Năm mới và câu chuyện cũ: Đặt mục tiêu và thực hiện
Hôm nay là mùng 6 Tết Nhâm Dần (2022), nghĩa là ngày nghỉ cuối cùng trước khi bắt đầu một năm công tác mới. Và như thông lệ, mỗi đầu...
Hôm nay là mùng 6 Tết Nhâm Dần (2022), nghĩa là ngày nghỉ cuối cùng trước khi bắt đầu một năm công tác mới. Và như thông lệ, mỗi đầu năm mình sẽ đặt ra cho mình một vài mục tiêu để cố thực hiện trong năm mới. Nhưng buồn là thường sau khi đặt mục tiêu xong vài hôm, mình lại không có tính kỷ luật để thực hiện nó, và quên mất những mục tiêu đó. Nhưng mình không bỏ thói quen này, vì đôi khi sau những mệt mỏi và chán chường mình lại tìm lại những mục tiêu đó, để tự nhắc nhở bản thân mình là cố gắng hoặc từ bỏ.
Tại sao phải đặt mục tiêu (dù mình không kỷ luật theo đuổi) ?
Để xác định những việc quan trọng
Câu chuyện những viên sỏi to, nhỏ, cát và chiếc lọ là một câu chuyện khá kinh kiển và chắc hẳn ai cũng nghe ít nhất được một lần. Nhưng có bao giờ bạn từng nghi ngờ về câu chuyện này, hay ít nhất thấy khó hiểu. Đối với mình, cái khó hiểu nhất là làm thế nào để biết đâu là chính, đâu là phụ. Có những việc mình điên cuồng, say đắm làm nhưng đến cuối cùng lại phát hiện nó chỉ là một thứ thứ yếu trong cuộc sống của mình. Dù trước đó mình nghĩ rằng nó quan trọng.
Việc thực hiện mục tiêu cũng như việc sắp xếp những viên đá đó vào chiếc lọ vậy, sắp xếp sao cho nó phù hợp nhất. Còn việc đặt mục tiêu giống như việc tìm ra những viên đá có kích thước tương xứng. Bạn nghĩ rằng năm nay bạn phải kiếm thật nhiều tiền, bất chấp đánh đổi sức khỏe hay chăm sóc sức khỏe hơn là việc kiếm tiền? Mục đích của việc đặt mục tiêu đối với mình đơn giản chỉ là vậy, để mình có sự định hình ban đầu về "chính - phụ", về "thiết yếu - thứ yếu", về "ngắn - dài"
Thông thường mình sẽ chia mục tiêu ra làm 3 mảng chính: học, làm và cuộc sống. Theo lẽ hiển nhiên đã có mục tiêu thì sẽ cố theo đuổi nó, nhưng cuộc sống hàng ngày đầy những biến số, từ chính bạn và từ người xung quanh bạn. Nên phần nhiều, trong lúc thực hiện sẽ bị thay đổi rất nhiều. Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn không theo đuổi mục tiêu, chúng ta không thể thực hiện một cách quá chi tiết nhưng về tổng quan thì nó không quá khác biệt nhiều.
Để nhìn lại
Mục tiêu năm 2021 của mình rất nhiều nhưng cuối cùng mình chẳng làm được, nguyên nhân thì có nhiều. Và mình cũng không lấy đó làm lý do biện minh cho việc không theo đuổi mục tiêu. Tuy nhiên, cuối năm khi nhìn nhận lại, mình có được một kết quả ngoài mong đợi cho năm đầu ra trường "SỰ GHI NHẬN" và "KHÔNG NGỪNG NỖ LỰC".
Khi bạn nhìn lại những mục tiêu đã đặt ra, nhìn lại kết quả đạt được, tìm lý do cho việc đạt/không-đạt được, nghĩa là bạn đang nhìn lại một năm vừa qua của chính mình. Để biết sự hợp lý và bất hợp lý, từ đó có sự điều chỉnh phù hợp. Cũng như tránh được trường hợp "Một năm qua mình chả làm được gì" mặc dù đã làm nhiều, xong thấy bất lực, mông lung và chán nản.
Để tránh sự thỏa mái quá mức
Cảm giác ngủ say trên chiến thắng là một loại cảm giác rất nguy hiểm. Biết rằng cảm giác chiến thắng sẽ kích thích bản thân ta rất nhiều, nhưng sau đó thường sẽ có hiện tượng nghỉ xả hơi và sống bám víu vào quá khứ. Nên việc đặt mục tiêu cũng như một gáo nước lạnh vào để bạn tỉnh táo hơn, và biết rằng mình còn cần cố gắng nhiều, mình có nhiều thứ phải làm. Chiến thắng là một loại thành tựu nhưng cũng là một loại áp lực, việc có các mục tiêu giúp ta tận hưởng thành tựu nhưng không rời xa những áp lực.
Tạm kết
Năm nay mình sẽ có các mục tiêu cụ thể hơn, biết rằng sẽ rất khó. Nhưng nếu nó quá dễ thì còn gì gọi là cố gắng. Tuổi 25, tuổi của những áp lực, nên cũng phải có những mục tiêu thật áp lực.
+ TOEIC 700
+ Tài khoản: 150 triệu
+ Bước đầu hoàn thiện mô hình dạy trẻ em học lập trình qua mô hình STEM phù hợp.
+ Hoàn thành dự án code đang thực hiện và 2 dự án liên quan điện-điện tử và mã nguồn mở.
+ Chạy được 800 km.
+ Quên đi những chuyện nên quên và có đáp án cho vấn đề đã tìm kiếm bấy lâu nay.
Biết khó nhưng vẫn đi. Nếu sợ khó mà không đi thì sao tiến về phía trước.
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất