Ngôn ngữ mẹ đẻ được học như thế nào? (P2)
Trong bài lần trước, mình đã viết về quá trình học tiếng mẹ đẻ tự nhiên của trẻ. Các bạn có thể đọc lại tại đây Ngôn ngữ mẹ đẻ...
Trong bài lần trước, mình đã viết về quá trình học tiếng mẹ đẻ tự nhiên của trẻ. Các bạn có thể đọc lại tại đây
Ngôn ngữ được phát triển một cách kì diệu như vậy qua thời gian trong cơ thể một đứa trẻ. Thế nhưng khi lớn lên, chúng ta hầu như không có chút ký ức nào về việc mình đã học tiếng như thế nào. Từ giữa thế kỉ 20, rất nhiều thuyết được đưa ra để giải thích sự phát triển ngôn ngữ của trẻ. Tuy nhiên, 3 thuyết chính có thể kể đến: thuyết hành vi (Behaviourism), thuyết bẩm sinh (Nativism), và thuyết kiến tạo (Constructivism). Những thuyết này tạo ra những quan điểm dạy học khác nhau trong việc học ngôn ngữ hiện nay.
1. Thuyết hành vi trong ngôn ngữ
Đây là một thuyết xuất hiện giữa những năm 1940 và 1950 tại Mỹ. Người tiên phong trong thuyết này là B.F. Skinner. Thuyết này cho rằng trẻ học ngôn ngữ bằng cách bắt chước ngôn ngữ xung quanh mình và cố gắng để "tái sản xuất" những gì chúng nghe thấy.
Nếu bạn còn nhớ ví dụ về phản xạ có điều kiện, khi đưa xương cho một con cún và rung chuông, con cún chảy nước dãi. Bằng việc lặp lại hành động đó 1 thời gian, sau khi bạn rung chuông mà không có xương, con cún vẫn chảy nước dãi. Tương tự như vậy, thuyết này cho rằng việc học ngôn ngữ là hình thành thói quen sử dụng chúng. Vậy bằng việc lặp lại nhiều lần, người học sẽ có thể sử dụng ngôn ngữ. Quá trình hình thành thói quen được miêu tả bằng sơ đồ sau:
Nhìn sơ đồ trên có thể thấy được rằng khi trẻ bắt chước và chúng ta đưa ra những nhận xét tích cực cho chúng, chúng sẽ tiếp tục lặp lại và hình thành thói quen sử dụng ngôn ngữ. Nhưng khi chúng ta đưa ra những nhận xét tiêu cực, trẻ có thể dừng quá trình học từ đó hoặc trở nên rụt rè, không dám bắt chước nữa, và nó làm chậm quá trình học rất nhiều. Chính vì thế khi dạy ngoại ngữ, các thầy cô giáo được khuyến cáo ở giai đoạn mới bắt đầu, hạn chế dừng học sinh lại và sửa lỗi cho chúng.
Mình thấy lí thuyết này được áp dụng khả phổ biến trong việc học ngôn ngữ của trẻ ngày xưa và cả ngày nay. Nếu đi qua các ngôi trường tiểu học, bạn sẽ thường xuyên nghe thấy những tiếng đọc bài râm ran. Ngày xưa mình học thì không được nhận phản hồi gì cả, chỉ đơn giản dừng ở bước bắt chước. Bây giờ, nếu đi qua một số trung tâm Tiếng Anh giao tiếp của trẻ em, bạn sẽ thấy rằng giáo viên rất ý thức về việc đưa ra những câu khen ngợi tích cực khi trẻ có thể đọc đúng/phát âm đúng từ đó, và hạn chế ngắt lời trẻ để sửa lỗi sai.
Tuy nhiên lý thuyết này vẫn còn một số hạn chế khi chúng ta có thể thấy rằng đứa trẻ không phải lúc nào cũng lặp lại y chang như ban đầu. Bức tranh sau thể hiện rõ điều đó:
Đứa trẻ trong bức tranh nhất định không chịu lặp lại theo lời của mẹ. Điều đó cho thấy rằng trẻ không chỉ học qua việc lặp lại, mà chúng còn tự tạo cho mình những quy luật khác.
Bên cạnh đó, việc lặp lại này không có tác dụng trong những trường hợp xử lí ngôn ngữ cần văn cảnh, hoàn cảnh.
Chính vì vậy, thuyết bẩm sinh (nativism/innatist perspective) ra đời để bổ sung những thiếu sót của thuyết hành vi.
2. Thuyết bẩm sinh trong ngôn ngữ (Nativism)
Noam Chomsky được coi là một trong những người có ảnh hưởng lớn nhất đến ngành ngôn ngữ học. Lý thuyết của ông được coi là một cuộc cách mạng trong ngôn ngữ học.
Chomsky cũng phê bình quan điểm theo thuyết hành vi của Skinner. Ông cho rằng trẻ em sinh ra đã được "lập trình" sẵn cho việc học ngôn ngữ. Việc trẻ con học ngôn ngữ nó cũng tự nhiên như việc chúng học cầm, nắm, đi lại... Những kỹ năng đó, trẻ con không cần được phải dạy và hầu hết các đứa trẻ đều biết đi ở cùng một thời điểm. Ông bà ta cũng có câu: "Ba tháng biết nẫy, bảy tháng biết bò, chín tháng lò dò tập đi" cũng là để diễn tả sự tự nhiên biết thực hiện những kỹ năng đó của mỗi đứa trẻ vậy. Môi trường chỉ là một yếu tố thúc đẩy, miễn là có người nói chuyện với đứa trẻ, phần còn lại, cấu tạo sinh học của đứa trẻ sẽ tự lo.
Chomsky cho rằng não đứa trẻ không phải như một tờ giấy trắng, được lấp đầy bởi những từ nó bắt chước. Thay vào đó, chúng được sinh ra với cơ quan tiếp nhận ngôn ngữ (LAD - language acquisition device) trong não để có khả năng tự tìm thấy những quy luật ẩn sau hệ thống ngôn ngữ mà chúng được tiếp xúc. Trong đó sẽ có 1 template chung, chứa đựng các quy tắc phổ quát có thể áp dụng cho tất cả các ngôn ngữ (Universal grammar - ngữ pháp phổ quát). Vì vậy, việc tiếp thu ngôn ngữ có thể sẽ phụ thuộc vào một vùng não cụ thể nào đó. Việc của đứa trẻ là học từ vựng của ngôn ngữ đó và chúng sẽ biết cách kết hợp lại với nhau để tạo thành câu/cụm từ có ý nghĩa. (Ví dụ theo bản năng, đứa trẻ có thể kết hợp danh từ "a boy" với động từ "eat" lại thành "A boy eats.")
Có một thuyết khác về giai đoạn nhạy cảm trong ngôn ngữ (critical period hypothesis - CPH) thường xuyên được nhắc tới cùng với thuyết bẩm sinh. Thuyết này cho rằng đứa trẻ cần được tiếp xúc với ngôn ngữ trong giai đoạn đầu đời (từ 0 - 9 tuổi), nếu sau giai đoạn đó, trẻ rất khó/không thể tiếp thu ngôn ngữ nữa. Rất khó để kiểm chứng thuyết này vì hầu hết mọi đứa trẻ đều được tiếp xúc với ngôn ngữ từ nhỏ. Tuy nhiên nếu bạn nhớ về trường hợp của Victor - cậu bé người rừng thì cũng là một ví dụ ủng hộ cho thuyết về giai đoạn nhạy cảm ngôn ngữ. Cậu bé Victor được tìm thấy khi 12 tuổi, không hề có giao tiếp với con người trước đó. Bác sĩ đã dành 5 năm để giúp Victor hòa nhập với cuộc sống con người và cố gắng dạy anh ta ngôn ngữ. Tuy nhiên, bác sĩ chỉ có thể thành công trong một số mặt về khả năng đánh giá, trí nhớ... nhưng về ngôn ngữ thì hầu như không có biến chuyển.
Tóm lại, với rất nhiều những nghiên cứu sau này, chúng ta có thể thấy rằng sự tiếp thu ngôn ngữ có thể bắt đầu ngay khi sinh, thậm chí có thể ngay cả khi đứa trẻ vẫn trong bụng mẹ, khi mà não của đứa trẻ được định hình bằng việc tiếp xúc với ngôn ngữ từ môi trường xung quanh.
3. Thuyết kiến tạo ngôn ngữ (Constructivism)
Khoảng một vài thập kỉ sau, mọi người bắt đầu nghi ngờ sự tồn tại của Universal Grammar (cũng phải thôi vì cái này cũng rất trừu tượng nữa). Những nhà nghiên cứu bắt đầu cho rằng thay vì việc có một bộ phận đặc biệt trong não chuyên biệt về ngôn ngữ, trẻ con có thể tận dụng việc nhận thức tổng quát và những quy tắc học tập để học ngôn ngữ. Trong khi thuyết bẩm sinh hơi quá chú trọng về kết quả thì thuyết kiến tạo ngôn ngữ chú trọng đến quá trình phát triển dần dần. Thuyết kiến tạo ngôn ngữ cũng nhấn mạnh tầm vai trò quan trọng của môi trường hơn thuyết bẩm sinh.
Thuyết kiến tạo cho rằng việc tiếp thu ngôn ngữ chỉ là một ví dụ của việc trẻ có thể học thông qua trải nghiệm. Họ đưa ra giả thuyết rằng những gì trẻ con cần là một môi trường ngôn ngữ sẵn có để chúng có thể được tiếp xúc và tương tác hàng ngàn giờ với môi trường đó. Họ coi việc tiếp thu ngôn ngữ cũng tương tự và bị ảnh hưởng bởi việc tiếp thu và học các kỹ năng khác chứ không phải là một bộ phận riêng biệt. Mối liên kết giữa phát triển nhận thức và việc tiếp thu ngôn ngữ cũng được nhấn mạnh.
Một trong những người đi đầu của thuyết này là nhà tâm lý học Jean Piaget. Trong khoảng đầu thế kỷ 20, ông đã quan sát những đứa trẻ chơi và tương tác với đồ vật xung quabh chúng. Ông ấy đã có thể theo dõi sự phát triển trong nhận thức của đứa trẻ, thấy rằng sự phát triển nhận thức sẽ phần nào quyết định cách đứa trẻ tiếp thu ngôn ngữ như thế nào. Sự phát triển của nhận thức lại được xây dựng trên cơ sở tương tác giữa đứa trẻ và các đồ vật xung quanh chúng. Với Piaget, ông cho rằng ngôn ngữ có thể dùng để thể hiện sự hiểu biết mà đứa trẻ tiếp nhận được thông qua những tương tác vật lý với môi trường.
Một người khác cũng có ảnh hưởng lớn đến thuyết kiến tạo là Vygotsky. Qua quan sát của mình, ông thấy rằng cuộc trò chuyện giữa các đứa trẻ với nhau hay với người lớn là nền tảng cho sự phát triển ngôn ngữ và suy nghĩ của trẻ. Ông cho rằng với một môi trường được tạo điều kiện tốt cho tương tác, trẻ có thể nâng cao được hiểu biết và việc sử dụng ngôn ngữ của mình. Quá trình tự điều chỉnh ngôn ngữ của trẻ diễn ra như sau:
Giao tiếp với người khác -> tự nói chuyện một mình -> tự sự nội tâm.
Giai đoạn 2 và 3 có chức năng tập trung và điều hướng hành vi của trẻ.
Ông cũng gợi ý đến một môi trường mà trẻ có thể làm nhiều hơn những gì chúng có thể làm (Vùng có khả năng phát triển - Zone of proximal development (ZPD)).
Như ta có thể thấy trong hình, khả năng của trẻ (phần hình tròn màu xanh lá) sẽ có thể mở rộng kích thước của mình tăng đến phần hình tròn màu cam nếu có sự giúp đỡ thích hợp. Tuy nhiên nó sẽ không thể ngay lập tức mở rộng đến phần màu xanh lam. Đây cũng là một chú ý cho các bậc cha mẹ và thầy cô, khi đưa những nhiệm vụ để trẻ phát triển, tránh đưa những thứ quá khó ngoài tầm với của chúng. Hãy đưa độ khó vừa phải, để đứa trẻ cố gắng đạt được với sự giúp đỡ của người khác. Khi đạt được rồi, phần da cam sẽ trở thành xanh lá (khả năng của trẻ làm được), sau đó ta mới tiếp tục mở rộng vòng tròn.
Quan điểm của Vygotsky và Piaget có phần khác nhau. Piaget coi ngôn ngữ là một hệ thống sử dụng để diễn đạt sự hiểu biết thông qua tương tác với thế giới vật lý. Với Vygotsky, suy nghĩ nằm trong ngôn ngữ, và ngôn ngữ phát triển qua tương tác xã hội. Quan điểm của Vygotsky trở thành trung tâm cho các nghiên cứu về sự phát triển ngôn ngữ thứ 2 sau này.
Tài liệu tham khảo:
Bài giảng của thầy Lê Văn Canh
How Languages are learned (Patsy M. Lightbrown & Nina Spada)
Science2vn
/science2vn
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất