NHỮNG CÂU CHUYỆN ĐẦY LY KỲ VỀ CÁC ĐỘI KHÁCH MỜI COPA AMERICA.
Phiên bản thứ 46 của giải đấu quốc tế lâu đời nhất thế giới sẽ khai mạc vào ngày 15 tháng 6 trên sân Morumbi, Sao Paolo. Đội chủ nhà...
Phiên bản thứ 46 của giải đấu quốc tế lâu đời nhất thế giới sẽ khai mạc vào ngày 15 tháng 6 trên sân Morumbi, Sao Paolo. Đội chủ nhà Brazil sẽ tranh tài cùng Bolivia ở trận mở màn, với quyết tâm chinh phục danh hiệu Nam Mỹ đầu tiên của họ từ năm 2007.
Trong số các đội tuyển tham sự giải đấu lần này, chỉ có 2 quốc gia khách mời là tách biệt hoàn toàn với khu vực Nam Mỹ, vùng Mỹ Latin hay nói cách khác là không thuộc châu Mỹ, đó là Qatar và Nhật Bản. Thật trùng hợp, đương kim vô địch và đương kim á quân của Asian Cup 2019 hồi đầu năm sẽ lại có cơ hội được cạnh tranh một danh hiệu lục địa nữa trên đất Brazil với tư cách các khách mời.
Trên thực tế, BTC giải đã tính đến việc mời 6 đội tuyển tham dự Copa America 2019, nâng tổng số đội lên thành 16, nhưng ý tưởng đó nhanh chóng sụp đổ. Đã có những suy đoán rằng CONMEBOL (LĐBĐ Nam Mỹ) sẽ mời 2 đại diện bán đảo Iberia là BĐN lẫn TBN - những cựu thực dân trên mảnh đất Nam Mỹ. Nhưng bởi BĐN phải tham dự VCK UEFA Nations League và TBN bận thi đấu vòng loại Euro 2020, nên chẳng có những đối thủ châu Âu nào ở Copa năm nay cả.
Những khách mời quen mặt đến từ CONCACAF (LĐBĐ Bắc, Trung Mỹ và Carribean) cũng không thể thi đấu bởi hè này cũng diễn ra Cúp Vàng CONCACAF (Gold Cup). Đồng thời giải VĐ các quốc gia châu Phi (CAN) cũng sẽ khởi tranh vào 22/6 – trùng với thời điểm diễn ra 2 giải đấu cao nhất châu Mỹ nên các đại diện đến từ châu Á xem ra là thích hợp nhất cho tấm vé khách mời. Việc 6 vị khách đến từ châu lục này chưa bao giờ là một điều khả thi, nên kế hoạch mở rộng giải đấu một cách hoành tráng đành phải hoãn lại. Hãy cùng nhìn lại những vị khách của Copa America trong lịch sử, họ đã chơi ra sao, thành tích thế nào và sự góp mặt của họ có ý nghĩa gì với Copa America?
Thật là một cách tiếp cận độc đáo của CONMEBOL so với những liên đoàn khác trên thế giới trong cách tổ chức giải đấu cao nhất lục địa, bởi thường xuyên có những đại diện vượt ra ngoài lãnh thổ Nam Mỹ tham dự Copa America. CONMEBOL chỉ có 10 thành viên, nên thật khó để tổ chức trọn vẹn một giải đấu mang tính cạnh tranh cao.
Trước năm 1993, Copa America được tổ chức dưới nhiều hình thức khác nhau. Thường thì khi đó sẽ có 2 bảng đấu, mỗi bảng 5 đội tuyển. 2 đội tuyển đứng đầu mỗi bảng sẽ đặt chân thẳng vào bán kết – giống với hình thức tổ chức AFF Suzuki Cup của LĐBĐ ĐNÁ. Để cải tiến Copa, vào năm 1993 CONMEBOL quyết định cho phép đá tứ kết bằng cách tạo thành 3 bảng đấu, mỗi bảng 4 đội và 2 đội nhì bảng có thành tích tốt hơn sẽ bước thẳng vào vòng knock-out.
Cái giá phải trả cho những phát kiến trên là sự mất toàn vẹn và rủi ro, khi nhà vô địch Nam Mỹ hoàn toàn có thể sẽ là đại diện của một vùng đất khác. Các vị khách thường sẽ sắp xếp lịch trình dự kiến, tự túc phần chi phí tham dự giải và rồi khăn gói về nước sớm trước khi vòng đấu loại trực tiếp diễn ra, vì những đội tuyển được mời thường đến từ những nền bóng đá kém phát triển hơn Nam Mỹ. Hầu hết khách mời chia tay sớm, nhưng đôi khi vinh quang cũng suýt chút nữa nằm ngoài Nam Mỹ.
Ngay ở lần đầu tiên có khách mời vào năm 93, Mexico là đại diện không chỉ phù hợp về khoảng cách địa lý, mà trên sân họ còn cho thấy một bộ mặt thực sự đáng gờm để đủ sức đối chọi với những gã khổng lồ như Uruguay, Argentina hay Brazil. Điều này bộc lộ rõ ràng khi “El Tri” - biệt danh của ĐTQG Mexico đã tiến một mạch đến trận chung kết Copa 93, và chỉ chịu thua một Argentina của Gabriel Batistuta. CONMEBOL thở phào vì niềm tự hào Argentina vẫn giữ lại chiếc cúp ở mảnh đất Nam Mỹ của họ.
Mexico một lần nữa đoạt ngôi vị Á quân Copa America năm 2001, khi bị chủ nhà Colombia đánh bại ở trận chung kết. Ngoài ra, đội bóng Bắc Mỹ này cũng 3 lần có mặt đến bán kết. Tuy nhiên gần đây, bởi sự cạnh tranh tính thương mại, độ hấp dẫn của Copa America và CONCACAF Gold Cup, nên Mexico buộc phải chia sức ở 2 mặt trận với 2 đội hình gần như riêng biệt.
Là một thành viên của CONCACAF, Cúp vàng phải là ưu tiên và những màn trình diễn của Mexico ở Copa dần không còn chất lượng. Năm 2019 là năm đầu tiên Copa America và Gold Cup diễn ra cùng lúc, nên đây cũng là lần đầu tiên từ 1993, Mexico sẽ không góp mặt trên đất Nam Mỹ.
Cũng là khách mời vào năm 1993 là Hoa Kỳ. Họ đã có cơ hội thử sức ở một giải đấu lớn, qua đó có những chuẩn bị tốt nhất cho mùa hè World Cup 94 trên chính xứ sở Cờ hoa. Tuy vậy Mỹ lại bị loại ngay từ vòng bảng khi chỉ giành được đúng 1 điểm sau trận hòa 3-3 với Venezuela. Sau lần đó, cả Mexico và Hoa Kỳ chơi rất tốt ở kỳ Copa 1995 và có dịp đối đầu nhau ở tứ kết.
Vòng đấu bảng Copa 95 chứng kiến Mỹ thua một đội bóng mạnh là Bolivia 0-1, nhưng họ lại ngoạn ngục có được chiến thắng 2-1 trước Chile và hạ sát kinh hoàng Argentina đến 3 bàn không gỡ, qua đó vượt mặt chính La Albiceleste để đứng đầu bảng đấu. Mexio là 1 trong 2 đội có vị trí thứ 3 tốt nhất, do đó 2 kình địch Mỹ và Mexico sẽ có lần đầu tiên đấu đá nhau cho tấm vé bán kết giải đấu Nam Mỹ.
Một trận đấu căng thẳng, hồi hộp tưởng như không hồi kết. Sau 120 phút trận đấu không có bàn thắng nào được ghi, Mỹ đã đánh bại đối thủ láng giềng 4-1 trên chấm luân lưu. Tuy vậy điều đáng nói là những CĐV của nước chủ nhà lại chẳng hề quan tâm mấy đến “Siêu kinh điển” Bắc Mỹ. Chỉ có 6500 khán giả đến xem trận Tứ kết này - xấp xỉ lượng khán giả trung bình đến xem … V-League 2018. Ở bán kết, Brazil không khó vượt qua Hoa Kỳ với tỷ số tối thiểu, trước khi họ bị một Colombia đè bẹp không thương tiếc 4-1 ở trận tranh hạng ba, qua đó về đích thứ 4 chung cuộc.
Mặc dù được mời tham dự ở mọi giải đấu tiếp theo, nhưng bởi lịch thi đấu quá dày đặc của giải nhà nghề Mỹ MLS mà họ đều từ chối. Sau một mùa Copa 2004 lọt đến Tứ kết, Costa Rica những tưởng sẽ tiếp tục chinh chiến ở Copa 2007 thì họ lại bất ngờ rời giải. Tấm vé lần này buộc phải để lại cho một tuyển Hoa Kỳ đang đầy bất ổn thời điểm đó. Họ thua tan nát cả 3 trận vòng bảng. Thất bại về cả tinh thần chiến đấu lẫn tính chuyên môn của tuyển Mỹ thực sự khiến những đội tuyển khác của giải đấu thực sự cảm thấy khó chịu. Họ lên án sự hời hợt của một “gã đánh thuê” khiến sự chuyên nghiệp của giải đấu cao nhất lục địa Nam Mỹ bị đánh giá thấp trầm trọng so với đối thủ bên kia bán cầu: Euro của UEFA.
Đối với các đội khách mời, Copa America chỉ như một giải đấu giao hữu tầm cao, một dịp thử nghiệm để các cầu thủ tiềm năng có thêm kinh nghiệm thi đấu quốc tế, từ đó trui rèn áp lực thực sự của vòng loại World Cup hay chính là CONCACAF Gold Cup của họ. Kể từ lần Copa 2007 thảm họa đó, Mỹ không còn xuất hiện ở Copa America thông thường nữa cho đến kỳ Copa America phiên bản đặc biệt Centenario, kỷ niệm 100 năm giải đấu thành lập được tổ chức ở một nơi cũng rất kỳ lạ, Hoa Kỳ. Năm 2016 có đến 6 đội bóng khách mời đều đến từ CONCACAF - một kỷ lục. Đội chủ nhà đã chơi rất hay ở giải đấu cách đây 3 năm. Họ lọt đến bán kết và chỉ chịu thua một Argentina quá hay của Lionel Messi với tỷ số 0-4.
Quốc gia thứ 3 ở CONCACAF có truyền thống tham dự Copa America là Costa Rica. Họ xuất hiện lần đầu năm 1997, sau đó là Jamaica cũng có lần đầu năm 2015. Giải đấu ngày càng được mở rộng ra toàn cầu khi năm 1999, Nhật Bản là quốc gia đầu tiên nằm ngoài lãnh thổ châu Mỹ được mời. Một lần nữa, người ta lại nhận ra việc mời một đội bóng yếu từ châu Á chẳng đem lại kết quả gì. Kết thúc vòng bảng, Nhật chỉ ra về với 1 điểm sau trận hòa 1-1 trước Bolivia ở vòng đấu cuối. Trước đó họ phải nhận trận thua đậm 0-4 trước đội chủ nhà Paraguay của Santa Cruz.
Tuy vậy năm 2011, đội bóng xứ sở hoa anh đào đã suýt nữa có lần thứ 2 tham dự Copa America trên đất Argentina với tư cách nhà ĐKVĐ châu Á, nhưng thảm họa kép động đất-sóng thần vào tháng 3 năm ấy đã khiến mọi kế hoạch phá sản. Đến năm 2015, CONMEBOL đồng loạt mời Nhật một lần nữa và Trung Quốc nhưng đều bị 2 đội tuyển châu Á khước từ.
Copa América năm 2001 tưởng rằng sẽ có sự góp mặt của Canada cùng với Mexico, nhưng vì những lo ngại về an ninh ở quốc gia chủ nhà Colombia đã khiến giải đấu bị hủy bỏ vài tuần trước khi bắt đầu dự kiến. Khách mời Canada lập tức đệ đơn rút lui. 5 ngày sau đợt trì hoãn, giải đấu được tái khởi tranh, nhưng chắc chắn sẽ không còn Canada. Cơ hội của quốc gia vạn đảo tham dự Copa América không còn từ trước khi nó bắt đầu.
Honduras được bổ sung phút chót và mặc dù không có sự chuẩn bị, họ đã thần kỳ lọt đến bán kết sau khi thần kỳ đánh bại Brazil 2-0 ở tứ kết. Thành công không tưởng này là bước đệm để người ta tin rằng Copa America ít ra vẫn có sức hút với những đội khách mời, khi việc từ chối tham dự giải, và thái độ thi đấu hời hợt khiến Copa América trở thành một giải đấu yếu đuối, tuyệt vọng và bất cần. Tưởng rằng các đội bóng Nam Mỹ luôn tự hào với những tài năng xuất thân từ vùng đất của họ, chiều sâu đội hình không hề kém cạnh các quốc gia châu Âu, khiến Copa America có thể trở nên có sức hút và thú vị, nhưng thực tế là CONMEBOL luôn phải lùng sục cả từ châu Mỹ ra đến toàn cầu cho những tấm vé khách mời bởi tính chuyên môn không cao so với UEFA Euro - một nguồn thương mại khổng lồ không thua kém gì FIFA World Cup.
Nói chung, Copa América là bước khởi đầu cho chu kỳ thi đấu quốc tế của các quốc gia Nam Mỹ. Nó cũng là giải đấu đầu tiên sau 1 năm giành cho các đội tuyển trong khu vực, và đối với những đội kém thành tích hơn, đó có thể là giải đấu chính thức duy nhất họ tham gia sau 18 tháng. Copa America kết thúc cũng là lúc các đội chuẩn bị cho chiến dịch vòng loại World Cup, và với sự chuẩn bị kỹ lưỡng trong một khoảng thời gian dài, những đại diện đến từ Nam Mỹ sẽ sẵn sàng để giành lấy cúp vàng 3 năm sau đó.
Sự giảm sút chất lượng của Copa America cũng là nguyên nhân dẫn đến thành tích bết bát của các đội bóng Nam Mỹ ở World Cup 2018. Bán kết giải đấu trên đất Nga cách đây 1 năm gồm toàn những quốc gia châu Âu và khiến vị thế của CONMEBOL tụt hại thê thảm. Các đội khách mời cũng có thể là một phần lý do cho sự suy yếu này. Nhiều đội bóng không đủ sức cạnh tranh, hoặc chẳng có mấy tinh thần chiến đấu.
Liệu có khác biệt gì vào năm 2019? Mexico và Hoa Kỳ đã được mời nhưng với tư cách là thành viên của CONCACAF, họ có nhiệm vụ chinh chiến hết sức mình cho Gold Cup. Đã từng có lần Copa America trùng lịch đấu với CONCACAF Gold Cup, nhưng thay vì chia sức ra để đá 2 giải, cả Mỹ và Mễ lần này đều chỉ quyết tâm cho 1.
Nhật Bản và Qatar, mặt khác, sẽ trở lại sau khi lọt vào trận chung kết Asian Cup. Họ sẽ có đợt tập dượt cuối cùng trước khi bước vào hành trình vòng loại World Cup 2022, được dự kiến là sẽ không diễn ra trước tháng 3/2020. Các vị khách châu Á sẽ có dịp học hỏi và so kè sức mạnh với những đội tuyển hùng hậu của Nam Mỹ. Dù tham dự với tư cách là ĐKVĐ và ĐKÁQ Châu Á, nhưng cơ hội để họ tạo nên cú sốc vẫn là không cao.
Giải đấu năm nay trên đất Brazil sẽ là lời giải đáp phần nào cho ý nghĩa của Copa America đối với những đại diện khách mời. Từ năm 93, dù có những đội tuyển thi đấu thực sự khởi sắc, nhưng phần lớn họ vẫn không mấy mặn mà với giải. Bởi vậy, việc ngày càng mở rộng Copa đôi lúc trở thành một trò hề nếu đối chiếu với cách làm bóng đá của UEFA.
Các vấn đề về lịch trình đang được giải quyết, và Copa America sẽ lại được tổ chức vào năm sau 2020, trùng khớp với UEFA Euro sẽ diễn ra trên đa quốc gia. Giải đấu trên đất Argentina và Colombia sẽ có điều chỉnh thể thức thi đấu. Vẫn sẽ có 2 đội khách mời nhưng sẽ chỉ còn 2 bảng, mỗi bảng 6 đội. 4 đội đứng đầu mỗi bảng sẽ bước vào thi đấu knock-out, gồm tứ kết, bán kết và chung kết.
Có cảm giác rằng, giải đấu quốc tế lâu đời nhất thế giới chẳng còn mấy giá trị. Ý tưởng lớn để khôi phục vị thế của bóng đá châu Mỹ chính là cả CONMEBOL và CONCACAF liệu sẽ đồng thuận nhau tổ chức nên giải đấu có quy mô và tính cạnh tranh cao hơn là Pan-American Copa chẳng hạn? Điều này biết đâu sẽ giúp Copa America lấy lại sự uy tín mà giải đấu này đã từng và luôn xứng đáng được hưởng. Từ đấy, giá trị hình ảnh, thương mại, chất lượng chuyên môn và tình cảm mà NHM sẽ lại được san sẻ từ lục địa già châu Âu sang mảnh đất đã sản sinh ra những Pele, Maradona, Ronaldo de Lima và cả Lionel Messi – một Nam Mỹ đầy nắng gió và ngập tràn đam mê.
___________
Người dịch: Kinh Luân.
Dịch và biên soạn từ bài viết trên These Football Times, ra ngày 10/06/2019 với title: “THE BIZARRE HISTORY OF THE COPA AMÉRICA’S GUEST TEAMS.”
Link gốc: https://bit.ly/2ZnoW7I
Thể thao
/the-thao
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất