Trước khi được xem là người đặt nền móng cho phẫu thuật gan, trước khi được công nhận là người làm rạng danh nước nhà, trước khi tên tuổi gắn liền với giải thưởng danh giá về y học thì giáo sư Tôn Thất Tùng cũng chỉ đơn giản là cậu học trò có niềm đam mê mãnh liệt với ngành y, một người thầy thuốc luôn đặt tính mạng của bệnh nhân lên hàng đầu. Đó cũng là kim chỉ nam cho giáo sư trong suốt sự nghiệp của mình. 

Hành trình đến với nghề Y

Giáo sư Tôn Thất Tùng sinh ra tại Thanh Hóa và lớn lên ở Huế. Tận mắt chứng kiến cảnh tượng quan lại ở nơi mình sinh sống, ông đã quyết không theo nghiệp học làm quan mà ra Hà Nội học ngành y tại Trường Y - Dược, một trường thành viên của Đại học Đông Dương. Bởi lẽ theo giáo sư Tôn Thất Tùng, nghề y là một nghề "tự do", không phụ thuộc vào quan lại hay chính quyền thực dân.
GS. Tôn Thất Tùng giảng bài cho các sinh viên Y khoa tại Chiêm Hóa năm 1947
Dù vậy, cuộc sống học tập không diễn ra như ông mong muốn. Trong điều kiện học tập khó khăn, các thầy giáo Pháp chủ yếu chú trọng kiến thức sách vở, ít liên hệ tới điều kiện khí hậu và con người bản xứ, trang thiết bị thiếu thốn, lỗi thời. Bác sĩ bản xứ cũng không có cơ hội tham dự các kỳ thi nội trú vì chính phủ cầm quyền lo sợ họ có trình độ chuyên môn và tay nghề cao hơn sẽ lấn áp các bác sĩ của chính quốc. 
Bất bình trước việc này, vào năm 1938, giáo sư Tôn Thất Tùng đã kiên quyết đấu tranh đòi chính quyền thực dân phải tổ chức cuộc thi nội trú cho các bệnh viện ở Hà Nội. Ông đã trở thành người duy nhất trúng tuyển một cách xuất sắc trong kỳ thi khóa nội trú đầu tiên của trường, được nhận vào làm việc tại khoa ngoại của trường Y-Dược, tức là bệnh viện Việt - Đức hiện nay.
Cũng trong khoảng thời gian này, từ năm 1935 đến 1939, qua học tập, trao đổi với các đồng nghiệp, đặc biệt là khả năng quan sát, suy luận, giáo sư Tôn Thất Tùng đã phát hiện trong gan của một người bệnh có hàng chục con giun chui ở các đường mật. Với một dụng cụ thô sơ, chỉ bằng một con dao nạo, ông đã phẫu tích kỹ lưỡng cơ cấu của lá gan. Từ đấy, giáo sư đã phẫu tích trên 200 lá gan của các tử thi để nghiên cứu các mạch máu, vẽ lại thành các sơ đồ, đối chiếu chúng với nhau để tìm ra những nét chung. Trên cơ sở đó, ông đã viết và bảo vệ thành công luận án tốt nghiệp bác sĩ y khoa với nhan đề “Cách phân chia mạch máu của gan”. 
Với bản luận án này, giáo sư Tôn Thất Tùng đã được tặng Huy chương Bạc của Trường Đại học Tổng hợp Paris (Trường Đại học Y-Dược tại Hà Nội lúc bấy giờ là một bộ phận). Bản luận án được đánh giá rất cao và trở thành tiền đề cho những công trình khoa học nổi tiếng của ông. 
Có thể thấy, tinh thần khẳng khái, không cam chịu trước bất công và tài năng của giáo sư Tôn Thất Tùng đã được thể hiện từ khi còn rất trẻ. Cũng chính những điều ấy đã làm tiền đề để  khi trưởng thành, giáo sư có thể không ngừng cống hiến, phát triển nền y học Việt Nam.

Chữa lành nỗi đau chiến tranh 

Tháng Tám 1945, cách mạng bùng nổ ở Hà Nội. Cùng với anh em Việt Minh, giáo sư Tôn Thất Tùng đã tham gia cướp chính quyền của Pháp. Sau khi chính quyền non trẻ của nhân dân ta đứng trước việc phải khẩn trương chuẩn bị cho kháng chiến, ông được giao nhiệm vụ tìm kiếm thuốc men và dụng cụ y tế mang dần lên chiến khu Việt Bắc. Ở đấy, điều kiện sống và làm việc cực kỳ khó khăn, thiếu thốn, lại phải thường xuyên di chuyển song ông cùng gia đình và đồng nghiệp đã vượt qua, tham gia hầu hết các chiến dịch như Sông Lô, Hoàng Hoa Thám rồi Điện Biên Phủ để cứu chữa thương binh và nhân dân địa phương. 
Trong khoảng thời gian này, giáo sư Tôn Thất Tùng cũng được giao nhiệm vụ cùng giáo sư Hồ Đắc Di xây dựng trường đại học y khoa kháng chiến tại làng Ải, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Cuốn “Viêm tụy cấp tính và phẫu thuật” – cuốn sách y học đầu tiên của ông, cũng là cuốn sách y học đầu tiên được xuất bản dưới chỉnh thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là kết quả của hàng nghìn ca phẫu thuật do ông và các đồng nghiệp tiến hành qua các chiến dịch.
Bên cạnh đó, giáo sư cũng tham gia tổ chức điều trị, phát triển ngành y tế, đồng thời với việc nghiên cứu khoa học, đào tạo sinh viên, xây dựng nền tảng trường Y khoa Việt Nam. Ông đã cùng với các giảng viên và sinh viên dựng lớp, dựng phòng thí nghiệm duy trì hoạt động của trường trong những điều kiện hết sức khắc nghiệt. Nhiều công trình nghiên cứu của giáo sư đã được thai nghén và tiến hành chính trong hoàn cảnh khó khăn đó, tiêu biểu là việc sản xuất Penicillin phục vụ thương bệnh binh trong điều kiện dã chiến.
Đến thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, chất độc da cam được rải xuống từ quân đội Mỹ đã làm cho khoảng 4,8 triệu người Việt Nam bị nhiễm chất độc dioxin, hàng trăm nghìn người trong số đó đã qua đời. Dù vậy, vào thời điểm đấy, không ai biết được sự nguy hại của chất diệt cỏ này. 
Giáo sư Tôn Thất Tùng trình bày kết quả nghiên cứu 836 người từ chiến trường miền Nam bị rải chất độc tại Bệnh viện Việt-Đức năm 1973.
Giáo sư Tôn Thất Tùng, trong những lần phẫu thuật cắt gan và điều trị ung thư gan, đã nhận thấy những đặc điểm dị biệt ở gan của các thương bệnh binh được chuyển từ chiến trường miền Nam ra Bắc điều trị. Ông đã nghiên cứu trên 836 người từ chiến trường miền Nam bị rải chất độc, từ đó phát hiện ảnh hưởng độc hại của chất dioxin tới thế hệ tương lai về các mặt: thần kinh học, phôi thai học, di truyền học và bệnh lý thần kinh. 
Với sự hỗ trợ trong việc phân tích các công thức hóa học và tác hại của dioxin từ GS Bửu Hội - một giáo sư Hóa học, dần dần những phát hiện này của giáo sư Tôn Thất Tùng được chú ý, bàn luận nghiêm túc ở cả trong và ngoài nước. Điển hình như việc năm 1979 chính quyền Mỹ đã buộc phải chính thức đặt vấn đề nghiên cứu các tác hại của chất diệt cỏ đối với những cựu binh sĩ Mỹ đã tham chiến ở Việt Nam hay Hội thảo quốc tế về tác hại của các chất diệt cỏ đã diễn ra vào năm 1983 tại thành phố Hồ Chí Minh. 
Có thể nói, giáo sư Tôn Thất Tùng, bằng y học, đã góp phần chữa lành nỗi đau của thương binh, tạo dựng nền tảng cho ngành y Việt Nam khôi phục và phát triển sau những mất mát, thiệt hại do chiến tranh gây ra. Nói một cách khác, giáo sư Tôn Thất Tùng đã dùng y học để chữa lành nỗi đau chiến tranh.

Xây dựng nền y học hiện đại

Sau 80 năm bị thực dân Pháp đô hộ, đi kèm với 9 năm chiến tranh, Việt Nam đã không còn một bệnh viện nào. Số bác sĩ phẫu thuật thì ít ỏi, lại lạc hậu so với nền phẫu thuật thế giới. 
Trong hoàn cảnh đấy, các bác sĩ phẫu thuật miền Bắc, đặc biệt là giáo sư Tôn Thất Tùng đã ra sức hoạt động nghiên cứu. Những tác phẩm khoa học mới nhất được gửi từ Liên Xô, Đức, Trung Quốc, Pháp, Anh, Mỹ sang Việt Nam, nhiều nhà phẫu thuật trứ danh được mời tới Hà Nội. Một số chuyên gia Việt Nam được cử đi học bổ túc ở Matxcơva, Berlin, Bucharest… Giáo sư Tôn Thất Tùng cũng đi nghiên cứu nhiều chuyến ở Đông Âu, Ấn Độ, Trung Quốc…
Giáo sư Tôn Thất Tùng vào những năm 1970.
Từ năm 1954, giáo sư Tôn Thất Tùng giữ chức Giám đốc bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, và giữ cương vị Chủ nhiệm Bộ môn Ngoại Đại học Y Dược Hà Nội. Ông đề cao việc tiếp thu y học phương Tây để xây dựng và phát triển nền y học của Việt Nam, nghiên cứu bệnh tật và chữa trị cho người Việt Nam, đi đầu trong việc áp dụng các kỹ thuật phát triển ngành ngoại khoa Việt Nam.
Năm 1958, giáo sư tiến hành thành công ca mổ tim đầu tiên ở Việt Nam. 
Năm 1959, giáo sư phát triển khoa mổ sọ não và khoa ngoại nhi.
Năm 1960, giáo sư là người đầu tiên đề xuất và áp dụng có kết quả xuất sắc việc mổ gan bằng phương pháp Việt Nam. Vốn dành nhiều sự quan tâm về gan ngay từ khi còn trẻ, biết được rõ các cơ mạch trong gan, giáo sư đã nghiên cứu thành công phương pháp “cắt gan có kế hoạch” - một phương pháp hoàn toàn mới và hiện đại, khác hẳn với những phương pháp trước đây. Để ghi nhận công lao của người đầu tiên đã tìm ra phương pháp cắt gan này, người ta gọi đó là “Phương pháp mổ gan khô” hay “Phương pháp Tôn Thất Tùng”. 
Bên cạnh việc điều hành các bệnh viện, trung tâm y tế, giáo sư cũng dành thời gian bồi dưỡng một lực lượng cán bộ ngoại khoa kế cận, tạo điều kiện cho lớp trẻ vươn lên. Đối với sinh viên y học, ông luôn tâm niệm sự trung thực, hết lòng yêu thương người bệnh là cực kỳ cần thiết. Giáo sư rất coi trọng việc tiếp thu y học phương Tây trong nghiên cứu bệnh tật và chữa trị cho người Việt Nam, nhưng đồng thời cũng rất tâm huyết trong việc xây dựng và phát triển nền y học truyền thống nước nhà. Đem khoa học ở Việt Nam phổ biến và tuyên truyền ở nước ngoài, đồng thời đưa khoa học của nước bạn về nghiên cứu và áp dụng ở Việt Nam: Đó là hai nhiệm vụ mà giáo sư Tôn Thất Tùng luôn tâm niệm trong suốt cuộc đời.
Với tài năng và những cống hiến của mình, năm 1977, giáo sư được Viện Hàn lâm Phẫu thuật Paris tặng Huy chương phẫu thuật quốc tế mang tên Lannelongue. Ông cũng được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, hai lần Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương chiến sĩ hạng Nhất, Huân chương kháng chiến hạng Ba và Huân chương Hồ Chí Minh. Năm 2002, nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh của giáo sư, Bộ Y tế đã thành lập hội đồng xét tặng giải thưởng về y học mang tên ông - Giải thưởng Tôn Thất Tùng.
Nguồn tham khảo:
Từ Âu đến Mỹ: Vị bác sĩ tiên phong chống lại thảm họa Dioxin
Giáo sư Viện sỹ Tôn Thất Tùng: Người thầy thuốc làm rạng rỡ nền y học Việt Nam
Giáo sư Tôn Thất Tùng đến với Mặt trận
GIÁO SƯ TÔN THẤT TÙNG - NGƯỜI THẦY LÀM RẠNG DANH Y HỌC VIỆT NAM 
Giáo sư Tôn Thất Tùng: Người đặt nền móng cho phẫu thuật gan tại Việt Nam
GS.Tôn Thất Tùng - người cống hiến trọn đời cho y học Việt Nam
Giáo sư Tôn Thất Tùng - Anh hùng lao động, Người thầy thuốc Việt Nam ưu tú