Cuộc sống vốn dĩ bộn bề

Ngay khi chúng ta vừa vượt qua một thử thách, ta mỉm cười vui vẻ nghĩ rằng mùa xuân cuối cùng cũng tới. Nhưng không. Một thử thách mới đang đứng ngay trước mặt chờ ta bước tới để vả một phát cho tỉnh ngủ. Ta sẽ không bao giờ được thả tự do đâu. Có chăng cũng chỉ là một phút chốc nghỉ ngơi trước khi bắt đầu một trận chiến mới thôi. Những người chơi trong trận chiến ấy, đầu ai cũng xoay vần những suy nghĩ của riêng mình. Nhưng tựu chung lại thì cũng chỉ có hai loại là tích cực hay tiêu cực. Có người mỉm cười bước vào trận chiến nhưng cũng có người bước đi run như cầy sấy. Hai kiểu tư thế này tạo ra hai phong cách rất khác biệt trên sàn đấu. Một người thì, “ok đã xong một thằng, thằng tiếp theo”, dù thắng hay bại. Một người thì, “không biết sắp tới mình phải đấu với cái gì nữa, không biết nó có khó không, mình có vượt qua được không, phải làm sao đây…”.
Ta tỉnh, ta sẽ đi được xa. Ta sợ hãi, ta sẽ chẳng đi đâu cả. Vì ta sợ làm sai nên cuối cùng ta chẳng làm gì. Nhưng ta ơi sao ta biết được là nó đúng hay sai. Cuộc đời này vô thường lắm. Bây giờ nó sai, nhưng nó là cơ sở cho cái đúng trong tương lai. Bây giờ lỡ nó đúng, sau này nó lại thành nguyên nhân trượt dài thì sao. Nên là chẳng cần phải sợ gì cả, ta sẽ chẳng biết bản chất thật sự của nó là đúng hay sai đâu. Nên là cứ làm thôi. Ông bà nói rồi, số phận đã quyết định ta phải gặp cái gì, thì ta nhất định sẽ gặp cái đó. Né tránh chỉ khiến bước chân của ta chậm lại và mất nhiều thời gian hơn để đến với sứ mệnh cuộc đời.

Khi sinh ra cuộc đời chúng ta đã được khắc ghi lên các vì sao

Các vì sao cho ta biết ta là ai, ta sẽ phải đối mặt với điều gì, phải học được những bài học gì trong kiếp sống này. Có thể đối với bạn chỉ có kiếp sống này là thực sự tồn tại, kiếp khác chỉ là vấn đề hoang tưởng nhưng mà thật ra bạn cũng đâu chắc được điều đó hoàn toàn đúng. Vũ trụ thì vô tận và tri thức của con người chẳng bao giờ là đủ để hiểu được. Thế giới này có quá nhiều điều không thể vẫn đang xảy ra hằng ngày. Cứ coi như mình đang nghe thêm một vài quan điểm chưa được chứng minh thôi.
Cơ thể chúng ta là một dạng năng lượng trong vũ trụ. Mà theo định luật bảo toàn năng lượng thì “Năng lượng không tự nhiên sinh ra mà cũng không tự nhiên mất đi, nó chỉ chuyển hóa từ dạng này sang dạng khác hoặc truyền từ vật này sang vật khác mà thôi.” Thế thì tại sao con người chúng ta lại chết? Tại sao chúng ta chỉ sống được loanh quanh 70 năm mà không phải là vĩnh viễn?
Các kiếp sống có vẻ một lời giải thích khá hay ho cho câu hỏi này. Khi chúng ta chết đi, cái chết chỉ là sự kết thúc của vỏ bọc vật chất bên ngoài. Bản chất thật sự của chúng ta không phải là thể xác này, chúng ta là sự sống bên trong nó. Và sự sống ấy vẫn tiếp tục tồn tại sau cái chết. Thế thì sự sống ấy đi đâu sau khi ta chết? Sự sống ấy tái sinh trong các kiếp sống khác, trích lời một số thuyết duy tâm.
Sự sống bên trong ta cũng có ý thức của riêng nó, nhưng ý thức đó không phải thứ mà thể xác có hạn sử dụng 70 năm của ta có thể hiểu hết được. Khoảng cách tuổi tác quá lớn đôi khi cũng là một vấn đề. Sự sống ấy, sự tồn tại dưới dạng năng lượng vũ trụ, cần học các bài học của mình thông qua trải nghiệm của thể xác vật lý. Nếu ta mãi không học được bài học mà ta cần học, ta sẽ như học sinh đúp lớp vậy, cứ phải liên tục học đi học lại cái bài chán phèo ấy hàng chục năm thậm chí hàng trăm năm. Vậy thì tại sao không can đảm và chăm chỉ hơn chút để đỡ tốn thời gian. Tuy là học bài này xong thì một bài khó hơn sẽ ập tới ngay nhưng thế thì vẫn đỡ chán hơn.

Chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi vận mệnh

Những vì sao đã định sẵn những bài học mà bạn phải trải qua trong kiếp này. Đó là những bài học mà bạn sẽ thấm được khi giải quyết được những vấn đề oái ăm, tréo ngoe trong cuộc sống. Thế thì cuộc đời, số phận của bạn có bị định sẵn không? Cũng không hẳn. Nhưng nếu có thì sao? Nếu ai đó nói với bạn rằng “Số phận đã được định đoạt trước rồi. Cố làm gì. Giàu nghèo có số”, bạn sẽ làm gì? Buông tay mặc kệ đời đưa đi đâu thì đưa? Nói cũng không hẳn là bởi vì chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi vận mệnh. Nhân định thắng thiên mà. Chúng ta có thể thay đổi số phận chỉ với hai cách: chăm chỉ làm việc tốt tìm thấy sự bình an ở trong tâm.

Luật Nhân-Quả

Những bài học mà chúng ta phải học ở kiếp sống này bị tác động bởi những người khác khá nhiều. Chúng ta có thể gọi nó với cái tên khá quen thuộc là Nhân-Quả hay là luật hoa quả theo cách gọi của giang cư mận thời nay. Trong những kiếp sống trước, trong quá trình học hỏi bài học của mình chúng ta đã vô tình giúp đỡ hay làm hại ai đó, gây ảnh hưởng đến trải nghiệm của họ. Thì một kiếp nào đó, kiếp này chẳng hạn, chúng ta sẽ nhận lại điều này. Chúng ta sẽ nhận Quả do cái Nhân đó gây ra. Dưới góc độ vật lý thì luật hoa quả có thể được giải thích dựa trên Định luật  Newton là “Khi một vật tác dụng lực lên vật thể thứ hai, vật thứ hai sẽ tác dụng một lực cùng độ lớn và ngược chiều về phía vật thứ nhất.” Khi ta gây việc ác cho người thì người sẽ trả việc ác cho ta, có thể hiểu như vậy. Mỗi hành động ta làm ra là một đơn vị năng lượng được gửi vào vũ trụ. Đến một lúc nào đó vũ trụ sẽ gửi trả ta nguồn năng lượng đó. Vào thời gian nào thì chưa xác định.
Bởi vì thuyết Nhân-Quả này nên mới có việc chúng ta có thể thay đổi số mệnh bằng việc làm thật nhiều việc tốt. Bằng việc tạo ra nhiều Nhân tốt lành chúng ta sẽ hái được nhiều Quả ngọt và Quả ngọt đó có thể sẽ giúp chúng ta lật ngược ván cờ vào thời khắc mấu chốt. Người ta vẫn hay gọi Quả ngọt ấy là may mắn hoặc là phúc đức dày. Nếu ta thấy có người hay gặp may thì hẳn là người đó đã làm nhiều điều tốt trong các kiếp sống trước. Gieo nhân tốt sẽ giúp chúng ta trả hết nghiệp xấu của kiếp trước và nhanh hái được Quả ngọt ở kiếp này.

Tâm an thì sóng gió mới tan

Một phương pháp cải mệnh khác mang lại hiệu quả tuyệt vời mà bạn có thể áp dụng đó là tìm kiếm sự bình an trong tâm trí. Thực ra cách này thì khó hơn cách trước gấp mấy lần. Nhưng cũng không phải là không thể. Đầu tiên bạn cần hiểu vì sao nó có tác dụng đã.
Cách giải thích thứ nhất là chúng ta có thể dựa vào luật hấp dẫn. Người ta vẫn hay nói thế giới bên ngoài phản ánh thế giới bên trong chúng ta mà. Một tâm trí rối ren hỗn loạn thì không thể có một cuộc sống bình an được. Tâm an thì sóng gió mới tan. Cơ thể chúng ta là một dạng năng lượng vũ trụ và cảm xúc, ý thức, suy nghĩ hay hành động của chúng ta đều là năng lượng. Nếu chúng ta buồn bã, ủ dột, suy nghĩ tiêu cực, chúng ta sẽ thu hút những năng lượng tiêu cực tương tự. Và năng lượng tiêu cực đó là gì? Nó đến với chúng ta dưới dạng những việc xui xẻo, những người tiêu cực và độc hại, những trải nghiệm tồi tệ,vv. Nó có thể tồn tại dưới rất nhiều dạng nhưng đều có chung một đặc tính là tiêu cực. Tương tự vậy, một tâm trí bình an tĩnh lặng sẽ giúp chúng ta thu hút những điều tốt đẹp vào trong cuộc sống. Thế là đời đỏ hơn bất ngờ. Chấm dứt chuỗi ngày “ckầm zn”.
Và lý do thứ hai, tại sao một tâm trí bình an sẽ giúp chúng ta thay đổi vận mệnh. Cũng khá dễ hiểu thôi. Slogan của giới đỏ đen sẽ giúp chúng ta hiểu nhanh và rõ vấn đề. “Còn thở là còn gỡ”. Khi gặp khó khăn và thất bại, chúng ta đứng dậy, tiếp tục bước đi hay là nằm bẹp xuống buông xuôi, đó là sự lựa chọn của chúng ta. Nhưng thất bại là mẹ thành công mà, thua nhiều rồi cũng sẽ gỡ được thôi. Chuyện gì cũng vậy trừ cờ bạc ra vì thắng hay thua ở mấy chuyến casino không phải tại thiên, nó nằm tại nhân. Nên không áp dụng định luật “Thất bại là mẹ thành công” được, chỉ có thất bại mẹ đẻ ra thất bại con thôi. Nếu có đôi người cứ thất bại liền tù tì không ngóc đầu lên được dù đã áp dụng cả hai cách này trong vô thức thì chắc là do kiếp trước làm đồ tể. Không còn cách nào khác ngoài cố gắng hết sức và làm việc thiện trả hết nghiệp. Có như thế mới nhanh hết đen được.
Hai cách phía trên có thể chưa có tác dụng ngay tức thì nhưng nó sẽ giúp X2 tốc độ lên hương và giảm nhẹ sự xui xẻo. Giúp chúng ta biến tận cùng tuyệt vọng thành le lói hy vọng. Nói chung là cuộc đời thì vẫn vậy thôi, chẳng biết đâu mà lần. Cũng hơi rắc rối và đôi khi mắc mệt. Nhưng thay vì chịu đựng nó trong khổ đau và tối trí, hãy biến nó thành một cuộc chơi tỉnh táo và đầy khát vọng.