Bạn có từng vào mỗi đêm nằm đắp chăn và nghĩ : " Thời gian trôi qua quá nhanh, liệu một ngày nào đó mình sẽ cạn kiệt quỹ thời gian ? ".
Để tôi đoán, khi đó cảm giác trống rỗng sẽ khiến bạn co mình lại để lẩn tránh nỗi sợ rằng cuộc đời mình vào một ngày nào đó sẽ kết thúc. Và điều đó, tạo nên sự tủi thân trong cảm xúc của bạn.
Nhưng qua thời gian, hãy thử để ý mà xem.
Bạn dần chấp nhận cái chết và đôi khi suy nghĩ về nó tới thì bạn lại cười xòa và tự nhủ : " Ồ, vậy thì mình cần phải sống một cuộc đời thật có ý nghĩa. ". Bản thân tôi cũng có hướng phát triển suy nghĩ như vậy.
Từ khi còn nhỏ tôi là một đứa trẻ hiếu động và thương cảm với vạn vật, để lấy ví dụ nhé. Một chiếc laptop ? Chiếc laptop của cha mà tôi hay dùng để xem doraemon khi còn nhỏ, nó được đặt tại phòng riêng của tôi khi còn ở khu nhà cũ. Lúc đó, mỗi khi nhìn vào nó tôi luôn có suy nghĩ rằng một ngày không xa chiếc laptop này sẽ hỏng, và rời xa mình. Đó là tôi, còn với những người khác  thì có thể là con gấu bông, chiếc xe đồ chơi hay thậm chí là bộ  bài Yugioh mua ngoài cổng trường.
Do vậy, mỗi khi cảm xúc tủi thân dâng trào lên, đó sẽ là lúc tôi tìm tới người luôn an ủi mỗi khi tôi buồn. Không ai khác ngoài cha, ông luôn nhận những câu hỏi trẻ thơ từ tôi, và câu hỏi hay nhận được nhất đó chính là : " Liệu chiếc laptop của con có chết ? Bố tăng tuổi thọ cho nó đi. " và cha tôi vô cùng thoái mái thừa nhận ông là nhà khoa học, và có thể làm mọi thứ kể cả "tăng tuổi thọ" cho laptop.
Không biết mọi người ra sao, chứ tôi thì bị ám ảnh rất nhiều khái niệm cái chết, đến nỗi tôi còn đem nó ra dọa mấy đứa nhóc họ hàng mà tôi thường hay chơi cùng. Phần nhiều lí do vẫn là bởi... cha tôi ! Ông luôn hỏi những câu như kiểu : " Sau này cha mẹ già con có nuôi cha mẹ không ? " hay " Một ngày lỡ bố bị xe tông thì con phải nuôi mẹ đấy ", đó là những gì ông nói với một đứa trẻ bảy tuổi. Và tôi đoán lí do là bởi ông thương gia đình tôi... hoặc một phần nào đó có lẽ đôi khi ông cũng trăn trở về cảm giác " tủi thân" như tôi đã nêu trên ? Thậm chí em tôi cũng như vậy, nhưng câu hỏi lại được biến tấu theo dạng : " Một ngày nào đó cha sẽ bấc rạp cho ông bà nên tiền này không mua đồ chơi được. ".
Từ đây tôi mới rút ra được một kết luận, có lẽ chúng ta không thực sự sợ một ngày mình đi bán muối mà sợ cảm giác mất đi cuộc sống hiện tại, mất đi những thứ xung quanh mình. Nên mỗi khi suy nghĩ đó tới, nếu bạn còn nhỏ thì bạn sẽ ôm mặt buồn rầu và nếu đã lớn, thì sẽ lắc đầu mà bỏ qua. Nhưng, thực tế  suy nghĩ đó vẫn luôn tồn đọng và tạo thành một thứ mất thời gian cho bạn.
Đó là ý kiến của một người theo chẳng theo hay tin vào thứ gì ngoài chính bản thân mình như tôi. Còn với những người theo tôn giáo và tin vào tâm linh, có lẽ việc giải quyết những suy nghĩ đó sẽ dễ dàng hơn chăng ? Thậm chí là không bao giờ phải đau đầu hay buồn bã khi họ đã lí giải được câu hỏi : " Sau khi chết chúng ta đi về đâu ? ".
Vậy thì, để độc giả không bình luận : " Tại sao rõ ràng lời văn phải nhét vào mục truyền cảm hứng, mà nó lại ở mục tranh luận ? ". Tôi xin phép được vào thẳng chủ đề sau một màn kể chuyện dài lan man.

Nếu lập trình lại não bộ của chúng ta sau khi chúng ta chết thì liệu chúng ta có sống lại ?

Trước hết xét về mặt Duy Vật.
Vật chất quyết định ý thức.
Đúng như vậy, giả dụ bạn trở thành nhà tài phiệt giàu nhất thế giới và thống trị mọi thứ bằng tiền của mình. Các nhà khoa học làm việc cho bạn đã tạo ra một cỗ máy có thể sao chép tới từng electron, nơron, dna blah blah gì đó mà tôi không biết, tóm gọn lại là chuyển giao tất cả những gì mà bộ nhớ của bạn có vào một chiếc máy tính.
Rất nhiều năm sau khi công nghệ con người đã phát triển tới mức có thể tạo nên một Homunculus đúng nghĩa với tất cả chức năng ngoại trừ một bộ não rỗng không có ý thức và chưa từng khởi động. Nếu còn duy trì được quyền lực, bạn sẽ được tiếp tục được chuyển giao ý thức từ máy tính vào Homunculus đó.
Việc này theo lý thuyết thì... có thể ?
Dự án Não bộ Con người (Human Brain Project) của Thụy Sĩ, hướng tới tạo ra chương trình máy tính có thể mô phỏng toàn bộ chức năng cơ bản của não, sử dụng các bóng bán dẫn thay cho nơron là một dự án có triển vọng cho vấn đề này nhưng không có tiến triển do trình độ công nghệ ngày nay còn hạn chế.
Và việc chúng ta phải làm đó là tạo nên một bản đồ thần kinh giống hệt với những gì bộ não của bạn có, hoặc đơn giản hơn như trong Altered Carbon bằng việc gắn một con chip lưu trữ ý thức vào sau gáy và nó sẽ đảm nhiệm việc kết nối ý thức của bạn với cơ thể bằng bộ não cơ giới là chip chứ không phải bộ não thực sự, điều này nghe có vẻ khả thi hơn rất nhiều so với việc tạo hẳn một Homunculus rồi lại phải sao chép ý thức vào tốn kém.
Nhưng những con số có thực sự tạo nên ý thức của chúng ta ? Hay thực ra nó chỉ biểu hiện cách bộ não hoạt động và cần một bộ não thực sự mới có thể khiến chúng ta thực sự tồn tại. Liệu, liệu khi được hồi sinh bằng công nghệ, chúng ta... có còn là chúng ta ?
Và...
Dẹp hết nó đi, khi tới với chủ nghĩa Duy Tâm.
Ý thức quyết định vật chất.
Chủ nghĩa này giải quyết tất cả mọi vấn đề bằng tư tưởng và đức tin của mình về một vấn đề nào đó.  Tôi không đề cập tới tư tưởng hay đức tin đó có thật hay không, mà sẽ chỉ lí giải theo logic của Duy Tâm.
Trên thế giới có đủ mọi loại tôn giáo với tư tưởng khác biệt về đích đến của ta, nhưng đều nhắc tới một vấn đề. Đó chính là linh hồn, Soul ! Quan trọng là tâm hồn.
Với mọi tôn giáo, linh hồn chính là phần không thể thấy của con người. Đó chính là thứ thuần khiết nhất và sẽ bắt buộc phải rời đi thế giới phàm tục khi mãn hạn visa nhập cảnh thế tục của một thế lực tâm linh, như trong truyện tiên hiệp trung quốc có những tiên nhân kinh qua nghìn vạn ức năm từ kiếp này qua kiếp khác để đắc đạo thành thần, gột rửa linh hồn qua thời gian lịch luyện tại nhân thế. Mọi câu chuyện đều xoay quanh cái vòng luân hồi vô tận, hay nước Trời theo thiên chúa giáo và miền cực lạc theo Phật Giáo. Thôi, xin phép nói tới đây, vì hiểu biết tâm linh của tôi còn hạn chế và cũng sợ bị ăn gạch.
Còn...
Lí giải theo cách nghĩ của tôi thì linh hồn giống như một thực thể nằm trong chiều không gian 4D vậy, nó cũng được lập trình theo quy tắc của chiều không gian đó khiến chúng ta không bao giờ có thể nhìn thấy cho dù liên kết với nó. Và khi con người có thể kiểm soát được mối liên kết đó thì mọi việc đã được giải quyết ổn thỏa, ghép mối liên kết đó vào một cơ thể thì chúng ta sẽ được hồi sinh. Do vậy, đôi lúc tôi lại nghĩ rằng tất cả mọi thứ trong Duy Vật có tồn tại và nó nằm ở một tầng khái niệm cao siêu mà kể cả tới lúc con người tận diệt có lẽ cũng sẽ không thể phát hiện ra được. Ví như câu chuyện Thực Tại vỡ vụn, và các nhân vật trong câu chuyện mà chúng ta đọc nhảy ra làm thực tại lẫn lộn, các lớp vô hạn thực tại xảy ra vô hạn xiên vẹo làm không gian và thời gian xen lẫn với nhau khiến mọi thứ vỡ vụn. Hơi lạc đề nhỉ, nhưng thực tế đó là những thứ con người không thể hiểu được ở thời điểm hiện tại.
Đó là những gì tôi nghĩ, bài viết quá một nửa là tâm sự về cái chết hê hê. Dù sao thì chúc các bạn một ngày tốt lành !
Nếu bạn có ý kiến của riêng mình hãy comment ở phần bình luận để chúng ta và tôi, có thêm nhiều hiểu biết về quan niệm của mỗi người.