“Giống như chiếc kim la bàn luôn chỉ hướng Bắc, ngón tay buộc tội của người đàn ông luôn trỏ vào người phụ nữ. Luôn luôn là như vậy….”. 
Mình có ấn tượng mạnh mẽ với câu nói này khi đọc “Ngàn mặt trời rực rỡ” của nhà văn Khaled Hosseini - Thông qua việc tái hiện cuộc đời của những người phụ nữ là Mariam và Laila, cuốn tiểu thuyết lột tả một cách chi tiết và chân thật đến rùng mình về bối cảnh đất nước Afghanistan vào đầu những năm 2000. Có lẽ ai đó cũng sẽ bị hấp dẫn ngay ở bìa cuốn sách với một ghi chú của Washington Post-  “Bạn sẽ muốn bị hóa đá để không phải rơi lệ khi đọc câu chuyện này”. 
"Ngàn mặt trời rực rõ" - Tác giả: Khaled Hosseini (Ảnh: Internet)

Cuốn tiểu thuyết lấy phụ nữ làm trung tâm nhưng lại là trung tâm của sự áp bức và đau khổ 

Ngàn mặt trời rực rỡ kể về cuộc đời của Mariam và Laila, hai người phụ nữ, hai tuổi thơ trái ngược nhau. Mariam - một harami (con hoang) mà cha mình không thể công nhận. Laila - một cô gái thượng lưu được giáo dục theo kiểu người trí thức. Nhưng hai số phận trái ngược này lại gặp nhau, gắn kết với nhau và trở thành một phần cuộc sống của nhau vì những biến cố khốc liệt. Mẹ Mariam tự tử trong một lần mà theo như suy nghĩ của cô là bản thân đã “phản bội” mẹ mình. Cha cô đã nhẫn tâm gả cô cho một người đàn ông vũ phu và gia trưởng. Còn LaiLa, cuộc đời tươi đẹp của cô chính thức kết thúc khi một trận bom cướp đi tính mạnh của cha mẹ mình. Hai người phụ nữ bỗng chung chồng. Bắt đầu từ kẻ thù khi LaiLa đến và Mariam nghĩ rằng cô đã cướp mất gia đình của mình, họ đã trở thành những người bạn tri kỷ, là nghị lực sống của nhau trong quãng đời khó khăn nhất. 
Họ đã cùng nhau trải qua những tháng ngày tàn nhẫn đầy máu và nước mắt. Số phận của họ đã hòa quyện vào nhau trong thân phận đau thương, bền bỉ của người phụ nữ Afghanistan trước nền chính trị hỗn loạn và tôn giáo hà khắc. 

Afghanistan - Đất nước của nghèo đói, chiến tranh, phân biệt chủng tộc, bất bình đẳng giới 

Đất nước Afghanistan những năm 2000 chìm đắm trong những cuộc nội chiến và những cuộc giao tranh quyền lực. Nơi người dân phải sống trong loạn lạc, đói nghèo cùng chế độ tôn giáo hà khắc. Đặc biệt là những người phụ nữ - Không danh dự, không đặc quyền, không tự do - Họ sống nhịn nhục,  thu mình trong những tấm Burqa và cái chết có thể đến bất cứ lúc nào. 
Những lý tưởng ngạo mạn, những hủ tục kiên cố, đã giẫm nát đạp và giày xéo đất nước Afghanistan - Ngòi bút của Khaled Hosseini không né tránh mà trực tiếp đối diện, cương quyết, gãy gọn để tái hiện một Afghanistan trần trụi, đau thương. Tác giả lại một lần nữa khẳng định cho chúng ta thấy sự tàn nhẫn, ác độc của những cuộc chiến tranh phi nghĩa nhân danh công lý, nhân danh độc lập tự do. 

Nhưng… vẫn còn một Afghanistan rất khác 

Có lẽ chi tiết khoái nhất và giải tỏa được cảm xúc cho độc giả chính là khi Mariam giết chồng. Mariam - một người vợ cam chịu, một người phụ nữ nhu nhược đã tự giải thoát cho mình và cho cả những người thân yêu. Cô đã đạp lên mọi luật lệ của chế độ hồi giáo cực đoan, đã khước từ quy tắc của người chồng vũ phu , đã thoát khỏi gông cùm vô hình trên cổ để cho mình được tự do - dù chỉ trong thời gian ngắn ngủi. 
Cái chết của Mariam - nó diễn ra chẳng thể nào mong muốn khác được nhưng lại là điểm sáng và mang lại những giá trị sâu sắc. Chính cái chết đó đã cứu rỗi cuộc đời Mariam, cứu rỗi cuộc đời Laila và hai đứa trẻ.Mình yêu Mariam, bà chính là "ngàn mặt trời rực rỡ" chiếu tỏa trong Laila và Laila là "ngàn mặt trời rực rỡ" chiếu tỏa trong Aziza hay trong những người phụ nữ Afghanistan khác. 
Thông qua Maria, LaiLa hay Aziza (con gái của Laila), ta vẫn thấy được niềm tin, hy vọng và sức sống bền bỉ của đất nước và con người Afghanistan. Nền tôn giáo hà khắc, chiến tranh phi nghĩa có thể cướp đi quyền được bình đẳng, tự do của người phụ nữ. Nhưng tất thảy không thể thiêu rụi được những phẩm chất tốt đẹp của con người, không thể ngăn cản những hi vọng, nghị lực sống đến phi thường vẫn đang cháy rực trong họ. 

“Bạn sẽ muốn bị hóa đá để không phải rơi lệ khi đọc câu chuyện này”

"Bạn sẽ muốn bị hóa đá để không phải rơi lệ khi đọc câu chuyện này"
Có lẽ cảm xúc mà hầu hết những người đã đọc Ngàn mặt trời rực rỡ chính là có cái gì đó ức nghẹn mà không thể giải tỏa được. Có lẽ ức khi phải theo dõi chế độ hồi giáo cực đoan với những luật lệ vô lý mà chẳng bao giờ nghĩ nó là sự thật, ức với những gã đàn ông vũ phu và tàn bạo. Và ức vì những người phụ nữ trong truyện đã hi sinh, đã chịu đựng, đã nhẫn nhịn phục tùng trong suốt thời gian dài như thế. 
Tuy nhiên, giống như ý nghĩa của nhan đề Ngàn mặt trời rực rỡ, sau tất cả, chúng ta vẫn tìm cho mình được một ý nghĩa, một giá trị nhân văn sâu sắc qua từng trang tiểu thuyết hiện đại của Khaled Hosseini.  
“Dù có bị cuộc đời vùi dập thế nào, mỗi một người chúng ta đều có khả năng vượt qua nghịch cảnh một cách phi thường để rồi sau tất cả những tăm tối của cuộc đời, ta sẽ lại là những ánh mặt trời tỏa sáng rực rỡ lúc bình minh".
Hãy chuẩn bị một cảm xúc vững vàng trước khi đọc cuốn tiểu thuyết này, vì chắc chắn sau khi đọc xong, bạn sẽ mất một khoảng thời gian để suy nghĩ vê nó. Bạn cũng có thể tham khảo một cuốn tiểu thuyết khác của Khaled Hosseini là “Người đua diều” - Thật sự rất đáng để đọc.