Sẽ ra sao nếu như những câu chuyện ta kể cho mình về cuộc sống chỉ khiến ta cô đơn, khiến ta đánh vật với ý nghĩa?
Tác giả Devin Kelly là một nhà văn
Bài viết gốc tại Longreads
-----
Tôi bắt đầu rã rời sau nửa đêm. Tôi lạnh căm, rét run, và một mình bước rảo trên chặng hai-dặm lần thứ 35 quanh nông trang cách Savannah, Georgia 40 dặm về phía tây. Tôi sẽ trở lại ngay, và đưa thêm ngữ cảnh. Nhưng lúc này, hãy nhớ về sự cô độc, và sự quái gở. Hãy nhớ tới bóng tối và hình dáng những vì sao chiếu sáng qua hàng ngàn điểm sáng trên tấm thảm trời đêm bao la màu xanh đen. Và hãy nhớ, khi tôi ngẩng đầu, đang đeo đèn trên nón, dăm thước trước mặt lên bầu trời phía trên, hy vọng có chút khoảnh khắc với những vì sao và chứng kiến một cảnh tượng đẹp đẽ nào đó, thì ánh đèn lại xóa hết, và tôi trở thành một luồng sáng mờ đơn nhất sắp chừng biến mất. Hãy nhớ cảm giác khi ấy: kỳ vọng một điều kỳ vĩ rồi đối diện với sự thể trái ngược.
Bắt đầu từ ngày 20 tháng 10, 2018, vận động viên siêu marathon Courtney Dauwalter quyết định chiến thắng Johan Steene ở đường chạy Big’s Backyard Ultra, một chặng đua điên rồ vì ở đó người tham gia phải hoàn thành một đường chạy khép kín bốn dặm trong chính xác một giờ đồng hồ. Người chạy có thể hoàn thành nhanh chậm tùy thích, nhưng buộc phải có mặt ở vạch xuất phát mỗi khi súng nổ mỗi giờ đồng hồ một lần. Dauwalter và Steene thi đấu với nhau trong suốt 3 ngày, mỗi người chạy hết 279 dặm cho tới khi Dauwalter, sau 67 giờ, bắt tay Steene và đồng ý để anh kết thúc vòng chạy cuối một mình. Về sau Steene viết về thời khắc này như sau: “Khi chạy một mình trong đêm tối Tennessee, tôi chẳng thấy chút nào hân hoan. Tôi thấy trống trải và vô mục đích.” Steene đã chiến thắng, nhưng lại chẳng có chút cảm giác thành tựu, mục đích hay cảm xúc tích cực nào. Ta phải hiểu về nó ra sao? Cái lỗ khuyết lẽ ra nên có gì ở đó nhưng lại trống hoác?
Một thời gian dài, tôi nghĩ tôi chạy, và thi đấu thể thao, như một cách sử dụng ẩn dụ thể thao để thấu hiểu về cuộc sống. Cuộc sống tựa như đường chạy marathon, người ta hay nói với tôi như vậy. Tôi nhớ đã xem đi xem lại Chariots of Fire, nhất là cảnh trong mưa khi Eric Liddell, chỉ ít phút sau khi vừa chiến thắng chặng đua, khẳng định rằng: “Tôi muốn so sánh đức tin với việc chạy đua. Thật gian nan. Nó đòi hỏi năng lượng ý chí.” Tôi yêu sao cảnh tượng ấy khi còn bé, nhất là với tư cách một người, ở một thời điểm nhất định, đã sở hữu vô vàn đức tin. Nhưng tôi luôn dừng đoạn clip trước khi Eric nói nêu điều mà càng về sau càng trở nên hiển nhiên với tôi: “Vậy thì tôi là ai mà dám nói rằng mình tin tưởng, sở hữu đức tin, trước thực tại cuộc sống… Tôi chẳng hề có công thức chiến thắng nào cả. Mọi người đều chạy theo cách của riêng họ.” Quả vậy, mọi người đều chạy theo cách của riêng họ, một thực tế mà càng lớn tôi càng hiểu và trân trọng hơn. Sự kiên nhẫn, cả trong cách tôi dịch chuyển rất riêng qua cuộc sống và cùng với những người khác, là một kỹ năng mà tôi chủ đích tìm cách vun đắp và duy trì. Ấy thế mà, đến cả câu nói của Liddell cũng chẳng can hệ gì tới chiến thắng cả. Và rằng – cái ý nghĩ chiến thắng, hay hoàn tất, hay thành tựu – đã trở thành một biểu nghĩa mang tính toàn thể của riêng nó. Chẳng còn là những gì ta làm. Mà là những gì ta đã làm được.
Suốt ba năm qua, tôi và những bạn chạy ở trường, bất luận có khoảng cách nào giữa chúng tôi, đều gặp mặt vào tháng Hai tại một nông trang ở Brooklet, Georgia, để chạy chặng siêu marathon 24 giờ. Chặng đua Farmdaze, như một lễ hội nhỏ, diễn ra suốt cuối tuần, gồm đủ thứ sinh hoạt chứ không chỉ có riêng chạy. Những hoạt động khác bao gồm nhưng không giới hạn ở việc quay heo, nhạc folk, bia, vừa chạy vừa uống bia, lửa trại, hot dog, bạn bè, khỏa thân đôi khi, những chú cún đáng yêu, những gã gà trống đáng sợ, dê, thứ thân thiện với gia đình, trò không dành cho gia đình, karaoke, những trải nghiệm sảng khoái, nước mắt, máu, ánh sáng mê hoặc từ giữa rừng, kết nối cảm xúc, câu “cái lề gì thốn” và thiếu ngủ.
Hàng năm, Victor và Andrew, hai sáng lập gia của “cái này”, thường lẻn đi đâu đó vào nửa đêm để giăng đèn neon trong rừng và lắp loa phát ra thứ nhạc vừa đẹp vừa nghịch tai, thoang thoảng. Chặng đường chạy có một ngọn đồi gọi là Space Mountain, cao chừng 1,5 mét.
Cuộc đua bắt đầu lúc 9 giờ sáng Thứ Bảy và kết thúc 9 giờ sáng hôm sau, Chủ Nhật. Từ mô tả chính xác nhất chắc chắn không phải là nghiêm túc, nhưng mọi người ai nấy đều nghiêm túc với chuyện vui chơi, với chuyện thách thức giới hạn, và “khác biệt”, dù bằng bất cứ cách nào. Những người từng chiến thắng đã từng chạy tới 110 dặm trong vòng một ngày. Cuộc đua chỉ có một vòng duy nhất lặp đi lặp lại. Đường chạy dài chừng hơn ba cây số. Đưa ta qua đường bò đi bộ và qua đường mòn giữa rừng và trên các bãi cỏ đã dọn kéo dài và rộng dưới bầu trời. Đường chạy đưa ta trở lại nơi bắt đầu, và ta bắt đầu trở lại. Không phải ai cũng chạy hết trọn 24 giờ. Một số chạy chặng sáu tiếng. Một số chạy 12. Một số có ở đó chủ yếu để ham vui, gặp gỡ bạn bè, quây quần với nhau quanh ngọn lửa. Một số ở đó để tìm giới hạn của mình. Một số để chạy quãng đường đáng khao khát định nghĩa cho một cuộc siêu marathon: 100 dặm.
Tôi và bạn bè đến đó vì gần như tất cả chừng ấy lý do. Năm ngoái, tôi chạy được 100 dặm lần đầu tiên trong đời ở Farmdaze. Tôi kết thúc sau 19 giờ, uống một shot whiskey từ tay Victor và Andrew, và chờ Nick kết thúc chỉ ít lâu sau đó. Một lúc, Nick đã chạy hoàn toàn khỏa thân. Một lúc khác, tôi đã khóc ròng khóc rã khi nghe hết toàn bộ đĩa hát của The National và chân đăm đá chân chiêu giữa đêm. Chúng tôi thử nốc bia và ngồi tận hưởng vầng hào quang chiến tích, nhưng rốt cuộc đều ngủ khò dưới cùng tấm chăn và thức giấc mắt kèm nhẹp ít giờ sau đó, say sưa vì mất nước và kiệt sức. Tôi yêu sao từng giây phút ấy. Tôi yêu sao cảm giác được sẻ chia với người khác. Được bầu bạn trong thời khắc hiện tại của mình với một ai khác trong thời khắc của họ, và không thắc mắc điều gì gắn bó chúng tôi, hay thắc vì vì sao chúng tôi mắc nợ nhau, và mắc nợ nhau điều gì. Được làm đôi chút một mình, và rất nhiều với sự giúp sức từ bằng hữu.
Thế mà năm nay, tôi và bọn bạn lại không có kế hoạch, một lời nói dối. Chúng tôi sở hữu nguồn năng lượng hay xuất hiện khi phân vân chẳng biết mình có thể thực hiện được những gì. Chúng tôi chẳng biết mình có thể hoàn tất 100 dặm hay không, hay chỉ hết mình bên nhau. Một trong những điều dễ đoán của một chặng siêu marathon đó là hãy còn quá nhiều thứ ta không thể nào đoán được, kể cả khi đang tham gia. Những giờ đầu tiên của chặng đua 24 giờ cũng tựa như quãng thời gian chớm sáng: chút nhừ mỏi, chút khởi động, chút háo hức trước những gì sắp xảy ra. Ta muốn quãng thời gian này nẩy nhanh hơn chút ít để ta phát hiện ra, thành thật hơn, ta đang đau đến đâu, và ta có thể chạy được bao nhiêu. Đó là một vũ điệu hối hả cùng với lòng kiên nhẫn. Ta muốn đến đoạn chững. Là lúc ta sống, trong một hiện tại kéo dài, trong tiêu điểm hẹp của sự mệt nhừ, nơi từng điều nhỏ bé bỗng long lên cùng cơn đau và ánh sáng. Tôi và chúng bạn mất vài giờ đầu chạy quanh nông trang, vừa kể chuyện, vừa đuổi bắt, vừa mở nhạc trên chiếc loa di động chuyền tay nhau.
Năm nay, chúng tôi còn diễn xướng Hallelujah của Jeff Buckley ở mốc 30 dặm. Việc này khiến tôi đổ mồ hôi nhễ nhại. Năm nay cũng là năm bạn tôi ngộ ra rằng tôi chưa từng xem Shrek, và đó là năm mà Nick đã dành suốt một giờ để giải thích cho tôi về phim, mà tất cả những gì tôi còn nhớ chỉ là chút gì đó về hành tây. Bọn tôi cứ thế trong suốt lúc chạy, trong những chặng đầu tiên của ngày, nhưng tiểu luận này chẳng viết về sự chạy.
Càng chạy, ngày càng trở nên nhớp nhúa. Đã có mưa nhiều ngày trước, và hầu hết đường đua rất vất vả: bùn sình, trơn trợt và lạnh lẽo. Và, sau khoảng 12 giờ, tất cả từng người một trong đám bạn, ngoại trừ tôi, đã ngừng chạy, và tôi trở về nơi tiểu luận này bắt đầu: một mình, trong bóng tối, đánh vật với ý nghĩa, không thể ngừng. Tôi sợ hãi cái thôi thúc ấy trong chính mình. Có lần, trong cuộc đua xuyên quốc gia ở trung học, tôi đã té đập đầu vào một hòn đá, bị hôn mê nhẹ. Tôi tỉnh lại, và hoàn tất đường đua hẳn là cuối cùng. Chẳng có gì gan dạ, hay dũng cảm cả. Mà là ngu ngốc. Nhưng tôi hoàn tất đường đua, vì cảm thấy phải như vậy, vì tôi lo lắng người khác sẽ nói gì nếu tôi thất bại. Sự thật là, những ai yêu thương tôi thì đường nào cũng vẫn yêu thương tôi. Sao lại khó hiểu với tôi như vậy? Vẫn khó lắm. Khó bỏ mẹ đi được.
***
Sẽ ra sao nếu những gì trước kia ta từng vận dụng để thấu hiểu mọi sự nay lại mất đi công dụng? Sẽ ra sao nếu những mô thức và thói quen và ẩn dụ mà chúng ta cậy vào chẳng còn cung phụng chúng ta mỗi khi cần đến? Sẽ ra sao nếu những câu chuyện chúng ta kể cho nhau nghe khiến ta thấy cô độc, đánh vật với ý nghĩa? Thì sao chứ?
Tôi khổ sở với các câu hỏi kia suốt nhiều giờ ở nông trang Georgia kia. Dưới các vì sao và hoàn toàn đơn độc, tôi chẳng biết tôi đang làm gì. Mỗi vòng chạy, tôi cứ lao qua lửa trại, qua bạn bè đang hát karaoke, qua tiếng cười của người lạ, và cứ mỗi vòng chạy tôi lại rời xa họ, cho tối khi họ trở thành một chắp vá tiếng động văng vẳng đằng xa, thứ âm thanh đục thủng tận tâm can và lấp đầy ta với một cảm thức thiếu thốn sâu sắc, một niềm khắc khoải muốn được đến bên họ chứ không phải nơi ta đang đứng. Vào lúc đó, cuộc đua không còn là cuộc đua đối với quá nhiều người nữa, ngoại trừ với tôi.
Hai tuần sau Farmdaze, tôi ngồi ở văn phòng bác sĩ trị liệu, tự hỏi vì sao mình không thể dừng lại sau tất cả các bạn. Hai chúng tôi nói về chuyện tôi có một khao khát kể một câu chuyện cụ thể: câu chuyện về sự bền chí, câu chuyện mà tôi mãi luôn kể với mình như một cách để thấu hiểu đời mình, như một cách để chứng tỏ, với chính tôi, rằng tôi có thể yêu bản thân, và xứng đáng được người khác yêu thương. Trong một thời gian thật lâu tôi tin rằng tình yêu và hân hoan sẽ đến sau. Chúng đến sau thành tựu. Chúng đến sau sự đeo đuổi. Chúng không sống ở hiện tại. Chúng cần phải được đạt đến. Nhưng vẫn có một nét duyên nào đó xảy đến ở một chốn như Farmdaze, cái nơi tự gọi mình là một cuộc đua nhưng lại là mọi thứ khác, một sự kiện để mặc cho nam giới từ bỏ những gì họ mong muốn, nhưng không khiến họ cảm thấy ngượng ngùng, mà khiến họ hiện hữu trong câu chuyện, giản dị, rằng tấtg cả chúng ta đều tìm cách yêu thương chính mình, câu chuyện mà Galway Kinnell gọi là “mẫn cảm đối với tồn tại”.
Mỗi lần tôi hoàn thành thêm một vòng chạy nữa và rồi lại một vòng chạy khác, giọng nói của bạn bè lại yên ắng thêm đôi chút, cho đến một vòng nọ, khi tôi băng qua, tất cả đều đã ngủ. Bất thình lình tôi cảm thấy ích kỷ, và buồn bã, cảm thấy tôi đã bỏ rời việc sum vầy với những con người tôi yêu thương để tự tìm kiếm ý nghĩa. Một vòng khác, tôi đơn độc dưới một rừng sao, đầm đìa mồ hôi, da hừng hực. Tôi cố nhìn các vì sao, để nhìn tất cả, nhưng ánh đèn trước đầu khiến tôi không thể. Thế là tôi tắt đèn và trao cho mình bóng tối. Lạnh cóng, môi tôi run lập cập. Tôi tự hỏi, tất cả những thứ này có ý nghĩa gì đây, cái ý nghĩa chết tiệt gì đây.
Tôi nghĩ về câu chuyện của mình: câu chuyện tôi kể sau khi đã hoàn thành đường chạy, câu chuyện về sự gian khó, về sự đeo đuổi thành tựu không ngừng nghỉ, thông qua sự cố gắng. Nhưng trong lúc tôi kể cho mình câu chuyện, tôi lại bỏ mất câu chuyện tôi đang sống và chọn không ghé mắt nhìn: câu chuyện bạn Nick lè nhè một playlist hit 80-90-hiện tại cạnh đốm lửa bùng đang lúc Andrew, Ben và Matt cố sức hát theo.
Trong quá lâu, chạy qua lại quanh nông trang ấy, tôi không muốn chạy, tôi cũng không muốn kết thúc, để rồi khi hoàn tất tôi còn có thể nói rằng tôi đã làm xong. Đây chính là đối nghịch với tinh thần chạy siêu marathon, hay chạy đường trường nói chung, mà theo nhiều cách khác nhau chính là cảm giác “có mặt”, gọn lỏn giữa thời khắc tách lìa ta khỏi thế gian, khỏi xã hội, khỏi tất cả mọi điều ngoại trừ bản thể. Thành tựu chỉ xảy ra trong một thoáng. Thành tựu được trao cho thời khắc hoàn thành cuộc đua. Nhưng có mặt ở đó cần tới rất nhiều thời gian, và rồi cảm tưởng như càng thườn thượt, đau đớn hơn nữa. Xã hội chúng ta trao thưởng quá nhiều, nhưng lại thưởng ban quá ít cho sự quá-nhiều của cuộc sống.
***
Trong bài thơ There Are Mornings, Lisel Mueller viết: “dải đất / gọi mời tôi sống, / trở nên bình thường.” Đây là một khoảnh khắc tầm thường siêu vượt trong một bài thơ điểm xuyến bởi mặt trời rạng rỡ, những tấm gương rực cháy. Quá thường xuyên, kịch bản cuộc đời chúng ta tựa như một hiệu triệu chúng ta đến với những thứ phi thường. Gần như vào mọi thời điểm, đó chính là cách thế gian được chiêu thị tới người tiêu dùng chúng ta, và nói một cách cụ thể, cách thế gian được chiêu thị tới một người đàn ông như tôi. Hãy nghĩ thử mà xem chúng ta tươi trẻ đến dường nào khi lần đầu tiên ta cho rằng ta phải trở thành anh hùng trong câu chuyện của chính mình. Tôi hẳn chỉ mới vừa thoát khỏi lốt một đứa bé. Cha gọi tôi là đứa cứng đầu. Khiến tôi cảm thấy giống như một kẻ nổi loạn. Tôi muốn trở thành ngôi sao. Phải chiến thắng bằng mọi giá. Ấy vậy mà: lần cuối cùng một ai đó nói với một người đàn ông hãy trở nên bình thường, khi đó là khi nào? Hãy nghĩ tới khác biệt câu nói ấy sẽ tạo ra, khi tháo dỡ cái nhu cầu của chúng ta muốn thành ra người hùng, muốn đạt được kết quả, muốn xem thành tựu định nghĩa con người mình, nhất là giữa một thế giới khi phụ nữ kiếm tiền ít hơn nhưng vẫn bị đánh giá bởi thành bại trong đời thường lẫn trong công việc. Như Mueller đã viết, cuộc sống, quá dễ thường và hết sức sâu sắc, là một sự thường tình. Ấy thế mà sự phi thường lại ngự trong cuộc sống tựa như thái dương cháy rực ở chân trời.
Chuyện của những chân trời lại là, khi đặt chân đến, ta lại bắt gặp một chân trời khác. Chính khoảng giữa mới là nơi cuộc sống hiện hữu. Trong bài thơ On Duration, nhà thơ Suzanne Buffam viết rằng: “Để băng qua được đại dương, ta phải yêu đại dương trước khi yêu viễn phố.” Đây là một lý giải tuyệt đẹp cho cảm giác “ngoài ấy” mà rất nhiều vận động viên chạy đường trường từng kể lại. Ngoài ấy là một nơi một chốn, nhưng cũng là một cảm giác. Là một chuỗi những khoảnh khắc xoãi đi suốt hàng giờ hay thậm chí hàng nhiều ngày khiến ta cảm tưởng như nó chỉ là một thời khắc rười rượi độc nhất. Đó chính là hành vi vừa xây cầu cũng vừa trở thành chính cây cầu. Ngoài kia là quãng đường hoán sinh thành cảm xúc. Một ẩn dụ hóa thành hiện thực.
Thế giới của chúng ta không mặn mà với “ngoài ấy”. Nó thích ở đây, ở đàng kia, nhưng ở giữa thì không. Ở đây là nơi ta từng. Kia là nơi ta sẽ. Một thời gian dài, như từng đề cập, tôi trở nên tự ám cưỡng với cơ thể, với sự béo tròn tự nhận của mình. Tôi ghét vì sao tôi không nom giống một vận động viên chạy đường trường, và tôi luôn muốn mình được trọng trong tư cách một vận động viên. Tôi muốn làm bằng được đủ nhiều thứ để có thể có câu trả lời cho bất cứ kẻ nào hoài nghi về mình. Ồ anh là vận động viên chạy bộ, tôi hình dung họ nói, vậy hãy chứng minh đi, và tôi sẽ trao cho kẻ ấy các tấm mề huy chương, vô khối các chặng marathon, các đường 100 và 24 giờ, và bảo họ cứ tự mà nhìn. Tuy nhiên, vấn đề của sự này chính một đối thoại như thế sinh sôi chỉ giữa hai cột cách biệt: đây và kia, hay trước và sau. Tôi không để kẻ ấy đắm say đại dương cùng với tôi. Và tôi cũng chẳng mến thương gì đại dương của mình. Trong tình cảnh ấy, chúng ta đang cùng quẳng mình qua lại, cố lao từ hoài nghi ở đây sang cam đoan ở kia mà không có chút tình yêu, tử tế hay thông cảm. Chúng ta đang trở nên cục súc, hằn học, bỉ bôi, quá giống với cánh đàn ông, quá giống xã hội.
Khi ấy, làm thế nào ta học cách mến yêu trường đại dương tượng trưng cho khoảng cách, và cần có thời gian bao lâu? Làm sao ta có thể trân quý cái kịch bản kêu gọi chúng ta trở nên bình dị? Cần một nét duyên nhất định để trao cho bản thân quyền trở nên bình dị, một nét duyên nào đó để tự nói với mình rằng ta đã làm đủ, hãy ngồi xuống chỉ một giây, một phút, một ngày, một thời gian. Tình yêu chẳng cần phải xảy tới sau đó. Tình yêu có thể tại ngay đây.
***
Từng có một lúc trong đời sự chạy với tôi phục vụ một mục đích rõ rệt và có thể xác định rõ ràng. Sau khi cha mẹ ly hôn, khi tôi thậm chí còn chưa lên vị thành niên, tôi đã chạy một vòng hai dặm ở nơi tôi sống, càng nhiều lượt càng tốt, dạ chứa chất sự rẫy ruồng, cái cảm giác như thể tôi đang chạy ra ngoài câu chuyện của mình, hay chạy vào một câu chuyện mà tôi có thể còn kiểm soát. Khi thành vận động viên thi đấu, tôi chạy để khiến mình thấy tự hào. Sau, tôi chạy để cho cha tôi thấy tôi đã tiến xa thế nào để yêu thương ông, khi nhận thấy ông đã sẵn lòng đi xa đến dường nào, những quãng đường đã qua, chỉ để xem hai anh em chúng tôi chạy. Ông chưa từng bỏ mất một chặng đua nào, kể cả khi điều đó đồng nghĩa với việc phải thức bốn giờ trước bình minh để đón xem chúng tôi chạy vào đúng bình minh tại một thành phố, một tiểu bang khác. Trải qua hết bằng ấy thứ, tôi bắt đầu ham thích được chạy, vì chạy luôn mang tới một ý nghĩa.
Nhưng tôi cũng hiểu ra rằng dù có yêu chạy đến đâu đi chăng nữa, thì nó vẫn tồn tại bên trong một hệ thống về cơ bản luôn nói rằng, nếu muốn có một điều gì tốt đẹp hơn, ta phải đạt thành điều nọ kia cái đã. Có một thứ gì đấy trong chuyện phải hoàn thành khiến cho cả nền văn hóa chúng ta bị ám cưỡng. Tôi thậm chí còn nghĩ tới chuyện hoàn thành chuyện học tập, cái khóa đào tạo lâu đời về văn hóa dành cho phụ nữ trước khi tiến vào xã hội. Với bọn họ, hoàn thành học tập bản thân là một quyền được gia nhập xã hội. Là chuyện vốn rất hay xảy ra chứ còn gì nữa? Cái hành động hoàn thành một điều gì đó cho phép một cá nhân nào đó trong xã hội tiến vào một địa hạt xã hội khác. Học xong trung học, đại học, tốt nghiệp. Chạy xong một chặng marathon để đặt cái miếng dán 26.2 lên thân xe. Hoàn thành chặng đua để nhận bia. Hoàn thành bữa ăn để dùng tráng miệng. Hoàn thành những gì đang làm dang dở để may ra tìm thấy niềm vui. Để ta may ra không còn phải bận tâm. Để may ra ta tìm thấy một điều gì khác để hoàn thành trước khi hoàn tất cuộc đời. Cái lối suy luận hạn hẹp – gắn sự phát triển của cá nhân với thành tựu – không hề tôn vinh những sự bất toàn, kém nhất quán trong cuộc sống, những vùng giữa, những khoảnh khắc khi mà sự hoàn thành chẳng mấy trọn vẹn, hay khi thành tựu chỉ khiến ta càng khắc khoải hơn thành tự kế tiếp. Đó là vì sao (nhận thức về) thì (khái niệm ngữ pháp) quan trọng. Nếu chúng ta còn được định hình bởi những thứ đã hay sẽ thực hiện, vậy thì mỗi ngày qua đi, chúng ta dường như quên bẵng đi thời hiện tại: chúng ta đang làm gì. Thì hiện tại luôn thay đổi. Hiện tại hiện rồi tan. Hiện tại mất vào quá khứ và lao vút vô định vào tương lai. Hiện tại đầy rẫy bất an, khác biệt. Nhưng hiện tại là nơi chúng ta sống.
Mỗi khi nghĩ về một thời khắc tôi từng sống ở hiện tại, tôi lại nghĩ về một ngày thứ Hai ở Boston năm 2015. Hôm đó trời mưa, gió hắt vào mặt trên đường chạy chỉ có một chiều. Tôi đang chạy cùng bạn tôi, Matt, người đang hướng dẫn tôi, khẽ điều chỉnh tốc độ nhanh hay chậm hơn mỗi khi cần thiết, đôi lúc còn chạm vào hông chỉ để báo với tôi anh ấy đang có mặt. Chúng tôi đã hòa vào một nhúm người lạ mặt, và, khi chạy lướt qua một người hâm mộ đưa chai tiếp nước các vận động viên, một vận động viên khác đã đón lấy một chai, uống, rồi chuyền qua để hai chúng tôi lần lượt uống. Chẳng bao lâu, một nữ vận động viên hạng ưu bắt kịp chúng tôi, và tới lượt một vài người chạy khác quanh họ chắn gió. Chúng tôi cứ như vậy suốt nhiều dặm, hầu như không nói tiếng nào với nhau. Có tiếng bước chân khua xuống đất và hạt mưa rơi từ lưỡi trai và khán giả vỗ dồn tán thưởng sau lớp găng tay. Lúc sau, gần đích, chúng tôi tách nhóm. Matt chạy nhanh phía trước, và tôi đuổi theo. Số khác chạy cùng với tôi và số khác nữa bị bỏ lại phía sau. Nhưng vì chúng tôi đã chạy với nhau, đã ở ngoài kia cùng với nhau, bởi, trong ít giờ đồng hồ, câu chuyện của chúng tôi nghiễm nhiên gắn bó với nhau, tôi nhớ mình đứng chờ ở vạch đích, ngoảnh đầu tìm xem những người bạn chạy kia có tới ngay đây nơi tất cả đều dừng lại và một lần nữa hiện diện cùng nhau. Và họ đã, và chúng tôi nhận ra nhau, quyến luyến.
Trong một tác phẩm giàu ảnh hưởng của mình, The Years (Những năm tháng), Annie Ernaux viết “Thế gian đang khốn đốn bởi sự thiếu vắng niềm tin vào một chân lý siêu vượt.” Tôi nghĩ rằng chân lý siêu vượt hết sức giản đơn. Tôi nghĩ nó liên quan tới sự gắn kết. Tôi nghĩ nó liên quan tới việc tồn tại và phụng sự những người xung quanh, chẳng phải mặc nhiên hay bất chấp họ. Tới việc đôi khi hãy đặt theo đuổi cá nhân của ta sang một bên. Với thấu hiểu, hoặc cố hiểu, những bất định phong phú nơi kẻ khác, cách chúng ta được nhìn nhận và phủ nhận trong một thế giới hàng ngày vẫn mách bảo chúng ta về một cách được nhìn nhận và phủ nhận khác. Đôi khi chân lý ấy chính là từ bỏ đường chạy, chỉ ngồi bên cạnh bạn bè. Là bỏ quên cụm từ tôi vừa nhắc: từ bỏ, và các cụm từ khác, như bỏ cuộc, hay thất bại. Là nhớ rằng "cuối cùng" không chỉ chỉ về nơi cuối cùng, mà còn có nghĩa là kéo dài một lúc lâu. Cuộc sống trao cho tôi những bận được nhác thấy các khoảnh khắc kia. Tôi đã chạy để tìm thấy các khoảnh khắc ấy. Nhưng tôi cũng học cách sống để tìm được chúng. Và học cách yêu thương cũng để tìm thấy chúng. Và học cách nhớ nhung khi chúng không còn nữa.
Ước sao tôi đã từng nghĩ đến những khoảnh khắc kia khi ở Georgia, nhưng khi ấy tôi lại bận lòng với ý nghĩ phải hoàn thành. Tôi ám ảnh với chuyện phải làm xong điều gì đó. Tôi ước sao đã thốt lên rằng: không hoàn thành không có nghĩa là từ bỏ. Tôi ước đã thốt rằng: yêu thương bạn bè thay vì tìm cách yêu thương bản thân vẫn tốt thôi. Tôi ước sao yêu thương bản thân, mỗi ngày qua, chẳng lúc nào cũng cảm tưởng như một nhiệm vụ phi thường cần vận dụng vô khối thời gian và nỗ lực để có thể đạt được. Tôi vẫn còn đang sống trong cái ảnh hưởng của cả một đời luôn tự nhồi nhét rằng, theo nhiều cách khác nhau, tôi chẳng hề có giá trị, và muốn có phải nên như thế nào. Cả một đời tự nhồi vào đầu mình tôi không đủ nhanh, đủ khỏe, đủ thông minh, đủ thôi thúc, bất cứ thứ gì, đủ. Đủ, đủ quá, đủ lắm rồi.
Sự thật là: khi hoàn thành 100 dặm ở trang trại Georgia kia xong, tôi chẳng còn biết mình cảm thấy thế nào nữa. Như Johan Steene, tôi cảm thấy chút gì trống rỗng, vô mục đích. Đã gần 24 giờ sau khi cuộc đua bắt đầu. Cách đó một giờ, tôi nhìn thấy bình minh hé rạng. Bình minh ánh sắc hồng, phảng phơ, làm tan chảy các vì sao và làm lộ ra một lớp sương mỏng phủ trên cỏ. Khi ấy, tôi đang mặc trên người hai chiếc quần chạy dưới quần. Tôi không hề có hành động nào gần với việc chạy suốt nhiều giờ. Hầu hết tất cả, trừ Victor và Andrew và một vài người khác đã tham gia chạy, đang ngủ trong lều, trên xe dã ngoại hay xe hơi. Sự thật là: tôi muốn mình cảm thấy nhiều hơn. Nhưng tôi gần như chỉ mệt lả. Tôi uống một cốc champagne. Tôi đi ngủ. Hãy còn một quãng quá xa giữa điều tôi cảm thấy và những gì tôi cần cảm thấy. Điều ấy khiến tôi thấy buồn. Tôi thấy cô độc. Một ý nghĩa không được sẻ chia gần như chẳng còn là ý nghĩa. Các lý do để hoàn thành, bất kể hoàn thành có nghĩa như thế nào, được định nghĩa hoàn toàn từ các yếu tố bên ngoài. Tôi đã tin vào điều xã hội đã từng bảo với tôi rằng nó sẽ đến: rằng tôi sẽ băng vượt một thách thức và xuất hiện ở phía bên kia nơi tình yêu hiện diện, tinh tươm và mạnh mẽ. Nhưng trái lại tôi chỉ nhận được một sự trống rỗng to hoác, sâu hoắm khi hiểu ra vô cùng chắc chắn rằng, điều được xã hội mách bảo là sai.
Khi thức giấc, tôi đi tìm các bạn. Tôi ngủ lâu tới nỗi hụt nốt lễ trao giải. Nhưng chuyện nằm ở chỗ khác. Tôi thấy họ đang ngồi ở một bờ hồ. Họ nhận giải thay tôi, giải ba: một chiếc nón ngớ ngẩn có viền cháy (đùa thôi, chẳng ngớ ngẩn chút nào. Chiếc nón ngon lành bỏ xừ đi được. Tôi có đang đội nó không? Có lẽ.) Nhưng giải thưởng cũng chẳng phải thứ đáng nói. Tôi nhớ tới bạn bè. Tôi bỏ cả buổi sáng đi quanh trang trại, bầu bạn với lũ ngựa. Họ cho tôi xem ảnh, video quay những gì tôi đã hụt mất đêm hôm trước. Quá nhiều. Họ ôm chằm lấy tôi và nói họ rất tự hào. Và họ tự hào thật. Nhưng tôi biết rằng dù có gì xảy ra thì họ vẫn tự hào thôi.
Hôm nay, tôi vẫn còn nghe vọng vang người bạn Andrew hát bản nhạc của Kenny Rogers cách đó chừng một dặm, đâu đó ở một trang trại ở Georgia. Ta nên biết khi nào ấp ôm, khi nào chôn giấu. Đúng làm sao. Tôi nghĩ ta ôm ấp lâu nhất có thể được những khoảnh khắc không khiến ta có cảm giác phải chọn lựa giữa cả hai. Tôi ước sao mình đã có mặt, ở ngay cạnh anh ta, thay vì trên đường chạy. Giờ thì đã êm xuôi. Bởi dù tôi không còn ngoài kia, giữa lưng chừng một chặng đường vô định nào đó, tôi vẫn còn ở đây, một kiểu ngoài kia khác, nơi tất cả các bạn đang ngự trị. Mỗi người các bạn, ở mỗi chốn ngoài kia của mình,  đều đang tìm cách đắm say cái đại dương mình đang bơi.
k.