Phần 2: Nội chiến Sudan lần 2 (1983-2005) và nền độc lập cho Nam Sudan.
Giai đoạn này không kỳ vọng phần hình ảnh vì Sudan dưới thời Omar al-Bashir là một trong những chế độ kiểm soát truyền thông gắt gao nhất thế giới, ngang cỡ Bắc Triều Tiên.

1/Vấn đề luật Sharia, thành lập Quân đội Giải phóng Nhân dân Sudan và chiến tranh bùng phát trở lại năm 1983.
Ở phần trước đã đề cập, năm 1972 chính phủ Sudan và quân du kích Anya-Nya đã ký thỏa thuận hòa bình tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia. Thỏa thuận này mở ra thời kỳ có lẽ là tươi sáng nhất trong lịch sử hiện đại của Sudan. Trong 10 năm đó, việc khai thác dầu khí chung ở các mỏ dầu phía Nam là nền kinh tế của Sudan phát triển thịnh vượng rất nhanh.
Về chính trị, sau khi đàn áp Đảng Cộng sản Sudan trong năm 1972, chính phủ của Jaafar Nimeiry đã quyết định giảm bớt sự phụ thuộc vào Liên Xô. Các cố vấn Liên Xô, Đông Đức,...rời khỏi Sudan, cùng với đó là sự lạnh nhạt trong quan hệ. Điều tương tự đã xảy ra ở Ai Cập sau đó. Cùng với đó, Jaafar Nimeiry cũng đưa Sudan xích lại gần các nước Arab anh em, nhất là Libya, Ai Cập,... Jaafar Nimeiry xây dựng một mối quan hệ rất gần gũi với Muammar Gaddafi của Libya, gần gũi đến mức vào những năm 1980 người ta từng nghĩ rằng Libya và Sudan sẽ sáp nhập thành một.
Tuy nhiên, vấn đề đối nội của 2 miền Sudan vẫn tồn tại những khúc mắc nhỏ, mà khúc mắc lớn nhất chính là ''Luật Sharia''. Luật Sharia là bộ luật hà khắc nhất của Đạo Hồi, chỉ được những quốc gia Hồi giáo bảo thủ nhất áp dụng nhưng cũng từng bị Taliban áp đặt tại Afghanistan sau khi kiểm soát đất nước. Bộ luật này bao gồm những quy định và hình phạt tàn khốc như: chặt tay chân kẻ trộm, ném đá đến chết phụ nữ ngoại tình, giết hại người đồng giới, phụ nữ phải che kín mặt,...Chính vì những điều lệ khắc nghiệt vậy mà khi ký thỏa thuận Addis Ababa năm 1972 đã nhất định đòi điều khoản: không được áp dụng luật Sharia vào Khu tự trị Nam Sudan.
Nhưng nhưng sự tồn tại của một khu vực Nam Sudan tự do ''không Sharia'' bên cạnh làm những nhân vật bảo thủ trong chính quyền ở Khartum lo ngại nó sẽ kích động ý định đòi tự do khỏi luật Sharia của những người dân ở Sudan. Vì vậy, họ liên tục gây sức ép lên Tổng thống Jaafar Nimeiry, buộc ông tái áp đặt Sharia lên Nam Sudan, hoặc nếu cần thiết, bãi bỏ quy chế tự trị của Nam Sudan. Đến năm 1983, sau ngót 1 thập kỷ hòa bình, Tổng thống Jaafar Nimeiry chịu áp lực của phe Hồi giáo đã phải ra lệnh ''Sudan là một quốc gia Hồi giáo, khu tự trị Nam Sudan sẽ bị bãi bỏ và luật Sharia được áp dụng lên Nam Sudan''. Đây là sự kiện đã thổi bùng lại ngọn lửa xung đột giữa 2 miền.
Ngay sau sắc lệnh của tổng thống Jaafar Nimeiry, các tay súng du kích Anya-Nya cũ ở Nam Sudan đã tái tập hợp cho một cuộc chiến chống lại chính phủ Sudan lần thứ 2. Nhưng lần này, không phải là các nhóm nhỏ lẻ phi chính trị như lần trước, lần này họ thành lập một quân đội thống nhất với đường lối rõ ràng. Tháng 9 năm 1983, ngay sau khi Luật Sharia có hiệu lực ở Nam Sudan, Quân đội Giải phóng Nhân dân Sudan - gọi tắt là SPLA ra đời do John Garang lãnh đạo. SPLA đi theo đường lối Marxist, được Liên Xô và nước láng giềng Ethiopia ủng hộ. Ethiopia trở thành một nước XHCN vào năm 1974, đã cung cấp căn cứ huấn luyện cho SPLA trên lãnh thổ Ethiopia.
Nhưng điều tai hại, là không phải người Nam Sudan nào cũng ủng hộ đường lối Marxist của SPLA. Những chiến binh chống SPLA đã thành lập một lực lượng riêng cho mình, gọi là ''Anya-Nya 2'', ngụ ý tự cho mình kế thừa cuộc đấu tranh của các du kích Anya-Nya trong Nội chiến Sudan lần 1 trước kia. Vì sự chia rẽ này mà trong cuộc Nội chiến lần 2 này, dù quân đội chính phủ Sudan không mạnh, các lực lượng Nam Sudan dù được nước ngoài tiếp sức vẫn không đánh bại được quân chính phủ và thường xuyên đối đầu qua lại nhau.
John Garang - lãnh đạo Quân giải phóng nhân dân Sudan (SPLA).
2/ Chính biến 1989 - sự lên ngôi của Omar al-Bashir và chế độ độc tài ở Sudan.
Tình trạng hỗn loạn sau khi áp đặt Sharia ở Nam Sudan khiến một số nhân vật trong quân đội Sudan thất vọng với Tổng thống Jaafar Nimeiry. Năm 1985, trong một cuộc chính biến không đổ máu, các sĩ quan quân đội Sudan đã buộc Tổng thống Jaafar Nimeiry phải từ bỏ quyền lực sang Ai Cập lánh nạn. Quyền lực được chuyển giao cho một ''Hội đồng quân sự chuyển tiếp Sudan'' - gồm từ 10 đến 15 thành viên. Có nghĩa là năm 1985, Sudan rơi vào tình trạng vô chính phủ. Qua năm 1986, một cuộc bầu cử mà đến ngày nay vẫn là cuộc bầu cử dân chủ cuối cùng của Sudan đã đưa nhân vật Ahmed al-Mirghani lên làm Tổng thống. Nhưng ông này không hề có thực quyền, mà quyền lực nằm trong tay Hội đồng quân sự của các tướng quân đội.
Tình trạng chia cắt quyền lực giữa Tổng thống và quân đội này lại làm cho một Tướng quân tên Omar al-Bashir cảm thấy ''nóng mắt''. Vậy nên đến năm 1989, trong tình hình hỗn loạn của phe Xã hội chủ nghĩa ở khắp nơi, Omar al-Bashir được quân đội ủng hộ đã làm đảo chính lật đổ Tổng thống dân bầu Ahmed al-Mirghani, đưa mình lên làm lãnh đạo của Sudan. Cùng với đó, Omar al-Bashir cũng nắm luôn quyền chỉ huy các lực lượng vũ trang Sudan, với cớ ''thống nhất quyền lực''. Với sự lên ngôi của al-Bashir năm 1989, Sudan trở thành một nước dưới chế độ ''độc tài quân sự'' hà khắc bậc nhất thế giới, kéo dài ngót 30 năm.
Omar al-Bashir - nhà độc tài, Tổng thống Sudan từ năm 1989-2019
Omar al-Bashir lên ngôi đã tiến hành thâu tóm quyền lực và dẹp bỏ các nhóm đối lập. Tất cả các đảng phái, công đoàn và các tổ chức ''phi tôn giáo'' đều bị cấm. Gần 80.000 sĩ quan binh lính trong quân đội bị thanh trừng đẫm máu để dẹp tan sự phản đối. Báo chí và truyền thông bị kiểm duyệt gắt gao bậc nhất thế giới. Luật Sharia được áp dụng tuyệt đối, thành lập nên đơn vị ''Cảnh sát trật tự công cộng'' sẵn sàng đánh đập những người vi phạm Sharia trên đường.
Về đối ngoại, Omar al-Bashir nổi tiếng với đường lối ngoại giao chà đạp lên các dân tộc thiểu số lẫn các nước láng giềng. Ông tự cho mình là người ngăn chặn sự bành trướng của Muammar Gaddafi ở châu Phi, và vì vậy đã hỗ trợ cho nước láng giềng Chad chống lại Libya đang xâm chiếm miền Bắc Chad. Năm 1991, al-Bashir hỗ trợ phiến quân Ethiopia lật đổ chính quyền Cộng sản của Mengistu Haile Mariam, từ đó đóng cửa các trại huấn luyện cho du kích Nam Sudan. Nhưng al-Bashir lại có quan hệ tốt với Iraq của Saddam Hussein, và Saddam Hussein thậm chí đã gửi quân đội đến giúp al-Bashir trong cuộc chiến ở Nam Sudan.
Ngày nay, các phía Tây Nam thủ đô Juba của Nam Sudan vài tiếng lái xe, một khu vực đồi núi tên Kuli Papa có hàng trăm bộ hài cốt chất thành đống cao. Mọi người nói nó là hài cốt của ''lính đánh thuê ngoại quốc Arab - ám chỉ Iraq'' bị giết trong cuộc chiến ở Juba. Người dân Nam Sudan gọi khu vực đó là ''Jebel Iraqi'' - nghĩa là ''đồi Iraq''.
Không những vậy, Omar al-Bashir còn được biết là có quan hệ với các tổ chức khủng bố. Năm 1998, Hoa Kỳ đã không kích một nhá máy dược ở Sudan do nghi ngờ nước này cung cấp nơi trú ẩn cho trùm khủng bố Bin Laden.
Còn đối với các dân tộc thiểu số, thảm kịch lớn nhất không nằm ở Nam Sudan mà nằm ở vùng Darfur phía Tây Sudan. Đây là vùng cũng có nhiều người da đen sinh sống. Dưới sự đàn áp của chính phủ độc tài Arab của Omar al-Bashir, hơn nửa triệu người đã bị sát hại, nhưng người ta ước tính con số này phải lớn hơn do có đến 3 triệu người da đen đã ''biến mất'' khỏi Darfur.
Còn với Nam Sudan thì sao? Nam Sudan trong giai đoạn cảu Omar al-Bashir không phải mối quan tâm lớn nhất của chính quyền Sudan. Với sự sụp đổ của Liên Xô cũng như chính quyền Cộng sản ở Ethiopia, cuộc đấu tranh của quân ly khai Nam Sudan gặp nhiều trở ngại, và vì thế họ không thể tiến hành chiến tranh lớn nhằm vào quân chính phủ. Thay vào đó, họ đánh du kích và trên hết thường xuyên tìm kiếm các kênh hòa bình với chính phủ Sudan. Vì vậy trong phần lớn cuộc chiến, chính phủ Sudan vẫn kiểm soát thủ đô Juba và các mỏ dầu lớn nhất của Nam Sudan mà không gặp quá nhiều đe dọa. Giai đoạn giao tranh lớn nhất chỉ tập trung trong khoảng những năm 1991-1992, có lúc quân đội Sudan từng chiếm được căn cứ chính của quân nổi dậy nhưng cuối cùng vẫn không thể dứt điểm cuộc nội chiến.
Tuy nhiên, thảm kịch với người dân Nam Sudan không hẳn đến từ súng đạn mà từ nạn đói. Dưới thời Omar al-Bashir, nông nghiệp trên toàn đất nước Sudan bị đình đốn do hạn hán và hạn châu chấu thường xuyên (Ethiopia còn bị nặng hơn nhiều). Sản lượng nông nghiệp của Sudan thường xuyên không đáp ứng đủ. Vậy là trong khi chiến tranh không quá ác liệt, vẫn có đến 2,5 triệu người Nam Sudan chết vì đói khát và bệnh tật trong Nội chiến Sudan lần 2.
Quân Giải phóng Nhân dân Sudan (SPLA) ăn mừng bên một xe tăng bị bắt giữ
3/ Đàm phán hòa bình và độc lập cho Nam Sudan.
Tình trạng chiến tranh thấp ở Nam Sudan kéo dài không có lợi cho Omar al-Bashir. Điều duy nhất níu kéo ông giữ lại Nam Sudan là những mỏ dầu khổng lồ của nó. Tuy nhiên từ cuối những năm 90s, do áp lực từ nhiều phía và cũng là các nỗ lực hòa bình của nhiều bên, chính phủ Omar al-Bashir đã đồng ý khởi động đàm phán hòa bình về Nam Sudan.
Sớm nhất từ năm 1993, các nước châu Phi da đen, đứng đầu bởi Eritrea, Ethiopia, Uganda và Kenya đã lên kế hoạch gây sức ép buộc chính phủ Sudan phải công nhận quyền độc lập cho Nam Sudan. Kế hoạch này đã trở thành mục tiêu của Liên minh châu Phi (AU) trong suốt thời gian sau đó. Thậm chí vào lúc căng thẳng nhất, quân đội Uganda và Ethiopia đã từng lên kế hoạch đưa quân đội vào buộc Sudan phải trao trả Nam Sudan độc lập.
Lính chính phủ Sudan cầu nguyện ở thủ đô Juba, Nam Sudan năm 1993
Đến năm 1995, áp lực trong nước gia tăng với Omar al-Bashir. Một liên minh các lực lượng đối lập miền Bắc đã âm thầm bắt tay với quân nổi dậy miền Nam để chống lại al-Bashir. Phe đối lập tự nhận là ''Liên minh dân chủ quốc gia'', tiến hành nổi dậy ở phía Đông Bắc với sự hỗ trợ của các nước láng giềng Ethiopia và Eritrea. Cuộc nội chiến lần đầu tiên có thêm mặt trận Đông Bắc, khiến al-Bashir phải điều bớt quân ở Nam Sudan về Đông Bắc cứu nguy. Dù cuối cùng cũng đàn áp thành công, nhưng lo ngại về các cuộc nổi dậy nội bộ trong lòng Sudan cũng khiến Omar al-Bashir phải ''xuống nước'' với Nam Sudan.
Tiếp đến năm 1999-2000, 2 quốc gia Arab lớn là Ai Cập và Libya cùng nhau đưa ra ''Sáng kiến hòa bình Sudan''. Sự kiện này đánh dấu sự thay đổi trong chính sách của các nước Arab về vấn đề Sudan. Theo đó, Libya và Ai Cập giờ đây tuyên bố ủng hộ một Nam Sudan độc lập và một Sudan cải cách dân chủ. Đó cũng là thời điểm Omar al-Bashir nhận thấy khả năng những đồng minh Arab sẽ ''bỏ rơi'' Sudan nếu không chấp nhận ''Sáng kiến hòa bình''. Và vì vậy, năm 2000 Omar al-Bashir chấp nhận đàm phán về độc lập của Nam Sudan.
Cuối cùng, sau khi nhận thấy hy vọng hòa bình cho Sudan, Liên Hợp quốc đã đứng ra làm vai trò hòa giải. Thượng nghị sĩ Mỹ John Danforth được chỉ định làm phái viên Hòa bình ở Nam Sudan. Một chiến dịch cứu trợ mang tên ''Lifeline Sudan'' sau đó đã viện trợ 100.000 tấn lương thực đến cả Sudan và Nam Sudan, kết thúc nạn đói đã giết chết gần 2,5 triệu người. Nhưng vào năm 2003, sau khi Sudan thể hiện lập trường ủng hộ Saddam Hussein của Iraq, viện trợ cho Sudan đã bị cắt.
Đến năm 2005, Nội chiến Sudan lần 2 chính thức kết thúc. Thỏa thuận hòa bình được ký kết tại thủ đô Nairobi, Kenya chấm dứt cuộc một nội chiến dài nhất lịch sử, nếu tính cả nội chiến Sudan lần thì kéo dài gần 50 năm, giết chết 3 triệu người và làm hàng triệu người khác mất nhà cửa. Hiệp ước năm 2005 ở Nairobi quy định những điểm quan trọng:-Nam Sudan có quyền tự trị trong 6 năm, tức là đến năm 2011. Sau năm 2011 sẽ là cuộc trưng cầu dân ý về độc lập hoàn toàn.
-Doanh thu dầu mỏ được chia đều, và các công ty miền Bắc vẫn có quyền khai thác các mỏ dầu ở Nam Sudan.
-Luật Sharia sẽ do các lãnh đạo miền Nam Sudan quyết định có áp dụng hay không.
-Một số vùng tranh chấp sẽ trưng cầu dân ý sau năm 2011 để chọn gia nhập bên nào.
Với thỏa thuận Nairobi, Nam Sudan cơ bản đã giành được thắng lợi trên con đường đến độc lập hoàn toàn vào năm 2011.
4/ Hai nước Sudan sau năm 2011.
*Nam Sudan: Cuối tháng 7/2005, chỉ 6 tháng sau khi ký thỏa thuận hòa bình ở Nairobi, thủ lĩnh Quân đội Giải phóng Nhân dân Sudan, John Garang thiệt mạng trong vụ tai nạn trực thăng bí ẩn ở biên giới Sudan và Uganda. Vụ tai nạn chưa bao giờ được điều tra đầy đủ để lại vô số nghi vấn đến tận ngày nay.
Tháng 1 năm 2011, 6 năm sau khi nội chiến kết thúc, người dân Nam Sudan đã đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý về độc lập. Kết quả, 98,83% dân số đã bỏ phiếu tách khỏi Sudan. Ngày 9/7/2011, Nam Sudan chính thức tuyên bố độc lập, trở thành quốc gia non trẻ nhất thế giới.
Người dân Nam Sudan ăn mừng ngày độc lập năm 2011. Trên tay tượng đài John Garang là lá cờ của Sudan cũ bị hạ xuống.
Tuy nhiên, lý do để quân mũ nồi xanh Việt Nam phải sang Nam Sudan, là vì năm 2013 một cuộc chiến mới lại nổ ra. Bắt nguồn từ đấu đá quyền lực và xung đột sắc tộc, mà 2 phe ủng hộ Tổng thống Salva Kiir và Phó Tổng thống Riek Machar đã chiến đấu với nhau. Và như những lần trước đó, các cuộc chiến tranh ở Nam Sudan không trực tiếp giết quá nhiều người, nhưng lại đẩy hàng triệu dân vào đói khát và bệnh tật. Kết quả là Nội chiến Nam Sudan từ năm 2013 lại cướp đi của đất nước này thêm nửa triệu sinh mạng, khiến LHQ phải triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình và cứu trợ nhân đạo.
Phải đến ngày 20 tháng 2 năm 2020, Tổng thống Salva Kiir và Phó Tổng thống Riek Machar mới đồng ý với một thỏa thuận hòa bình, thành lập chính phủ Đoàn kết dân tộc, tạm thời thống nhất Nam Sudan. Nhưng đất nước này vẫn là một trong những quốc gia nghèo đói nhất địa cầu.
*Sudan:
Sau khi kết thúc nội chiến với Nam Sudan năm 2005, Sudan tiếp tục dưới chế độ độc tài quân sự của Omar al-Bashir. Omar al-Bashir duy trì được quyền lực nhờ đe dọa người Arab ở Sudan về ''mối nguy nổi dậy của người da đen ở Darfur''. Và vì vậy, al-Bashir tiếp tục các hoạt động chống lại phiến quân Darfur, tiếp tục đối đầu với các nước láng giềng Libya và Chad, những nước được cho là hỗ trợ phiến quân Darfur.
Nhưng năm 2011, Muammar Gaddafi ở Libya bị lật đổ. Omar al-Bashir thậm chí còn tự hào rằng ông đã hỗ trợ cho quân nổi dậy Libya lật đổ Gaddafi. Nhưng cũng từ đây, hỗ trợ của Libya cho phiến quân Darfur không còn. Darfur giờ đây không còn là cái cớ để Omar al-Bashir duy trì quyền lực độc tài nữa.
Dù Omar al-Bashir vẫn cố gắng bám trụ quyền lực, nhưng nền kinh tế Sudan từng bước rơi vào khủng hoảng. Năm 2015, al-Bashir phải gửi lính đánh thuê Sudan đến Yemen giúp Arab Saudi can thiệp vào cuộc chiến ở Yemen, đổi lại Arab Saudi cho Sudan hàng tỷ USD cứu nền kinh tế. Bất chấp việc đó, kinh tế Sudan vẫn rất thảm hại. Để rồi đến năm 2018, các cuộc biểu tình lan rộng trong nước Sudan. Và đến ngày 11/4/2019, quân đội Sudan đã đảo chính lật đổ Omar al-Bashir, kết thúc 30 năm cầm quyền của al-Bashir, lâu hơn bất cứ Tổng thống nào trong thế giới Arab, cũng là một trong những chế độ độc tài hà khắc nhất thế giới.
Sau khi lật đổ Omar al-Bashir, chính phủ mới của Sudan đã trao cựu Tổng thống cho Tòa án quốc tế để chuẩn bị xét xử al-Bashir về các tộc ác chống lại loài người. Còn trong nước, chính phủ mới đang xây dựng quá trình chuyển tiếp dân chủ, trước tiên với sự tham gia của các đảng phái trước kia bị đàn áp. Đảng Cộng sản Sudan, sau gần 48 bị đàn áp, lần đầu tiên được tham gia chính trường trong ''Liên minh đồng thuận quốc gia Sudan'' (National Consensus Forces).
Tương lai Sudan lẫn Nam Sudan thế nào còn phải chờ phía trước.
*Tham khảo:
-Sách: First Raise a Flag: How South Sudan Won the Longest War but Lost the Peace (Peter Martell).