Cô: Làm sao để có một tình yêu tuổi học trò "đẹp" và "đúng đắn" ??
Bạn nhỏ: Dạ phải gắn tình yêu với học tập.
Cô: Nghiã là hai bạn phải cùng nhau học tốt phải không ?
Bạn nhỏ: Dạ nghĩa là bạn đó "giỏi" môn nào thì mình phải "dở" môn đó.
Cô: Nếu như hai bạn đều học giỏi cùng môn thì sao?
Bạn nhỏ: Vậy thì mình phải giả vờ "học dở" môn đó để bạn chỉ lại cho mình
Thiệp 20.11 siêu yêuuuu
Nếu có ai hỏi nàng, nghề nghiệp nào "mặn" nhất hành tinh, nàng sẽ không ngại ngần mà trả lời, đó chính là nghề dạy học. Cuộc đời nàng hai mươi mấy năm qua, nàng chứng kiến không biết bao nhiêu là những chuyện vui có, buồn có của cái nghề cầm phấn. Việc sinh ra trong một gia đình có truyền thống đi dạy, với nàng, đó là một điều may mắn. Cái thuở "chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm" là những câu chuyện xưa nhưng không bao giờ cũ về cái nghề vất vả mà lương thì ba cọc ba đồng. Bố mẹ nàng kể rằng ngày xưa người ta bỏ nghề nhiều lắm. Vì sao ư? Vì khổ quá. Ngày xưa, bố mẹ nàng gặp và yêu nhau cũng là từ cái duyên của nghề, vì tình nguyện tham gia đoàn giáo viên kết nghĩa giữa các tỉnh, rồi xung phong đi dạy ở nơi vùng sâu vùng xa. Nhiều tháng trời đi dạy mà không được trả lương. Hằng ngày chỉ sống bằng củ khoai, con cá mà phụ huynh sai học trò đem sang cho.
Làm nghề giáo có nhiều "đặc quyền" mà không phải nghề nào cũng có. Thời xưa thì được học trò mến kiểu hồi xưa, thời nay thì được học trò mến kiểu hồi nay. Thời mẹ nàng dạy ở cái miệt rừng cây um tùm, nhà cửa thưa thớt, bữa nào mưa gió thì lên lớp cả cô cả trò mặt mày lấm lem bùn đất. Dạy xong chiều mấy cô kéo nhau đi xuồng trên sông dạo mát, học trò con trai lớn già đầu tầm lớp 9 lớp 10 đi vệ sinh ngồi chồm hỗm trên cái cầu cá che tấm bạt tạm bợ giữa sông, thấy cô giáo thì mừng quá, gọi í ới vẫy tay liên hồi, nào có biết bà cô trẻ măng mới ra trường tuổi tầm hai mấy mặt đỏ bừng vì ngại. Thời xưa sợ thầy cô thấy mồ. Thầy cô nói một thì không dám nói hai. Thời nay thì học trò với thầy cô gần gũi như bạn. Bạn nàng năm nay lần đầu chủ nhiệm, 6h sáng Messenger báo có tin nhắn từ một con bé tự đặt nick name là "Đừng bỏ bữa nha Cô". Nó tự đặt biệt danh vậy để mỗi lần nhắn tin cô là muốn cô nhớ ăn uống cho điều độ. Còn 10h đêm mệt lắm rồi định bụng đắp nạ đeo phone đi ngủ thì Messenger lại réo có thông báo. "Nể cô lắm con mới kể cô nghe đó... Nhỏ giận con rồi cô à.... Chiều này con lỡ cười với một chị khóa trên....". Thế là cô không nghe phone hay đắp nạ nữa, ngồi bật dậy và tập trung cao độ, thoáng chốc hóa thân thành chuyên gia tư vấn tâm lý bất đắc dĩ cho cậu chàng trên Instagram chỉ follow đúng 2 người là bạn gái và cô chủ nhiệm...
Đi dạy có nhiều cái cười ra nước mắt. Hồi xưa còn là sinh viên năm 3 đi kiến tập là đứa nào đang tóc vàng tóc nâu lật đật lo đi nhuộm đen lại hết. Hoặc kiểu, kết thúc tập sự là lo dọn Facebook rồi. Sợ ảnh dìm mình bị lọt ra, cũng sợ mấy bài đăng xàm xàm thời trẻ trâu bị "giang hồ" phát hiện. Comment trên mấy bài đăng là bắt đầu thảo mai hẳn ra, đám bạn thân có lỡ nói bậy cái gì là vào inbox chúng nó, biểu mày làm ơn gỡ dùm tao, tao sợ học trò tao nó thấy.  Bạn nàng đi chơi với người yêu thì vào ngay quán học trò làm thêm, nó cười cười rồi bảo, "người yêu cô đẹp trai đó nhe", xong cho luôn vài cái voucher giảm giá. Ông nội cô cũng không dám ghé lại lần hai, ngại thấy bà nội luôn á.  Dạy ngay lớp người yêu cũ thì đụng mặt thằng em trai người yêu cũ cứ nhìn cười cười. Bữa nọ không biết lú lẫn sao lại gọi thằng em phát biểu mà nhầm sang tên thằng anh. Ta nói không còn cái lỗ nào chui xuống... Bố nàng từng cầm viên phấn đưa lên miệng định hút vì thời gian đó đang cai thuốc nên bị ghiền quá hóa lẫn. Mẹ nàng thì từng giữ lại cây roi mây bị gãy năm xưa chuyên trị một anh quậy nhất lớp, rồi tặng ảnh nhân dịp ảnh cưới vợ.... Liệt kê ra thì, cả ngày trời nàng cũng không hết chuyện kể.
Con gái, con trai hai mấy tuổi đầu như nàng hồi mới ra trường tự nhiên lòi ra mấy chục đứa con. Mình không lớn hơn nó bao nhiêu, mà đứa nào cũng kêu thầy kêu cô rồi xưng con ngọt xớt. 
Bạn nàng 25 tuổi thôi mà đã có mấy chục "đứa con" 16 tuổi rồi
Bữa nào đi dạy điệu điệu make up tí, mặc bộ áo dài mới, y như rằng tụi nó la làng lên mà ghẹo: "Uôi nay cô lạ lạ nha, nay đẹp đẹp nha". Còn mấy thầy mà đẹp trai cute xíu, than ôi mấy con bé nó chả chịu học mà cứ suốt ngày gửi thư tình đến độ thầy mỗi ngày đến lớp tim đập chân run. Oách nhất là mấy đứa bạn nàng, dân Toán Lý Tin chơi game hơi bị đỉnh cao. Đám mấy đứa trò lười học mê game quá, thầy tuyên bố đứa nào có tiến bộ thầy giúp cho leo rank. Trời ơi thế là tụi nhỏ chăm học bất ngờ, bạn nàng thì từ ông thầy khó tính hay rầy la nay thành idol trong lòng tụi nhỏ. Xịn xòoooo
Nguồn: Group Cháo hành miễn phí
Một năm thì nhà nàng có 2 dịp đông khách nhất. Một là tết, hai là 20/11. Mà mấy dịp đó nàng giúp bố mẹ trả lời tin nhắn cũng mệt xỉu. Nhà nàng mỗi mùa 20 tháng 11 cứ hệt như cảnh mấy quán mì cay đông nghẹt khách. Kiểu mấy quán mì có để một hàng ghế ngay cửa, khách trong này ngồi ăn khách ngoài kia ngồi đợi. Nhà nàng gần như vậy, học trò trong này ngồi chưa nóng đít, bên ngoài đã thấy mấy tốp khác thấp thoáng đứng đợi, có học trò vào ghế đá ngồi sẵn, đợi tốp này ra về, có chỗ trống là tốp kia vào ngay. Có những cái duyên đời này sang đời khác. Như bố nàng dạy đời cha, rồi đến đời con cũng dạy, vào lớp dạy con mà gọi tên ông cha không. Cũng có chuyện bố nàng dạy ông thầy kia hồi xưa, đến lượt mười mấy năm sau ổng dạy lại nàng, rồi giờ thì tới nàng dạy con ổng. 
Nàng từng đọc một câu, rằng "chúng ta hạnh phúc vì chúng ta có giá trị với ai đó". Nếu vậy thì, nàng tự nhận rằng giáo viên là một nghề vô cùng hạnh phúc. Mỗi ngày đến trường, bước vào cánh cửa đó, mọi gánh nặng cần được để lại ở bậc cửa, ta bước vào lớp với một tâm thế tự tin và thoải mái. Ta bắt đầu một trải nghiệm mới với việc biểu diễn làm sao để chinh phục những khán giả lười biếng nhất, nghịch ngợm nhất,... Phải làm sao để mấy chục vị khán giả bên dưới cảm thấy yêu thích việc học, cảm thấy việc đến trường và ngồi ở đây, ngay giây phút đó chính là hạnh phúc. Thành công của việc dạy, chưa tính đến mục tiêu gì lớn lao, trước mắt, là làm cho học trò thích học đi cái đã. Hơn hết, ta thấy mình hạnh phúc vì ta có giá trị với bọn nhỏ. Ta thấy lời mình nói có sức nặng, điều mình chia sẻ có ích lợi. Chỉ cần một nụ cười và cái gật gật của cậu học trò nhút nhát khi ta hỏi đã hiểu bài chưa, chỉ cần nhóc bàn chót hôm nay không đi muộn như thường lệ, chỉ cần con bé xinh gái bàn ba nay không tô son đỏ chót nữa, chỉ cần thằng bé học giỏi nhất lớp nay vui vẻ nhận bài kiểm tra mà không so đo hơn thua điểm số như mọi ngày,.... chỉ cần thế thôi. Ta thấy mình hạnh phúc!
Đã từng nghe rất nhiều bậc tiền bối tâm sự, tất cả đều trả lời đúng một đáp án khi nàng hỏi rằng làm sao họ vượt qua được những khó khăn của nghề, cái nhìn đầy nghiêm khắc của xã hội, áp lực từ thành tích mà cấp trên đưa xuống, áp lực từ phụ huynh..... Và câu trả lời là: Điều duy nhất giữ họ ở lại với nghề, chính là học sinh mà thôi. 
Tụi nhỏ sợ bạn nàng có người yêu rồi sẽ hết yêu tụi nó nữa
Nàng đã luôn băn khoăn, mình muốn trở thành một giáo viên như thế nào? Mình tâm niệm điều gì cho chặng đường đầy thử thách ở phía trước. Với kinh nghiệm và tuổi nghề non nớt của nàng, nàng hy vọng bản thân có thể thực hiện được 3 điều: công bằng, truyền cảm hứng, tôn trọng sự khác biệt. 
Tại sao trẻ em được quy định phải mặc đồng phục khi đến trường? Ngoài những lý do như để thể hiện tính thống nhất, đặc trưng của từng trường (phân biệt các trường), tạo tính kỷ luật cho học sinh,… thì một lý do vô cùng quan trọng đó chính là tạo nên sự bình đẳng trong môi trường học đường. Có thể có em được sinh ra trong gia đình khá giả hơn, có em được sống trong một gia đình hạnh phúc hơn, có em học Toán giỏi hơn, có em xinh đẹp hơn,…nhưng việc mặc đồng phục, giúp học sinh cảm nhận rằng tất cả các em đều giống nhau, và không có sự phân biệt nào ở đây, không có khoảng cách nào giữa các học sinh, không có học sinh được mặc đồ hiệu hay học sinh phải mặc đồ lỗi mốt, không có học sinh được đối xử ưu ái hay học sinh bị ghét bỏ… Một môi trường học tập thật sự “trong lành” là khi tất cả học sinh được đối xử công bằng. Tất nhiên GV không thể hoàn hảo, không thể không mắc phải những sai lầm, và việc đòi hỏi sự công bằng tuyệt đối 100% trong một lớp học dường như là điều không tưởng. Ta đôi khi vẫn yêu thích những học trò ngoan hơn học trò hư hỏng, đôi khi vẫn thiện cảm những học trò trông xinh xắn sạch sẽ hơn những học trò trông nhơ nhuốc và lem luốc, đôi khi vẫn không hài lòng trước thái độ kênh kiệu hay cá tính quá mạnh của những học trò “đặc biệt”… Tuy vậy, đã là một người thầy, việc tâm niệm trong đầu rằng cần phải đối xử với tất cả học trò với một thái độ như nhau, yêu thương các em như nhau sẽ giúp người thầy hướng mình đến sự công bằng, một cách tiệm cận nhất. Ta hãy nhìn cách mà huấn luyện viên Park Hang Seo ôm và xoa đầu từng cầu thủ sau mỗi trận đấu. Dù đó là một Quang Hải hôm nay tỏa sáng trên sân cỏ hay là một Công Phượng hôm nay sa sút phong độ, dù đó là Tiến Dũng hôm nay 90 phút ra sân hay Văn Toàn hôm nay phải cầm chân ngồi ghế dự bị, ông đều xoa đầu và ôm chặt từng người học trò. Không thiên vị bất cứ một ai, nếu sai thì Công Phượng vẫn bị trách phạt như thường chứ chẳng phải vì anh trước đây là ngôi sao nổi tiếng nhất mà được thầy ưu ái. Và nếu những trò hôm nay không ra sân, không ghi được một chiến công nào, thầy vẫn ôm chặt như một sự động viên khích lệ, cảm ơn trò đã tin tưởng thầy, chấp nhận chờ đợi, “giấu” mình chờ thời cơ khác cho trận tới. Thầy ôm những người hùng của hôm nay nhưng vẫn không quên những người hùng của những trận trước hay cả những trận sau này.
Người thầy giỏi không chỉ là người dạy học sinh tri thức, dạy học sinh làm người mà còn là người truyền cảm hứng. Truyền cảm hứng ở đây có thể là sự tâm huyết với nghề, ra sức tìm tòi sáng tạo, đầu tư cho từng tiết dạy để truyền cảm hứng cho học sinh về bài học. Truyền cảm hứng có thể là truyền nguồn năng lượng tích cực và sự lạc quan, tin yêu vào cuộc sống. Người thầy truyền cảm hứng là người giúp học sinh thay đổi theo chiều hướng tích cực, tin vào khả năng của bản thân, biết nỗ lực hết mình để biến ước mơ trở thành hiện thực. Muốn trở thành một người truyền cảm hứng thực thụ, trước hết, người GV phải biết bỏ lại hết những gánh nặng của chính mình bên ngoài cánh cửa lớp học, bước vào lớp với một tâm thế tự tin và tràn đầy năng lượng, không để việc cá nhân ảnh hưởng đến tiết dạy của mình. Sau đó, GV phải cho học sinh thấy được niềm tin vào những điều tích cực trong cuộc sống. Bản thân người thầy cũng cần là một tấm gương. Một người thầy ăn mặc luộm thuộm khi lên lớp, hay suốt ngày uể oải nhăn nhó, hoặc thường xuyên phàn nàn phán xét mọi thứ, luôn nổi cáu vá quát mắng trong tiết học sẽ không thể trở thành một người truyền cảm hứng và năng lượng tích cực cho học sinh của mình. Có những người thầy, chỉ bằng vài câu nói, mà học sinh khắc cốt ghi tâm, tâm niệm và phấn đấu theo lời thầy sau này và thậm chí suốt cả cuộc đời. Năm 2017, cậu bé Minh Nhật thi vòng giấu mặt của The Voice Kids nhưng không được chọn. Một năm ròng ôn luyện, năm 2018, với niềm đam mê ca hát, em quyết định quay trở lại sân khấu The Voice Kids nhờ lời khuyên trước đây của nữ ca sĩ Vũ Cát Tường làm động lực: “Con sẽ xứng đáng nhận được điều tốt nhất nếu con mạnh mẽ đấu tranh đến cùng”. Tất cả mọi người đều bất ngờ trước lần quay trở lại này của em. Và em chia sẻ, chính lời động viên đó của nữ ca sĩ, đã giúp em cố gắng trau dồi, chờ đợi một năm để quay trở lại, chinh phục các huấn luyện viên một lần nữa. Và em đã được nhận cả 3 nút chọn của cả 3 đội cho lần quay lại ngoạn mục này. 
Cuộc đời là sự dung hoà của nhiều cá nhân. Tôn trọng sự khác biệt là tôn trọng chính mình. Ta không thể bắt một con cá chạy bộ, hay một con hươu xuống nước bơi. Mỗi cá thể trong xã hội được cấu thành từ sự đa dạng trên nền tảng sẵn có. Xã hội có nhiều người ưu tú là nhờ vào những người bình thường. Bản chất của cuộc sống, của thế giới là sự đa dạng, phong phú, nhiều màu sắc. Mỗi người là một cá thể riêng biệt, độc đáo không trộn lẫn, không lặp lại. Ngay cả những cặp anh chị em sinh đôi, có cùng cha mẹ, cùng hưởng thụ một cách nuôi dưỡng, một nền giáo dục gia đình, cũng không hoàn toàn giống nhau, thậm chí sự khác biệt cũng rất rõ nét. Người thầy biết tôn trọng sự khác biệt ở học sinh là người chấp nhận mỗi học sinh đều có một năng khiếu đặc biệt, không có học sinh nào là bất tài, cần tập trung vào tìm hiểu và giúp học sinh phát huy thế mạnh của riêng mình. Tôn trọng sự khác biệt còn là tôn trọng những ý tưởng độc đáo, khích lệ những bài làm, những ý tưởng thể hiện được góc nhìn và quan điểm cá nhân của người học. Ngoài ra, tôn trọng sự khác biệt còn thể hiện ở việc người thầy biết lắng nghe, biết thấu hiểu và sẻ chia. Học sinh được tôn trọng những gì vốn có thuộc về bản thể của mình, được là chính mình, được khích lệ để nói lên những suy nghĩ và cảm nhận của cá nhân mình, được bồi dưỡng những năng lực riêng biệt sẽ là cơ hội giúp họ học được cách yêu quý và trân trọng bản thân mình, tự tin trong cuộc sống, yêu thích việc đến trường và nỗ lực để ngày một trở thành một phiên bản tốt hơn.
Bố mẹ sống xa quê mấy chục năm. Một năm, thường cả nhà nàng về quê ít nhất 2 lần, nghỉ Tết và nghỉ hè. Thuở nàng còn nhỏ, khi chưa có sự phát triển của những hãng vé máy bay giá rẻ như bây giờ, tôi rất ít khi được đi máy bay. Cả nhà phải mất nhiều giờ ngồi tàu, xong rồi ngồi xe đò. Thường là sáng sớm bắt đầu đi, chiều xế mới tới.
 Trên chặng hành trình dài đó, nàng thích nhất là khúc đi qua phà Vàm Cống. Mỗi khi dòng xe, dòng người lần lượt lên phà ổn định rồi, chiếc phà to lớn nổ máy xập xình rồi, nàng và bố sẽ bước xuống xe, tiến dần về phía đầu phà, đứng ở đó hóng gió. Khi ấy, bố tranh thủ hút điếu thuốc, con tranh thủ ngó ngó coi có "dì ba dì bảy" nào bán trứng cút nước mía gì hông. 
Cách đây hơn chục năm, trong một chuyến đi như bao chuyến đi thường lệ khác, trong một cảm giác khoan khoái đứng hóng gió ở đầu phà, nàng lặng lẽ ngắm lục bình trôi vì không tìm thấy "dì ba dì bảy" nào. Khi nàng đang đứng cùng bố, thì bất giác, hai bố con nghe tiếng gọi từ phía xa xa, tiếng được tiếng mất: "Thầy ơi !! Thầy ơi thầyyyyyyyyy...". Mất vài giây, bố con nhìn về phía đối diện, cách tầm hơn chục mét (nàng rất dở ước lượng khoảng cách), ở một chiếc phà đi từ hướng ngược lại, ở phía đầu phà, một chị gái mặc áo màu đỏ đang vừa vẫy tay vừa cố gọi. Hướng chị nhìn là hướng về hai bố con. Hình như bố đã nhìn ra chị, nheo nheo mắt, vươn người tới để nhìn kĩ, bố đoán nếu đi hướng đó thì có thể chị học trò học ở Sài Gòn về nghỉ tết. Vậy là bố giơ tay vẫy lại chị. Chị gật gật đầu rồi tay lại vẫy vẫy. Chứng kiến sự việc, nàng thì khỏi phải nói, khi bố xác nhận chị áo đỏ đang vẫy chào hai bố con chứ không phải ai xung quanh khác, chỉ chờ có thế, nàng quyết định phụ giúp bố chào chị thật nhiệt tình, vừa vẫy tay vừa lắc mông, miệng cười hết cỡ, đặt hết tâm ý lòng thành nàng vào cái vẫy tay...
Hai bên cứ như vậy, vẫy tay chẳng mỏi, gió thổi tóc nàng bay bay.... Hai chiếc phà di chuyển từ từ đi xa nhau hơn, bóng chị cũng khuất dần, khuất dần....
Chuyện chỉ có vậy đó, một câu chuyện rất đỗi bình thường, vậy mà nàng ấn tượng mãi. Nếu là ở nơi gia đình nàng đang sống, thì việc bố hay gặp học trò, thầy trò chào nhau là bình thường. Nhưng mà trong suy nghĩ non nớt khi ấy của nàng, ở nơi xa lạ như vậy, trong chuyến hành trình dài mệt mỏi, trong hoàn cảnh đặc biệt như vậy, khi chẳng ngờ tới, tự nhiên gặp chị học trò chào bố, nàng thấy ấm áp và hạnh phúc đến lạ! 
Tuổi thơ nàng lớn lên, góp vào làm nên những ký ức của nàng là hình ảnh, câu chuyện, niềm vui cùng rất nhiều thế hệ anh chị học trò. Từng là em bé cưng ú nu được mấy anh chị tranh nhau ẵm bồng, từng lon ton theo bố mẹ đi lên lớp rồi ngồi chiễm chệ ở ngay bàn đầu, từng vẽ công chúa lên bìa sách của mẹ để rồi mấy anh chị được trận cười bò khi mẹ vô tình cầm cao quyển sách, từng nghe riết đến thuộc lòng định lý Pytago mà ngọng nghịu đọc như một con vẹt trong khi chưa biết đánh vần,.... Tuổi thơ nàng là rất nhiều những lần đã "từng" như thế.
Mai sau, nàng nhất định phải "vip" hơn cả bố mẹ.. Biết đâu, khi đang cùng chồng con đi trên một chuyến phà/ chuyến xe/ chuyến trực thăng/ chuyến tên lửa.... nào đó. Con của nàng sẽ thấy "cực kì ngạc nhiên và phấn khích" như nàng năm xưa, khi thấy một "chị áo đỏ", hay "anh áo hồng", "em áo dạ quang"....nào đó....đang vẫy vẫy chào mẹ nó.
Quà của nàng
Viha, 
20.11.2020.