Nhai kỹ no lâu, hay là một cách ăn đặc biệt có ích cho những ai đang ăn kiêng

Tối nay bạn ăn gì thế?
Bạn có nhớ mùi vị của nó ra sao không?
Lần cuối cùng bạn ăn cho ra ăn, không xem TV, không ngó điện thoại, không ào ào lùa thức ăn vào miệng là khi nào?
Thức ăn là những thứ nhiều mùi vị, màu sắc, cảm giác... rất đáng để cho các giác quan thưởng thức. Nếu chúng ta chỉ ăn để nạp calo mà sống tiếp thì hơi bị phí. Đó là chưa kể khi bạn ăn ào ào, ăn không để tâm, thì bạn rất dễ ăn quá mức cần thiết, hoặc ăn những thứ không nên ăn quá nhiều (như đồ ăn vặt chẳng hạn). 
Còn khi bạn chú tâm vào việc ăn của mình, bạn tự sẽ biết dừng khi đã đủ. Cách ăn này vì thế đặc biệt có ích cho những ai đang ăn kiêng, hoặc đang muốn bỏ thói quen xấu nào đó về ăn uống. 
Sau đây là hướng dẫn. Bạn có thể áp dụng cách này khi ăn bữa tiếp theo. Nếu bạn muốn thử luôn thì có thể tìm một món gì đó nho nhỏ, như bánh quy, nho khô, trái cây... rồi làm theo. Lưu ý là bạn sẽ ăn chậm hơn nhiều so với bình thường và ít nói hơn nhiều, vì thế trong một vài lần đầu tiên, tốt nhất bạn nên thử khi ăn một mình. 

1. Trước khi ăn:

Tìm một chỗ ngồi xuống. Hít sâu và thở ra một vài lần. Hướng suy nghĩ của mình về cảm giác trong cơ thể. 
Bạn có thấy đói không? 
Nếu có thì đói như thế nào?
Hãy cố gắng tìm ra cảm giác của bản thân, càng cụ thể càng tốt. Bụng bạn có đang sôi lên không? Cảm giác co thắt của dạ dày như thế nào? Cảm giác trong miệng ra sao? Nước miếng đổ ra từ đâu? 
Bạn thấy món đồ ăn trước mặt thế nào? Bạn có muốn ăn nó ngay không? Cảm giác thèm ăn cụ thể là gì? (ứa nước bọt, muốn cắn một cái, muốn nuốt thật nhanh xuống dạ dày, vân vân...)

2. Bắt đầu ăn:

Sau khi check in với cảm giác cơ thể mình, hãy nhìn món đồ ăn trước mặt. 
Trông nó như thế nào? 
Nhiệt độ ra sao? 
Nó có mùi gì không?
Nếu có thể, đưa đồ ăn lại gần mũi và hít một hơi sâu. Bây giờ nó có mùi gì?
Nếu đồ ăn nóng, bạn có thể chờ cho nó nguội xuống được không? Cảm giác của bạn trong lúc chờ như thế nào?

3. Trong khi ăn:

Cắn một miếng nhỏ và thầm ghi lại cảm giác trong đầu khi răng, môi, lưỡi tiếp xúc với thức ăn. 
Từ từ nhai thức ăn. Chú ý tới mùi vị của nó và cảm giác của miệng mình khi đang nhai. 
Mùi vị của thức ăn như thế nào?
Cảm giác của miệng bạn khi đang nhai như thế nào?
Sau khi nuốt xuống, hãy kiểm tra cơ thể mình một lượt. Cảm giác của bạn bây giờ so với trước khi ăn như thế nào? 
Ăn miếng tiếp theo. 

4. Những điều cần chú tâm khi đang ăn:

Khi bạn ăn kiểu này, chỉ có hai thứ mà bạn cần chú tâm đến: cơ thể bạnthức ăn mà bạn đang ăn. 
Nếu thấy suy nghĩ của mình bắt đầu đi lang thang khỏi 2 thứ đó, hãy ghi nhận điều đó, và dẫn nó trở lại với thức ăn và cơ thể mình. 
Sau khi ăn vài miếng, hãy kiểm tra cảm giác cơ thể mình. Mình còn đói không? Còn thèm không? Nếu còn thì đói hay thèm đến mức nào?
Khi cảm thấy mình không còn đói hay thèm ăn nữa, hãy ngừng ăn. Cơ thể bạn lúc đó cảm thấy thế nào?

5. Một số mẹo cho người ăn kiêng

Nếu như bạn giống tớ, khi bạn chú tâm ăn thế này, bạn sẽ tự dưng ăn chậm lại và ăn ít đi. Đấy là một thành công nhỏ rồi. 
Khi thấy đói ngoài bữa ăn, thay vì vật vã với cơn đói hay đầu hàng và đi kiếm đồ ăn ngay lập tức, hãy thử hít thở vài hơi và nghĩ đến cảm giác của mình. Đói là một cảm giác phức tạp, trải trên nhiều phần của cơ thể: miệng, dạ dày, tay chân, hay đôi khi là trong đầu. Thử quan sát từng phần cơ thể đó xem chính xác thì "đói" là gì? 
Tương tự, khi thấy thèm một món mà bạn không nên ăn, hãy quan sát cơ thể bằng suy nghĩ xem cảm giác "thèm" chính xác là gì?
Bạn không cần phải cố vượt qua cơn đói hay cơn thèm ăn. Cũng không phải cố quên những cảm giác này đi. Hãy coi chúng như một bộ phim, bạn tò mò, bạn muốn biết có những diễn biến gì trong đó, vậy thôi.

Cảm giác của tớ khi chú tâm ăn:
- Tớ ăn chậm hơn và ít hơn, nhưng vẫn no, và no lâu là đằng khác. 
- Ít thèm ăn vặt hơn. 
- Ăn thấy ngon hơn nhiều, vì mình nhận biết mùi vị thức ăn rõ ràng hơn. 
- Ăn xong không chỉ thấy no (vừa phải) mà còn thấy thỏa mãn. 
Bạn nào thử ăn kiểu này rồi thì hãy chia sẻ đôi dòng cảm nghĩ dưới comment nhé.