NHỮNG EM BÉ QUÊ
Rồi chúng ta, những em bé quê cũng sẽ cất cánh, bay thật cao, thật xa thôi.
Mỗi lần ngồi ở phòng chờ sân bay, mình đều nghĩ đến lần đầu tiên đi thang máy, lúc mình 15 tuổi, lần đầu tiên xuống Hà Nội để nộp bản thảo truyện ngắn cho báo Hoa Học Trò.
Từ nhà mình xuống thủ đô hơn 100km. Hồi ấy chỉ có chuyến xe Chũ-Gia Lâm – chuyến xe được bạn mình gọi là “kết nối duy nhất của chúng ta với thế giới”. Mình đi một mình, không lo gì cả, chỉ lo mỗi việc khi đến tòa soạn thì đi thang máy như thế nào để lên tầng 13.
Mình sinh ra ở quê, khi đó nhà 2 tầng đã là cao lắm rồi. Mình không có điện thoại, không có internet, không biết đọc tiếng Anh. Bố mẹ mình chỉ được học hết tiểu học vì nhà quá nghèo, nên ngoài việc cố gắng để mình được ăn no mặc ấm, bố mẹ hoàn toàn không biết định hướng cuộc đời cho mình như thế nào. Mình cứ mò mẫm đi, đến đâu thì đến.
Năm 16 tuổi mình được giải A giải thưởng Cây Bút Tuổi Hồng văn học cho thiếu nhi, được đi nhận giải ở Huế. Hôm trước ngày ra Hà Nội nhập đoàn, mình hãy còn vào rừng mua vải rụng về cho bố sấy, lăn lộn cả mùa hè, da đen nhẻm, tóc cháy sém, không kịp mua sắm gì nên chỉ kịp mượn balo và quần áo của chị. Giải A năm đó có 2 người, mình và 1 bé kém mình 2 tuổi. Trớ trêu thật, nếu 2 đứa lên nhận giải cùng nhau, nhìn như thiên nga và vịt con. Bé ấy hỏi mình có thích đọc sách không, mình bảo rất thích. Bé lại hỏi nhà mình có bao nhiêu cuốn sách, mình bảo mình chỉ mươn sách ở thư viện. Bé khoe bé có hơn 200 cuốn sách trong phòng, và thắc mắc tại sao thích đọc sách mà trong nhà lại không có cuốn sách nào.
Đó là lần đầu tiên mình được đi xa, lần đầu tiên được nhìn ngắm thế giới rộng lớn và nhận thức được sự quê mùa của mình.
Khi lên đại học, công việc đầu tiên của mình là làm gia sư môn Văn cho một bé lớp 6. Buổi đầu tiên mình đến sớm 15 phút để chuẩn bị, đến thì thấy bé vẫn còn đang phải học piano. Cô giáo thanh nhạc rất ngạc nhiên khi mình không biết tên bài nhạc mà bé đang chơi. Mình quê đến nỗi chỉ muốn chui xuống đất.
Sau này, gặp những bạn bằng tuổi mình nhưng đã vi vu nửa thế giới, nói tiếng Anh trôi chảy, làm chủ những dự án nhỏ to. Gặp những bạn trẻ từ nhỏ đã được học thanh nhạc, nếm rượu vang, thưởng tranh họa, mình càng thấy bản thân quê mùa, kém cỏi.
Dù không nói ra, nhưng thực lòng, mình luôn thấy khoảng cách của những đứa trẻ đến từ quê và những đứa trẻ thành phố thực sự xa vời vợi, phải mất bao nhiêu năm tháng thì mới rút ngăn được khoảng cách đó đây? Khoảng cách của những người không có cùng điểm xuất phát, nếu cuộc đời là một cuộc thi, thì ngay từ đầu mình đã thua rồi.
Hồi học đại học mình đã nghĩ rất nhiều về điều đó, “phải cố gắng bao nhiêu thì mới đuổi kịp các bạn đây?”
Khoảng thời gian ấy mình không đọc sách, chỉ đọc tài liệu chuyên ngành. Mình học Toán, học tiếng Anh. Mình không viết lách gì cả. Mình muốn bản thân trở thành điều gì đó giỏi giang hơn, ngầu hơn.
Mình đã không biết rằng việc khiến chúng ta trở nên “ngầu nhất” là khi chúng ta đi đúng đường, được sống là chính mình.
Một lần, mình ngồi trên thư viện từ sáng đến 9h tối, đọc sách chuyên ngành cho một chiếc báo cáo mà giờ mình cũng chẳng nhớ là gì, lúc về ngửi thấy mùi hoa hoàng lan tháng 9 rụng đầy hồ Tiền, khi bụng đói meo mà mình vẫn đứng lại rất lâu để nhìn những bông hoa, thì mình mới kiểu như bừng tỉnh.
Ồ, mình đang đuổi theo thứ gì nhỉ. Mình biết nhiều thứ hay ho ngang ngửa với việc biết chơi một bản nhạc cổ điển, mình giỏi nhiều thứ xịn xò không kém việc nói trôi chảy 5 7 ngôn ngữ, và dù mình không thể làm chủ nhiều dự án nhỏ to, thì ít nhất mình cũng nên làm chủ cuộc đời mình. Cứ mãi đuổi theo người ta, rồi cuối cùng lại chẳng biết mình đang đi đâu nữa.
Dù mình có sống ở thành phố bao nhiêu lâu, mình vẫn không thể có được dáng vẻ của một “người ở phố", dù mình có khoác lên mình quần áo đẹp thế nào, mình vẫn thấy ngượng ngùng khi phải đến trung tâm thương mại. Và mình chưa từng chán ghét việc được sinh ra ở quê, dù mọi người xung quanh luôn muốn mình cảm thấy thế.
Mình nghĩ lại, sắp xếp mọi thứ, và trở về đúng đường của mình, làm những việc mình có thể làm tốt nhất, những việc mà mình thấy vui. Mình đọc những cuốn sách mình thích, viết lách nhiều hơn, tham gia nhiều dự án cộng đồng, gặp những người giống mình, kết nối, chia sẻ. Khi chúng ta tập trung đủ nhiều vào những điểm mạnh của bản thân, chúng ta sẽ tự tỏa ra năng lượng để thu hút người khác.
Sau nhiều năm, tất nhiên là mình đã biết đi thang máy, có những chuyến đi dài gấp nhiều chục lần chuyến xe Chũ – Gia Lâm, biết đọc và biết trả lời nếu có một người bắt chuyện bằng tiếng Anh, nhưng mình vẫn không thể phân biệt được các loại rượu vang, không biết thưởng nhạc, không có tố chất lãnh đạo, cũng chẳng có mấy trăm cuốn sách chất đầy nhà.
Nhưng có hề gì đâu, ngừng so sánh thì sẽ thấy bớt quê mùa. Bớt nhìn ngắm cuộc đời của người khác, tự xây thế giới của chính mình quan trọng hơn
Rồi chúng ta, những em bé quê cũng sẽ cất cánh, bay thật cao, thật xa thôi.
Phát triển bản thân
/phat-trien-ban-than
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất