Trả lời bởi Thomas Bereni, người nói tiếng Pháp bản ngữ

Tiếng Pháp – Les langues romanes comme le français, l’italien, l’espagnole, le portugais et le roumain sont toutes des langues qui viennent du Latin vulgaire, parlé par les romains il y a 2000 ans.Comprenez-vous cette phrase?
Tiếng Ý – Le lingue romanze come francese, italiano, spagnolo, portoghese e rumeno sono tutte lingue che derivano dal latino volgare, parlato dai romani 2000 anni fa. Capisci questa frase?
Tiếng Tây Ban Nha – Las lenguas romances como el francés, el italiano, el español, el portugués y el rumano son todas lenguas que provienen del latín vulgar, hablado por los romanos hace 2000 años. ¿Comprendes esta oración?
Tiếng Bồ Đào Nha – Línguas românicas como francês, italiano, espanhol, português e romeno são todas as línguas que vêm do latim vulgar, faladas pelos romanos há 2000 anos. Você entende essa frase?
Tiếng Catalan – Les llengües romàniques com el francès, l’italià, l’espanyol, el portuguès o el romanès són totes les llengües que provenen del llatí vulgar, que els romans van parlar fa 2000 anys. Coneixes aquesta frase?
Tiếng Corse – E lingue rumani cum’è Francese, Italianu, Spagnolu, Portu è Rumeno, sò tutti l’lingue chì venenu da u latinu vulgari, parlatu da i Rumani 2000 anni fa. Chì capete ssa frase?
Tiếng Romania – Limbile romanice precum franceza, italiana, spaniola, portugheza și româna sunt toate limbile care provin din latina vulgară, vorbită de romani cu 2000 de ani în urmă. Înțelegeți această frază?
Trong tiếng Anh: Romance languages such as French, Italian, Spanish, Portuguese and Romanian are all languages that come from Vulgar Latin, spoken by the Romans 2000 years ago. Do you understand this sentence?

Khi đọc câu trên trong các thứ tiếng khác nhau này, bạn có thấy một cấu trúc chung không? Vì mục đích thông tin, tôi đã in đậm tất cả các từ bắt nguồn trực tiếp ừ tiếng La-tinh, tôi cũng in đậm các từ có nguồn gốc La-tinh trong câu tiếng Anh.
Đối với việc đọc-hiểu chữ viết, tôi cho rằng bất cứ người nói tiếng Rôman có giáo dục nào, với kĩ năng tư duy và phân tích, cùng một chút trí tưởng tượng, cũng có thể hiểu được phần lớn các từ, và đại ý của các câu viết bằng các thứ tiếng Rôman. Một số thứ tiếng có thể sẽ dễ hơn một số thứ tiếng khác, phụ thuộc vào tiếng mẹ đẻ của người đó và vị trí của nó trong miền liên tục phương ngữ Rôman (Romance Continuum). Ví dụ, nếu tôi phải xếp loại các thứ tiếng Rôman từ dễ hiểu nhất đến khó hiểu nhất, với tiếng mẹ đẻ là tiếng Pháp, tôi sẽ nói rằng: tiếng Ý là dễ nhất, vì dù sao nó cũng có một bộ từ vựng khá tương đồng với tiếng Pháp, tiếng Corse cũng sẽ ngang hàng với tiếng Ý, vì cả hai có quan hệ gần gũi với nhau (đều bắt nguồn từ các phương ngữ Tuscan), rồi đến tiếng Catalan/Occitan vốn đều nằm ở lưng chừng giữa tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha, rồi đến tiếng Tây Ban Nha, rồi tiếng Bồ Đào Nha, rồi đến tiếng Romania, thứ tiếng mà tôi thấy khó đọc và hiểu nhất trong các thứ tiếng Rôman, chủ yếu bởi vì những ảnh hưởng Slavơ nặng nề của nó.
Nhưng hiểu lời nói lại là một câu chuyện khác. Vấn đề là 2000 năm trước, phần lớn các quốc gia Rôman ngày nay đều là các tỉnh của Đế chế La Mã, và họ đều nói các phương ngữ của tiếng La-tinh bình dân chịu ảnh hưởng của các thứ tiếng bản địa. Trong suốt 2000 năm qua, sự thiếu vắng những liên hệ trực tiếp giữa các ngôn ngữ lớn này đã khiến chúng tiến hóa theo những cách làm chúng khó mà thông hiểu được nhau nữa. Nếu dân làng giữa Madrid và Paris nói với nhau (làng A nói với làng B, làng B nói với làng C, làng C nói với làng D, vân vân, từ Madrid cho đến Paris) bằng phương ngữ của mình, nhiều khả năng thông điệp sẽ được truyền tương đối nguyên vẹn từ Madrid đến Paris.Họ sẽ thông hiểu lẫn nhau. Nhưng nếu một người nói tiếng Tây Ban Nha từ Madrid cố gắng trao đổi với một người nói tiếng Pháp từ Paris, họ nhiều khả năng sẽ không thể hiểu được đối phương đang nói gì, ngoại trừ một vài từ ngữ lâu lâu xuất hiện, nguyên nhân chủ yếu là vì sự thay đổi ngữ âm trong các ngôn ngữ Rôman trong 2000 năm vừa qua. Ở cấp độ địa phương, từ làng này sang làng khác, những khác biệt trong ngữ âm giữa các phương ngữ khác nhau đủ nhỏ để vẫn có thể thông hiểu lẫn nhau, nhưng sự khác biệt này sẽ lớn hơn rất nhiều giữa các phương ngữ cách xa nhau hàng ngàn cây số, điều đó không may thay lại khiến chúng khó hiểu hơn nếu không có kiến thức từ trước; đây được gọi là Miền liên tục phương ngữ Rôman.
Rõ ràng là tùy thuộc vào vị trí trên miền liên tục mà một số ngôn ngữ có thể dễ hiểu hoặc khó hiểu hơn khi nói, tương tự như đối với khả năng đọc hiểu. Ví dụ, là một người nói tiếng Pháp bản ngữ, tôi thấy tiếng Ý và tiếng Tây Ban Nhau dễ hiểu nhất trong các ngôn ngữ Rôman ở dạng nói. Tôi từng học tiếng Tây Ban Nha ở trường trung học, vậy nên có lẽ tôi hơi thiên vị nó, nhưng cả tiếng Tây Ban Nha lẫn tiếng Ý đều có vẻ đủ gần gũi với tiếng Pháp để tôi có thể hiểu các câu nói nếu chúng được nói chậm rãi, rõ ràng, và mạch lạc. Tiếng Catalan, tiếng Occitan, tiếng Corse và các thứ tiếng có quan hệ gần gũi với tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Ý cũng “dễ” hiểu trong điều kiện tiêu chuẩn.
Còn tiếng Bồ Đào Nha? Tôi không thể hiểu nó, ngoại trừ một vài từ riêng lẻ. Mặc dù ở dạng viết nhìn nó rất giống với tiếng Tây Ban Nha, vì một số lí do lịch sử, còn ở dạng nói, nó lại nghe rất khác, cũng vì các lí do lịch sử. Tiếng Bồ Đào Nha, trong suốt lịch sử của mình, đã trải qua một loạt các đợt biến đổi ngữ âm khiến nó nghe rất khác so với các thứ tiếng Rôman còn lại. Ví dụ, tiếng Bồ Đào Nha cũng dùng các nguyên âm mũi như tiếng Pháp, nhưng khác với tiếng Tây Ban Nha, tôi vẫn không thể hiểu phần lớn những gì người ta nói trong thứ tiếng đó.
Còn tiếng Romania? Tôi cũng chẳng hiểu được nó, chủ yếu là bởi vì cách phát âm lạ lùng cùng những ảnh hưởng Slavơ của nó. Thứ tiếng này nghe như người Nga nói một phương ngữ Italy-Rôman vậy. Đừng giận nhé mấy cậu Romania, tôi thấy thứ tiếng của các bạn rất là đẹp, chỉ có điều tôi không thể hiểu được một chút nào của nó ở dạng thức nói, ngoại trừ một vài từ đơn lẻ.
Cuối cùng, tôi cần chỉ ra rằng trong khì người nói một thứ tiếng Rôman thấy một thứ tiếng Rôman khác tương đối dễ hiểu, ở chiều ngược lại không phải lúc nào cũng đúng. Ví dụ như hầu hết người nói tiếng Pháp thích học ngoại ngữ sẽ nói giống như tôi là tiếng Ý, theo sau là tiếng Tây Ban Nha, là những thứ tiếng Rôman dễ hiểu nhất ở dạng nói, khi không có bất cứ kiến thức chuyên môn nào về các thứ tiếng đó, tuy nhiên, người Ý lại chắc chắn sẽ không thấy tiếng Pháp dễ hiểu nhất đâu. Ở dạng viết, có thể, nhưng ở dạng nói, chắc chắn là không. Thay vào đó, có vẻ như nhiều người Ý thấy tiếng Tây Ban Nha dễ hiểu nhất. Trong khi đó, người nói tiếng Bồ Đào Nha, thấy tiếng Tây Ban Nha khá dễ hiểu, tuy nhiên, trong khi người nói tiếng Tây Ban Nha chắc chắn sẽ hiểu được tiếng Bồ Đào Nha ở dạng viết, phần lớn họ sẽ chẳng hiểu bọn Bồ Đào Nha nói gì, trừ khi họ được dạy qua về thứ tiếng đó.
Tôi hi vọng là mình đã trả lời được câu hỏi đúng như kì vọng của bạn!

Bài dịch của bạn Quan Le được đăng tải và thảo luận trong group Quora Việt Nam.