Rất nhiều người nói về triết lý sống an yên, coi bản thân là cỏ lá, từ bỏ đố kị đua tranh cuộc đời. Nhưng có một sự thật là con người phải nếm đủ sóng gió rồi mới dám mơ về an yên hạnh phúc, chỉ có các bậc lão đại mới có khái niệm gác kiếm nghỉ tay.
Còn trẻ, còn khoẻ, mơ về bình an để làm chi?

Muốn bình an chỉ vì lười. 
Có phải dạo này người trẻ chúng ta sống dễ quá không? Được chiều quá không? Xã hội thì hiện đại, cuộc sống tiện lợi, muốn ăn gì chỉ cần bấm điện thoại là có, muốn đi đâu cũng có xế tới chở tận nơi, khó khăn như kiếm việc làm cũng chỉ cần nhấp vài click là có biết bao cơ hội, tới CV mà cũng có mẫu cơ mà. Sống dễ như vậy, hỏi vì sao con người ta đâm ra suy nghĩ chây ì. Đụng vào cái gì cũng thấy ngại thấy lười thấy khó quá thì bỏ qua.
Nhà Minh Khai mà làm việc ở Láng thì xa qua, Trường Chinh vừa tắc vừa bẩn, ngại, nghỉ.
Có ý tưởng đây rồi, mà bây giờ phải làm cả bản kế hoạch cơ, rồi còn phải nghe góp ý phản biện, mệt, bỏ.
Sếp giao cho project quan trọng, mà số liệu nhiều quá, chắc phải tổng hợp mất mấy ngày, lười, rút.
Thậm chí ngay đến lúc bị đồng nghiệp chơi xấu, quyền lợi bị ảnh hưởng mà cũng ngại lên tiếng, lười cãi vã mà bỏ qua.
Muốn bình an vì không có khả năng.
Sự thật thì mất lòng. Giống như khi chúng ta nói muốn an yên đôi khi chỉ là cái cớ của những người không có khả năng để tranh đấu. Đơn giản như câu chuyện con cáo vì không hái được mà chê chùm nho xanh quá, chúng ta đôi khi chỉ tự an ủi bản thân rằng mình không cần một thứ chỉ vì mình không có khả năng có được nó.
Bạn nói bạn không muốn sống ở thành phố lớn vì không muốn xô bồ, nhưng thực ra là bạn không có đủ tự tin.
Bạn nói bạn không muốn phấn đấu cho vị trí leader vì áp lực, nhưng thực ra bạn không có năng lực.
Bạn không ứng tuyển vào một công ty lớn vì không muốn làm việc gò bó, nhưng thực ra là do CV chưa đủ đẹp.
Muốn bình an vì kiêu ngạo.
Con nhà lính nhưng thỉnh thoảng tính nhà quan. Chân vẫn chạm đất nhưng đầu óc vẫn ở trên mây trên gió. Chúng ta đôi khi tự cho mình đặc quyền hơn người khác nên được quyền an nhàn thảnh thơi, kết quả thì vẫn muốn nhưng cố gắng lại không cần.
Có bằng đỏ trường top rồi, chả cần làm CV đẹp nữa đâu.
Ý tưởng là của mình rồi, việc triển khai thì cứ để người khác.
Plan không được duyệt cũng chả sao, mình vẫn là đứa có năng lực.
Triết lý an yên tưởng như rất hay ho bỗng trở thành tấm bài cho một đám người tự cao tự đại, cho mình là chuẩn, là nhất “Bản thân là tiên giáng trần nên không cần sân si với người trần mắt thịt” ???
Muốn bình an thì chỉ có an phận dưới đáy.
Chúng ta tự huyễn hoặc bản thân bằng các “phép thắng lợi tinh thần” như thế rồi yên bình sống trong chiếc ao làng, không màng tới chuyện nước trong hay đục.
Chúng ta là những người trẻ, tiền không có, quyền lại càng không, chả có gì ngoài thời gian và sức lực. Bỗng nhiên lại phải phung phí nó vào … chả việc gì.
Đừng bảo rằng bạn muốn sống chậm, nghĩ khác trong khi bạn chưa từng thử hoà mình vào nhịp sống hiện đại. Làm sao bạn có thể hiểu được đâu là thanh tĩnh, là bình yên khi chưa một lần trải qua chốn ồn ào vồn vã.
Cũng đừng nói rằng khả năng bạn có, chả qua là không muốn sân si. Người ta muốn nói gì mà chẳng được, tin hay không là chuyện của hành động và kết quả. Mà kết quả không có tức là không có khả năng
Người ngồi bệt thì chắc chắn sẽ không bao giờ ngã, nhưng kẻ ngồi giữa một đám đông vận động tất nhiên sẽ bị che lấp, bị lãng quên, thậm chí là chà đạp.
Giống như cách chúng ta thả một hòn sỏi vào lòng chảo, cho dù xáo động mấy thì nó vẫn an phận ở bên trong, nhưng là ở dưới đáy. Tuy nhiên khi chúng ta đặt úp chảo và để nó ở trên đỉnh, một xáo động nhỏ cũng dễ dàng khiến nó rớt ra ngoài.
Bạn thành công, đứng ở đỉnh cao thì phải chấp nhận bão tố. Bạn có thể thất bại, có thể gục ngã, có thể rất khó khăn để trở lại, nhưng người trẻ chúng ta có gì hơn ngoài thời gian cơ hội và sức trẻ? Còn lúc nào tốt hơn để ngã xuống để đứng lên, thất bại để thành công tiếp tục?
Vậy, chúng ta muốn muốn mãi mãi là kẻ ở đáy hay thử sức mình để được đứng ở đỉnh vinh quang?