Năm lớp Mười hai, tôi cạo đầu.
Tôi vẫn nhớ đó là một buổi trưa ở nhà, tôi mặc quần đùi hoa và cái áo phông đen, đứng gội đầu trong nhà tắm. Tôi nhìn mình trong gương và quyết định, có lẽ tôi nên cắt đi một mảng tóc hệt như hồi trước, để đánh dấu rằng tôi đau đớn. Để đau đớn của tôi thể hiện ra ngoài. Tôi kết thúc bằng việc cắt hết tóc trên đầu, lởm chởm. Cửa phòng tắm khóa trái, vòi nước bật, và tôi cứ thế vừa gội đầu, vừa khóc để mẹ không nghe thấy. Tóc cắt xong, tôi trút hết vào sọt rác nhà vệ sinh. Và tôi biết sau đó mẹ sẽ thấy tôi. Sau đó mẹ sẽ thấy tóc của tôi.
Sau khi cắt và gội đầu xong, tôi lảo đảo đi lên gác nằm, che đầu bằng một cái áo phông chưa giặt để không ai nhìn thấy tôi - ít nhất là trong lúc tôi chưa chuẩn bị nổi tinh thần cho ai nhìn thấy tôi. Tôi đắp chăn, và da đầu tôi chạm sát lên gối, lạ lùng. Tôi từng cắt tóc ngắn trước đấy, ngắn thật ngắn, nhưng chưa bao giờ giống vậy. Chưa bao giờ tôi ghét tóc mình đến thế: chúng khô cứng, chúng nóng bức, và chúng như thể dạng hữu hình của trầm cảm. Tôi cắt. Và tôi vứt. Và tôi nằm co ro trên giường, cái giường thi thoảng mới nằm, và tôi khóc, và tôi cố ngủ thiếp đi để khi tỉnh dậy tôi và tóc tôi trở lại như cũ.
Dĩ nhiên không. Tôi không còn nhớ lúc tỉnh dậy là bao giờ, nhưng tôi đã kiếm được cái mũ len trẻ con, đội vào và xuống nhà, tóc không còn dài, xuống để nằm ở cái giường tôi hay nằm với mẹ mỗi tối. Tôi chờ phản ứng của mẹ. Tôi không biết mẹ sẽ nói gì. Tôi cũng không biết phải nói gì với mẹ. Tôi vẫn còn nhớ, tôi bật bài Đường xưa do Phạm Hoài Nam hát để nghe, người vẫn cuộn tròn sau cái chăn, cố gắng nhìn ra ngoài để chờ mẹ đi vào nhà vệ sinh. Tôi nghĩ mẹ sẽ nhìn thấy tôi thôi. Vì trước giờ mẹ luôn để ý xem tôi có gì thay đổi, và thậm chí có lẽ mẹ cũng biết tôi có hai hình xăm ở hai tay mà tôi bảo là hình vẽ ấy, chỉ là mẹ không nói. Tôi cũng không biết mẹ lấy sự bình tĩnh ở đâu ra thật nhiều khi hỏi tôi Mày lại cắt tóc đấy à. Vâng mẹ ạ, con gái mẹ vừa cắt tóc, nhưng lần này nhiều hơn mọi lần khác. Tôi chực chờ để khóc và ngồi dậy cho mẹ xem đầu tôi. Cũng chẳng biết cái nhìn của mẹ lúc ấy là gì, nhưng tôi chỉ nhớ tôi đã bảo mẹ, Mẹ ơi, con bị trầm cảm rồi, mẹ cho con đi khám nhé. Mẹ tôi không nói gì nữa, chỉ bảo tí nữa mẹ đèo đi ra cô Huệ sửa lại tóc. 
Tôi biết mẹ biết, rằng tóc của tôi không sửa được. Và tôi cũng biết mẹ không biết, cho dù tôi có cầu mong thế nào, không biết trầm cảm là gì. Nhưng có lẽ mẹ tôi biết tôi đau đớn. Vì mẹ là mẹ tôi cơ mà. Mẹ chỉ không nói gì, lặng lẽ tiếp tục những việc nhà còn dang dở chưa làm, tôi nằm im lặng trên giường, và tôi thầm mong chuyện này sớm qua đi.
Vào buổi tối, thằng bạn đi xe máy đến nhà để đưa cho tôi một cái mũ len màu đen. Tôi đội cái mũ len ấy đi khắp nơi. Đi học, đi trên đường về nhà, đi siêu thị, đi những nơi tôi vẫn hay đi, dù trời lạnh hay mưa, ròng rã trong sáu tháng. Ai cũng tò mò hỏi tôi bị làm sao, nhưng người ta không hỏi tôi bao giờ cả, vì những đồn đoán thường nghiêng về phía, tôi bị ung thư, tôi bị nấm đầu, hoặc tôi bị gì đó một cách vật lý. Chứ không phải là một buổi trưa hè tôi đứng cầm kéo tự cắt tóc mình. Chứ không phải tôi ghét mình, tình trạng của mình, những người xung quanh mình đến nỗi tôi nghĩ đến cái chết nhưng quá sợ hãi để làm nó và tôi cắt tóc. Tôi vẫn nhớ mẹ dặn tôi, mày hãy bảo người ta là mày bị nấm đầu nên mới phải cắt tóc. Mẹ không muốn mày giống vợ chú hàng xóm, mãi mới lấy được chồng vì bị trầm cảm, bị thần kinh. Mẹ không muốn người ta biết mày có vấn đề. Mẹ nói tất cả những thứ ấy trong lúc đèo tôi đi cắt lại tóc. Tôi bám vào mẹ, và tôi chỉ chực bật khóc. Tôi đã nghĩ mẹ không thương tôi, và cho dù mẹ không biết tôi đang trải qua cái gì, mẹ vẫn rất cố gắng. Mẹ rất nỗ lực để hiểu tôi, và mẹ vẫn cố gắng như thế dù tôi trải qua tuổi dậy thì nông nổi. Tôi đã từng là một phần của mẹ, và chỉ là khi tôi rời khỏi cơ thể mẹ, tôi trở thành một người, tôi có cuộc sống riêng, tôi suy nghĩ riêng, tôi hành động riêng, tôi có những quyết định riêng, mẹ hơi xa lạ với điều đó. Mẹ hơi xa lạ với việc giờ đây tôi có suy nghĩ, và tôi có một cách cảm nhận về thế giới tách rời hẳn với mẹ. Điều đó làm mẹ lạ lùng, nhưng mẹ vẫn cố gắng. Sự thật rằng tôi lớn lên và ngày nào đó không còn tính mẹ vào trong kế hoạch đời tôi, làm mẹ sợ hãi. Điều đó cũng là điều tôi hiểu được.
Một đứa con gái mà chẳng có tóc gây ra nỗi tò mò và khó hiểu và đủ thứ cho những người xung quanh. Tôi thường ít đi ra khỏi nhà, nhiều phần vì tôi không muốn tất cả nhìn chằm chằm vào tôi và đồn đoán và một phần nhỏ là tôi phải ôn thi đại học. Các bạn cùng lớp vẫn chơi với tôi, chỉ là bây giờ đeo thêm một ít ái ngại. Con bạn cùng bàn và cùng tên hay nói chuyện với tôi, nói rằng nó hiểu. Tôi không quan tâm nếu có ai đó không thích vẻ ngoài hay con người tôi nữa. Tôi đã từng quan tâm điều đó rất nhiều, nhưng từ lúc tôi đeo mũ len, mọi thứ liên quan đến sự quan tâm đấy bị giật khỏi người tôi. Và tôi cũng không quan tâm người ta nói gì: tất cả đã nói về tôi suốt sáu tháng, mọi lúc. Điều đó chẳng quan trọng. Chẳng còn gì quan trọng ngoài bố và mẹ tôi và những người vẫn chọn tôi dù tôi là con vượn trọc lốc - một người tả vậy. Và tôi.
Vài người hỏi tôi vượt qua thời gian ấy bằng cách nào khi tôi đau khổ và đầu thì không còn tóc, nhẽ ra nó nên là gấp đôi sự khổ sở chứ nhỉ. Nhưng chính cái việc tôi chẳng còn giá trị vẻ ngoài nào (như tóc) làm mọi thứ vốn đè nặng chẳng còn ý nghĩa. Tôi cứ như một ngôi sao nhạc heavy metal rock, kệ mẹ mọi thứ le ve xung quanh như là Người ta sẽ nghĩ gì hay Người ta sẽ phản ứng thế nào. Tôi chả quan tâm. Tôi chả còn tóc mà quan tâm. Ừ thì tôi ăn mặc vớ vẩn vì tôi không thiết mặc tử tế và tôi đội mũ len đấy. Và cuộc đời tôi vừa có một vài sự kiện buồn đấy, nên tôi muốn thể hiện nó ra ngoài đấy vì tôi đã chọn mất tóc thay vì tự kết liễu mình. Tôi vẫn sống đấy và tôi giống như một cái cây, cái cây vừa bị đứt cành và nó sẽ lớn lên và tự chữa lành vết thương đó và nó chẳng quan tâm nếu ai đó nói gì về nó. Nó chẳng quan tâm nữa. Và cái việc tất cả chú ý đến tôi làm tôi cũng chú ý đến bản thân. Tôi chú ý rằng tôi chỉ đang ôm một nỗi buồn thôi và cái việc tôi buồn hôm nay hay ngày mai cũng chỉ giống như tóc tôi ngắn bây giờ, nhưng sau này nó sẽ dài. Tức là, mọi thứ đều thay đổi như mấy sợi tóc dài, xoăn hay nhuộm xanh dương. Tức là, tôi sẽ ổn cả.
Sau khi nghe tôi kể, tao từng cạo đầu, hầu hết đều có một phản ứng chung. "Gắt thế", "Ù ôi" hoặc đơn giản là thả một cái wow. Tôi vừa buồn vừa buồn cười. Buồn vì không ai có thái độ nghiêm túc về chuyện đó khi được nghe kể, buồn vì không ai trong đó biết về những gì tôi trải qua, tại sao, thế nào. Buồn cười cũng vì lý do đó nhưng thêm nữa là tôi thông cảm cho họ. Không có nhiều người biết về trầm cảm, về bệnh tâm lý, và cái việc tôi cạo đầu chỉ nghe giống như một tuyên ngôn cá tính gì đó của tuổi trẻ, emo, tỏ vẻ, gắt, đại loại thế. Hoặc ái ngại nữa. Nếu như họ nói tôi cạo đầu vì muốn tỏ vẻ, hay là vì tôi gắt hay vì tôi cá tính và những điều đó chỉ để gây sự chú ý, thì chắc họ chưa hiểu cảm giác nóng như bị kiến đốt khi đội mũ len giữa cái nắng tháng Sáu, hay cũng cảm giác đó khi TẤT CẢ nhìn chằm chằm và bàn tán xung quanh mình. Hay cảm giác mình là con vượn xấu xí trọc lốc duy nhất trong phòng thì sao nhỉ?
Hiện tại tóc tôi dài. Và tôi rất bình yên. Thi thoảng tôi cũng có giai đoạn khủng hoảng và cảm thấy tồi tệ. Tôi đã đỡ "ốm" tinh thần. Tôi có thể thoải mái nói về điều đó, và thoải mái chấp nhận bản thân. Cạo đầu mang đến cho tôi nhiều điều, học được nhiều điều, và tôi lớn lên vì sự kiện ấy. Tôi không bị điên. Và cô hàng xóm của tôi cũng không. Những người như thế, dù có cạo đầu hay không, dù có thể nhận ra trong đám đông hay không, cũng không hề và không bao giờ được gọi là "điên". Bị ốm trong tinh thần cũng chỉ giống như bị ốm cơ thể, chúng không phải điều đáng để ái ngại - nếu cơ thể có thể có lúc có vấn đề, thì tâm trí cũng vậy. 
Nỗi đau của mỗi người không thể đong đếm được, và không ai có thể nói rằng ai đau đớn hơn ai. Nhưng tất cả nỗi đau đều có một điểm chung to lớn, là chúng sẽ qua đi. Và ta sẽ ổn.