NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ (P1): SỰ SỤP ĐỔ CHÂN LÝ SỐNG CỦA JAVERT VÀ BÀI HỌC TỪ HẮN CHO CHÚNG TA
Những người khốn khổ, tác phẩm cũng như một đứa con tinh thần nằm trong chuỗi tư tưởng chủ đạo của Vitor Hugo nói riêng và sự nghiệp văn học của ông nói chung. Những giá trị của tác phẩm để lại cho nhân loại thì đồ sộ không kể xiết
1. Nhân vật Javert
Chắc hẳn, các bạn quan tâm tới bài viết thì đều ít nhiều đã từng đọc qua nó hoặc tò mò với nó hoặc hơn nữa là gối đầu giường nó, nó ở đây mình muốn nói tới là bộ sách kinh điển Những người khốn khổ của tác giả Victor Hugo. Tác phẩm cũng như một đứa con tinh thần nằm trong chuỗi tư tưởng chủ đạo của Vitor Hugo nói riêng và sự nghiệp văn học của ông nói chung. Những giá trị của tác phẩm để lại cho nhân loại thì đồ sộ không kể xiết, phong phú trong các lĩnh vực khác nhau như: chính trị, kinh tế, xã hội, tôn giáo, tâm lý, v..v. Trong tác phẩm, các nhân vật được Hugo thổi hồn cho từng đặc tính vừa nổi bật vừa mang nhiều ẩn ý để các độc giả phải thẩm thấu qua từng hoàn cảnh và hành động của các nhân vật. Nếu để kể hết các nhân vật trong tác phẩm thì chúng ta khó lòng mà xác định rõ số lượng nhân vật xuất hiện. Họ như các diễn viên trên sân khấu được ánh đèn chiếu rọi màn trình diễn dài hoặc ngắn, chính hoặc phụ đảm nhiệm từng vai trò của từng nhân vật nhằm thực hiện mục đích riêng biệt với khán độc giả.
Tìm hiểu vào chuỗi tư tưởng tác phẩm, ta có thể nhận thấy rõ rằng văn học thời kì đó luôn đặt nhiều tình huống để các nhân vật chính đi tìm kiếm chân lý sống của đời mình. Tương đồng như vậy, nhân vật chính Jean – Valjean trong tác phẩm là lá cờ biểu hiện rõ tư tưởng chủ đạo của Victor Hugo. Tuy nhiên, một nhân vật nữa mà mình đặc biệt quan tâm hơn cả là bởi hắn đã được Victor Hugo lắp sẵn tư tưởng – triết lý sống vững chắc cho hắn, ấy vậy mà chuỗi sự kiện ập đến lay đổ cái tuyệt đối của hắn. Hắn chính là Javert, mình muốn kể và phân tích rõ ràng cho các bạn nghe những biến cố đó và sau đó liên hệ sự tương đồng giữa Javert nhằm đưa tới bài học cho chúng ta.
Bài viết dựa trên một vốn kiến thức có hạn của bản thân mình cho nên không thể tránh khỏi những bất đồng tư tưởng hoặc thiển cận về phát triển ý niệm, rất mong các bạn có thể đón nhận một cách cởi mở và lượng thứ về các sai sót đó.
1.1. Con người Javert
“Nông dân vùng Asturi quả quyết rằng lứa nào sói đẻ cũng có lẫn một con chó, đẻ ra là sói mẹ cắn chết ngay, nếu không lớn lên chó sẽ ăn thịt hết sói con. Con chó do sói đẻ ấy, cho nó một cái mặt người, thì đó là Javert”.
Đặc điểm tính cách
Một đoạn văn ngắn này trong tác phẩm đã đủ rõ ràng và sâu sắc nói lên tính cách của nhân vật Javert. Ở đây, sau khi mình đọc lại tác phẩm và có một chút kiến thức về tôn giáo mới nhận ra được tri thức phong phú của Victor Hugo về Định chế Tôtem trong tôn giáo. Có thể hiểu sơ lược đó là mỗi con người đều có một vật tổ để thờ, đây là cách thức đầu tiên của tổ tiên chúng ta hình thành lên một tôn giáo sơ khai. Vật tổ thường là sức mạnh của loài vật và mỗi người thờ vật tổ đó sẽ đại diện về đặc tính thể chất và tinh thần của loài vật đó. Quy chiếu vào nhân vật Javert, ta thấy con người ấy được cài cắm với tính cách trung thành của một con chó và độc ác của loài sói.
Đặc điểm hình dáng
Dựa trên cơ sở đó, ngoại hình Javert được tác giả xây dựng như một con chó lai sói với các đặc điểm trên cơ mang sắc thái xấu xa và đầy tàn ác. Hắn mũi tẹt, có hai lỗ mũi sâu hoắm, khi hắn cười thì đôi môi mỏng dính dang rộng và bồi thêm chung quanh cái mũi là cả một vệt nhăn nhúm đáng sợ, nom như mõm ác thú. Lại còn cái trán hẹp, cái hàm bạnh, tóc toả xuống tận chân lông mày, giữa hai con mắt lúc nào cũng có một nếp nhíu giữa hai lông mày trông như luôn luôn giận dữ, cả người toát ra một thứ quyền uy tàn ác.
1.2. Chân lý sống của hắn
Con người Javert sở hữu cái chân lý tuyệt đối rõ ràng, có thể hai dòng tư tưởng lớn trong cái chân lý vững vàng đó là:
Thứ nhất, Javert tôn thờ pháp luật, sống theo và sẵn sàng chết vì nó. Theo mình, tư tưởng này của hắn được Victor Hugo cài cắm về những tư tưởng pháp quyền, thượng tôn pháp luật. Việc đặt bản thân đứng dưới pháp luật chính là một trong những tiêu chí quan trọng việc xây dựng nhà nước pháp quyền ngày nay. Thành thử, hắn không sai và không cực đoan về tư tưởng này, nếu trách hãy trách sự phong hoá của pháp luật thời kì đó và phê phán những kẻ làm luật đầy mưu mô lợi ích. Một ví dụ rõ ràng về pháp luật thối nát trong tác phẩm phải kể đến câu chuyện đi tù của Jean Valjean vì ăn trộm táo. Tính chậm tiến của pháp luật tương quan với đạo lý sống của Javert, chúng dung hoà một cách khiên cưỡng cho nên đạo lý sống của Javert dù đúng đắn nhưng ít nhiều bị tha hoá. Pháp luật biến Javert thành cỗ máy khô cứng và thô kệch và làm hắn mất đi những cảm xúc vốn có của con người, “ví thử cha hắn vượt ngục, hắn cũng cứ bắt, mẹ hắn phạm pháp, hắn cũng cứ tố cáo”.
Thứ hai, hắn tuyệt đối phục tòng cấp trên và ghép sự nổi loạn của kẻ bề dưới. Javert tin rằng, mỗi người sinh ra đều có vị trí trong xã hội và quan trọng là phải biết đứng đúng chỗ và làm những công việc thuộc cấp độ của mình. Nhìn rộng ra theo hắn, tức là tư duy giai cấp, tầng lớp của chúng ta được định sẵn và hãy làm theo những sự được ban bố và chỉ đạo bởi định kiến từ xã hội. Không có thắc mắc, không có phản kháng dù đúng hay sai vẫn một mực tuân theo thì đó là sự ổn định, an bài của giai cấp, tầng lớp. Ngược lại, sự nổi loạn hình thành khi kẻ bề dưới cố gắng ngoi lên tìm cách thay đổi điều gì từ cấp trên thì đều là sự sai trái. Nói một cách nôm na, giai cấp thấp đòi hỏi quyền lợi và đánh đổ tầng lớp, giai cấp trên thì đó là chính là cách mạng.
1.3. Sụp đổ chân lý qua ba sự kiện tha tội
Lần tha tội cho Fantine
Fantine là nữ nhân vật khổ sở vì phải nuôi con trong hoàn cảnh bị tha hoá bởi xã hội. Một lần, cô ấy gặp rắc rối trong sự việc gây gổ với người có địa vị hơn mình. Lý do gây gổ thì hiển nhiên đúng với lẽ thường của Fantine nhưng đối với pháp luật thì sai trái và đồng nghĩa là sai trái luôn đối với Javert. Dĩ nhiên, hắn sẽ làm công chuyện này một cách hết sức bình thường nhưng bị dán đoạn bởi sự xuất hiện của thị trưởng Madeleine (Jean Valjean). Thị trưởng một mực yêu cầu thả tự do cho Fantine về hành động không có gì là sai trái. Tuy nhiên, Javert liền phản ứng bằng việc minh chứng các điều luật về hành động sai trái của Fantine.
Sự kiện này đánh dấu mốc về tính mâu thuẫn về hai tư tưởng trong chân lý sống của Javert, hoặc tôn thờ pháp luật hoặc phục tùng cấp trên. Cuối cùng, hắn chọn cách im lặng trong sự tức giận và phục tùng chỉ thị của thị trưởng mà thả tự do cho Fantine. Có thể thấy, hắn đã xâm phạm và tự thân đạp đổ bức tường chân lý. Các bạn biết đấy, một chân lý sống cũng như sự thật dù là một vết nứt nhỏ thì đã không còn là sự thật nữa.
Lần tha tội của thị trưởng
Sau một thời gian Javert làm việc dưới trướng của thị trưởng Madeleine, gã bắt đầu xâu chuỗi những ký ức về một tên tù khổ sai Jean Valjean và đi đến kết luận thị trưởng Madeleine chính là tên tù khổ sai Jean Valjean. Hắn đệ đơn tố cáo chính cấp trên của mình, điều này rõ ràng đã phá vỡ vùng an toàn, cái giới hạn trong chân lý của hắn. Một sự kiện khác đột nhiên ập tới, một người tự xưng là tù khổ sai Jean Valjean ra đầu thú. Điều này khiến tâm trí Javert chạng vạng và giằng xé nội tâm sâu sắc, hắn quyết định xin pháp luật chuộc lỗi bằng hành vi đệ đơn từ chức. Tuy nhiên, thị trưởng Madeleine lại đưa ra quyết định là sự tha thứ đối với hành động của Javert. Kết quả là hắn không bị cách chức mà hắn cố tạo ra một viễn cảnh là làm công việc tạm thời đến khi có người thay thế hắn để trốn tránh sự thật và giữ vững lý tưởng của hắn. Thế nhưng, suy cho cùng hắn đã vi phạm tư tưởng cốt tuỷ của hắn về thượng tôn pháp luật khi hắn không chịu hình phạt vì sự tố cáo sai lầm này.
Lần tha tội cho cái chết
Bức tường chân lý của Javert đã sụp đổ không chỉ bởi hai vết nứt đã kể trên mà còn đến từ sự cảm hoá kiên định của Jean Valjean. Tha chết cho Javert là một hành động bất ngờ của Jean đối với. Như vậy, Jean Valjean tha cho Javert và vẫn giữ vững cách xưng hô thiện cảm như không bao giờ là kẻ thù của nhau. Điều này bắt đầu ảnh hưởng trực diện đối với tình cảm của Javert, một con người máy móc không có trái tim. Hắn bắt đầu biết thể hiện tính hoà đồng qua cách xưng hô đối đáp lại với Jean Valjean, hắn nói: “Này anh làm phiền tôi lắm, giết tôi đi thì hơn”
Sau đó, nhóm cách mạng có sự tham gia của Jean Valjean đã thất bại và ông phải đào tẩu dưới cống ngầm bẩn thỉu của Paris hoa lệ. Cuối đường ra, cuộc gặp gỡ đầy kịch tính của Jean khi đối diện với luật pháp của Javert. Lần này, Jean đinh ninh bản thân sẽ không thể trốn được và cũng không muốn trốn chạy mà chỉ ưu tiên cứu Marius, một nhân vật Jean cõng theo khi trốn dưới cống ngầm. Tuy nhiên, Javert lại có thái độ khác hoàn toàn với con người hẳn vốn dĩ mà tạo hoá ban tặng là một con chó lai sói. Hắn tha cho Jean, hắn tự tay đập vỡ những gì còn sót lại ở cái chân lý nơi hắn và không tìm những lý lẽ để biện minh cho hành động của mình.
Rõ ràng, hắn bị mất phương hướng, mất giá trị sống, lý tưởng để từ đó tạo ra cuộc đấu tranh nội tâm cực kì mãnh liệt trong người hắn rằng, hiện tại hắn đang và sẽ phải sống vì cái gì, điều gì. Hắn không dễ chối bỏ một cái lý tưởng mà hắn đã sống và tin theo bấy lâu nay. Từ đó, Javert tìm tới cái chết để trốn tránh một cái lý tưởng thay thế hoặc có lẽ là trốn tránh việc đi tìm một lý tưởng mới.
2. Bài học từ Javert
Lý tưởng sống của chúng ta là gì?
Các bạn đọc bài viết này liệu có dám khẳng định rõ ràng mạch lý tưởng sống tuyệt đối của tôi là sống vì cái gì hoặc điều gì mà không cần biết nó đem lại cho tôi những gì hay không?
Sống vì lý tưởng là sống có phương hướng và sống theo một đức tin vô điều kiện. Như Javert, chúng ta có dám giống hắn không, sống trọn vẹn vì lý tưởng mặc cho lý tưởng bị đổ vở. Cái may mắn của Javert là hắn tìm thấy chân lý sống của mình sớm và có thể sống hạnh phúc, vô điều kiện với nó chẳng thiết những chỉ trích xung quanh. Phải hay các bạn đã tìm thấy chân lý sống của mình chưa hay các bạn đang chơi vơi giữa bầu trời đêm đầy tăm tối chờ đợi một ánh đèn hải đăng soi đường, chỉ lối. Các bạn đừng lo lắng, đa số mọi người đều sẽ bị rơi vào trạng thái khủng hoảng tâm lý hay nói đúng hơn là khủng hoảng lý tưởng sống, tức là không biết bản thân sống vì mục đích nào. Chúa dặn, con người trước khi sa đoạ là con người nhàn hạ. Câu chuyện đặt ra là các bạn gặp vào tình trạng mông lung đó, liệu các bạn có dám cố gắng vô hạn để tìm mục đích và lý tưởng sống hay không?
Ở chiều hướng ngược lại, các bạn sẽ khẳng định rành mạch là tôi có lý tưởng sống và tôi luôn tự hào vì nó đem lại cho tôi nhiều giá trị về tinh thần và vật chất. Thế nhưng, lý tưởng sống rõ ràng đó của bạn liệu có phải tự bạn đi tìm và chiêm nghiệm ra lý lẽ của nó hay không? Hay đó chỉ là lý tưởng sống đi mượn, như nhân vật Jean Valjean mượn chân lý sống của một vị thầy tu. Điều đó cũng tốt khi chân lý đó phù hợp với bạn nhưng mình tin chắc các bạn sẽ bỏ lỡ một chân lý sống hạnh phúc hơn thực sự tồn tại phía trong bạn.
Thêm vào đó, chúng ta có nên thay đổi chân lý sống hay không? Điều đó tuỳ thuộc vào bạn khi sống theo chân lý đó, nếu nó đem lại cho bạn nhiều giá trị về hạnh phúc thì hãy sống theo nó tới tận cuối cùng. Ngược lại, nếu nó không đem lại hạnh phúc cho bạn khi bạn đang sống với lý tưởng ấy thì đừng ngại tìm kiếm và thay đổi chân lý sống khác.
Như vậy, nhiều chiều cạnh của nhân vật Javert để lại cho chúng ta bài học về quá trình tìm kiếm và thay đổi lý tưởng sống sao cho phù hợp đó là:
hoặc cố gắng trở thành kẻ vác thánh giá đi tìm chân lý hoặc tự thay đổi nếu không hoàn cảnh sẽ thay đổi bạn
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất