Tìm hiểu về chủ nghĩa Khắc Kỷ và những phê bình xung quanh trường phái triết học này.
Mưu cầu một phong cách sống Bình Thản Tự Tại
I. Vấn đề Tôn giáo và Triết học.
Tôn giáo nói chung đều khuyên răn con người phải tuân thủ đạo đức nghiêm ngặt, họ khẩn cầu sự cứu rỗi của đấng tối cao thông qua những nghi lễ, và cầu mong con người thoát tục để trở về với thiên đàng.
Việc tuân thủ giáo luật ngăn cản con người triết lý về quan điểm sống của riêng mỗi cá nhân, tất cả bọn họ chỉ là những con cừu ngoan ngoãn quy phục trước thần thánh của họ. Khi “con cừu” đau khổ, thắc mắc về khổ ải trần gian, thì họ đều nhờ vào sự tư vấn của tu sĩ. Cuối cùng, những lời khuyên ấy cũng là câu trả lời mơ hồ nằm ở đâu đó trong các bộ kinh.
Như vậy, dù các giáo dân có làm điều gì ngoài đời ra sao, như thế nào, dù tốt hay xấu, miễn chẳng động đến luân lý và pháp luật thì họ có thể làm. Và việc họ làm chẳng có một chút gì liên quan tới nghệ thuật sống cả. Cuối cùng, con người cũng chỉ đi theo chủ nghĩa khoái lạc khai ngộ, chạy theo dục vọng, vật chất để rồi tiếp tục đón nhận khổ ải của trần thế.
Triết học thì có vô số thể loại như luân lý học, luận lý học, siêu hình học, triết học của triết học, triết học của khoa học,… nhưng những thứ đó có vẻ chẳng giúp ích gì cho triết lý sống của con người, ngoài việc học triết để thi cho đủ điểm, hoặc là chạy theo những thứ bên ngoài con người, chạy theo những lý luận biện minh cho một chế độ chính trị xã hội tập thể nào nào đó, hoặc đưa ra một lời giải thích trừu tượng mơ hồ. Khi bạn đối thoại với triết gia để xin một câu trả lời cho cuộc đời bạn. Rất tiếc, ông ta sẽ không bao giờ cho bạn một câu trả lời nào cụ thể cả, nhiệm vụ của ông ấy là đưa cho bạn những lời giải thích về sự lựa chọn của bạn, và để bạn tự quyết lấy mà thôi.
Cuộc đối thoại ấy tương tự như trong bộ phim Matrix, bộ phim ấy có một phân cảnh, với tên gọi “Red Pill or Blue Pill”. Trong phân cảnh ấy, Morpheus đã giải thích về thế giới mà Neo đang thấy chỉ là ảo ảnh, chỉ là nhà tù do Matrix tạo ra. Rồi ông ta đưa cho Neo hai viên thuốc để cho anh ta lựa chọn:
“Đây là cơ hội cuối cùng của cậu. Sau lần này, không còn đường quay lại. Chọn viên xanh, câu chuyện kết thúc, cậu tỉnh dậy trên giường và tin vào bất cứ điều gì cậu muốn tin. Chọn viên đỏ, cậu sẽ ở lại thế giới thần tiên, và tôi sẽ cho cậu thấy hang thỏ sâu đến nhường nào. Nên nhớ cho, tôi chỉ đề nghị sự thật, không có gì khác.”
Rốt cuộc, triết học Khắc Kỷ lại thực dụng hơn các thể loại triết học khác ở điểm, họ không nói suông về triết lý, mà còn thực hành triết lý để giúp người đi theo trường phái có thể tổ chức được một đời sống trung dung, bình thản.
II. Đi tìm định nghĩa về chủ nghĩa Khắc Kỷ.
Đầu tiên, chủ nghĩa Khắc Kỷ là một trường phái triết học giúp cho người thực hành làm chủ được ham muốn. Nhưng việc làm chủ ham muốn ấy không phải là sống một cuộc đời khổ hạnh cực đoan. Mà họ giúp người thực hành duy trì được trạng thái bình thản thông qua những Kỹ Thuật Tâm Lý Khắc Kỷ.
Chủ nghĩa Khắc Kỷ được khai sinh bởi một đệ tử của chủ nghĩa Yếm Thế (Khuyển Nho). Người đó không ai khác ngoài Zeno xứ Citium. Có vẻ như ông không cảm thấy phù hợp với cuộc sống chán đời cực đoan của chủ nghĩa Yếm Thế, cho nên Zeno mới quyết định khai sinh ra trường phái triết học mới.
Nói chung, chủ nghĩa Khắc Kỷ có thể tạm gọi là một học phái giúp người thực hành sống một cuộc đời giản dị trung tính. Họ vừa có thể tận hưởng khoái lạc như triết gia Khoái Lạc, vừa có thể dễ dàng buông bỏ khoái lạc như một triết gia Khuyển Nho.
Chủ trương ban đầu của trường phái Khắc Kỷ Hy Lạp không những tập trung vào triết lý sống đức hạnh bình thản, mà họ còn học vật lý và logic. Thông qua vật lý, triết gia Khắc Kỷ hy vọng tìm hiểu được mục đích đã được định sẵn trong con người. Còn đối với logic, họ mong cầu điều này sẽ giúp họ thực hiện tốt mục đích đã được định sẵn trong chúng ta. Họ còn cho rằng, người sống theo Lý Tính là sống thuận theo tự nhiên, nhờ đó thoát tục để trở thành một bậc hiền triết giống như Jesus, Thích Ca, Khổng Tử và Socrates. Nhưng cũng phải nói thêm, điều họ quan tâm nhất vẫn là duy trì đức hạnh, việc trở thành thánh nhân cũng chẳng phải là mục đích cuối cùng.
Xét trên phương diện này, khi triết học Khắc Kỷ du nhập vào La Mã thì nó không còn là một trường phái bao quát hoàn chỉnh như trước. Tại đây, trường phái này được giới thượng lưu xem như một tôn giáo thịnh hành. Họ trú trọng quan tâm tới việc thực hành đức hạnh hơn là nghiên cứu vật lý, logic. Và từ lối thực hành ấy, triết học Khắc Kỷ La Mã đã trở thành một trường phái ảnh hưởng rất nhiều đến những người đi theo Khắc Kỷ trong thời hiện đại.
III. 5 kỹ thuật Tâm Lý của học phái Khắc Kỷ
Theo những nghiên cứu triết học lâu năm của giáo sư William B. Irvine về chủ nghĩa Khắc Kỷ La Mã. Ông đã đúc kết được 5 kỹ thuật tâm lý quan trọng của chủ nghĩa Khắc Kỷ để giúp chúng ta có thể dễ dàng thiết kế lại cuộc sống của chính mình. Ngoài ra, từ bộ khung lý thuyết này, chúng ta có thể dễ dàng tham vấn tư tưởng của Seneca trong tác phẩm SENECA: NHỮNG BỨC THƯ ĐẠO ĐỨC và tư tưởng của hoàng đế Marcus Aurelius trong tác phẩm SUY TƯỞNG.
5 kỹ thuật đó bao gồm: Tưởng tượng tiêu cực; Tam phân quyền kiểm soát; Thuyết vận mệnh; Tự tiết chế bản thân và cuối cùng là Suy Ngẫm.
1. Thực hành tưởng tượng tiêu cực:
Các nhà Khắc Kỷ tin rằng, cuộc đời con người luôn phải vật lộn trong cõi trầm luân khổ ải của sự không thỏa mãn, dù bạn đạt được bất cứ điều gì trong cuộc sống thì bạn vẫn đứng núi này trông núi nọ. Dù bạn có sống khỏe hôm nay, ngày mai có thể bạn mang trong mình cơn bạo bệnh hoặc là chết do tai nạn gây ra. Bản chất về sự tồn tại của chúng ta trong thế giới này là vô thường, không có gì cố định, không có gì đáng tin tưởng… Như vậy, bạn phải thực hành tưởng tượng tiêu cực:
- Để trở thành một người đi theo chủ nghĩa bi quan, mang trong mình tâm thế chuẩn bị phương án phòng ngừa mọi bất trắc.
- Giảm thiểu tham vọng của bản thân khi bạn đạt được gì đó trong cuộc sống.
- Làm mới mọi thứ cũ kỹ mà bạn đang sở hữu nhờ vào việc biết rằng, trong tương lai, bạn có thể đánh mất thứ bạn đang sở hữu.
- Chuẩn bị tâm lý đón đầu những đau khổ do biến cố, tai nạn gây ra.
Lấy ví dụ cụ thể hơn, khi bạn mua một đôi giày đắt tiền, bạn sẽ tưởng tượng rằng, khi bạn không trân trọng và vệ sinh đôi giày thường xuyên, tất nhiên nó sẽ mau cũ kỹ, hư hỏng. Trước khi ăn, bạn tưởng tượng ra ngày mai bạn sẽ không còn thứ gì để cho vào mồm, từ đó bạn có cảm giác trân trọng bữa ăn này. Trong tình yêu, bạn biết được trong tương lai cô ấy sẽ chia tay bạn. Vì thế, bạn sẽ tận tâm cho mối tình này, lỡ như điều không mong muốn thực sự diễn ra như bạn đã tưởng tượng, thì bạn sẽ không bị shock nữa.
2. Tam phân quyền kiểm soát:
Nhưng nếu nói rằng việc tưởng tượng tiêu cực chỉ để đạt trạng thái bình thản không thôi, thì e rằng bạn sẽ bị bệnh tự mãn, nỗ lực ảo. Đôi khi tưởng tượng tiêu cực còn khiến bạn vẽ ra đủ phương hướng cực đoan, để rồi bạn lại sợ hãi sống trong vùng an toàn. Cho nên chủ nghĩa Khắc Kỷ còn khám phá ra tam phân quyền kiểm soát để thúc đẩy hành động thực tiễn của bạn hơn.
Tam phân quyền kiểm soát của chủ nghĩa Khắc Kỷ bao gồm:
- Những thứ ta có toàn quyền kiểm soát
- Những thứ ta hoàn toàn không thể kiểm soát
- Những thứ ta có thể kiểm soát một phần
Đối với những thứ bạn có thể toàn quyền kiểm soát thì bạn nên thực hiện nó một cách trọn vẹn. Trong công việc, bạn có cảm giác mất kiểm soát vì không biết làm nhiệm vụ và sau, sao cho hiệu quả nhất. Vậy thì bạn có thể phân loại nhiệm vụ ra từng cấp độ khác nhau để giải quyết chúng, đối với nhiệm vụ khó và cần nhiều trí lực, thì bạn nên đặt nhiệm vụ đó vào khung giờ mà trí não bạn hoạt động tốt nhất. Đến lúc não bộ cảm thấy không còn khả năng tập trung, thì những nhiệm vụ đơn giản sẽ được đặt lên vị trí ưu tiên.
Những thứ bạn không thể kiểm soát chính là chân lý tuyệt đối mà con người không thể lay chuyển nổi. Có thể là chu kỳ của chiến tranh và dịch bệnh, có thể là yếu tố ngẫu nhiên về cái chết của bạn trong tương lai, hay là tin tức vớ vẩn xuyên tạc của báo lá cải... Thật là phí phạm thời giờ để bạn lo lắng cho những điều này.
Đối với những thứ có thể kiểm soát một phần, bạn có thể thay đổi một phần nào đó vận mệnh của mình trong tương lai dù biết rằng ở nơi ấy có vô vàng biến số. Nhiệm vụ quan trọng của bạn lúc này là nội tại hóa bản thân và không nên chạy theo những yếu tố khó kiểm soát bên ngoài bạn. Để minh họa rõ hơn về kỹ thuật này, một học sinh trung bình đang thực hành Khắc Kỷ sẽ tập trung vào các môn học chính mà cậu ta cho rằng có khả năng kiểm soát tốt trước tiên, rồi sau đó, cậu ta sẽ nâng cao các môn học dưới trung bình lên mức điểm 5, thay vì chơi trò so sánh điểm số và chạy đường tắt bằng trò gian lận thi cử. Một hình tượng sống khác cũng ủng hộ cho thuyết này, đó chính là Jordan Tice - Một tay chơi đàn guitar theo phong cách New Acoustic thành công tại Mỹ (Mặc dù anh ta không biết Khắc Kỷ là gì). Có thể nói rằng anh chàng này là một thần đồng, vì ở tuổi 16, anh ta đã được Gary Ferguson, một nghệ sĩ Bluegrass nổi tiếng mời đi lưu diễn khắp nơi. Cơ mà, Jordan không bao giờ ngủ quên trên chiến tích đó, anh cảm thấy ghét bất cứ ai gán ghép anh với cái danh thần đồng như Mozart. Đối với người bình thường, nghệ sĩ chơi đàn sẽ chơi vì đam mê và vì năng khiếu bẩm sinh. Nhưng không, Jordan Tice lại nghĩ việc chơi đàn guitar là một nghề nghiêm túc. Thay vì chạy đôn chạy đáo tạo các mối quan hệ, tham gia thật nhiều show diễn, cho ra thật nhiều album solo. Điều anh ta quan tâm nhất vẫn là chất lượng bản nhạc được anh sáng tác và kỹ thuật chơi đàn guitar điêu luyện. Trong quá trình luyện tập, anh sẽ sáng tác bản nhạc và gia tăng tốc độ chơi lên gấp nhiều lần. Mỗi lần đánh hụt một nốt, Jordan sẽ chơi lại bản nhạc đó cho đến khi nào hoàn thiện thì thôi. Khi bản nhạc được đem ra công diễn, anh mới cho phép bản thân chơi ở tốc độ bình thường một cách hoàn hảo. Cho đến hiện tại, anh đã có 5 album solo cho riêng mình, cùng nhiều dự án ghi âm với các nhóm nhạc khác. Tóm lại, Jordan Tice cảm thấy quá trình luyện tập như vậy mới khiến anh say xưa hạnh phúc, còn những thứ bề ngoài như danh hiệu thần đồng, những chuyến lưu diễn, sản phẩm âm nhạc không phải là cái tạo nên hạnh phúc của cuộc đời anh.
3. Thuyết vận mệnh: Quá khứ và hiện tại cần phải buông bỏ.
Theo thuyết này, các triết gia Khắc Kỷ thực chất không theo chủ nghĩa vô thần, mà họ còn tin vào thuyết “sợi chỉ vận mệnh” của 3 chị em thần Moirai.
Với sự chi phối của ba nữ thần vận mệnh, họ phân vai cho bạn ra sao, thì bạn nên tuân theo và diễn hết mình với vai diễn đó, nếu bạn bạn càng vùng vẫy thoát khỏi vận mệnh thì bạn càng đau khổ.
Đối với số đông đại chúng, họ tin rằng Moirai sẽ chi phối vận mệnh của bạn từ quá khứ đến tương lai, có nghĩa:
“Số phận của con người đã được vận mệnh hoạch định sẵn theo dòng chảy của thời gian, dù ta có thay đổi bản thân trong hiện tại thì cũng không thay đổi gì tới ta của tương lai cả”
Nếu xét lại tiểu sử của các triết gia Khắc Kỷ, chúng ta có thể thấy Seneca thể hiện rất tốt tài năng kinh doanh của mình. Marcus Aurelius và Cato xứ Utica là 2 nhà Khắc Kỷ tham gia vào hoạt động chính trường sôi nổi, chứ họ không hành nghề như một triết gia thuần túy. Epictetus thì không chấp nhận làm tròn bổn phận nô lệ cả đời. Khi còn trẻ, ông ta đã chớp lấy nhiều cơ hội của chủ nhân giàu có ban cho để ông được học tập triết học Khắc Kỷ. Về sau, Epictetus đã trở thành một người thầy giảng dạy triết học nổi tiếng.
Nếu xét theo thuyết trên để đánh giá hành vi của các nhà Khắc Kỷ, thì ta có thể thấy bọn họ chỉ là những tên đạo đức giả. Nhưng không, chúng ta đã sai, các nhà Khắc Kỷ không tin vào việc Moirai kiểm soát tương lai. Họ quả quyết rằng: 3 chị em nữ thần Moirai chỉ chi phối được thực tại và quá khứ.
Nếu mình dùng thuyết kiểm soát một phần và thuyết không thể kiểm soát đặt vào dòng thời gian, thì bạn sẽ hiểu thuyết vận mệnh theo quan niệm của triết gia Khắc Kỷ sẽ vận hành ra sao:
Quá khứ (không thể kiểm soát):
“Quá khứ đã xảy ra như thế, dù bạn có cố làm gì thì quá khứ cũng không thể thay đổi, thôi thì đừng lãng phí thời gian và tâm trí để chìm đắm vào đau khổ vì những sự kiện đã qua. Việc tốt nhất mà bạn có thể làm là chỉ suy niệm về những lỗi lầm đã qua và đúc rút ra kinh nghiệm cho cá nhân bạn mà thôi”
Thực tại (có thể kiểm soát một phần):
“Ngay lúc này, hành vi của bạn có thể chi phối mọi thứ xung quanh bạn. Nhưng bạn không thể nào thay đổi hoàn cảnh của bạn ngay lập tức, bạn nghèo là bạn nghèo, bạn béo là bạn béo. Bạn không thể giàu có cùng với eo con kiến trong tích tắc được. Tất nhiên, bạn phải thuận theo hoàn cảnh mà sống, đừng ước mơ những thứ bề ngoài của thiên hạ. Hãy để dành sức lực vào việc gì đó có ích và cụ thể hơn để thay đổi vận mệnh trong tương lai của bạn”
4. Tự tiết chế bản thân:
Đây có thể nói là một kỹ thuật hiện thực hóa khả năng tưởng tượng tiêu cực của chủ nghĩa Khắc Kỷ. Các triết gia yêu cầu bạn sống thanh đạm, ăn uống đơn giản và tự nguyện phơi mình định kỳ trước những thứ bạn cho là bất tiện.
Điển hình như Zeno và hoàng đế Marcus là hai người thích sống một đời sống nội tâm hơn là hướng ngoại. Biết được tật xấu đó, thầy của Zeno là Crates đã buộc học trò của mình phải đi tới nơi đông người nhằm loại bỏ tật xấu hổ trước đám đông. Tương tự như thế, hoàng đế Marcus phải buộc bản thân ra ngoài tiếp xúc với quan chức nhiều hơn, mặc dù ông ghét điều đó. Cato xứ Utica lại mang danh phận là một sĩ quan cao cấp, nhưng ông không chọn cưỡi ngựa như các sĩ quan khác để thể hiện giá trị quyền lực. Thay vào đó, ông chọn đi bộ như một người lính cấp thấp nhằm loại bỏ cái nhãn dán danh phận ấy. Seneca lựa chọn sống bất tiện để trân trọng những thứ mà ông đang có, và nhờ thế ông có thể chấp nhận một đời sống trống trải tù đày ở đảo Corsica. Epicurus lại mang tư tưởng rất giống với Minimalism: ông muốn kiểm chứng những thứ mà ông cho rằng mình cần đến, từ đó quyết định xem trên thực tế đâu là những thứ ông có thể sống mà không cần đến.
Đối với các tôn giáo nói chung, họ cũng tổ chức cho giáo dân sinh hoạt tiết chế bản thân định kỳ. Phật giáo thường tổ chức các khóa tu từ 7 - 30 ngày cho Phật tử tại gia, ở đó, mọi người đều sinh hoạt như các nhà sư thực thụ để gột rửa hết tham ái. Hồi giáo thì chủ trương tháng ăn chay Ramadan: Họ không được sinh hoạt tình dục, không hút thuốc, không ăn uống chừng nào Mặt Trời còn chiếu sáng trên mặt đất. Người theo chủ nghĩa vô thần thì lại chọn Minimalism làm tiêu chí sống nhằm tránh khỏi thói tham lam sở hữu vật chất đang điều khiển họ. Các anh chàng nghiện quay tay khi sợ hãi trước sự yếu đuối, thì bọn họ đã chọn tháng 11 làm lễ “ăn chay Ramadan” truyền thống của mình.
Mặc dù người đời ít khi nghe đến chủ nghĩa Khắc Kỷ, nhưng kỹ thuật tự tiết chế bản thân có thể nói là một kỹ thuật rất thành công và cực kỳ phổ biến trong văn hóa đại chúng. Tại sao mình lại đưa ra quan điểm rằng họ lại thành công? Vì nhà tâm lý học Alfred Adler đã tuyên bố: cho đến khi trường phái của ông bị người đời quên đi, thì nó không còn là một hình thức học thuật nữa. Mà nó đã trở thành một quan niệm phổ biến trong đại chúng rồi.
5. Suy ngẫm.
Suy ngẫm theo sự định nghĩa của Sextius (Thầy Seneca) là sự tự vấn bản thân: “Ngày hôm nay ta đã thoát khỏi những phiền não nào? Đã cải thiện được những nhược điểm gì? Tiến bộ ở mặt nào?” Nhưng Epictetus lại tham vọng hơn trong việc suy ngẫm, đó là buộc người thực hành phải tạo ra người quan sát Khắc Kỷ ở bên trong họ ở mọi lúc mọi nơi. Khi Seneca suy ngẫm về những lỗi lầm trong quá khứ và hiện tại, nếu ông phát hiện ra hành vi gây tổn thương cho một ai đó, thì sẽ tự đặt mình vào hoàn cảnh của đối phương để hiểu cảm giác của họ ra sao. Ví dụ như khi ông ta khuyên răn ai đó với thái độ hùng hổ, Seneca cảm thấy người kia đang có cảm giác khó chịu và không thể tiếp thu lời ông ta nói. Lần sau, ông sẽ tiết chế lại lời nói của mình khi khuyên nhủ một người có thái độ hèn kém tương tự như thế. Trong một trường hợp khác, Seneca bị người đời nói xấu tác phẩm của ông, thay vì tức giận với họ, ông lại suy nghĩ về cảm giác của những người đã bị ông chỉ trích trước đó rồi cho rằng bản thân ông đáng bị chỉ trích như thế.
Đặt mình vào người khác thôi chưa đủ, Marcus cho rằng bạn cần cân nhắc mọi hành động, việc làm của mình, xem xét động cơ của hành vi đó là gì, giá trị của hành vi mà bạn đang cố hoàn thành có đáng giá hay không.
Cảm xúc tích cực có khả năng khơi gợi nhiều tham vọng thèm khát cũng cần được bạn đánh giá. Ví như sự hãnh diện tự hào vì bạn đạt được thành công và được người khác tâng bốc khen ngợi; Sự thỏa mãn khi đánh bại người khác; Cảm xúc khoái lạc của tình dục;…
Cuối cùng, người thực hành Khắc Kỷ cũng nên đánh giá lại việc thực hành của họ trong ngày qua có tiến bộ hay không ? Kỹ thuật tâm lý nào còn làm chưa tốt ? Nếu tự kiểm nghiệm về sự tiến bộ khi thực hành Khắc Kỷ thường xuyên, thì bạn sẽ chắc chắn thấm nhuần tư tưởng Khắc Kỷ hơn trước. Tác giả của quyển sách Chủ Nghĩa Khắc Kỷ cũng đưa ra một vài dấu hiệu để bạn phát hiện ra sự tiến bộ như sau:
- Bạn sẽ bỏ ngoài tai những lời miệt thị và lời khen của người khác.
- Ngừng đổ lỗi và tự nhận trách nhiệm.
- Không chê bai hay khen ngợi người khác. Không huênh hoang khoe khoang về kiến thức của bản thân.
- Bạn sẽ làm chủ được những dục vọng.
- Hành động theo triết lý nhiều hơn là nói triết lý.
Đặc biệt, bạn sẽ nhạy cảm nhiều hơn trong việc tận hưởng niềm vui nho nhỏ đơn thuần ngay bây giờ, ngay lúc này. Để miêu tả đó cảm giác đó như thế nào, thì mình tin rằng đó là một trạng thái tâm lý của các nhân vật Anime trong các bộ Slice of Life
IV. Những phê bình về trường phái Khắc Kỷ.
1. Từ góc nhìn hiện sinh của Karl Jaspers.
Tuy có lời khen cho Khắc Kỷ khi Karl Jaspers công nhận các triết gia Khắc Kỷ đã cho người châu Âu đi theo tôn giáo nào đó trào vọt lên tinh thần tự do. Tán dương cái chết của Seneca là một yêu sách tuyệt đối giống như Socrates, và cái chết ấy không mang ý nghĩa hàm hồ như cái chết cuồng tín tử đạo của Kito giáo. Ngoài ra, ông còn học hỏi và khai triển thêm phương pháp thực hành SUY NGẪM của các nhà Khắc Kỷ nữa. Nhưng đã mang tiếng triết gia thì bạn biết đấy, ông không thể tránh khỏi câu chuyện phê bình cổ nhân.
Về quan điểm đi tìm tự do tuyệt đối của các nhà Khắc Kỷ.
Jaspers tin rằng, chúng ta trong cuộc sống hiện đại không thể nào có được tự do tuyệt đối. Ta vô tình bị ràng buộc vào phong tục tập quán văn hóa, tư tưởng của các chính thể, dân tộc, những lời hô hào của giới truyền thông, hay là tư tưởng bầy đàn của một đám đông nào đó. Không những thế, bản thân ta còn bị ràng buộc vào các yếu tố sinh học của chính mình. Như vậy, việc xây dựng một sự tự do tuyệt đối như các nhà Khắc Kỷ là không khả thi.
Chúng ta không nên học thói điềm nhiên cương nghị và vô cảm như các triết gia Khắc Kỷ. Vì thân phận loài người đã là bất toàn, phải biết bản thân có sống trong dục vọng, lo âu và bó buộc chúng ta phải cảm nghiệm những gì thuộc thế sự. Jaspers đồng ý với các nhà Khắc Kỷ rằng ta không nên làm nô lệ cho những xúc cảm sốc nổi nhất thời, nhưng đừng dập tắt cảm xúc của mình giống như Khắc Kỷ đã làm.
Cuộc sống thanh bần, độc thân, xa rời trần thế, sự tự tin khi được giải thoát khỏi sự lệ thuộc vào ngoại tại, hay là tinh thần không đếm xỉa gì đến tai họa trần gian. Thì cuộc sống đó sẽ trở thành một tinh thần độc lập tự phụ, dễ bị đẩy vào thế cô lập. Một số triết gia Khắc Kỷ bị xa lầy vào sự trói buộc tư tưởng của chính họ. Có nghĩa họ bị vĩ cuồng, họ phê phán người khác một cách khoe khoang, kiêu căng, lạnh lùng và gây ác cảm cho nhiều triết gia đối thủ cùng thời đại của họ. Dù nói rằng không bị lệ thuộc vào ngoại tại, nhưng họ lại trở thành nô lệ cho những dục vọng thầm kín mà họ không hề hay biết (đó là thực hành Khắc Kỷ để cho người ta khen).
Việc suy nghĩ tiêu cực của Khắc Kỷ còn giúp chúng ta cảm nghiệm được những hoàn cảnh giới hạn bất dịch, tuy ta không thể biết thất bại sẽ tiêu diệt mình ra sao, nhưng chúng ta phải nhìn thẳng vào thất bại để quyết định vận mệnh của mình trong tương lai. Đừng im lặng đón nhận thất bại hoặc phản kháng thất bại. Nhờ suy nghĩ tiêu cực ấy, đôi khi ta rơi vào sự hư vô, rồi từ đó, ta mới có niềm tin để bám víu vào một sự hữu trường tồn thực sự. Mặt khác, việc tự cảm nghiệm các tai họa cũng chỉ là tương đối, vì khi gặp tai họa thực sự, chúng ta cũng sẽ điêu đứng hoàn toàn, ngay lúc đó, ta không còn bất kỳ một sinh lực nào để tự giải thoát chính mình.
Hiện nay, chúng ta không nên tin tưởng bất kỳ một trường phái triết học nào, không có triết gia nào vô song, không nên tin tưởng vào bất cứ chân lý tuyệt đối đã bị công thức hóa như một chân lý duy nhất. Phải chủ động theo tư tưởng của mình, nhưng không được làm càn làm ảnh hưởng lợi ích của người khác, phải biết đấu tranh cho chân lý của bản thân, nhưng phải có lòng thông cảm với người khác.
2. Trường phái Kyoto phê bình về quan điểm “cái thiện” của Khắc Kỷ.
Nishida cho rằng thuyết đạo đức thuận theo lý tính và suy luận logic của các nhà Khắc Kỷ là chưa chính xác. Logic và vật lý không thể tự định nghĩa thiện là gì, và tại sao người ta phải hành thiện. Đa số con người chỉ thực hiện hành vi thiện xuất phát từ tình cảm hoặc dục vọng.
Thiện tuyệt đối như Nishida mong muốn là cái thiện vô ngã của Đức Phật, đó là tâm không còn phân biệt nhị nguyên thiện ác. Tự bản thân bạn dốc hết lòng chí thành để hành thiện cho một ai đó tới cảnh giới quên cả bản thân mình và cả đối phương, mà không có tư duy biện biệt gì trong đầu cả.
Giống như trong câu chuyện anh Nguyễn Ngọc Mạnh leo lên mái tôn cứu cháu bé sắp rơi từ tầng 12 của tòa chung cư, và lúc đó, anh ấy chẳng có suy nghĩ gì nhiều ngoài việc tìm tư thế đỡ cháu bé. Sau vụ việc ấy, hai nhà giáo vật lý cùng đám học sinh của họ cãi lý rồi thóa mạ lẫn nhau chỉ vì hành vi thiện của anh Mạnh. Nhìn vào người mắc chứng nỗ lực ảo hay anh hùng bàn phím giỏi tranh luận chẳng hạng, họ cũng chưa chắc gì hành động thiện sau khi nói lý.
Hay như xã hội Trung Quốc cổ đại có câu: “Nam nữ thọ thọ bất thân”, quan điểm cực đoan tới mức người phụ nữ sẽ bị đánh giá là mất trinh tiết nếu lỡ chạm tay đàn ông. Cái lý này đôi khi cũng đạt tới giới hạn của nó và khiến ta phải phá vỡ nó dù muốn hay không. Một học trò của Mạnh Tử đã hỏi ông rằng: “Nếu chị dâu rớt xuống nước thì đệ tử có nên cứu hay không ?” Mạnh Tử cho rằng học trò nên coi sinh mạng của chị dâu đặt lên hàng đầu và nên dùng tay để cứu.
Tóm lại, Nishida đã khẳng định:
“Nếu logic trừu tượng có thể trực tiếp biến thành động cơ của ý chí, vậy thì người giỏi suy luận nhất được coi là người thiện nhất. Nhưng điều này trái với hiện thực, không có ai có thể phủ nhận rằng, kẻ vô tri đôi khi còn thiện lương hơn người hữu tri”
Về phần thực hành của các nhà Khắc Kỷ, các học giả Khắc Kỷ cho rằng con người thuận theo lý là thuận theo tự nhiên, đó là thiện duy nhất của con người; Sinh mệnh, sức khỏe, tài sản đều không phải là thiện, nghèo khổ bệnh thật cũng không phải là ác, chỉ có sự tự do và bình thản nội tâm là thiện tối cao.
Theo thuyết đó, ông phê bình cả Khắc Kỷ và Khuyển Nho như sau:
“Những học phái mà tôi trình bày trên đây coi việc hoàn toàn phản đối cảm xúc dục vọng trở thành mục đích của nhân tính, vậy thì giống trên phương diện lý luận nó không thể cung cấp bất cứ động cơ đạo đức nào, còn trên phương diện thực hành cũng không mang lại bất kỳ nội dung thiện tích cực nào. Theo chủ trương của học phái Khuyển Nho và học phái Khắc Kỷ, chỉ có khắc chế mọi ham muốn mới là thiện duy nhất. Nhưng chúng tôi cho rằng việc phải khắc chế cảm xúc ham muốn là bởi chúng ta truy cầu mục đích lớn lao có giá trị nào đó. Nếu bảo chỉ vì khắc chế chính mình là thiện, e rằng không có quan điểm nào bất hợp lý hơn quan điểm này”
#KẾT
Chủ nghĩa Khắc Kỷ có thể nói là một con đường giống như Phật giáo, vì mục đích của nó là giúp người thực hành duy trì được trạng thái An Lạc và Bình Thản. Nhưng mình cho rằng các nhà Khắc Kỷ vẫn nhỉnh hơn, vì các triết gia như Seneca, Marcus Aurelius đã sống hòa hợp với xã hội trần tục, họ đã thấy được xã hội này suy đồi ra sao, và rồi họ cũng có nhiều đóng góp lớn lao cho người dân và chính thể La Mã cổ đại. Khi đọc Suy Tưởng và Seneca: Những bức thư đạo đức, bạn sẽ thấy mọi đánh giá của họ rất đích xác với thực tế đời sống của một người trần tục. Những lời nói của Seneca và Marcus giúp bạn trào vọt lên ý chí tự do, gia tăng thêm sự thôi thúc phát triển cá nhân một cách mạnh mẽ.
Chủ nghĩa Khắc Kỷ cùng với tâm lý học, luân lý học, luận lý học, luôn là bước khởi đầu thuận lợi cho những ai mới bắt đầu hứng thú tìm hiểu triết học. Để thâm nhập vào nền triết học phương Tây, bạn cũng không thể bỏ qua triết học Khắc Kỷ, vì Karl Jaspers cho rằng: Triết học có ba nguồn suối triết lý - Khắc Kỷ cho bạn trải nghiệm hoàn cảnh giới hạn bất dịch; Triết lý của Descartes cho bạn sự hoài nghi; Aristotle, Plato, Socrates sẽ cho bạn sự ngạc nhiên. Nhờ những trải nghiệm đó, bạn sẽ bị thôi thúc khả năng triết lý bởi ba nguồn suối ấy.
Sau cùng, năm kỹ thuật tâm lý Khắc Kỷ trên cực kỳ tốt cho con đường sự nghiệp của bất cứ ai: Suy ngẫm, tiết chế bản thân và suy nghĩ tiêu cực giúp bạn loại bỏ thái độ lạc quan độc hại, bạn sẽ dễ dàng đón nhận những điều bất như ý, luôn luôn tích cực đối diện và đánh giá mọi sai lầm đã qua. Trong khi đó, tam phân quyền kiểm soát và thuyết vận mệnh lại giúp bạn mau chóng nội tại hóa bản thân, đặc biệt là trong lĩnh vực phát triển kỹ năng nghề nghiệp. Thử nghĩ xem, thay vì hời hợt tìm kiếm nghề mình thích cho đến cuối đời, thì bạn có thể tập trung làm sao để phát triển kỹ năng để trở thành một thợ lành nghề mang đậm bản sắc cá nhân đến mức không ai có thể chối từ. Như Nishida Kitaro đã nói:
“Vĩ nhân chân chính vốn không phải vì sự nghiệp vĩ đại do ông ta gây dựng nên khiến ông ta trở nên vĩ đại, mà là vì ông phát huy được cá tính mạnh mẽ nhất. Lên núi cao rồi hô lên một tiếng, thanh âm sẽ vang vọng bốn phương, đó không phải là vì thanh âm lớn, mà là vì chỗ đứng cao. Tôi cho rằng người có thể phát huy trọn vẹn đặc điểm riêng của mình sẽ càng trở nên vĩ đại hơn nhiều, so với người quên đi bản phận của mình để chạy đôn chạy đáo vì người khác”
Tài liệu tham khảo
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất