DOUGLAS PRASHER - BÓNG TỐI KHOA HỌC SAU ÁNH “HUỲNH QUANG”
Green Fluorescent Protein (GFP) hay Protein Huỳnh Quang Xanh Lục là cái tên không còn xa lạ với những nhà sinh hóa học trên khắp thế...
Ngày 8 tháng 10 năm 2008, Viện Hàn Lâm Thụy Điển công bố giải Nobel Hóa học cho ba nhà khoa học: Osamu Shimomura, Martin Chalfie và Roger Y. Tsien vì “sự phát hiện và phát triển protein huỳnh quang xanh lục, GFP”[2]. Trong khi ba nhà khoa học ấy sẽ chia nhau số tiền thưởng 1,4 triệu đô la, sẽ đến dự lễ trao giải vào tháng Mười Hai năm đó, sẽ đi vào lịch sử, sẽ được cả thế giới vinh danh và sẽ nhận thêm vô vàn dự án đầu tư nghiên cứu thì một người khác đang cặm cụi lái chiếc xe van đưa đón nhân viên cho đại lý Toyota tại Huntsville với tấm biển “Nhà khoa học đang cần việc (Scientist needs work)” đính sau xe đổi lấy đồng lương còm cõi 8,5 đô la một giờ để nuôi hai đứa con đang học đại học. Con người ấy chính là Douglas Prasher.
Douglas Prasher là một nhà sinh học người Mỹ. Ông sinh vào tháng Tám năm 1951 và nhận bằng Tiến sĩ Hóa Sinh vào năm 1979. Từ năm 1979 tới năm 1983, ông nghiên cứu về di truyền và hóa sinh học tại Đại học Georgia. Tại đây ông đã xác định được trình tự DNA của aequorin – một photoprotein đóng vai trò quan trọng trong việc phát sáng của loài sứa Aequorea victoria. Từ năm 1983 trở đi, ông chuyển tới Khoa Sinh học Viện Hải dương học Woods Hole tại Woods Hole, Massachusetts và nghiên cứu về phát quang sinh học (bioluminescence). Tới năm 1988, ông được Hiệp hội Ung Thư Hoa Kỳ cấp khoản kinh phí 200.000 đô la trong vòng hai năm để phân lập và nhân bản gen của GFP. Prasher hoàn thành mục tiêu của dự án khi thành công chuyển gen của GFP lên vi khuẩn E.Coli và cùng với Martin Chalfie ông cũng đã thành công chuyển gen GFP lên loài giun tròn C.elegans[3]. Prasher mong ước có thể tiếp tục nghiên cứu về GFP nhưng đơn xin cấp dự án gửi tới Viện Y tế Quốc gia của ông đã bị từ chối. Chẳng thể tiếp tục công việc, ông đã để lại những thành quả lao động của mình cho Martin Chalfie và Roger Tsien – hai nhà khoa học sau này đạt giải Nobel năm 2008.
“Thời điểm ấy, tôi biết mình sẽ phải từ bỏ; ngân quỹ đã cạn kiệt.” Prasher chia sẻ[4].
Đó là bước ngoặt đáng buồn trong cuộc đời của Prasher, sau này ông làm việc cho nhiều cơ quan và tổ chức nghiên cứu tại Mỹ. Cuối cùng, ông thất nghiệp vì dự án nghiên cứu của ông đã bị NASA hủy bỏ. Sau một năm rưỡi không việc làm, ông phải nhận một công việc lao động chân tay để có thể tiếp tục nuôi sống gia đình.
Prasher đóng góp một phần rất lớn trong thành công của giải Nobel 2008. Chính Chalfie - một trong ba nhà khoa học nhận giải đã nhận định như sau:
“Kết quả (của Douglas Prasher) là vô cùng quan trọng và cần thiết cho những thành quả chúng tôi đã đạt được trong phòng thí nghiệm. Họ có thể dễ dàng trao giải cho Douglas cùng hai người còn lại và đẩy tôi ra ngoài.”[5]
Roger Tsien cũng khẳng định một lần nữa “Doug Prasher giữ một vai trò vô cùng quan trọng...”[6]
Ngay sau ngày công bố giải thưởng Nobel, hàng loạt báo đài đã đưa tin và tìm đến phỏng vấn Prasher. Không chút khó chịu hay ghen tức, Pasher bộc bạch:
“Tôi thực sự mừng cho họ. Bản thân tôi cũng lấy làm ngạc nhiên khi chủ đề nghiên cứu của mình lại có sức nặng đến vậy.”[6]
“Tôi có cảm thấy như bị lừa gạt hay bị bỏ quên hay không? Không, không chút nào. Tôi cạn sạch ngân quỹ còn họ là những người đã cho thế giới thấy ứng dụng của protein và đó mới là nhân tố quan trọng.”[7]
“Khi bạn sử dụng công quỹ, cá nhân tôi tin rằng bạn có nghĩa vụ phải chia sẻ,” Prasher nói. “Tôi đã đặt cả trái tim và khối óc của mình vào đó, nhưng nếu tôi cứ khư khư giữ lấy nó thì mọi chuyện sẽ chẳng đi đến đâu cả.”[5]
Chẳng những vậy, người đàn ông ngoài ngũ tuần ấy còn hóm hỉnh đáp lại phóng viên bằng đôi ba câu bông đùa.
“Nếu tôi được nhận giải, tôi sẽ phải ăn diện và tới Stockholm… Tôi ghét phải ăn diện lắm.”[5]
“Nếu họ tới Huntsville, họ phải mời tôi ăn tối. Và tôi được quyền lựa nhà hàng.”[4]
Douglas Prasher, nhà khoa học đen đủi bỏ lỡ giải Nobel năm ấy, như một bức tranh thể hiện cả hai mặt đối lập của giới khoa học. Sự cạnh tranh và đào thải khắc nghiệt có thể đẩy bất cứ ai, kể cả những nhà khoa học tài năng nhất ra đường. Nhưng chính hành động chia sẻ tưởng chừng như đơn giản của ông đã ngời sáng lên đức tính của một khoa học gia chân chính: nghiên cứu, khám phá vì đam mê và sẻ chia hướng tới mục tiêu cùng phát triển.
_____________
Trích dẫn :
1. Sanders, J K M; Jackson S E (2009). “The discovery and development of the green fluorescent protein, GFP” Chem. Soc. Rev., 2009, 38, 2821-2822. doi: 10.1039/B917331P
2. "The Nobel Prize in Chemistry 2008"
3. Chalfie, M; Y Tu; G Euskirchen; W W Ward; D C Prasher (1994-02-11). "Green fluorescent protein as a marker for gene expression". Science. 263 (5148): 802–805. doi:10.1126/science.8303295
4. Dan Charles (2008-10-09). "Glowing Gene's Discoverer Left Out Of Nobel Prize". Morning Edition (National Public Radio [NPR]).
5. Aaron Gouveia (2008-10-11). "Shuttle driver reflects on Nobel snub". Cape Cod Times.
6. Jim Moret (2008-10-14). "Genius Behind the Wheel - Why is a genius scientist driving a bus?" Inside Edition.
7. Philip Sherwell (2008-10-11). "The scientist, the jellyfish protein, and the Nobel prize that got away". The Daily Telegraph.
2. "The Nobel Prize in Chemistry 2008"
3. Chalfie, M; Y Tu; G Euskirchen; W W Ward; D C Prasher (1994-02-11). "Green fluorescent protein as a marker for gene expression". Science. 263 (5148): 802–805. doi:10.1126/science.8303295
4. Dan Charles (2008-10-09). "Glowing Gene's Discoverer Left Out Of Nobel Prize". Morning Edition (National Public Radio [NPR]).
5. Aaron Gouveia (2008-10-11). "Shuttle driver reflects on Nobel snub". Cape Cod Times.
6. Jim Moret (2008-10-14). "Genius Behind the Wheel - Why is a genius scientist driving a bus?" Inside Edition.
7. Philip Sherwell (2008-10-11). "The scientist, the jellyfish protein, and the Nobel prize that got away". The Daily Telegraph.
Bài viết copy từ Tạp chí Khoa học Trẻ dựa trên sự đồng ý của tác giả.
Science2vn
/science2vn
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất