Khi 19 tuổi, lần đầu tiên tôi đã hiến máu, do tò mò. Kể từ đó, tôi đã ủ mưu là sẽ hiến máu đều đặn, mỗi năm vài ba lần, sau khi tìm hiểu ý nghĩa của hoạt động này.
Ảnh chôm trên mạng
Và kỷ niệm hiến máu đáng nhớ nhất là lần thứ 8, cách đây hơn 5 năm, cho một bà cụ bị ung thư dạ dày di căn. Tôi thấy bài đăng trên facebook của một anh trong đội máu, là có bệnh nhân cấp cứu cần truyền đúng nhóm máu của tôi. Không nghĩ nhiều, tôi hỏi được thông tin liên lạc của người nhà bà cụ và phi 5km vào bệnh viện bằng em xe đạp chiến. Mặc dù mới trước đó nửa tiếng, tôi đạp 30km từ nhà tôi tới nhà trọ gần trường. (Công nhận hồi đó mình trâu bò thật hiha)
Giữa trưa, tới viện, tôi phải đợi để kiểm tra và xét nghiệm trước khi lấy máu. Cùng với tôi còn có cháu nội của bà cụ, cùng tuổi tôi luôn (bạn ấy tên gì tôi đã quên béng mất rồi), sẽ cùng hiến máu cho bà. Lấy máu xong, tôi chỉ hơi hoa mắt một chút, còn bạn kia thì bị lên cơn co giật, bác sĩ phải tới ấn huyệt và cho bạn tu hai hộp sữa thì bạn ấy mới đỡ (trong khi trưa hôm ấy tôi không ăn gì, trâu bò tập 2). Hai đứa tôi ngồi nghỉ một lúc thì cùng nhau đi tới phòng thanh toán để nhận tiền theo quy chế. Vì bệnh viện cứ tưởng tôi là người nhà bà cụ như cháu bà nên tôi và bạn kia mỗi đứa được bồi dưỡng mấy trăm, tôi cũng quên là bao nhiêu rồi. Lúc đó quả thực tôi cũng chẳng để ý đâu, có thể cứu người là tôi vui lắm rồi.
Sau đó trở lại phòng cấp cứu. Tôi ngồi hỏi chuyện và bện tóc cho bà cụ. Còn bạn ấy chui vào nhà vệ sinh gọi về báo cho người nhà và tôi nghe tiếng gì đó sột soạt sột soạt. Lúc sau bạn quay ra và đưa tôi một phong bao, bảo là để cảm ơn. Ôi mẹ ơi, tôi đã bất ngờ và hơi buồn, khác gì tôi đi bán máu, trời ơi. Tất nhiên tôi nhất quyết không nhận. Không thể nhận. Tôi mới hướng sang những túi cam, vì nhà bà cụ ở Bắc Sơn, Lạng Sơn và lúc đó lại đang mùa cam nên có mang theo khá nhiều. Tôi bảo nếu bà cho cam thì tôi nhận chứ tôi không thể cầm tiền được. Thế là bà cụ bảo cháu bà gom hết tất cả số cam cho tôi. Tôi lúc này thì không thể chối nổi nữa mà xách tay hết chỗ cam về. Tôi với cháu bà cụ đôi khi vẫn hỏi thăm nhau nhưng chỉ trong vòng một tháng thì ngưng.
Cho tới một ngày, khoảng hơn 4 tháng sau, bạn ấy vô tình trông thấy tôi trong một bệnh viện khác. Khi tôi về nhà thì mới thấy tin nhắn bạn ấy gửi. Rồi tôi mới biết là bà cụ đã mất hôm mồng 2 Tết năm đó, tức là khoảng hai tháng sau khi tôi gặp bà trong bệnh viện. Tôi chẳng nói lời nào với bạn kia nữa, tự nhiên thấy bên trong định hình một khoảng trống. Cầu mong bà yên nghỉ.
Tôi vẫn xúc động nhớ lại cái ngày đông hanh khô đầu tháng 12 năm ấy. Cũng sau dạo đó, tôi đề ra mục tiêu cuộc đời là hiến máu 99 lần trước khi chết và mình sẽ trở thành siêu nhân, cứ vậy đi ha.
Cũng thú dzị quá chời đi chứ
Tới nay tôi đã hiến được 25 lần. Nhưng thực tế là cả năm 2019 tôi đã không đi hiến máu nổi một lần nào. Năm đó tôi đi làm ở Philippines, tranh thủ một ngày nghỉ, tôi tìm đường tới Hội chữ thập đỏ quốc gia, vừa tới nơi, người ở quầy đăng ký đã hỏi cân nặng của tôi. 48kg. Tôi bị "xua" đi vì tối thiểu phải là 50kg mới được hiến. Thế là tôi lủi thủi ra về trong hụt hẫng, suýt thì khóc.
Logo một chương trình hiến máu ở bển
Khoảng giữa năm ấy, tôi về nước nghỉ phép, nhanh nhảu tới Viện huyết học, háo hức đợi kết quả xét nghiệm thì được báo tin là tôi bị thiếu máu, nên lại được mời về. Nhoáng cái trôi qua một năm nữa, một thăm thất bại với công cuộc máu me của mình. Bù lại năm 2020 này, tôi đã lần đầu tiên được hiến tiểu cầu, vừa hồi đầu tháng 3 tại Viện huyết học. 
Lần thứ 25 của tui
Nếu như 24 lần hiến trước tôi đều hiến máu toàn phần và phải chờ mòn mỏi 3 tháng sau mới được hiến nhắc lại thì tin vui là nếu hiến tiểu cầu bằng máy chiết tách thì mỗi lần có thể hiến được 6 đơn vị tiểu cầu, trong khi người hiến máu toàn phần 450 ml tối đa chỉ điều chế được 1 đơn vị tiểu cầu. Hiến tiểu cầu theo hướng dẫn của bác sĩ sẽ không có hại, lượng tiểu cầu lấy ra sẽ được cơ thể tái tạo đầy đủ trong vòng 5 - 7 ngày.
Ảnh lấy từ FB của Viện huyết học truyền máu TW
Gần đây, do sự bùng phát dịch Covid-19 mà lượng máu dự trữ của bệnh viện giảm đi đáng kể và không đủ cho nhu cầu của người bệnh. Vậy nên, những người khỏe mạnh như chúng ta không thể cứ ngồi im mãi được. Nếu bạn cũng nghiện hiến máu như tôi thì hẹn bạn định kỳ tại Viện huyết học hay các điểm hiến máu gần nhà chúng ta nhất nha. Việc sống khỏe mạnh và trao đi những giọt máu của mình tới những ai cần nó với tôi rất thiêng liêng và khiến tôi thấy đời mình có ý nghĩa hơn. Vì với tôi thì:
Hãy cho đi khi còn có thể
Biết ngày sau còn có để cho
Cho đi là còn mãi 💜
Đó là cách tôi thể hiện tinh thần Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào của mình.