Nhắc đúng ngày này năm ngoái tôi hí hoáy viết bài này. Lúc đó cũng là thời gian lockdown, nghĩ về nhân tình thế thái khi đọc một cái note ngắn về 5 thói quen làm khổ con người, và vậy là viết xuống theo cách hiểu của mình.
Năm thói quen này xuất phát từ sự từ chối Qui luật Vô Thường.

Điều 1: Theo đuổi những niềm tin và thói quen cũ không còn thích hợp cho ngày nay.

Nhớ có lần tôi sang Mĩ và ghé thăm một người hàng xóm bên Việt Nam lúc đó là chủ một tiệm vàng ở Los Angeles. Gặp chú tôi mừng quá và nhắc lại chuyện xưa ở dưới quê, rồi hỏi chú có nhớ thằng Th ở xóm chợ không, nó đang ở Úc và mới tốt nghiệp đại học. Tưởng rằng chú ấy mừng biết một người đồng hương thành đạt, ai ngờ chú nói "Ủa, thằng Th hả? Nhớ chớ sao không? Chà, hồi đó nó chăn trâu mà giờ khá quá!" Thú thực là lúc đó tôi thấy như nghẹn lời, vì tôi thấy hình như chú vẫn tỏ ra khinh thường thằng chăn trâu, hay là chú nghĩ một thằng chăn trâu thì nó không có quyền học hành giỏi, không được thành đạt như chú. Tôi nghĩ chú vẫn sống trong quá khứ, và biết đâu cái quá khứ đó giữ chân chú không đi xa được.Trong khoa học cũng vậy: có ý tưởng mới là rất quan trọng, vì nó giúp cho mình vượt lên chính mình. Thế nhưng trong thực tế nhiều người thích thu mình trong cái thế giới cũ, ý tưởng cũ, làm theo cách làm cũ, và dĩ nhiên là họ không đi xa được.
Chỉ cần đọc qua tựa đề những luận án tiến sĩ, những đề tài nghiên cứu ở VN thì thấy ngay rằng nhiều người vẫn sống trong 'truyền thống'. Giới khoa học hay có câu "Nếu bạn hỏi câu hỏi cũ thì câu trả lời sẽ không bao giờ mới". Đó chính là lí do tại sao sau khi tốt nghiệp tiến sĩ, người ta khuyến khích bạn nên đi làm nghiên cứu hậu tiến sĩ ở một nơi khác, chớ không ở lại (vì sẽ gây ra tình trạng academic inbreeding).

Điều 2: Không chịu sống trong hiện tại mà sống trong quá khứ và tương lai.

Quả thật trong cuộc sống có những người thích giữ khư khư niềm tin và lề lối cũ như chú hàng xóm tôi. Tôi sợ là con số này rất nhiều ở Việt Nam, nhứt là vùng quê. Họ nhân danh duy trì truyền thống để sống theo nề nếp cũ; họ nghĩ như ông bà mình từng số cả trăm năm trước, nên họ khó thích ứng trong thế giới mới.
Nhớ lần về quê và ghé qua thăm đứa em họ, nghe nó phàn nàn về chị dâu nó. Số là cô dâu (là cô giáo) hay thức dậy trễ hơn bà mẹ chồng, nên cô em họ tôi ... bực mình. Thật ra, thức sớm theo thói quen như bà mẹ chồng, tức là dì tôi, thì chính tôi cũng không làm được. Nhưng cô em tôi kì vọng rằng đã là dâu thì phải thức khuya dậy sớm. Tôi nói với cô em họ tôi rằng "em tự làm khổ em, mai mốt em làm dâu thì biết thôi", bề ngoài thì nó cười cười nhưng tôi nghĩ nó không thuyết phục với câu nói của tôi vì nó rất thích câu nói "ông bà mình hồi nào đến giờ vẫn vậy", và trong cái nhìn của nó hành vi của người chị dâu là một đe doạ đến truyền thống.

Điều 3: Ganh tị, so đo, chỉ trích cá nhân

Không ít người Việt có thói tò mò, so đo, hay nói chung là ganh tị. Người Úc cũng có câu "sân cỏ nhà hàng xóm xanh hơn sân cỏ nhà mình" để chỉ thói xấu so đo này.
Một nhà bình luận văn hoá nhận định rằng thói đố kị của người Việt là do tính tò mò và so đo: “Đặc điểm nổi bật của tính cách này là không muốn ai hơn mình, nên tìm mọi cách cào bằng tất cả, và ghét bỏ những người xuất sắc”. Ông cho rằng thói quen mà ông gọi là 'tọc mạch' chủ yếu có ở người miền Bắc [1].
Quả thật, trong xã hội có những người rất bận tâm với ... người khác. Những người này có xu hướng không thích ai, thấy ai làm được cái gì họ hay mỉa mai, thậm chí tức tối. Tôi biết ngay cả trong giới khoa bảng, có người thấy đồng nghiệp công bố được một công trình trên tập san 'đình đám', họ liền tìm cách hạ thấp đồng nghiệp qua những bình luận vu vơ và phán đoán loại 'summary'. Những câu phán xét kiểu "Thằng đó dốt, biết làm gì", "Chắc là sai rồi", "Chắc ai đó giúp nó làm, chớ nó thì làm được gì", v.v. Đây là những người ganh đua thay vì tranh đua. Người ganh đua thường sống trong đau khổ và họ không tiến xa được. Họ đau khổ vì phải dồn năng lượng, tâm trí và thời gian để chỉ trích người khác, nên thiếu năng lượng cho chính mình. Đối với người ganh tị, họ cảm thấy đau khổ trước sự thành công của người khác. Còn người tranh đua thì sẽ tiến xa hơn, vì họ sẽ dồn năng lượng để làm tốt hơn đồng nghiệp mình. Nhìn như vậy sẽ thấy xã hội phát triển là nhờ có những người tranh đua.

Điểu 4: Sống vì sự kì vọng của người khác mà không là chính mình.

Mỗi con người trên hành tinh này là một cá nhân đặc thù (unique). Không ai giống mình, và mình cũng chẳng giống ai. Tôi là người Úc gốc Việt, tóc đen, da vàng, xuất thân từ một gia đình làm nghề nông. Bạn cũng có thể là một người Úc gốc Việt như tôi, nhưng bạn xuất thân từ một danh gia vọng tộc. Mỗi chúng ta có một lịch sử đặc thù, và tôi không thể là bạn cũng như bạn không thể nào giống tôi. Thành ra, Phật lúc nào cũng khuyên là "Be Yourself" (hãy là chính mình).
Nhưng khổ nỗi có những người không chịu là chính mình. Đây là những người sống theo ý của người khác. Họ rất bận tâm nghe ngóng những phê phán của người khác, và cố gắng chỉnh sửa mình để không bị phê phán. Họ sống theo kì vọng của người khác. Họ hay so sánh với người khác, và bằng mọi giá làm giống họ. Hậu quả sau cùng là họ không còn là họ, đánh mất đi "cái tôi" đặc thù. Những người này đau khổ suốt đời. Đúng như Richard Feynman nói: "Nguyên nhân phổ biến nhứt cho hội chứng căng thẳng là phải đương đầu với những kẻ ngốc nghếch" (The most common cause of stress nowadays is dealing with idiots.) Hãy sống theo lời khuyên của ông: "Tôi không có trách nhiệm để sống đúng theo những gì người ta kì vọng tôi. Đó là sai lầm của họ, chớ không phải thất bại của tôi".

Điều 5: Bám lấy cái cũ mà không chịu thay đổi.

Mấy tuần trước ở nơi tôi làm việc có một sự thay đổi về người lãnh đạo (chỉ là chức vụ tình nguyện) và gây ra những bàn tán xôn xao. Người thì tỏ thái độ không nể phục và biện minh bằng những chức vụ khoa bảng thấp trong quá khứ; người thì cho rằng với thành tích công bố khoa học như vậy thì làm sao làm gương cho người khác, v.v.
Nói chung là ý kiến rất đa dạng nhưng không phục. Nhưng tôi nghĩ họ (những người bình phẩm) đang làm khổ mình, vì họ không chấp nhận đổi thay, vốn là qui luật của cuộc sống. Người lãnh đạo mới có thể không có thành tích lừng lẫy như thành viên trong nhóm, nhưng đó là quá khứ, còn hiện nay thì người đó là kẻ đứng đầu và mình phải chấp nhận thực tại.Một nhà hiền triết đã nói rằng trong cõi đời này có một điều không bao giờ thay đổi, và đó chính là sự đổi thay (the only thing that does not change is change itself), mà triết lí Phật gọi là "Vô Thường".
Hay nói như Hermann Hesse (tôi thích nhà văn này) là không ai bước vào một dòng sông 2 lần, bởi vì dòng sông lúc nào cũng chảy. Cuộc sống cũng như một dòng sông, và chúng ta không thể nào kì vọng sự vật bất biến, vì sự vật luôn đổi thay. Chúng ta không kì vọng rằng đồng nghiệp mình đứng yên một chỗ, và cũng đừng ngạc nhiên khi thấy đồng nghiệp thành đạt hơn mình vì họ biết thích ứng với Vô Thường. Có những người Việt hay nói kiểu "Thằng đó hồi xưa không đáng xách dép cho tao", thế nhưng họ không nhìn lại chính mình là đang đứng một chỗ còn "thằng đó" thì đã bước ra khỏi cái vị trí xách dép từ lâu rồi. Tương tự, cái suy nghĩ kiểu "Hòn ngọc Viễn Đông" hay "Thủ đô Văn Hiến" là -xưa rồi, đã qua lâu rồi, sẽ không bao giờ kéo lại được. Hay có người mơ mộng rằng năm 2045 cái 'hòn ngọc' đó sẽ toả sáng và sẽ là trung tâm thế giới. Đây là kiểu sống trong tương lai và quá khứ. Cái khổ là quá khứ thì đã qua rồi và tương lai thì chưa tới. Cái chúng ta đang có là hiện tại. Tôi lại nhớ đến câu nói của Richard Feynman: Bạn không có nghĩa vụ làm người của năm qua, tháng trước, hay thậm chí một ngày vừa qua. Bạn ở đây để tạo ra chính bạn một cách liên tục [2].
Tóm lại, 5 điều làm cho chúng ta đau khổ hay 'mắc kẹt' là
(i) giữ lấy lề lối cũ;
(ii) sống trong quá khứ;
(iii) thói tọc mạch;
(iv) không là chính mình;
(v) không chịu chấp nhận qui luật đổi thay của cuộc sống.
Tất cả 5 điều này có thể tóm lược bằng 1 chữ: Vô Thường.
Điều này có nghĩa là để sống thoải mái và hạnh phúc, chúng ta phải chấp nhận Vô Thường. Mà, định luật Vô Thường thì chịu sự chi phối của luật Nhân Quả. Thành ra, sống theo qui luật Vô Thường có nghĩa là sống một cách tích cực (positive well being). Sống tích cực là làm điều thiện lành để tạo ra những thành quả ngọt ngào, hay nói ngắn gọn theo ông bà mình là "tu thân tích đức". Câu này rất dễ hiểu như vậy mà đa số chúng ta, nhứt là người trẻ, không để ý và hay vi phạm để đến khi luống tuổi thì mới nhận ra.Sống tích cực có thể ... định lượng. Cách đây vài năm có một cuốn sách rất hay có tựa đề là "Born to be Good" chỉ cách sống hạnh phúc. Trong sách có khái niệm Tỉ số Jen (Jen Ratio, mà tôi hỏi tác giả có phải là Zen Ratio thì ông nói có thể). Tử số của tỉ số Jen là hành động tốt (như giúp người) hay nói chung là việc thiện. Mẫu số của tỉ số Jen những hành động chúng ta làm cho người khác đau khổ (có thể không cố ý), hay nói chung là gây tác hại. Tác giả khuyên là làm sao mỗi ngày tỉ số Jen của chúng ta trên 10 (tức hành vi tốt cao gấp 10 lần hành vị gây hại) là sẽ có cuộc sống viên mãn. Vậy từ hôm nay các bạn thử định lượng tỉ số Jen hàng ngày xem sao.
[2] “You are under no obligation to remain the same person you were a year ago, a month ago, or even a day ago. You are here to create yourself, continuously."