Một quả chuối được dán bằng băng dính lên tường (được đăng bán với giá 120 nghìn USD) đã trở thành tác phẩm nghệ thuật rất gây tranh cãi vào năm 2019. Có khán giả nói, đứa con 7 tuổi của tôi có thể làm được một tác phẩm sắp đặt đương đại. Cũng có người bình luận, ở Việt Nam mọi người chỉ đến triển lãm để chụp ảnh check-in là chính thôi. Ở Việt Nam, gần đây chúng ta thấy có nhiều triển lãm nghệ thuật đương đại được mở cửa, cũng bắt đầu có những tác phẩm, nghệ sĩ "đương đại" khiến công chúng và giới chuyên môn đặt dấu hỏi về tính "nghệ thuật" của mình. Sâu Ciety đã tìm đến Lê Thuận Uyên - một giám tuyển, đồng thời là giám đốc nghệ thuật của The Outpost để tìm hiểu xem: - Công chúng có thể tiếp cận với nghệ thuật đương đại ra sao? Có cần hiểu, cần cảm? Hay check-in thế nào cho vừa?- Nghệ thuật đương đại là gì?- Nghệ sĩ đương đại có gì giống hay khác với các nghệ sĩ "không đương đại"?
Cùng tìm hiểu qua số podcast Sâu Ciety được host bởi Keira Ngo và sự tham gia của chị Bùi Trà My (Thạc sỹ ngành Phân tích sáng tạo & Phê bình) nhé! Dưới đấy chỉ là 3 câu hỏi mà chúng mình cho là thú vị nhất thui, các bạn có thể lắng nghe buổi nói chuyện đầy đủ tại đây.
Host Trà My: Tính đương đại trong nghệ thuật đương đại nó là cái gì?
Lê Thuận Uyên: Có một cuốn sách rất hay tại Bảo tàng Quốc gia Singapore tên là Modern Art of Southeast Asia: Introductions from A to Z của tác giả Roger Nelson. Cuốn sách này như một cuốn từ điển từ A đến Z, mỗi chữ cái anh ấy sẽ có một thuật ngữ bằng tiếng Anh định nghĩa nó trong bối cảnh nghệ thuật Đông Nam Á. Bạn nào mà quan tâm đến nghệ thuật Đông Nam Á, mình nghĩ sẽ rất dễ khi đọc cuốn đó. Cuốn sách đó vừa có giá trị học thuật lại vừa phù hợp để đọc thưởng thức để bất kì ai cũng có thể tiếp cận. Anh ấy định nghĩa, một trong những yếu tố làm nên tính đương đại của tác phẩm là việc nó đi ra ngoài xã hội, có những đời sống mới, mở các hội thoại mới ngoài phạm vi của một không gian đóng kín của xưởng nghệ sĩ.
Host Trà My: Chúng ta nên tiếp cận với cảm thụ nghệ thuật như thế nào? Dùng 3 pha cảm thụ (Laura Marks) có được không?
Lê Thuận Uyên: Mình nghĩ điều đó hoàn toàn hợp lý. Một tác phẩm với mỗi người sẽ có những ấn tượng rất khác nhau. Với mình, đó là việc mình không hiểu nó, khiến mình tò mò, đặt nhiều câu hỏi về nó và mình thích nó. Với mọi người nó lại là những cách cảm nhận khác. Mình nghĩ ba pha cảm thụ của Laura Marks có thể được coi là một cách hướng dẫn cảm thụ, mình không cần phải theo nó hoàn toàn nhưng mình có thể hiểu nó như một trình tự: đầu tiên là dùng giác quan cảm nhận, sau đó là kết nối với trải nghiệm cá nhân, và cuối cùng là hiểu và phân tích nó từ góc độ triết học, lý thuyết, các khái niệm. 
Host Trà My: Nếu xem nghệ thuật đương đại mà không thích và cũng không có câu hỏi nào thì có sao không?
Lê Thuận Uyên: Có rất nhiều tác phẩm có tính nghệ thuật mà đôi khi mình không cảm thấy được. Nó giống với câu chuyện khi ta gặp một người, ta yêu người này mà tại sao lại không yêu người khác. Mình nghĩ rất khó để một tác phẩm có thể chiều lòng tất cả mọi người. Có những tác phẩm theo thời gian, giá trị của nó không thể phủ nhận được và điều đó sẽ tạo ra một cái hiểu ngầm rằng đây là một tác phẩm hay, có giá trị, ví dụ như bức Mona Lisa,...Tuy nhiên cũng có thể ở thế hệ của nó, mọi người cũng không thực sự hiểu nó có giá trị gì. Hoặc như mình với đồng nghiệp mình làm với nhau cũng có những sự yêu thích khác nhau về những tác phẩm nghệ thuật. Vậy nên đứng trước một tác phẩm nghệ thuật, bạn không nhất thiết phải thích nó, giống như tình yêu thôi, nhưng bạn vẫn có thể hiểu được sự công phu của nó, hay quá trình làm ra tác phẩm của nghệ sĩ. 
Lắng nghe đầy đủ cuộc trò chuyện của host Keira Ngo cùng host Trà My và khách mời Lê Thuận Uyên tại đây: 
Để cập nhật nhanh chóng các số podcast mới nhất của Talk Sâu, bạn có thể theo dõi tại: