Photo by Aaron Burden on Unsplash
Khi chỉnh sửa bài viết này trên máy tính, mình vừa chép xong hai bài thơ của Minh trong quyển sổ mới đặt từ Tiki. Mình làm điều này từ ngày đầu tiên Minh nhập ngũ cho đến nay cũng hai tháng rồi. Bút mình dùng bút máy Nét Hoa, loại viết nét thanh nét đậm dành cho lứa tiểu học, bơm mực Queen màu đen. Chữ Minh không đẹp cậu nhờ mình viết hộ, mỗi ngày chỉ cần chép một bài là được. Nhưng vì một sự say mê lạ kỳ mà mỗi ngày, mình viết ít nhất hai bài, nếu sung sức hơn và không vướng bận điều gì có thể lên đến 5, 10 bài. Giờ thì cũng đã gần hết số bài thơ mà Minh đăng trên page. (135 bài không đùa)
Chuyện say mê với việc viết sổ bằng bút máy không đến một cách ngẫu hứng với mình, mà do thói quen. Suốt từ lớp 3 đến những năm học cấp hai, mình có sở thích sưu tầm trong những quyển sổ tay (nói đúng ra là tập giấy dạng dài). Từ lớp 3 đến lớp 7 mình cắt dán tất tần tật mọi thứ liên quan đến thiên nhiên, y học và phong cảnh dán tả pí lù và chú thích nguệch ngoạc vài dòng, quyển nào quyển nấy dày cộm. Cuối lớp 8 và 9, chủ đề cụ thể hơn - những bài dịch về chủ đề môi trường được viết và trang trí cẩn thận. Từ lúc thi xong học kỳ đến hết cả mùa hè mình ngày ngày dịch nháp những bài chắt lọc trên mạng, sửa đi sửa lại rồi viết vào sổ. Mỗi quyển phải được bao bằng giấy gói quà cỏ bốn lá, hay trang giấy báo cảnh thiên nhiên đẹp lấy từ báo hay lịch. Hình ảnh phải từ những trang chất lượng nhất. Nhưng những cái ấy chỉ là râu ria thôi, điều mình kỳ vọng nhất là lúc mở sổ cơ. Ai cũng sẽ thấy những dòng chữ được viết bằng bút máy thẳng thớm và xinh xắn, lao vào đọc ngay và luôn.
Bộ sổ tay huyền thoại của mình, lũ bạn cấp 2 còn nhớ. Giờ thì đi tứ tán
Nét chữ của mình đến giờ vẫn là nét tiểu học, được duy trì từ hồi lớp 5 đến giờ. Mình có thể viết chữ quên cả thời gian bất kể lớp có ồn, mọi người ra chơi hay cả lớp đang thi đua ôn thi cuối cấp hai. Mình đã từng viết rất nhiều loại bút máy khác nhau, công là do bố cất công mua, từ cây Hero, cây viết Hàn Quốc bé xinh mình không nhớ tên đến cây thuộc hàng sang là cây Parker. Nhiều lúc muốn để crush chú ý, mình mang quyển sổ để lên ghế đá ngồi viết, crush không để tâm nhưng có cô bé lớp 6 khi ấy rất thích chơi với mình đã mua tặng cây viết máy Hồng Hà lúc mình ra trường. Cây bút máy được gói cẩn thận kèm lời chúc thi tốt được gửi cho người khác đưa mình lúc đang tổng vệ sinh khiến mình vô cùng cảm động. Nó theo mình cả một thời gian dài suốt năm lớp 10 cho đến khi mình cảm thấy bút không thể viết trơn tru được nữa, và nét đẹp đến đến nỗi cô bạn bàn trên còn năn nỉ mình tặng lại. Nhưng mình nhất quyết không cho, và mình tiếc vì lý do dọn dẹp đã vứt nó đi.
Chữ mình nè
Đọc đoạn này, hẳn bạn nghĩ mình vô cùng đam mê với việc viết bút máy từ nhỏ. Nhưng thực ra, đó là do … mình bị bắt, và mình từng đấu tranh để xin bố mẹ cho viết bút bi suốt thời gian dài. 

Trong khi các bạn cùng lớp đua nhau viết bút bi lúc lớp 6, mình trong lúc đang hí hoáy làm bài tập Toán bằng bút bi bị mẹ phát hiện và nạt thật to “Viết bút nguyên tử nó làm hư cái chữ đi. Cấm con không được viết bút nguyên tử”. Bất kể mình hỏi tại sao hư chữ, mình vẫn không nhận được lời giải thích nào. Thời đó phải ký sổ báo bài, bài kiểm tra và tối bố mẹ kiểm tra tập nên không thoát được. Muốn mua bút thì phải nhờ bố mua, nên vì thế mình chỉ được phép dùng bút máy để làm bài, trừ những lúc dùng viết đỏ để ghi tiêu đề và viết chì khi làm bài tập môn Sử. 
Đây không phải lần đầu mẹ cấm mình xài bút bi. Vào học kỳ 2 năm lớp 1, nhân dịp cuối tuần hai mẹ con đi Đà Lạt. Hồi bé mình có tật là luôn muốn chứng tỏ bản thân chăm chỉ, nên đến nơi ra là tiệm tạp hóa gần nhà bà ngoại mua quyển vở, một cây viết chì và hộp sáp màu, sau đó lặng lẽ ra bàn ngồi viết và vẽ. Con nít mà, người lớn muốn bắt chuyện chỉ cần đến khen thôi. Đâu biết, chỉ cảm nhận hồi lúc tập tễnh viết mà  được khen chữ đẹp là hãnh diện lắmi. Tiệm tạp hóa không có bút máy, nên bán bút bi cho mình. Cảm giác viết bút bi thấy người lớn hơn hẳn. Bút bi viết êm, nhẹ và không dây mực như bút máy, hỏi sao không thích cơ chứ. Một tối mẹ về nhà, lại thói muốn chứng tỏ, mình nắn nót vài dòng bằng bút bi trên quyển vở giấy mỏng lét, rồi khen nức nở bút trơn viết chữ rất đẹp. Thay vì vui thì mẹ bực mình bảo không cho viết với lý do trên.

Ngày nay tụi trẻ con rất ít viết bút máy Hero do có nhiều hãng sản xuất trong nước và cũng nhanh chóng chuyển sang bút lông kim và viết gel, nhưng thời mình không còn gì khác ngoài cây bút Hero theo lời cô giáo dặn để tập viết lúc bắt đầu học kỳ 2 lớp một. Hero là thương hiệu bút máy nổi tiếng của Thượng Hải, nổi bật nhờ mũi tên vàng chỉ ở đầu bút. Cây viết nằm trong chiếc hộp giấy dài màu trắng có hình cây viết minh họa bên ngoài. Có ba màu: xanh lá, đen và nâu. Dáng bút dài, mập phần thân và thon hẹp hai đầu. Mỗi khi bơm mực, phải mở phần dưới, bóp ruột gà đưa mực. Muốn biết đầy mực hay không cứ nhìn màu sắc của phần ruột ấy. Sau khi bơm xong, phải lấy khăn lau đầu bút, và kỹ càng hơn phải lấy một đầu góc khăn se nhỏ lau bên trong nắp để tránh dây mực. 
Kiểu thiết kế của Hero không biết sao khiến mình luôn cảm thấy khó cầm, có lẽ do tay mình nhỏ. Bao chuyện xảy ra với cây bút này. Thứ nhất là mình hay đè đầu bút, vì thế viết nét chữ cứng nhắc. Thứ hai là không chịu để ý nên làm rơi bút tòe ngòi, vậy là ông nội đi mua bút mới. Ba là nhiều lúc lau kỹ mực ở đầu bút và nắp rồi vẫn bị dây mực, nhiều khi vặn cứng quá mở không ra. Đứa nào Viết bút máy cũng có cục chai ở ngón tay giữa. Mình có hai cái, nhiều lúc rảnh rỗi cắn da tay ở phần chai mong nó biến mất, nhưng không. Ngoài ra mỗi lần viết vở mỏng thì lem, hay giấy vở bài tập giáo khoa thì có lúc làm xước giấy, hay sợi giấy vướng vào ngòi viết chữ lởm chởm thấy ghê. 
Dĩ nhiên mình không thích điều này xíu nào, nên bắt chước mấy bạn trong lớp thử nhiều loại bút. Chữ mình không đẹp hồi đó nên thấy ai viết chữ đẹp dùng loại bút nào thì đòi mua bút nấy. Ban đầu mình thử viết  Beebee tím, ban đầu cũng đẹp nhưng sau dần đầu lông kim bị ép dẹp khiến nét chữ méo mó. Năm lớp ba đua theo tụi bạn viết Aihao mực tím, đầu viết giống đầu viết bi viết khá dễ chịu, nhưng đến khi gần hết mực chữ có khi ăn giấy có khi không, và nhiều lúc mực tắc phải mở bên trong hút ống mực cho thông. Năm lớp bốn thử dùng viết Lá Tre - loại viết chữ đẹp đầu tiên của Thiên Long, nhưng không hợp, thấy chữ to quá, viết cũng khó điều chỉnh tay. Chắc số mình không hợp với xu hướng, nên đành quay lại viết bút máy. 

Khi mình viết bút máy lại cũng thoải mái hơn trước do có nhiều dòng bút máy dáng nhỏ nhắn thay thế Hero. Nhưng lý do mọi người trong nhà mua cho mình hết cây bút này đến bút khác  là vì muốn chữ mình đẹp hơn (tiêu chuẩn con nhà người ta đầu đời chứ nhỉ). Dù được đánh giá là tiến bộ trong học tập, tích cực xây dựng bài và tham gia nhiều hoạt động, nhưng mình vẫn bị xem là kém cỏi vì chữ không đẹp. Những lần luyện chữ luôn ám ảnh vì kéo dài, ngồi gò cái chữ rồi phải chờ cô giáo trong yên lặng. Dù đã nắn nót thế nào, chữ vẫn không thể đẹp và điểm luôn thấp. Bà nội rất hay so sánh mình với với Q. ngồi cạnh. Nó xấu tính -  xét nét những chuyện nhỏ nhặt và thậm chí kêu cả lớp tẩy chay mình nếu bất kỳ chuyện gì không vừa lòng nó, nhưng vẫn được bà nội mình tôn sùng vì chữ đẹp, ngăn nắp, cẩn thận. Một hôm bài tập viết có phần viết nét thẳng và viết nét nghiêng, Q. không viết được chữ nghiêng, tiếp tục viết nét thẳng. Mình luôn kém Q, thế là nguyên buổi ấy, con bé ngồi cạnh Q. thích thú nắn nót viết nét nghiêng, với hi vọng điểm 10. Q. 10 mình 6.  Mình lại thất bại trong việc làm hài lòng người khác. Chỉ vì muốn cả nhà không trêu đùa học dốt, nên mình nằng nặc xin ông nội đăng ký học lớp luyện chữ của Nhà Thiếu Nhi Thành Phố, song song với học vẽ và đàn. Tuy nhiên chưa đến hết tháng lớp giải tán, đành phải ở nhà, ngày ngày bà nội đọc chính tả cho viết một bài, làm tính thật nhiều. Năm lớp bốn, chữ mình đẹp hẳn, kèm thái độ tích cực, nên được đánh giá là một trong những đứa tiêu biểu của lớp. Đến giờ 24 tuổi, nhiều lúc nhìn lại mọi chuyện vẫn cảm thấy kinh hoàng, rằng cái chữ có sức mạnh ghê gớm đến nỗi có thể khiến người khác có thể phán xét mình mà không cần để tâm đến những phẩm chất tốt đẹp khác của họ. 
Chuyện luyện chữ còn giúp mình hiểu được cảm giác đờ người lần đầu trong đời. Trong một cuộc thi đó là khi bạn không biết một thứ gì và bị bắt buộc phải đối mặt với chúng, nhiều lúc chỉ trơ ra chẳng làm được gì cả. Điều ấy còn tồi tệ hơn là khóc trong lúc làm bài rồi làm tiếp. Lần đầu thi Vở Sạch Chữ Đẹp năm lớp bốn, bài đầu tiên yêu cầu viết chữ hoa, mà mình đâu có quen thế là run tay, cầm cây bút cứ cứng đờ ra. Mình viết xấu tệ các phần thi còn lại. Lúc bạn bè hỏi, mình nghe loáng thoáng cô chủ nhiệm kể lại mình bị liệt vào sổ đỏ. Không hiểu sao sau lần đó mình suy sụp, mất tinh thần đến nỗi chữ xấu dần. Mất cả thời gian để chỉnh lại chữ mà không được. Mãi cho đến buổi tối sau lễ 20/11 năm lớp 5, mẹ mới bắt đầu chỉ lại từng nét. Điều lạ ở đây là mẹ chẳng kỳ vọng mình viết đẹp, mà chỉ muốn mình viết rõ ràng để người khác dễ đọc hơn thôi, nhưng không hiểu sao cuối cùng chữ lại đẹp để được chọn đi thi tiếp. Đậu vòng trường nhưng sau đó gặp lại cảm giác đờ người lúc vòng quận. Tuy nhiên bằng sự thần diệu nào đó, những nét chữ đẹp mẹ nắn năm xưa vẫn đi theo khi viết sổ tay đến bây giờ. Mình nghĩ cuộc đời đi học trong cái rủi cũng có cái may là vài tháng viết bản kiểm điểm và tường trình với những lý do nhảm nhí phải viết đẹp để bố ký nên chữ mới được giữ gìn như vậy.  

Nói gì thì nói, mình nể những giáo viên tiểu học. Những giáo viên dạy cấp hai cấp ba có thể viết xấu hay không không cần biết, nhưng đã là chủ nhiệm lớp tiểu học là phải viết đẹp. Mình nhớ cô chủ nhiệm lớp bốn viết chữ không đẹp, thế là mọi người nói, mình cũng băn khoăn. Thật khổ sở khi làm người lớn như vậy. Và mình nghĩ không giữ được chữ đẹp khi lớn là một phần của sự trưởng thành. Khi rèn chữ cho mình, mẹ chỉ muốn mình viết rõ ràng để người khác dễ đọc thôi, chứ mẹ cũng không ép vì bình thường chữ mẹ cũng không đẹp, có khi nhìn cũng không ra. Hồi bé thì cái gì cũng đơn giản, có chịu áp lực từ xung quanh nhiều đâu, có phải hối thúc đâu, nên mới có thời gian còn cầu kỳ này nọ. Lúc lớn hay bị cuốn trôi theo áp lực nên phải viết chữ nhanh để kịp với công việc. Cái khó nhất để viết chữ lúc trưởng thành là viết sao cho rõ ràng, và đó là điều trường học chưa dạy được. Tối ngày thi mấy cái chữ đẹp đòi hỏi viết chữ đủ kiểu, chữ thường chữ nghiêng chữ sáng tạo rườm rà thế mà không chỉ cách làm sao để viết dễ nhìn hằng ngày. Đành rằng chúng ta phải tự học cách thích nghi. Mình nghĩ việc áp đặt đứa trẻ phải viết chữ đẹp là bước đầu trong việc dạy đứa trẻ có cái lầm về cuộc sống, lúc nào cũng phải đẹp tuyệt mỹ. Hồi lớp một đọc chính tả cô giáo còn cấm gạch lỗi sai nữa, viết sai cứ để mặc kệ, nghĩ lại thấy mà buồn cười.
Nếu bạn hỏi tất cả những người từng học, từng làm việc chung với mình, ai cũng bảo chữ mình nhìn không ra hết ấy. Nên lúc nào cũng ngại cho bạn mượn tập chép bài lắm, yêu cầu lắm thì phải viết lại hay đọc cho bạn chép. Chữ mình hư dần đều khi lên cấp 3 viết bút bi, mỗi sáng hay buồn ngủ lười vận động cổ tay nên nét này nét kia lộn xộn. Rồi viết nhanh ở nơi không có mặt phẳng, thao tác trên máy tính nên chữ không còn được chỉn chu. Đến nỗi có giai đoạn do thích viết đẹp mua cây viết máy xong phải vứt vì không thể viết được. Mình đã cố viết, nhưng nét quá cứng, bàn tay không chịu nghe ý mình. Có lẽ do khoảng thời gian đó trải qua nhiều thứ lộn xộn và bị phân tán cái này cái kia nên tâm thế ngổn ngang, nhịp viết lúc nào cũng dồn dập. Cho đến khi khi nghỉ dịch Covid ngồi chép thơ, mình mới học cách chậm lại để viết, và dần tìm ra câu trả lời cho thắc mắc năm xưa của việc cấm cản ấy.

Cho đến giờ, mình vẫn cố gắng suy nghĩ để việc viết chữ thường ngày có thể đẹp hơn, có thể không giống viết thơ nhưng chí ít cũng chỉn chu xíu. Mình có đọc về bài viết về việc tối giản nét chữ, nhưng để thay đổi phải mất thời gian dài. Nhưng trước hết, thì dù ghét việc luyện chữ, theo một góc nhìn tích cực trong thời điểm, chữ đẹp cũng có cái hay của nó. Việc dành vài phút buổi sáng hay chiều thì việc nắn nót những dòng viết tay là cách tìm về thế giới xưa, một cách mình làm nghệ thuật khác so với vẽ và viết. Nó mang lại sự chú tâm vào một thứ, vào cây viết và nét chữ. Tuy vậy, mình sẽ vẫn chao đảo dài dài giữa mong mỏi cá nhân và lề thói cũ, mình phải học cách bước qua ranh giới đó. Mọi thứ có thể không hoàn hảo nhưng phải rõ ràng. 
Tự dưng nhớ lại hồi bé viết bút chì chẳng phải nghĩ ngợi gì nhiều. Lúc dùng viết chì, mọi sai sót có thể dễ dàng tẩy đi, có điều phải chuốt nhọn đầu bút để nét chữ mảnh hơn. Viết máy một khi ra nét thì trang giấy không thể sạch lại, kể cả khi có dùng đầu gôm tẩy thì tờ giấy rách nát bươm. Bút xóa có thể dễ dàng hơn, nhưng khi lấy viết đè lại chỗ cũ không còn như trước nữa. Liệu việc thay đổi việc dùng bút có khi nào nói lên tính cách khi con người lớn lên - trưởng thành là không được phép tẩy đi và viết đè lên, và dễ lao vào vòng quay của sự nhanh gấp mà làm mất mình? 
Vĩnh Anh
Cảm ơn Tartarus vì đã giúp chị có động lực để làm điều mà muốn bấy lâu mà chưa làm được.
Cảm ơn anh Andy Luong, Elbe040, như mọi khi vì đã giúp em truyền tải được phần còn ngắc ngứ.
Cảm ơn anh BlackMeow, vì luôn đọc, như mọi khi.