinh đẹp, ấy vậy mà vẫn đời đời chỉ truyền lưu chính mình. Nghĩ đến đây lòng tôi chợt sao xuyến. Ngó qua khung cửa sổ, tôi chợt bắt gặp một hình bóng quen thuộc.
Tôi lao như bay ra cổng trường. Ở đó bạn gái tôi đang đứng đợi tôi. Nàng cười duyên dáng. Nụ cười của nàng thật đẹp. Có thứ gì đó trong tim tôi chợt bùng lên dữ dội. Tôi biết sau tất cả những chuyện vừa trải qua, tôi càng yêu nàng hơn.