NHÀ GIÁO VÀ TÍNH DI SẢN
Tận sâu trong tâm can, có gì đó vụn vỡ trong tôi, là sự sụp đổ về cái bóng cao quý của nghề nhà giáo.
Cách đây vài năm, có người đến “giảng đạo” tôi cách phải hành xử với giáo viên ra sao. Tôi nhếch mép cười, tôi hỏi lại “Trong mắt chị, thế nào là một người thầy?”. Thực ra về mặt đối trọng, nó giống một câu chuyện như thế này, gia đình A giàu có, được bác sĩ chăm sóc tận tình, dịch vụ y tế tốt, gia đình A hết lòng kính trọng. Cũng vị bác sĩ đó, gia đình B nghèo khổ, được chăm sóc hời hợt, dịch vụ y tế tồi, để chết người nhà của người ta. Gia đình A đương nhiên không có tư cách bắt gia đình B phải coi “lương y như từ mẫu” vì trải nghiệm khác nhau. Ngược lại, gia đình B cũng không có tư cách bắt gia đình A phải căm thù vị bác sĩ kia, vì đối với A - đó là ân nhân.
Trong cuộc sống cũng vậy, bạn có trải nghiệm tốt với người đó, kính trọng người đó, cứ việc đem về bàn thờ nhà mình thờ cúng cẩn thận, đừng ép người khác phải kính theo. Ngược lại, kẻ không tốt với bạn cũng có thể là ân nhân của tôi.
Một người có lỗi với tôi rồi bắt tôi luồn cúi vô điều kiện chỉ vì danh chức thì rất buồn cười.
—---------------------------------
Tôi rút ra đúc kết ấy từ rất sớm, khi tôi trải qua những trải nghiệm “hú hồn” về giáo dục - những sự kiện, những phát ngôn khiến con người ta đi từ ngớ người - ngạc nhiên - bàng hoàng - đến sởn da gà về nhân cách của một vài người khoác cái danh của một cái nghề được mặc định là cao quý và được phủ lên không biết bao nhiêu ca tụng mỹ miều. Tận sâu trong tâm can, có gì đó vụn vỡ trong tôi, là sự sụp đổ về cái bóng cao quý của nghề nhà giáo.
Hôm trước, tôi đọc trên một trang, có một bạn nữ giấu tên giãi bày rằng bạn bị bố lạm dụng tình dục, không biết bày tỏ với ai, bạn chọn nói riêng với cô giáo chủ nhiệm, cô đáp lạnh lùng “Ừ, chắc mẹ em không đáp ứng đủ cho bố”.
Đấy, cao quý đấy !
Và trong đời tôi từng trải qua những trải nghiệm còn dã man hơn như thế, khiến tôi dùng nhiều thời gian để nguôi ngoai, để cố mà buông bỏ.
Tuy vậy, còn sót lại trong tôi vẫn còn hình bóng của những người là nhà giáo một cách đúng nghĩa - họ thắp lên niềm tin về sự cao quý - niềm tin ấy le lói trong tôi như một ngọn nến cháy tàn, thoi thóp và làm bừng sáng giá trị bất diệt của giáo dục.
Hồi cấp 2 tôi có một câu chuyện rất đáng để suy ngẫm. Chả là hôm đó lớp học thêm văn của tôi nộp bài tập về nhà, người dạy lúc đó là một thầy giáo nổi tiếng ở địa phương, cũng là một nhà văn có chút danh tiếng - nhà văn Phạm Hữu Hoàng. Lúc chấm, thầy có cho bài của một bạn nữ kia đạt 8+, bài tôi đạt 8,5 ; sau khi cả 2 lần lượt đọc 2 bài văn lên, không biết bằng sự can đảm nào, tôi đứng dậy hỏi "Dạ thưa thầy, tại sao bài bạn hay hơn bài con mà thầy cho bạn 8+ mà con 8,5 ?". Câu trả lời lúc đó khiến tôi nhiều bàng hoàng pha chút bực mình, thầy bảo "Tôi cá với em, bài em là em tự viết bằng tâm tư mình, còn con nhỏ kia nó chép ở đâu đó chứ nó không viết ra được bài đó đâu, nó chép chỗ khác nên em thấy hay là đúng. Còn tôi cho nó 8+ là đánh giá cao cái chỗ nó chép".
Tôi cứng họng và cảm thấy ông thầy rất rất vô lý. Hình như hiểu được thắc mắc của tôi, thầy cầm vở con nhỏ "Đây... chỗ này, "Cây xương rồng chứa đầy đủ trong nó cái bùi ngùi, xót xa.....", tôi cá với em là nó không viết nổi bài này, đặc biệt là cái câu đó, bài này là một thằng đầu 2 thứ tóc viết". Tôi ngàn lần cảm thấy vô lý, tôi đem cái vô lý đó lấn cấn mãi trong lòng theo bước chân tôi lớn lên, và nó trở thành một vết nứt nhỏ trong hình tượng người thầy đáng kính của tôi.
Kì lạ là, ông trời luôn hiểu được lòng này, khi lớn lên, có một lần tôi lướt mạng, bắt gặp bài viết cây xương rồng của con nhỏ kia viết năm xưa, nguyên văn chính xác luôn cái câu "Cây xương rồng chứa đầy đủ trong nó cái bùi ngùi, xót xa.....", và tác giả cũng quả là một người đầu 2 thứ tóc như thầy tôi nói. Tự nhiên lúc đó có cái gì vỡ ra trong lòng tôi, cho tôi thêm nhiều chiêm nghiệm. Chính việc ôm lấy cái thắc mắc năm nào đã nuôi con bé học trò hỏi câu hỏi ấy lớn lên, sâu sắc hơn, hoài nghi hơn trong cuộc sống.
Hồi tôi học 12, có một lần có một thầy giáo dạy Sử thấy tôi đứng ở cầu thang, thầy rối rít bảo “Con ơi, con là con bé viết cái bài tuổi 18 trên facebook hôm bữa đúng không con. Ôi thầy thích đọc bài con viết lắm, viết nữa cho thầy đọc nha con” - “Dạ con cảm ơn thầy, để con viết cho thầy đọc”. Một năm sau, thầy qua đời trong một cơn bạo bệnh. Người tuy không còn nhưng lời hứa đó bao nhiêu năm tôi vẫn giữ.
Kể cả khi đã lên đại học, có lần đêm trước đó tôi không ngủ được nên sáng hôm sau không kịp dậy đúng giờ kiểm tra môn Luật Quốc Tế, lúc làm bài chỉ còn nửa thời gian và bài làm chỉ có 6 điểm. Tôi có viết mail xin giảng viên của mình lúc đó là PGS. Ngô Hữu Phước để có thể kiểm tra lại, thầy trả lời tôi : “Chào con! Thầy sẽ lưu ý trường hợp khá nan giải của con, nhưng mà lý do con đưa ra hơi khó để thầy “chiếu cố” rồi. Con phải nhớ lấy kinh nghiệm này cho rất nhiều lần sau con gái nhé”.
Tuy không được kiểm tra lại, nhưng sự ân cần đó cứ ở mãi trong lòng tôi.
Sau tất cả những trải nghiệm vui buồn lẫn lộn (buồn nhiều hơn vui) về nghề nhà giáo, tôi chợt hiểu ra một điều : Thứ còn sót lại trong tâm trí của một đứa học trò sẽ không phải kiến thức uyên thâm hay lập luận sắc bén mà là chính những ký ức chạm đến trái tim - nâng bước chân con người trên hành trình trưởng thành.
Va vấp những trải nghiệm không lành mạnh, tôi từng trăn trở rằng : Lý do gì nghề nhà giáo trở nên đáng tôn vinh hơn hẳn những ngành nghề khác? Như cái lý do xưa cũ người ta hay đưa ra là “Người thầy truyền đạt tri thức, không thầy thì đố mày làm nên” - trong khi rõ ràng, việc “truyền đạt tri thức” đó chỉ là CÔNG VIỆC của họ mà thôi, họ được trả tiền để làm điều đó cơ mà?
Sâu xa hơn là bởi ngày xưa, trong thời phong kiến, giáo dục chỉ dành cho số ít, số người biết đọc biết viết chiếm tỉ lệ rất nhỏ trong xã hội, nên người thầy là biểu tượng của tri thức. Xã hội ngày xưa giản đơn, mối quan hệ thầy - trò gần gũi và bền chặt, lại được nhúng trong phông nền văn hóa đậm tính làng xã, gia đình, cũng làm cho người thầy có vị trí ngang hàng với cha về mức độ tôn kính trong lòng học trò.Trong bối cảnh xưa, chương trình giáo dục đơn giản, chỉ xoay quanh tứ thư ngũ kinh, với mục tiêu rất rõ ràng là học để làm quan, và hình mẫu hướng đến là trở thành người quân tử. Nên dù thế nào, việc dạy học của thời phong kiến phảng phất trong mình tinh thần của đạo học, của lẽ sống.
Cũng chính từ đó, những quốc gia bị ảnh hưởng bởi Nho Giáo coi ngành giáo dục “như một thứ đức tin” ở khía cạnh tôn sùng và không còn chỗ cho sự hoài nghi - khiến cho ngành nghề này có một sự thu hút đặc biệt vì sự cung kính xã hội dù tồn tại trong đó chân chính có mà thất đức cũng không thiếu. Có nhiều đêm tôi tự hỏi : Trong số những người mang danh Nhà giáo đó, bao nhiêu người bước vào với tinh thần cống hiến giáo dục, thương yêu con trẻ, bao nhiêu người bước vào vì mưu cầu chữ “cao quý” mà xã hội tung hô, bao nhiêu người coi mực đỏ chấm bài là máu chảy từ tim ?
Việc học đã trở thành việc phổ biến, đại trà, chứ không còn dành cho số ít tinh hoa như trước nữa. Các phương tiện truyền thông cũng như sách vở, báo chí tràn lan khiến việc học trở nên dễ dàng và người thầy không còn giữ vai trò độc quyền trong việc nắm giữ tri thức. Dần dà, mối quan hệ thầy - trò đưa về quy luật cung cầu lạnh lẽo của đồng tiền. Trong tháng năm tuổi trẻ tôi lớn lên, tôi gặp qua những người mang danh Nhà giáo nhưng thốt ra những câu lạnh lẽo đến vô lương, như chưa từng cho học trò mình một đường lui. Tôi chợt nhận ra : Nhà nước chỉ trả tiền cho họ đứng dạy chứ chưa bao giờ trả tiền cho lương tâm.
Từ đó, trong lòng tôi, tôi không mặc định có tồn tại ngành nghề nào mà bắt buộc xã hội phải tôn kính. Áo cà sa không làm nên thầy tu. Với gái mại dâm, chất tục, chất điếm không nằm ở diện tích áo quần mà nằm ở sự lả lơi trong ánh mắt, trong thần thái! Tương tự, sự cao quý của nhà giáo tuyệt đối không nằm ở tấm bằng sư phạm mà đến từ sự thanh lương trong cốt cách, giống như làm nên bác sĩ không phải từ chiếc áo blouse trắng mà là từ y đức.
Trong cuộc đời, chúng ta gặp qua những người, bằng một cách vô tình hay hữu ý, đã để lại một câu nói đầy ý nghĩa. Chỉ một câu nói đúng lúc, đúng chỗ, đúng vấn đề cũng có thể thay đổi hoàn toàn cách nghĩ, cách sống của mình và nhờ đó, trở thành thầy của chúng ta - một thứ hạt giống được gieo xuống nền đất tâm hồn, đâm chồi nảy lộc và tỏa bóng mát mãi mãi - tạo thành một di sản trường tồn của nghề nhà giáo.
Để tính di sản ấy hiện hữu và làm nên giá trị cao quý của Nhà giáo, đòi hỏi rất nhiều lương tâm, rất nhiều trả giá. Xã hội ngày nay rất coi trọng giáo dục, nhưng dường như chỉ hướng đến “người có học” chứ không phải “người học thức”. “Người có học” chỉ dừng lại ở kiến thức, kỹ năng, trường lớp, chứng chỉ,.. nhưng “học thức” hướng đến sự mưu cầu giá trị tinh thần và mục tiêu làm giàu tâm thức cũng như vun đắp chiều sâu đạo đức. Học thức đặt nặng cái phẩm chất, còn học hành đặt nặng cái lượng. Học hành có thời hạn nhưng học thức là hành trình cả cuộc đời. Chừng nào chạm đến được cái “phẩm” trong sự học thì di sản của Nhà giáo mới thực sự trường tồn.
Lê Thảo Quỳnh
Giáo dục
/giao-duc
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất