Khi kể tên những vị đạo diễn gốc Việt tài năng nhất, chắc hẳn không thể kể đến Trần Anh Hùng, người đầu tiên và duy nhất đưa điện ảnh Việt Nam xuất hiện tại Oscar với “Mùi đu đủ chín”. Sau hơn 20 năm, vị đạo diễn tài hoa ấy lại khiến cho giới điện ảnh phải nhắc đến tên mình một lần nữa với bộ phim “The taste of everything” (tựa việt: Muôn vị nhân gian). 
Muôn vị nhân gian được lấy cảm hứng từ cuốn tiểu thuyết lâu đời của Pháp tên “The Passionate Epicure” mà tôi xin phép được dịch là “Người tận hưởng đam mê” với người tận hưởng thứ đam mê thi vị chốn bếp núc chính là đầu bếp Dodin và Eugene, người đã đồng hành cùng ông suốt 20 năm. Nhìn chung, bộ phim có nội dung không quá cầu kỳ, thậm chí là vô cùng đơn giản. Xuyên suốt “Muôn vị nhân gian” là những câu chuyện được kể xung quanh gian bếp tại dinh thự của Dodin, từ những bữa ăn của vị đầu bếp với những người bạn của ông đến cô hầu gái Pauline đầy tiềm năng được Dodin phát hiện với khả năng cảm nhận vị món ăn hay cho đến căn bệnh đầy đau đớn của Eugene. Tất cả những câu chuyện trong phim dù là tích cực hay tiêu cực cũng đều được thể hiện một cách nhẹ nhàng. Thậm chí, với sự ra đi của Eugene, chúng ta có thể cảm thấy buồn, cảm thấy mất mát nhưng đó cũng là một sự ra đi đầy thanh thản và chúng ta cũng có đủ thời gian để đón nhận sự ra đi ấy. Tưởng chừng như một kịch bản đơn giản, quá bằng phẳng sẽ khiến cho tôi, một đứa luôn đặt nội dung phim lên đầu, sẽ cảm thấy nhàm chán với bộ phim nhưng không, chính sự giản đơn, nhẹ nhàng đó chính là thứ gia vị đầy hoàn hảo cho món ăn Pot-au-feu mà Trần Anh Hùng mang đến cho người xem. 
Để nói về vẻ đẹp thật sự của “Muôn vị nhân gian”, chúng ta phải nói đến bối cảnh. Trước hết, tôi phải thừa nhận rằng, Trần Anh Hùng thực sự là một thiên tài trong việc truyền tải cảm giác thông qua ngôn ngữ điện ảnh. Từ những “Mùi đu đủ chín”, “Xích lô” hay bây giờ đây là “Muôn vị nhân gian”, tôi đều thấm nhuần được tư duy làm phim đầy sáng tạo và hiếm có của vị đạo diễn gốc Việt này. 
Ngay từ mở đầu phim, Trần Anh Hùng đã khiến bụng của người xem sục sôi bằng một trường đoạn đến 15 phút trong gian bếp nơi mà Dodin, Eugenie, Violette và Pauline đang tất bật nấu ăn. Phải đấy, thứ đầu tiên xuất hiện trước mắt người xem chính là những món ăn được làm một cách tất bật, kỹ lưỡng và vô cùng ngon miệng. Cái tài của Trần Anh Hùng chính là nằm ở ngôn ngữ điện ảnh đại tài của ông khi ông đã truyền tải và chuyển hóa hoàn hảo mùi và vị của từng món ăn lên màn ảnh, khiến cho chúng ta, những người đang há hốc mồm tận hưởng những món ăn đó bằng thị giác cũng có thể cảm nhận chúng bằng vị giác và khứu giác như thể những món ăn ấy đang được bày sẵn trước mặt chúng ta vậy. Giờ đây, chúng ta mới hiểu ra được rằng, chính sự nhẹ nhàng trong cốt truyện phim chính là đòn bẩy đầy sức nặng, thức tỉnh toàn bộ những giác quan khác của người xem tận hưởng từng dư vị của từng món ăn. 
Giống như chính đạo diễn Trần Anh Hùng đã chia sẻ, tư duy làm phim của ông chính là đánh mạnh vào cảm giác của người xem khiến họ thưởng thức chúng không phải bằng cái đầu duy lý nữa mà bằng cảm giác của ngôn ngữ cơ thể. Thật vậy, khi mà chúng ta không phải đặt quá nhiều trọng tâm vào suy nghĩ, suy đoán về cốt truyện phim, khi chúng ta được cởi bỏ xiềng xích của tư duy chính là lúc chúng ta được quyền duy mỹ, được thoải mái, tự do tận hưởng những vẻ đẹp mà chỉ có điện ảnh mới có thể mang lại được. 
Hẳn các bạn cũng đã từng được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của ánh nắng trong những bức ảnh, những tập thơ trữ tình; tôi cũng vậy. Nhưng chỉ khi đến với “Muôn vị nhân gian”, tôi mới hoàn toàn cảm nhận được sự lung linh, hùng vĩ của ánh sáng. Với những cú máy dài, những góc quay trung và cận, căn bếp nhỏ của Dodin được chiếu sáng bởi những tia nắng dịu nhẹ. Tia nắng ấy cho ta cảm nhận được những tình cảm đầy ấm áp được nảy nở ngay trong từng món ăn. Đó không chỉ là tình cảm của một người đầu bếp dành cho món ăn của mình, đó còn là tình cảm của một người nghệ sĩ đã gắn bó với những tác phẩm nghệ thuật suốt 20 năm và còn là tình cảm giữa những con người đã đi cùng nhau gần nửa đời người. Cái ánh ấm áp ấy khiến cho tôi cảm giác nhẹ nhàng và thân thương đến khó tả. Chắc hẳn, dù lấy bối cảnh là nước Pháp những năm 90, nhưng Trần Anh Hùng, một người gốc Việt cũng đã thổi một chút dư vị Á Đông vào chính căn bếp đó. 
Bên cạnh việc tạo cảm giác ấm áp, thân thương trong gian bếp nhỏ, ánh nắng còn là sự ẩn dụ đầy tinh tế dành cho tình yêu giữa Dodin và Eugenie. Tình yêu của Dodin và Eugenie giống như là sự kết nối giữa hai tâm hồn đồng điệu và họ đã sẻ chia sự đồng điệu đó trong suốt 20 năm. Eugenie hiểu Dodin đến mức bà có thể bày biện thực đơn của vị đầu bếp này thành những món ăn một cách hoàn hảo theo ý ông. Không quá khi nói rằng sự gắn kết giữa Dodin và Eugenie không chỉ nằm ở tình yêu mà là tri kỷ. Nhưng, dẫu bên nhau lâu như vậy, dẫu cho có hiểu nhau từng chi tiết nhỏ một như vậy nhưng chưa bao giờ Eugenie đồng ý lời cầu hôn từ người tình của mình, phải chăng do bà cảm thấy chưa an toàn hay tình yêu là chưa đủ? Tôi nghĩ là không. Trong phim, Eugenie từng nói: “Em yêu cái xúc cảm mãnh liệt của mặt trời mùa hạ, em cần cái xúc cảm đó”, tình yêu đối với bà như những tia nắng mùa hạ, những tia nắng đang chiếu vào gian bếp nhỏ ấy mỗi ngày. Bà muốn tình yêu mình được trải nghiệm là thứ tình cảm ấm áp nhưng cũng đầy mãnh liệt của mùa hạ, tình yêu của Eugenie chính là sự đồng điệu tâm hồn khi bà và Dodin cùng nhau tạo nên những bức tranh nghệ thuật trong gian bếp nhỏ ấy, là dư vị đọng lại trong từng bữa ăn. Để rồi khi bà rời đi, ánh sáng mùa hạ ấy cũng chợt tắt theo bà. 
Sau sự ra đi của Eugenie, căn bếp mất đi ánh nắng thuở nào, chúng ta chỉ còn có thể thấy sự ảm đạm, xám xịt bám lấy căn bếp đó hoặc nếu có ánh sáng, thì cũng chỉ là một chút le lói xuyên qua cửa sổ. Đó hẳn là sự mất mát rất lớn của Dodin khi ông đã mất đi một người bạn đời, một người tri kỷ và mất đi ánh sáng mùa hạ của cuộc đời mình. Nhưng rồi, đâu phải cứ sống trong nỗi đau ấy được mãi. 
Sau khi đã từ chối bao nhiêu đầu bếp được giới thiệu để thay thế Eugenie, Dodin đã nhận ra rằng cuộc sống không phải gục ngã trước nỗi đau mà là đứng dậy sau sự gục ngã đó. Cảnh cuối phim là khi Dodin và Pauline, người mà ông đánh giá là tương lai của nền ẩm thực, bước ra khỏi căn bếp gắn liền với bao kỷ niệm để đi tìm kiếm những điều mới lạ của ẩm thực và rồi sau đó là một cú máy cực dài. Với tôi, cảnh quay đó thực sự là một kiệt tác, một cảnh phim mà khiến tôi rùng mình bởi vẻ đẹp đầy mê hoặc của nó. Cú máy ấy quét qua gian bếp trong cái ánh nắng mật ong ấm áp và nhẹ nhàng, đưa chúng ta quay về những xúc cảm xuyên suốt bộ phim và dừng lại với Dodin và Eugenie. Ở đây, chúng ta được hiểu hơn về tình cảm đặc biệt mà 2 con người này dành cho nhau khi Dodin nói rằng: “Hạnh phúc là tiếp tục theo đuổi những thứ mình đang có” và khi Eugenie hỏi rằng vậy với Dodin thì bà là vợ hay là đầu bếp của ông thì Dodin đã trở lời bà là đầu bếp của ông bởi “Nhưng nàng, ta đã bao giờ có được nàng chưa?”.
Thú thật, để nói rằng tôi đã thực sự hiểu câu nói này hay chưa, thì tôi không dám tự tin trả lời có, nhưng với trái tim của một người đã từng yêu, tôi cũng sẽ có những xúc cảm của riêng mình mỗi khi xem đến phân cảnh này. Tôi nghĩ rằng, với Dodin, ẩm thực là điều khiến ông cảm thấy hạnh phúc bởi ông được mọi người ca tụng là “Napoleon của ẩm thực” và ông vẫn đang không ngừng tìm kiếm những vùng đất mới lạ của ẩm thực. Đó chính là điều khiến Dodin hạnh phúc. Nhưng với Eugenie thì sao? Với Eugenie, điều mà Dodin cảm nhận được không chỉ là tình yêu, không chỉ là niềm hạnh phúc mà còn là nhiều dư vị cảm xúc khác nữa. Giống như tên phim “Muôn vị nhân gian”, điều duy nhất giúp cho Dodin được nếm trải muôn vị trên nhân gian này không phải là những món ăn mà chính là người đầu bếp đã cùng ông tạo nên những món ăn đó. Chắc thế nên sau câu trả lời đó của Dodin, Eugenie đã nở một nụ cười thật tươi, chắc hẳn bà cũng yêu Dodin và hiểu rằng tình yêu của họ không chỉ là hạnh phúc, mà nó là muôn vị trong nhân gian. Sau cùng, bộ phim kết thúc với dòng chữ “gửi tặng Yên Khê” chính là người vợ của đạo diễn Trần Anh Hùng, đây chính là món quà vô giá, đầy cảm xúc và vô cùng lắng được được vị đào diện tài hoa này gửi tặng người đã đầu ấp tay gối cùng mình bao năm qua. Và nếu các bạn nhìn những bức ảnh của 2 vợ chồng vị đạo diễn, chắc hẳn các bạn cũng sẽ thấy được những dư vị mà cặp đôi này đang tìm kiếm trong hôn nhân giống như Dodin và Eugenie vậy. 
Với tên tiếng Pháp là “Pot-au-feu’, bộ phim là sự tri ân rất lớn đến với ẩm thực ngay tại cái nôi của ẩm thực châu Âu. Bằng ngôn ngữ điện ảnh đầy tinh tế, Trần Anh Hùng đã đem đến cho chúng ta một bữa ăn đầy thịnh soạn, đủ để thỏa mãn thị giác của bất cứ khán giả nào. Song song với đó, với một câu chuyện đơn giản, vị đạo diễn gốc Việt cũng đã gửi gắm một câu chuyện tình yêu lãng mạn, sâu sắc và duy mỹ đến với người vợ của mình. 
Peace
Taxufa