Sáng nay tôi tình cờ đọc 1 bài báo nói về nạn kỳ thị chủng tộc tại Pháp. Một nhóm hoạt động nhân đạo dùng camera ẩn và phát hiện ra rằng nhiều bãi biển tư nhân thường trả lời rằng đã hết chỗ nếu khách là người da đen, nhưng lại luôn có chỗ dành cho khách da trắng. Và người đại diện của nhóm này nói rằng họ đang liên hệ với luật sư, tức là có ý định đưa vụ việc ra pháp luật. Đó là khoảnh khắc mà tôi phải thốt lên: What the f*ck!
Sinh viên hẳn là ai cũng sợ môn "Mác-Lênin" (tôi từ chối gọi nó là triết, nó không phải triết). Bản thân tôi khi còn đi học cũng sợ. Tuy nhiên, có 1 câu trong sách giáo trình môn đó mà tôi nhớ mãi đến tận bây giờ. Đó là con người ta không thể bị kết tội vì tư tưởng. Họ chỉ bị kết tội vì hành động.
Tức là tôi không có tội nếu tôi ghét cay ghét đắng ai đó và ngày đêm mong họ gặp vận xui. Ngược lại, cho dù bạn rất yêu mến một người nhưng vô tình có hành động gây tổn hại đến họ thì bạn sẽ bị pháp luật trừng trị. Tôi không có tội nếu tưởng tượng ra cảnh tổng thống Pháp tham nhũng. Nhưng tôi sẽ phải hầu tòa nếu nói ra sự tưởng tượng ấy bởi nó là hành vi vu khống. Đó là một tư tưởng nhân văn, vì 2 lý do:
- Kẻ duy nhất bị suy nghĩ làm tổn hại là chủ nhân của nó. Bạn tham lam, hận thù, đố kỵ thì bạn khổ. Chả ai khổ thay bạn được. Và bạn cũng chẳng thể dùng suy nghĩ để làm người khác khổ được. Đó là vấn đề cá nhân của riêng bạn.
- Không ai có quyền quản lý đầu óc của kẻ khác. Nghĩ gì là quyền cá nhân của mỗi người. Bạn không thể bảo tôi phải thích Messi, ghét Ronaldo. Bạn không thể đòi hỏi Emma Watson phải yêu bạn sau khi đã dành cả thanh xuân để hâm mộ và ủng hộ cô ấy.
Vậy xã hội phương Tây đang làm gì với quyền tự do suy nghĩ đó của công dân? Nó đàn áp lên quyền ấy. Nó bảo với người ta rằng: "Nếu mày còn tiếp tục kỳ thị người da màu, người LGBT, người khuyết tật... thì mày là đồ tồi, và tao sẽ trừng phạt mày". Rằng: "Mày phải nhận phụ nữ vào làm trong công ty cho dù mày có thích hay không. Họ có quyền đi làm còn mày không có quyền từ chối". Nó đang nhân danh những thứ được cho là nhân đạo để đối xử một cách vô nhân đạo với con người.
Cần nhấn mạnh rằng kỳ thị là một việc không nên. Tuy nhiên, "không nên" khác với "không được phép". Mọi ý nghĩ diễn ra trong đầu người khác thì bạn không có quyền can thiệp. Và chính quyền, với vai trò kiến tạo nền tảng văn minh cho xã hội, chỉ có thể giáo dục công dân không nên kỳ thị, chứ không có quyền trừng phạt công dân nếu họ kỳ thị. Thử hình dung một chính quyền bỏ tù công dân vì họ không tin tưởng vào đảng cầm quyền, không tin tưởng vào lãnh tụ. Văn minh ở đâu khi bạn trừng phạt những người không nghĩ theo hướng bạn muốn?
Không kỳ thị là một tư tưởng nhân văn. Tất cả chúng ta đều nên theo đuổi nó. Nhưng nếu vì theo đuổi nó mà bạn lên án những người không cùng chí hướng thì bạn cũng chẳng hơn gì họ. Những người kia kỳ thị kẻ khác dựa trên màu da, chủng tộc, giới tính. Còn bạn kỳ thị kẻ khác dựa trên tư tưởng.
Con người là như vậy, họ luôn có xu hướng phán xét thế giới và chối bỏ những kẻ khác với bản thân. Họ cho rằng: "Tôi là chuẩn mực của vũ trụ. Phải nghĩ như tôi sống như tôi mới là đúng, là tốt đẹp." Họ mà ghét Stalin thì họ sẽ gắn mác "bọn ngu" cho những người thừa nhận thành tựu của ông ta. Họ mà ủng hộ nữ quyền thì họ sẽ gắn mác "không có trái tim" hoặc "vô cảm" cho những người dành mối quan tâm đến chuyện khác không phải bình đẳng giới.

Đúc kết lại

Thật tuyệt khi thấy những trào lưu nhân đạo ngày càng lớn mạnh. Nhưng không phải cứ theo đuổi một trao lưu nhân đạo thì mặc nhiên được coi là hành vi nhân đạo. Trong tất cả mọi hành vi của con người, có lẽ nhân đạo nhất chính là tôn trọng sự khác biệt. Và nếu tôi đòi trừng phát kẻ khác chỉ vì họ không chịu tham gia trào lưu nào đó cùng với mình thì tôi đang áp đặt ý chỉ chủ quan của mình lên người khác. Trong rất nhiều trường hợp, người ta mượn những trào lưu nhân đạo để thực hiện hành vi vô nhân đạo.
PS: Tác giả bài viết là admin của kênh Youtube HAM HỌC chuyên về khoa học và giáo dục. Nếu được, rất hy vọng bạn ủng hộ tác giả bằng cách bấm theo dõi kênh. Cảm ơn bạn rất nhiều!