Tiếp nối bài viết trước, mình có đề cập về việc sử dụng email edu để học các khóa trên Coursera miễn phí và nhận chứng chỉ. Và mình có hứa nhẹ là sẽ viết bài viết về cách viết Financial Aid cho những bạn nào quan tâm.Nhưng bạn đừng vội, vì mình sẽ không cho bạn một công thức hoàn hảo nào để rap vào mọi Financial Aid cho mọi khóa học đâu. Và nếu điều đó không đáp ứng kì vọng của bạn trong bài viết này, bạn có thể dừng đọc tại đây.
Trước tiên, mình sẽ trả lời câu hỏi Financial Aid là gì?
Financial Aid có thể hiểu đơn giản là chính sách nhằm hỗ trợ những người học không đủ điều kiện tài chính, nhằm giúp họ tham gia vào các khóa học mất phí của Coursera. Bạn có thể đọc bài viết này của Coursera để hiểu rõ hơn về động cơ phía sau Financial Aid ấy, về việc nó là gì và ai là người nhận được lợi ích từ nó: Coursera’s Financial Aid: What it is and who is benefiting - Coursera Blog
⚠️ Warning 1: Thực ra thì việc viết Financial Aid không khó, bạn chỉ cần chút thời gian thôi. Và những gì mình chia sẻ trong bài viết này, mình mong là các bạn cũng rút ra được điều gì đó khi điền application form tham gia các cuộc thi hay khóa học, học bổng nào đó lớn hơn.
Quay trở lại vấn đề chính, tại sao mình phải viết Financial Aid trong khi có khóa học free trên Coursera?
Đúng, chính xác là mình hoàn toàn có thể học miễn phí trên Coursera. Nhưng không phải tất cả, nó chỉ là một số thôi. Bên cạnh đó, nếu bạn muốn nhận chứng chỉ sau khi hoàn thành khóa học thì lại là một chuyện khác nữa. Và chuyện đó sẽ cần phải giải quyết bằng tiền.
Với các bạn tham gia Coursera Student Campus Plan, thì các bạn được enroll vào 1 khóa/ năm miễn phí và có chứng chỉ. Sau đó thì không có nữa, và dấu hiệu là mỗi lần bạn nhấn vào một khóa học nào đó, nó sẽ hiện là “No more enrollment left”.
Để tiếp tục học và bổ sung các kiến thức bạn muốn tìm hiểu, bạn sẽ phải đi tìm những khóa học ở bên ngoài Student Campus Plan. Việc tìm kiếm khóa học miễn phí trên Coursera mà phù hợp với định hướng của bạn, theo mình thì giống như đãi cát tìm vàng. Ví dụ như sẽ rất khó để bạn tìm được một khóa miễn phí về HR hay Spanish để học. Thay vào đó, phần lớn sẽ là các khóa học mất phí. Thế nên việc sử dụng Financial Aid là con đường tuyệt vời giúp bạn học tập và trau dồi tri thức.
Vậy mình đã viết Financial Aid như thế nào?
Mình đã từng nghe nhiều bạn chia sẻ như vậy:
- Tui cũng muốn học lấy chứng chỉ mà thấy phải làm đơn lười quá à, nên đành ngậm ngùi học thôi không lấy chứng chỉ
- ….
Và thậm chí bản thân mình cũng từng như thế. Mỗi lần mở đơn ra mình lại chẳng biết viết gì vào đó. Ngẫm lại thì cũng thấy dễ hiểu, bởi vì mình chỉ đọc tên khóa học, thấy hay ho và hấp dẫn. Rồi mình cảm thấy mình muốn học nên mình nhấn vào apply thôi. Để rồi sau đó, khi thấy những câu hỏi hiện ra, mình không biết viết gì vào đó hết. Cuối cùng là tắt máy và bảo thôi để hôm khác mình viết cũng được. Xong quên mất tiêu luôn =))
Cách đơn giản để giải quyết vấn đề này đó là: HÃY SIÊNG LÊN
1. Siêng tìm hiểu khóa học
2. Siêng hỏi bản thân mình
3. Siêng viết
Nếu bạn đã từng nhấn vào ô Apply Financial Aid trên Coursera, thì chúc mừng bạn, ít nhất bạn cũng đọc qua ba câu hỏi lớn mà bạn sẽ phải trả lời:
🔸 Câu 1: Why are you applying for Financial Aid?
🔸 Câu 2: How will taking this course help you achieve your career goals?
🔸 Câu 3: Would you consider using a low-interest loan to pay for your courses?
Và bây giờ thì bắt đầu!

Câu 1: Why are you applying for Financial Aid?

Câu hỏi này hỏi về lý do vì sao bạn đăng ký nhận hỗ trợ tài chính. Thông thường, nhiều người sẽ bắt đầu ngay bằng việc trình bày ra lý do trực tiếp, đi thẳng vào vấn đề. Ví dụ như câu: tôi cần hỗ trợ tài chính vì tôi không có khả năng chi trả.
Và nếu chịu khó suy nghĩ thì, câu trả lời đó, hẳn 10 người thì 10 người đều có thể trả lời được và ai cũng trả lời giống nhau. Thế nên hãy học cách cá nhân hóa câu trả lời của bạn thay vì trả lời chung chung.
🔸 Điều đầu tiên mình nghĩ các bạn nên làm đó chính là giới thiệu ngắn gọn về bản thân các bạn trước. Có thể là:
- Tên của bạn - Trường bạn học - Ngành học của bạn - … tùy bạn chọn
Điều này sẽ giúp người chấm đơn hình dung được họ sẽ “trò chuyện” cùng ai. Và đó cũng là cách để bạn giới thiệu về bản thân mình. Trong bất cứ cuộc trò chuyện nào, sẽ ra sao nếu bạn bắt chuyện với một người lạ và rồi bạn kể rất nhiều mong muốn của bản thân nhưng lại không giới thiệu chút xíu gì về bản thân mình? Với mình thì mình luôn cảm thấy điều đó rất kì cục và thiếu lịch sự.
🔸 Điều thứ hai, lúc này các bạn có thể bắt đầu nêu ra những lý do mà bạn muốn xin hỗ trợ tài chính. Phần này thì bản thân mình thấy các bạn nên chân thành.
Vậy thì thử nghĩ xem điều gì khiến bạn cần hỗ trợ tài chính? Bạn sẽ liệt kê ra thật nhiều lý do ư?
Mình đọc được một câu hỏi như vậy từ các bạn ở Trà Đá Mentor:
“Khi Google dịch, Grammarly, Cambridge Dictionary đang rút ngắn khoảng cách giữa IELTS 8.0 và 6.5 thì điều gì làm nên một winning essay?”
Từ bạn Lâm Duy - Trà Đá Mentor
Và câu trả lời tốt nhất chính là những gì bạn sẽ kể - câu chuyện của bạn. Thay vì liệt kê thật nhiều lý do, hãy học cách kể chuyện.
Lúc này, bạn nên áp dụng nghệ thuật storytelling trong việc trả lời câu hỏi này. Hãy cho họ thấy câu chuyện đằng sau lí do bạn xin hỗ trợ tài chính. Việc kể chuyện sẽ giúp bạn vẽ ra một bức tranh, mà ở đó, người đọc sẽ hình dung được chuyện gì đã, đang diễn ra. Hơn hết, câu chuyện chính là yếu tố tạo ra cảm xúc cho người đọc, tốt hơn rất nhiều so với việc viết một câu gì đó chung chung mang tính chất khẳng định hay phủ định mà ai cũng viết được.
🔸 Cuối cùng, không quên cam kết rằng bạn sẽ hoàn thành assignment và không trễ deadline. Đi học mà, một lời cam kết thể hiện rằng bạn sẽ đầu tư thời gian và công sức của mình cho việc học chứ không phải xin rồi để đó là điều không nên bỏ qua.
Bây giờ hãy cùng mình thử so sánh hai cách trả lời sau, phần này mình đã lược bỏ đoạn giới thiệu bản thân rồi nha:
Cách 1: "Tôi không có đủ khả năng để chi trả cho khoản học phí này vì hiện tại tôi đang rất khó khăn. Vì vậy tôi rất mong nhận được hỗ trợ tài chính từ khóa học này."
Cách 2: "Như tôi có chia sẻ, hiện tại, tôi đang là một sinh viên, phần lớn chi phí sinh hoạt và học tập tôi vẫn còn phải phụ thuộc vào gia đình. Trong tình hình Covid hiện nay, tôi đang bị mắc kẹt ở quê, gia đình tôi cũng gặp khó khăn về tài chính trong khi tôi chưa tìm kiếm được công việc thích hợp để hỗ trợ gia đình. Thời gian này, tôi quyết định dành thời gian để trau dồi kĩ năng và kiến thức của mình trong lĩnh vực X để có thể tự tin hơn khi ứng tuyển vào công việc mơ ước của tôi. Sau khi tìm hiểu, tôi nhận thấy khóa học này có thể giúp tôi rất nhiều trong việc hiểu hơn về a, b, c nên tôi đã quyết định đăng ký tham gia. Tuy nhiên, vì tình hình hiện tại khó khăn nên tôi không đủ khả năng chi trả cho khóa học. Tôi không muốn tạo thêm áp lực tài chính cho gia đình, vì vậy, tôi rất mong nhận được hỗ trợ tài chính."
Ở cách viết thứ nhất, người viết chỉ đưa ra một lí do rất chung chung mà ai cũng có thể nói được, không cụ thể và rất khó hình dung về hoàn cảnh của người viết. Nhưng ngược lại, ở cách viết thứ hai, người đọc có thể hình dung được hiện tại người viết gặp những khó khăn gì và việc nhận hỗ trợ tài chính có thể giúp người viết giải quyết những vấn đề liên quan ra sao. Điểm khác biệt lớn chính là, khi chấp nhận hỗ trợ tài chính cho người thứ hai, họ sẽ cảm thấy mình đang tạo ra giá trị cho xã hội nhiều hơn so với khi chấp nhận cho người thứ nhất. Bên cạnh đó, cách viết thứ hai thể hiện được người viết đã tìm hiểu về khóa học và có ý định nghiêm túc với khóa học hơn.
⚠️ Warning 2: Đây chỉ là câu trả lời giả định mình mình tự viết để tạo ra sự khác biệt nhằm giúp các bạn hình dung hơn thôi. Vì ngay ở chính cách viết ví dụ thứ hai trên kia vẫn là một câu trả lời chung chung và chưa để lại nhiều dấu ấn cá nhân. Tất nhiên, mình biết đây là ý kiến chủ quan của mình vì mình không đưa ra được dẫn chứng cụ thể nào cả. Nhưng sau nhiều lần viết đơn apply vào các học bổng, khóa học, có đậu, có rớt, cũng như việc từng chấm application form của các bạn sinh viên thì mình đã rút ra được những điều như vậy.
Mọi người cứ raise idea nếu muốn chia sẻ nha.

Câu 2: How will taking this course help you achieve your career goals?

Với câu này, ngay từ câu hỏi đã thấy đây là một câu hỏi vô cùng cá nhân, và mình muốn nhấn mạnh ba chữ: “YOUR CAREER GOALS”. Vì mỗi người có một cuộc đời riêng và chẳng có ai có mục tiêu hay đích đến cuộc đời là giống nhau hoàn toàn cả. Vậy nên mình không thể nào công thức hóa hay vẽ ra được một khuôn mẫu cụ thể nào.
Câu hỏi này cũng chính là câu hỏi giúp mình chịu khó hỏi bân thân mình muốn đi về đâu trong tương lai. Bản thân mình tự nhận mình là một sản phẩm điển hình của nền giáo dục Việt Nam: học nhưng không biết học để làm gì. Khi là học sinh ở bậc phổ thông, mình còn biết là mình đang học vì điểm số, vì những danh hiệu học sinh giỏi các cấp, hay học để cho ba mẹ vui lòng. Đến khi xét nguyện vọng đại học và chọn trường, mình mới tá hỏa lên, trở nên hoang mang và sau đó chọn ngành học theo tên trường và hoàn cảnh chứ thậm chí còn không biết bản thân mình muốn học gì nữa =)) Mãi đến năm hai, năm ba đại học, mình mới dần nhận ra con đường phù hợp với bản thân mình. Mình không gọi nó là quá muộn nhưng ít nhất thì mình cũng nhận ra để thay đổi hướng đi mà mình có thể tạo ra nhiều giá trị nhất. Thông qua đây, mình hy vọng rằng khi các bạn trả lời câu hỏi này, hãy dành thời gian để quan tâm bản thân, hãy hỏi: Bản thân bạn muốn làm gì trong tương lai?
Sẽ có rất nhiều công cụ hỗ trợ cho bạn, từ việc phân tích điểm mạnh, điểm yếu của bản thân thông qua mô hình SWOT, từ việc chiêm nghiệm lại những điều bạn đã làm và trải nghiệm trong quá khứ cho đến rất nhiều bài test tính cách ở ngoài kia: DISC, MBTI,.. Việc của bạn là đững lười nữa, hãy siêng lên :’>
Sau khi xác định được con đường bạn muốn đi trong sự nghiệp của mình, bạn suy ngẫm xem việc học những kiến thức trong khóa học mà bạn đang xin hỗ trợ tài chính này sẽ giúp cho bạn được những gì. Để trả lời tốt câu hỏi này, bạn nên đọc phần outline bài giảng mà Coursera cung cấp. Mình tin là bạn sẽ tìm kiếm được rất nhiều thông tin. Bên cạnh đó, việc đọc phần review của học viên trước về việc khóa học này đã giúp đỡ họ ra sao cũng có thể phần nào giúp bạn đánh giá được khóa học này hỗ trợ bạn như thế nào trong thời gian tới.
Ngoài ra, một lợi ích mà mình thấy phần lớn các bạn đều có thể nêu ra chính là việc có chứng chỉ sẽ giúp bạn cảm thấy tự tin hơn khi đi ứng tuyển, làm đẹp CV, Linkedin của mình,... Cái này thì tùy bạn =))

Câu 3: Would you consider using a low-interest loan to pay for your courses?

Tất nhiên mình trả lời là không. Vì nếu trả lời có khả năng đơn của bạn được chấp nhận rất khó. Kiểu nếu vay được tiền thì hãy vay và đóng học phí, slot này để dành cho những người không có khả năng chi trả.
Câu 3 này giống như việc bạn khẳng định lại những điều bạn đã ghi ở Câu 1, xác định chắc chắn rằng khả năng chi trả của bạn là bằng 0 cho khóa học này và bằng với nhiều dẫn chứng hơn. Và hãy bày tỏ lòng biết ơn nếu bạn nhận được hỗ trợ tài chính.
--
Một lưu ý nho nhỏ trong việc trả lời những câu hỏi trên thông qua câu chuyện, thì hãy chắc chắn rằng bạn có một dàn ý rõ ràng. Đừng chỉ đặt tay xuống phím và kể mọi thứ trên đời, nếu không bạn sẽ rơi vào những trường hợp như trả lời không đúng trọng tâm câu hỏi hoặc là đi lan man. Bạn có thể xem video này để tìm hiểu thêm nha:
Thêm tips nhỏ mà mình muốn chia sẻ đó là bạn nên viết câu trả lời ra note hoặc google docs để phòng ngừa rủi ro mất điện, tắt máy giữa chừng,.. Ngoài ra cũng để lưu lại bạn đã viết những gì trong đó. Sau này gom lại đọc, biết đâu bạn sẽ thấy được sự thay đổi của bản thân mình.
Sau khi hoàn thành thì bạn nên kiểm tra chính tả, dấu câu, ngắt dòng,.. Nếu bạn thấy đã ổn, hãy nộp đơn và chờ 14 ngày, bạn sẽ biết được là đơn của bạn có được chấp nhận hay không hoặc nếu cẩn thận hơn hãy nhờ một người bạn check giúp mình trước khi gửi. Nếu đơn không được chấp nhận thì mở lại file ra đọc xem đơn mình viết có vấn đề gì không, tại sao lại không được chấp nhận, sau đó viết và apply lại thôi. Còn nếu đơn được chấp nhận, mình xin chúc mừng bạn nhá ^^
Mình không share info khóa học, khi nào học xong mình mới share hehe :'>

Kết lại, mình muốn truyền tải ba điều cốt yếu sau:

🔸 Đừng trông mong vào bất cứ bài mẫu hay công thức nào, hãy viết từ những câu chuyện của bản thân và từ những điều đơn giản nhất.
🔸 “Biết mình biết ta, trăm trận trăm thắng”: hiểu bản thân, hiểu khóa học, viết đơn easy.
🔸 Đầu tư thời gian và nghiêm túc với những gì bạn làm sẽ nhận lại kết quả đáng mong đợi.
Và điều cuối cùng: nếu ví việc viết Financial Aid như một nghệ thuật thì hãy “hát” lên câu chuyện của chính bạn.
Good luck to you ❤
--
Mình hiểu là khả năng của bản thân mình vẫn còn nhiều hạn chế. Bài viết này chỉ là trải nghiệm của mình và những gì mình ngẫm ra được thui. Thế nên là mình rất muốn nghe góp ý của mọi người về bài viết sau khi mọi người đọc xong bài viết của mình. Cảm ơn mọi người rất nhiều.