Vùng Nam Bộ

Những di tích khảo cổ học ở Long An, Bà Rịa- Vũng Tàu, Đồng Nai và một vài địa phương khác, cho thấy vùng Nam Bộ từ cách nay khoảng 2500 năm đã có sự hiện diện của lớp cư dân cổ xưa . Từ thế kỷ I đầu Công Nguyên, ở vùng Nam Bộ đã xuất hiện một vương quốc cổ, tên gọi trong một số thư tịch là Phù Nam. Phù Nam nổi tiếng với văn hoá Óc Eo (An Giang) là một trung tâm thương mại và cảng thị trù phú. Từ cuối thế kỷ IX, một nhà nước trỗi dậy thay thế nhà nước Phù Nam. Đó là vương quốc Chân Lạp (Campuchia- Cao Miên- nhà nước của người Khmer) tồn tại từ thế kỷ IX đến thế kỷ XIII, XIV trải rộng ở phía Nam bán đảo Đông Dương. Phần đất Nam Bộ, được các tư liệu gọi là Thuỷ Chân Lạp, một vùng ngập nước, cư dân thưa thớt, hoang vu. Năm 1698, Chúa Nguyễn Phúc Tần, người đứng đầu xứ Đàng trong đã cử quan khâm sai Nguyễn Hữu Cảnh vào vào Nam Bộ để kiểm kê dân số, đất đai, phân định ranh giới hành chính... Lúc này ở Nam bộ có khoảng 40.000 hộ, hơn 200.000 người.
Vùng đất Nam Bộ ngày nay là địa bàn cư trú của nhiều dân tộc. Ngoài người Kinh, còn có Kmer, Chăm, dân tộc ít người như Stiêng, Châu Ro, Mạ,... và người Hoa. Thời gian gần đây, một số ít dân tộc thiểu số phía Bắc và Bắc Trung Bộ cũng tìm đến sinh sống.
Nam Bộ là vùng đất đa tôn giáo. Nhiều tôn giáo được du nhập từ bên ngoài như Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Islam... và cả các tôn giáo mang tính bản địa như Cao Đài, Hoà Hảo, Tứ Ân Hiếu Nghĩa... Các cư dân các dân tộc ở Nam Bộ có đời sống tín ngưỡng hết sức đa dạng và phong phú. Nổi bật là tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt, Hoa, Khmer... Người Nam Bộ sùng bái nhiều vị thần, đặc biệt các nữ thần như Bà Chúa Xứ, Bà Đen, Bà Thiên Hậu...
Cùng cộng cư trên vùng Nam Bộ, các dân tộc Việt, Hoa, Khmer, Chăm,... đã sớm có mối quan hệ giao lưu và tiếp biến văn hoá.

Người Hoa đến Nam Bộ

Người Hoa vốn là cư dân Trung Hoa, ở vùng duyên hải phía Nam Trung Quốc như các tỉnh Quảng Đông, Phúc Kiến, đảo Hải Nam... vượt biển tìm đến Nam Bộ Việt Nam, tìm kiếm một vùng đất sống.
Lý do tìm kiếm đất sống, mưu sinh của người Hoa có nhiều, chủ yếu là do cuộc sống khó khăn, nghèo đói ở quê hương, dịch bệnh hoành hành, sự bất an bởi những cuộc tranh chấp của các thế lực phong kiến Trung Hoa, nơi bọn cường hào, ác bá hà hiếp nhũng nhiễu dân lành, những cuộc bắt phu bắt lính của các thế lực thống trị đương thời. Họ là những nông dân nghèo khổ, thợ thủ công, binh sĩ, quan lại bất mãn với thời cuộc, với chính thể đương thời. Trong số những di dân đó, còn có cả những thương nhân buôn bán trên biển, và cả những kẻ trốn tránh sự truy nã của chính quyền phong kiến Trung Hoa, một số nho sĩ, tri thức.
Người Hoa đến Nam Bộ vào nhiều thời điểm khác nhau trong suốt nhiều thế kỷ. Thực ra, người Trung Hoa biết đến vùng đất Nam Bộ khá sớm. Đó là những thương nhân thường qua lại buôn bán ở khu vực Đông Nam Á, và cả những sứ thần Trung Hoa được triều đình cử đi công cán hải ngoại. Những thương nhân Trung Hoa, ngay từ thế kỷ XII- XIII đã biết đến vương quốc Chân Lạp, và sau đó từ thế kỷ XV- XVI đã có sự giao thương với xứ Đàng Trong của Việt Nam (lúc đó là Đại Việt). Vào khoảng đầu thế kỷ XIII, Châu Đạt Quan dẫn đầu một phái bộ ngoại giao của nhà Nguyên ở Trung Hoa, được cử đến kinh đô Chân Lạp. Phái bộ của ông đã đến Nam Bộ và ngược theo các con sông ở đồng bằng sông Cửu Long để đến Nam Vang (phiên âm thủ đô Phnom Penh của Campuchia ngày nay). Ở Nam Vang lúc đó đã có một cộng đồng di dân Trung Hoa sống trên đất Chân Lạp. Tuy nhiên, vào thời điểm này, vùng đất Nam Bộ vẫn còn hoang vu, dân cư thưa thớt. Những ghi chép của Châu Đạt Quan trong sách "Chân Lạp phong thổ ký" đã ghi nhận trong hành trình ngược sông đến Nam Vang, khi qua đất Nam Bộ chỉ bắt gặp rừng rậm, bãi cát bồi ven sông những vùng đầm lầy và nhiều động vật hoang dã như trâu rừng... Như vậy, cuộc định cư của người Hoa trên đất Nam Bộ phải từ khoảng cuối thế kỷ XVI-XVIII về sau.
Những ghi chép trong một số tư liệu thường nhắc đến các đợt nhập cư đông đảo của người Hoa đến đất Nam Bộ vào thời gian ban đầu, được tổ chức và hướng dẫn bởi Mạc Cửu, Trần Thượng Xuyên, Dương Ngạn Địch...
Vào năm 1679, một nhóm người Trung Hoa đông đảo khoảng 3000 người từ Quảng Đông, dưới sự chỉ huy của Trần Thượng Xuyên và Dương Ngạn Địch đã rời bỏ Trung Quốc trên 50 chiếc thuyền tìm đến xứ Đàng Trong của Đại Việt. Hầu hết những người trong nhóm này là các quan lại, binh lính và gia nhân của hai vị võ quan, tìm đến Đại Việt xin được tị nạn chính trị. Họ là những người không chịu khuất phục sự thống trị của chính quyền Mãn Thanh, bởi họ là thần dân của nhà Minh. Họ hy vọng đến Đại Việt để chuẩn bị sự nghiệp "Phản Thanh phục Minh". Khi đến Đàng Trong, các chiến thuyền cập cảng ở Đà Nẵng. Những người lãnh đạo của nhóm đã đến Huế (Thuận Hoá), xin với chúa Nguyễn được ở lại Đại Việt. Chúa Nguyễn đã tiếp đón trọng thị Trần Thượng Xuyên, Dương Ngạn Địch và các bộ tướng. Trong tình hình xứ Đàng Trong lúc bấy giờ, Chúa Nguyễn đã tiếp nhận yêu cầu của các di dân từ Trung Hoa, phong tước vị cho các tướng và cho người đưa vào định cư ở Nam Bộ.
Đến Nam Bộ, hơn 3000 người di dân Trung Hoa được chi làm 2 nhóm. Một nhóm do Trần Thượng Xuyên, Trần An Bình ngược sông Đồng Nai đến định cư ở Biên Hoà, lúc đó gọi là Trấn Biên. Nhóm thứ hai do Dương Ngạn Địch, Hoàng Tiến chỉ huy ngược sông Tiền đến định cư Mỹ Tho.
Khu mộ Đức ông Trần Thượng Xuyên hiện tọa lạc tại ấp 2, xã Tân Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.
Khu mộ Đức ông Trần Thượng Xuyên hiện tọa lạc tại ấp 2, xã Tân Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.
Năm 1671, Mạc Cửu (Mạc Kính Cửu), một thương nhân Trung Hoa, người gốc Lôi Châu, Quảng Đông, chuyên buôn bán đường dài ở trên biển khu vực Đông Nam Á, dẫn đầu một đoàn lưu dân Trung Hoa tìm đến vùng đất Hà Tiên định cư. Mạc Cửu và những người kế vị đã xây dựng và mở mang vùng đất Hà Tiên. Năm 1715, Mạc Sĩ Lân (Mạc Thiên Tích con Mạc Cửu) đã xin các Chúa Nguyễn bảo hộ vùng đất Hà Tiên.
Ngoài ba địa điểm nhập cư và định cư trên còn có một số cửa sông, vịnh biển khác. Cửa sông Mỹ Thanh ở Sóc Trăng. Theo sông Mỹ Thanh, một số người Hoa đến lập nghiệp ở vùng Vĩnh Thanh và Mỹ Xuyên thuộc tỉnh Sóc Trăng ngày nay. Bãi Xàu thuộc Mỹ Xuyên, là một bến sông có người Hoa Triều Châu định cư từ khá sớm. Rạch Giá tỉnh Kiên Giang, là trong những nơi tiếp nhận di dân đến từ Quảng Đông. Xã Bình An thuộc Ba Hòn ở Kiên Giang, là nơi nhóm người Hoa Hải Nam đến lập nghiệp.
Năm 1688, Hoàng Tiến ở Mỹ Tho làm phản, giết Dương Ngạn Địch, định làm bá chủ vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trần Thượng Xuyên và con là Trần Đại Định đã can thiệp, giếp Hoàng Tiến và chặn quân Chân Lạp tiến chiến vùng đất Tây Nam Bộ.
Năm 1782, cuộc chiến giữa quân Tây Sơn và Nguyễn Ánh ở Nam Bộ đã khiến Biên Hoà bị huỷ hoại, một số người Hoa phải chuyển cư về Chợ Lớn, ven sông Tàu Hủ (ngày nay là quận 5,6). Một số người Hoa phiêu bạt từ Mỹ Tho sau cuộc phản loạn của Hoàng Tiến cũng chuyển về Chợ Lớn. Không lâu sau, khu người Hoa ở Chợ Lớn đã trở thành đô thị, bến cảng phồn thịnh đông đúc.
Sài gòn ,Chợ lớn  xưa là vùng đất đầm lầy , trũng nước giao thông chủ yếu bằng đường thủy, quá trình phát triển thuở ban đầu những kinh rạch được đào để thuyền bè qua lại thuận lợi giao thông trong vận chuyển hàng hóa.
Sài gòn ,Chợ lớn xưa là vùng đất đầm lầy , trũng nước giao thông chủ yếu bằng đường thủy, quá trình phát triển thuở ban đầu những kinh rạch được đào để thuyền bè qua lại thuận lợi giao thông trong vận chuyển hàng hóa.
Năm 1858, thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, tiến hành công cuộc khai thác thuộc địa vào khoảng đầu thế kỷ 20. Nguồn nhân lực ở Việt Nam không đáp ứng đủ, chính quyền thuộc địa đã thương lượng với chính quyền Mãn Thanh ở Trung Hoa để tuyển mộ công nhân người Trung Quốc. Những đợt nhập cư đông đảo người Hoa vào Việt Nam để làm công nhân các đồn điền cà phê, cao su, xây dựng đường giao thông... Những người Trung Hoa nhập cư vào Việt Nam được gọi là "cu li", càng trở nên đông đảo vào cuối thập niên 20 đầu thập niên 30 thế kỷ XX. Phần lớn những người Hoa nhập cư theo dạng tuyển mộ nhân công của chính quyền thuộc địa là đàn ông. Họ sau thời hạn kết thúc hợp đồng không trở về Trung Hoa mà tìm cách ở lại Việt Nam sinh sống.
Từ sau năm 1940, do những chuyển biến của tình hình thế giới, chiến tranh thế giới 2 bùng nổ, con đường hàng hải trên biển Đông bị cản trợ, số lượng người Hoa nhập cư vào Việt Nam giảm xuống nhanh chóng. Việc nhập cư kết thúc vào năm 1949, khi cuộc cách mạng do Đảng Cộng Sản Trung Quốc lãnh đạo và thành lập nước Cộng Hoà nhân dân Trung Hoa.