Bằng một cơ duyên nào đó, tôi đã đọc cuốn sách Thịnh vượng tài chính tuổi 30. Tuy còn trẻ (còn lâu mí 30 tuổi nghen) nhưng tôi cảm thấy là thời điểm thích hợp nhất để đọc cuốn sách này. Khi thái độ và hành động của ta đổi hướng một chút, có lẽ ta sẽ đi trên con đường khác. Dưới đây là một chút tóm lược và suy ngẫm về cuốn sách ý nghĩa này.
Thịnh vượng tài chính tuổi 30 là cuốn sách đầu tiên tôi đọc về việc quản lý kinh tế. Tôi chưa từng đọc sách về kinh tế vì nghĩ những con số trong đó sẽ rất khô khan. Nhưng cuốn sách này đã giúp tôi thay đổi ý nghĩ đó. Mạch truyện nhẹ nhành, chân thật đã giúp tôi “thấm” cái chút kinh tế đó vào đầu.
Tựa sách ngắn gọn và gây cho người đọc nhiều liên tưởng không biết tuổi 30 của ta sẽ ra sao, tài chính sẽ như thế nào. Và sau khi đọc hết cuốn sách, tôi đã cảm thấy như mình học được 1 bài học to lớn cho tư tưởng vào tương lai sắp tới.
Câu chuyện xoay quanh nhân vật Choe Socheon. Anh là một nhân viên của một công ty và đang gặp phải những vấn đề về kinh tế. Không chỉ riêng anh, những người đồng nghiệp, người bạn xung quanh anh cũng có những khó khăn. Và người giải đáp những bài toán đó là giáo sư Masu.
Cuốn sách kể về những nhân vật đời thường với công việc khác nhau, độ tuổi khác nhau, lối sống khác nhau. Họ đều đã trưởng thành nhưng lại lâm vào tình trạng kinh tế khó khăn. Và tất nhiên khó khăn của mỗi người không giống nhau. Cách họ tiếp nhận hoàn cảnh, cách họ vượt qua là những điều mà ta cần ghi nhớ.
Tại sao đến tuổi 30 rồi mà vẫn rất nhiều người gặp vấn đề về kinh tế? Lý do thì có rất nhiều. Những người gặp khó khăn không bao giờ có ý muốn trở thành người giàu có cho nên họ luôn tìm ra lý do để thất bại trong quản lý tài chính. Trái lại người thành công về quản lý tài chính mỗi khi đối mặt với vấn đề, họ sẽ vắt kiệt chất xám để tìm ra phương pháp giải quyết. Sau khi giải quyết xong thì họ càng thành công hơn nữa. 
Bên cạnh đó, có những người có những quan điểm rất riêng. Họ cho rằng đừng nên lo quá xa cho tương lai mà bỏ qua niềm vui trước mắt, ai biết thưởng thức khoảnh khắc trong đời người mới là thông minh và hạnh phúc nhất. Có người lại cho rằng giàu có là do ý trời, do số phận. Có người lại mong tuổi già có thể dựa vào phúc lợi nhà nước.
Tất cả những suy nghĩ đó đều dẫn đến sai lầm sau này mà các nhân vật trong truyện phải hứng chịu. Quan điểm người xuất thân nghèo khó thì khó xóa bỏ số phận nghèo khó là hoàn toàn sai lầm. Đó là sai về tư duy. Tư duy tiêu cực dẫn đến thất bại giống như thuyền đi trên biển mà mất phương hướng thì rất dễ va vào đá ngầm.
Cuộc sống với những nợ nần là một cuộc sống nô lệ mà ở đó người vay là nô lệ của người cho vay. Nếu không nhanh chóng xóa bỏ những mối nợ đó và gây dựng kinh tế cho riêng mình thì ta sẽ mãi mãi bị đồng tiền khống chế.
Giáo sư của chúng ta đã giúp nhân vật Choe Socheon sáng mắt với những lời chỉ dạy đắt giá. Để làm chủ đồng tiền của mình thì cần phải vứt bỏ vẻ ngoài hào nhoáng, không đổ lỗi cho người khác và đoạn tuyệt với những thứ không thể chi trả. Một căn nhà rộng, một chiếc xe đắt tiền sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu ngày nào ta cũng phải nai lưng làm việc trả nợ.
Vậy thì khi đã sáng rõ sai lầm thì đến lúc phải sửa chữa sai lầm. Bước đầu là liệt kê các khoản nợ, liệt kê tài sản, phân tích và nhìn rõ vấn đề. Chưa đủ khả năng thì không nên mua những thứ mình muốn, không bị sa lầy vào chiêu thức chi tiêu trả góp của các doanh nghiệp bán hàng. Cái gốc của quản lý chi tiêu là thanh toán nợ trong thời gian ngắn nhất mà không làm nảy sinh nợ mới. Và không nên gây nợ quá 30% thu nhập mỗi tháng. Trả nợ có thể bắt đầu từ những khoản nợ nhỏ. Tận dụng thời gian ngoài giờ để gia tăng thu nhập. Lập dự toán chi tiêu hàng tháng, chi ít hơn thu và không được lạm chi.
Đối với việc đầu tư cần phải cảnh giác với bẫy tiêu dùng. Nó mang lại rủi ro nhiều hơn là lợi ích. Đầu tư cần phải có nghiên cứu và chỉ sử dụng khoản tiền nhàn rỗi  với nguyên tắc 70/30. Khi có tiền dư dả thì kể thù lớn nhất chính là bỏ lỡ cơ hội. Nếu không chịu trải nghiệm nhiều khó khăn do thay đổi đem đến thì tương lai chúng ta vô cùng đen tối.
Bài học về người bạn của nhân vật Choe Socheon bị ung thư phổi nhưng anh ta lại không có bảo hiểm, trở thành gánh nặng cho gia đình. Bài học đó đã thức tỉnh những người xung quanh. Đầu tư vào bảo hiểm là đầu tư an toàn và đảm bảo cho cuộc sống sau này. 
Ngoài ra còn những bài học về người đàn ông dù tài chính bị cắt giảm nhưng vẫn quyết đầu tư vào học hành cho con cái mà không nghĩ đến tương lai về sau. Đó chưa hẳn là việc đầu tư đúng đắng. Giáo sư Masu đã khuyên rằng hãy để tài sản dưỡng già lên trước tài sản đầu tư vào việc học. Đó là việc làm đúng đắn và thông minh hơn.
Suy cho cùng, người thất bại trong tài chính không chỉ do nóng vội mà còn không có mục tiêu đầu tư rõ ràng. Nên nhớ phương hướng quan trọng hơn tốc độ. Trong việc quản lý cần xác định rõ mục tiêu, tập trung sức lực vào mục tiêu đó và xem xét các rủi ro liên quan. Không học cách nhẫn nại thì thành công sẽ không gõ cửa.
Vì vậy phải luôn ghi nhớ 3 tài sản quan trọng trong đời người là tài sản đảm bảo, tài sản về hưu và tài sản đầu tư. Coi trọng 3 loại tài sản đó và có kế hoạch quản lý đúng đắn sẽ giúp ta đi đến thành công. Ai cũng muốn kiếm tiền nhanh như thỏ nhưng rùa mới là người chiến thắng. Việc của ta là nắm chắc hiện tại không chỉ là niềm vui hiện tại mà cả kế hoạch tương lai.