Sáng nay, tôi dậy 6 giờ để kịp vào buổi giảng bài online 9 giờ bên Úc. Mắt nhắm mắt mở, tôi nghe thầy nói về cách các neuron tác động lẫn nhau, cách thân tế bào tiếp nhận những tín hiệu hoá học khác nhau từ khớp thần kinh, hay synapse, của các tế bào neuron khác, và xử lý dữ liệu đó để quyết định rằng nó có nên phát một điện thế hoạt động không. Và cứ theo cơ chế đó, neuron này ảnh hưởng đến kia, luôn luôn làm việc, nên hay không nên phóng điện thế. Và từ những sự tương tác đó, các hệ thống trong cơ thể vận hành trơn tru, các khối cơ được kích hoạt, và tôi... sống. 
Trong lúc đó, hàng loạt suy nghĩ lướt qua đầu tôi. Một suy nghĩ, một tư tưởng được hình thành từ đâu? Ý thức được hình thành như thế nào trong bộ não? Có một khu vực nào đó trong não cụ thể được dùng để kiểm soát hoạt động của não không? Và nếu tất cả các hoạt động của cơ thể, và đó dĩ nhiên bao gồm cả hoạt động của não, đều phụ thuộc vào việc các neuron phóng điện thế hoạt động, thì điều đó nói lên gì về tôi - về tôi ngồi đây bây giờ, dùng các ngón tay gõ phím, với một dòng suy nghĩ trong đầu, nghĩ rằng mình nắm quyền kiểm soát? 
Tôi chợt nghĩ đến "I think, therefore, I am", nhưng bây giờ với một cách diễn giải khác: sự suy tư không phải là một dấu hiệu để tôi nhận biết sự tồn tại của cái tôi, mà sự suy tư chính nó là nguồn gốc và nguyên nhân tạo thành của khái niệm cái tôi mà tôi nghĩ rằng đang tồn tại bây giờ. Nhất là nếu hoạt động của các neuron tác động lẫn nhau là điều kiện đủ để tạo nên một suy nghĩ, và ý thức được xem là tập hợp của các suy nghĩ. Tôi không tìm thấy được sự thoát ly tính vật chất của bộ não để tạo thành ý thức ở một tầng hiện thực khác ở đâu cả. Vậy nên, có vẻ là ý thức cũng nằm chung tầng hoạt động với neuron thôi. Hay nói cách khác, ý thức (và cái tôi) cũng không gì khác các hoạt động còn lại của cơ thể - tất cả đều là hệ quả của sự tương tác của các neuron. 
Nhưng thôi, nếu bây giờ nói về việc có tồn tại không một cái tôi thì khá trớ trêu. Lúc trước tôi đọc được câu chuyện đùa này ở đâu đó: Một triết gia đứng dậy và phát biểu là "Tôi nghĩ rằng cái tôi không tồn tại." 
Get it? 
Haha. Nên thôi. Tôi nghĩ câu hỏi của thế kỷ này không còn là việc cái tôi có tồn tại hay không, mà là tính chất sự tồn tại cái tôi là như thế nào. 
Một điều khá chắc chắn là, nếu tiếp cận vấn đề này từ góc nhìn nhận thức về cái tôi xuất phát từ các tương tác neuron thì chúng ta sẽ đến với thuyết tất định khá chóng, không phải việc mọi hoạt động trên đời này đều đã được định đoạt sẵn từ thời kiến tạo vũ trụ, mà là các hoạt động chúng ta làm dựa vào ý thức thì cũng đều bị kiểm soát bởi các hoạt động của neuron. Chúng ta, mình, tôi, tớ v.v đều không có kiểm soát. Tất cả đều là neuron. 
Thế nhưng, một phản bác dễ dàng cho ý nghĩ này là, con người có thể tác động lên neuron theo cùng một cách như neuron tác động lên hoạt động con người. Một ví dụ điển hình là tính khả biến thần kinh (neuroplasticity), việc hoạt động của con người có khả năng làm thay đổi hình dáng của bộ não. Nhưng điều này sẽ dẫn đến một vòng lẩn quẩn, vì từ đầu hoạt động của con người đã là được tạo thành bởi các tương tác neuron rồi.
Vậy nên, tôi sẽ không nói rằng con người hoàn toàn không có kiểm soát gì cả, nhưng sẽ nói rằng khái niệm ý chí tự do tuyệt đối thì thật bấp bênh, và 9/10 lần đều có thể dễ dàng bị phản bác nhanh chóng. Nhưng công bằng mà nói thì, tất cả những lập trường cực đoan và tuyệt đối thì vẫn luôn có nhiều phản ví dụ. (Yeah). 
Trong đầu tôi vẫn còn nhiều suy nghĩ lộn xộn, nhưng bây giờ chưa tới 9 giờ sáng và tôi đói quá, nên chắc sẽ viết lan man tiếp một ngày nào đó trong tương lai. Tôi sẽ chèn một câu trích dẫn vào thay đoạn kết bài: 
If the human brain were so simple that we could understand it, we would be so simple that we couldn't. - Emerson M. Pugh