"Có những ngày anh ngồi trước hiên uống trà rồi nhìn ra khoảng sân nơi có ánh nắng len lỏi qua tán cây. Anh cứ nhìn nắng từ sáng sớm đến chiều tối rồi anh chợt nhận ra, nắng cũng giống đời người vậy, có bình minh, có chiều tà rồi hoàng hôn. Đời người có sinh, có lão rồi giã từ, nắng cũng thật cô đơn vì nắng chỉ biết lẻ loi một mình..."
Nhớ những ngày tháng lặng lẽ nhìn ra đường thấy người yêu trẻ đi chơi với nhau, và thấy mình không có được diễm phúc đó nên buồn buồn. Buồn buồn vì có người sinh ra đời để hưởng trọn hạnh phúc và có người thì không. Có những hạnh phúc không bao giờ mình tới gần được.
Rồi những đêm vắng lặng một mình đánh bi da ở một quán nhỏ cuối phố, dưới ánh đèn vàng tù mù hiện lên bóng dáng gầy gò của anh, bỗng nhận ra mình thật cô đơn đến vậy. Có những khi niềm vui thì luôn đem ra san sẻ, còn u sầu thì ích kỉ đem giấu làm của riêng.
Nhờ thế mà gia tài của anh ngày thêm giàu có, có nhiều thêm nỗi buồn văng vẳng trong làn ký ức của ngày dài nỗi nhớ. Nỗi cô đơn đẹp nhất của loài người là không có thứ gì thuộc về mình, mà khi không có gì thì mình đang có tất cả. Bởi thế anh mới giàu.
Nhưng người giàu cũng có nỗi sợ riêng khi những lúc không một ai bên cạnh, sợ mình lạc lõng và quạnh hiu, nhưng lớn rồi anh lại thiết nghĩ, cô đơn cũng chẳng phải điều gì quá to tát. Ai sống ở đời mà chẳng cô đơn, đâu có ai đi được với mình đến trọn đời hay cùng nắm tay mình đến tận kiếp sau.
Người tình đầu tiên và cuối cùng của anh là niềm cô đơn.
Có ai đó từng bảo anh rằng: "Trưởng thành là khi mình biết chấp nhận sự cô đơn, không ai muốn làm kẻ tuyệt vọng nhưng cũng phải chấp nhận sự tuyệt vọng của mình." Cuộc đời, cái gì càng chạy trốn thì nó càng ám ảnh. Cho nên phải tập nhìn sâu và buông lòng chấp nhận, để dù cô đơn cũng thấy cái đẹp, cái yên bình trong đó.
Cô đơn dạy cho anh nhiều lắm, những khoảng lặng ấy là những bài học vô giá để cho anh hiểu mình, hiểu đời, tập nhìn thật sâu để biết thế nào là yêu thương chân thật. Anh cũng không nghĩ tới việc bon chen với đời, ai muốn tranh giành thì tranh, anh chỉ có tâm hồn lặng lẽ kề bên góc nhỏ thờ Phật, để thấy lòng mình bình yên và nhẹ nhõm.
Trên đời này ngoại trừ việc sinh tử ra, thì mọi việc khác đều là chuyện nhỏ. Một mình nhấm nháp khoảng thời gian trầm lắng, ung dung tự tại là những lúc tuyệt nhất để ngẫm nghĩ lại bản thân, chiêm nghiệm sâu sắc về cuộc đời.
Ngoài chuyện sống chết ra, anh chỉ nghĩ đến tình yêu, bởi lẽ ai cũng chỉ sống một lần, sự sống của con người là hữu hạn, nhưng khi mình chết rồi thì tình yêu sẽ còn tiếp diễn mãi. Và biết cảm nhận vẻ đẹp của niềm cô đơn là cách để hiểu sâu sắc tình yêu thương rồi đem chan rải đến muôn nơi.
Rồi anh lại nhớ những lời của Osho:
"Biết cô đơn chính là biết yêu người. Nghe có vẻ nghịch lý, nhưng đúng là thế. Một sự thật không thể chối cãi là, chỉ có những người có năng lực cô đơn mới có được năng lực yêu, chia sẻ, năng lực đi đến tận cùng nội tâm của người khác, mà không sở hữu người khác, không phụ thuộc người khác, không biến đổi người khác, và không nghiện ngập vào người khác.
Năng lực cô đơn còn cho người ta tự do tuyệt đối, bởi vì họ biết rằng nếu họ bị người khác bỏ rơi, họ vẫn ung dung tự tại. Hạnh phúc của họ không thể bị tước đoạt, bởi vì họ chưa bao giờ vay mượn hạnh phúc từ bất kỳ ai."
Việc gắn kết với người mà chỉ để cho khỏi cô đơn chứ không có cảm xúc thật sẽ càng khiến anh cô đơn hơn cả việc sống một mình.
Cuộc sống quan trọng nhất là làm thế nào để mở ra một con đường ngắn nhất đi từ trái tim mình đến trái tim của người mà không cần phải giải thích gì thêm, ngôn ngữ đôi khi không làm được nhưng tấm lòng thì có thể, tấm lòng chân chất, thiện lương được rèn dũa sau những tháng ngày đơn côi dai dẳng là cầu nối để hai trái tim đồng điệu với nhau.
“Tôi không bao giờ “thắc mắc” về ý đồ của người đến với tôi hay người bỏ tôi mà đi cho dù họ đi hay đến. Đến thì vui, đi thì buồn. Tôi chẳng hề một thoáng nghi ngờ về tình cảm của người đi kẻ đến. Tôi cũng không oán giận ai. Tôi thanh thản với sự cô đơn của mình.” - Trịnh Công Sơn."
Có một điều mà ai cũng công nhận là Trịnh Công Sơn rất cô đơn. Có người kể, khi chỉ còn lại một mình, ông thường chìm vào một nỗi buồn không tên tuổi. Những lúc như thế có khi là ba bốn giờ sáng...nhưng Trịnh Công Sơn thanh thản với niềm cô đơn của riêng mình, "Bây giờ tôi không còn mơ ước gì. Cũng chẳng dám mơ ước gì. Những gì sẽ đến sẽ đi tôi đều nhận chịu cho mình tất cả...", ông dù cô đơn nhưng tâm hồn vẫn thật trong sáng và thiện lương, luôn hướng đến người khác.
Anh hiểu sâu sắc lắm cái nỗi buồn vời vợi ấy của ông, anh đến với đời trong sự nhẹ nhàng rồi lặng lẽ ra đi trong sự bình yên như bài hát mà Trịnh Công Sơn từng sáng tác, từ từ cuộc đời sẽ mang đi hết tất cả mọi người, cát bụi sẽ trở về với cát bụi. Những ai đã đi đến với đời thì phải có lúc lìa xa nó. Một cõi đi về...
Nhưng có những người ra đi vẫn để lại lòng nhân ái cho cuộc đời, anh thật tâm muốn trở thành một người như vậy, như Bụt, như Trịnh, để từ sự cô đơn sẽ nuôi dưỡng nên những giá trị bình an, hạnh phúc mà anh nguyện trao đến chung quanh.
Cảm ơn cuộc đời, cảm ơn cô đơn...