Meme học nhập môn - tại sao tìm hiểu về meme là tìm hiểu về văn hóa
Meme là gì? Tại sao tìm hiểu về meme là hiểu về văn hóa? Sao meme kỳ dị thế? Ý thức tập thể ảo (virtual consciousness) là gì?
Đây là bài viết tổng hợp những gì bạn cần biết về meme trước khi xem meme mà tôi đã viết trên fanpage có tên Academim - một dự án cá nhân về meme mà tôi đã bỏ dở từ năm ngoái. Nếu bạn thích, bạn có thể like page nhưng nó đét-đèn-đẹt rồi và trong bài này vốn đã có mọi thứ tinh hoa gòi.
1. Meme là gì? Tại sao meme cần thiết?
a. Meme là gì?
Meme không phải là một khái niệm mới, nó đã có mặt trước cả internet: từ xu hướng quần ống loe những năm 70 cho tới cả những ý tưởng triết học Hy Lạp cổ - bất cứ thứ gì lan tỏa rộng rãi trong thế giới con người đều là meme.
Từ "meme" có nguồn gốc Hy Lạp từ "mimeme", có nghĩa đại khái là "bắt chước". "Meme" được sử dụng rộng rãi hơn do nhà sinh vật tiến hóa Richard Dawkins đã viết về nó trong cuốn sách The Selfish Gene: "một hệ quả văn hóa tất yếu của di truyền gen và tái tổ hợp gen" và là "những ý tưởng truyền từ bộ não này sang bộ não khác". Đơn giản hơn, chúng ta có thể nghĩ về nó như một đơn vị văn hóa dễ lan truyền hoặc "đơn vị văn hóa cơ bản" (Coscia, 2013).
Sau khi có internet, meme của Dawkins và meme của chúng ta dần trở nên khác nhau hơn một chút. Khi nghĩ tới meme, chúng ta nghĩ tới những bức ảnh gây cười hoặc châm biếm. Chúng ta nghĩ tới những đoạn clip trên Vine, Tik Tok hay Facebook lặp đi lặp lại, những bức ảnh chụp màn hình hoặc comment, thậm chí chỉ một câu nói hay một từ khóa. Theo nghiên cứu của Lonnberga, Xiao và Wolfinger vào năm 2020, những đơn vị thông tin này được lan truyền cực kỳ nhanh bởi những người dùng mạng, thường trong một thời gian ngắn. Động cơ của việc lan truyền thường có nhiều lý do, bởi số lượng lớn thông tin hiện nay được lan truyền qua hình thức này.
b. Tại sao cần xem meme?
Internet, mạng xã hội và rất nhiều thành quả của nó tạo ra sức ảnh hưởng nhất định lên con người, đơn cử là sự việc xảy ra trong làn sóng biểu tình Arab Spring ở Ả Rập. Nói tóm tắt qua về sự việc thì các phương tiện xã hội đóng một vai trò quan trọng trong suốt quá trình từ khởi nguồn cho tới kết thúc Arab Spring. Những người biểu tình đã sử dụng mạng xã hội để tổ chức các cuộc biểu tình (cả ủng hộ và chống chính phủ), phổ biến thông tin về các hoạt động của họ về các sự kiện đang diễn ra. (Salem, Fadi; Mourtada, Racha, 2011). Nghiên cứu từ Dự án Công nghệ Thông tin và Chính trị Hồi giáo cho thấy rằng trước các cuộc biểu tình quần chúng luôn là các cuộc tranh luận về cách mạng; và mạng xã hội đóng vai trò trung tâm trong việc định hình các cuộc tranh luận chính trị diễn ra trong phong trào Arab Spring.
Vào năm 2011, nhà lý luận về mạng xã hội Nathan Jurgenson đặt ra định nghĩa "thuyết nhị nguyên kỹ thuật số" (digital dualism) để mô tả sự mập mờ giữa thế giới "ảo" và thế giới "thực". “Chúng ta đang sống trong một xã hội người máy. Công nghệ đã thâm nhập vào những khía cạnh cơ bản nhất trong cuộc sống của chúng ta: tổ chức xã hội, cơ thể, thậm chí cả những khái niệm về bản thân của chúng ta, ”Jurgensen viết trên blog Cyborgology.
Những điều trên tương đương với một kết luận và một câu hỏi: (1) để tìm hiểu về cuộc sống của chính chúng ta, tìm hiểu về cuộc sống ảo chính là cách tốt nhất hiện tại và (2) thứ gì nhanh nhất, dễ nhất và gần gũi nhất để tìm hiểu về thế giới ảo?
Meme. Meme là thứ được truyền đi nhanh nhất và rộng rãi nhất trên mạng. Thậm chí đã có kha khá nghiên cứu khoa học về meme như một hiện tượng internet để khai thác và tìm hiểu về cuộc sống sau khi internet ra đời của con người. Hiểu về meme, chính là hiểu về con người trong thời kỳ mới.
2. Tại sao meme kỳ dị thế? - hay sự phản ánh thế giới nội tâm gen Z
Chắc không ít lần bạn đã phải giải thích tại sao cái meme này buồn cười với bố mẹ, hay bất cứ ai thuộc thế hệ Baby Boomers (thế hệ sinh từ năm 1946 đến 1964, chúng ta hay gọi là "boomer") hoặc thế hệ X (những người sinh từ năm 1965 tới 1979/80), thậm chí đa số thế hệ gen Y (1981 - 1994/6) cũng chưa thể hiểu phần lớn các thể loại meme hiện giờ. Lý do mà nhiều người đưa ra cho sự "mù tiếng meme" này là bởi, với tốc độ truyền thông tin tới mức chóng mặt như hiện tại, bất cứ cái gì tồn tại quá 1 ngày, thậm chí 2 giờ thôi cũng sớm trở thành tin hết sốt. Từ năm 2008, đội ngũ của trang web Know Your Meme đã thêm vào khoảng 11,228 meme và nhiều thư mục mới được thêm vào kho dữ liệu mỗi ngày. [1] Hãy tưởng tượng bạn sẽ phải giải thích hơn 11 nghìn cái meme cho mẹ, chưa kể có một số lượng lớn những chiếc meme thực sự khó hiểu ngay cả đối với gen Z, dù nó chẳng có ý nghĩa gì: đơn cử là meme có tên Hey Beter (do sử dụng hình ảnh nhân vật Peter Griffin trong series hoạt hình Family Guy). [2] Bỏ ra 1 phút tìm hiểu những hình ảnh về Hey Beter, bạn sẽ hiểu phần nào sự bối rối của bố khi hỏi về meme.
Sự thực là, khiếu hài hước của gen Z càng ngày càng kỳ dị, một sự kỳ dị theo cấp số nhân. Nếu trong mục 1 lớn gợi ý về việc tìm hiểu về meme là tìm hiểu về con người hiện đại, Mục 2 lớn lại chỉ ra có những chiếc meme không thể hiểu nổi. Sự không hiểu nổi này là từ đâu? Tại sao Gen Z lại thích những series kỳ dị và siêu thực như Rick and Morty, Bojack Horseman, Russian Doll, tại sao những đoạn clip quảng cáo siêu ngắn và siêu dị như của bột giặt nhiệt Aba (Việt Nam) và quảng cáo lăn khử mùi Old Spice (Mỹ) lại sở hữu lượt tương tác khủng hơn hẳn nhiều chiến dịch truyền thông khác? Có phải chúng ta đang dần trở thành những "boomer" nhưng với tốc độ nhanh tính theo giây?
Câu trả lời là, có thể.
Nếu nhìn một cách khách quan vào tất cả các thế hệ, gen Z lại là thế hệ "lạc lối" nhất. Theo nghiên cứu của Pew Research Center trên thế hệ gen Z ở Mỹ [3], những nguồn truyền thống để gen Z tìm kiếm giá trị và ý nghĩa cuộc đời như là tôn giáo hay gia đình đang dần trở nên xa vời với cuộc sống của họ, hơn hẳn thế hệ bố mẹ. Những cấu trúc đạo đức giờ đã lỏng lẻo hơn và dường như tiến tới một giá trị lờ nhờ là "tử tế". Ở Việt Nam, do việc đề cao giá trị cá nhân càng trở nên rõ ràng hơn (nghiên cứu mới đây của Hội đồng Anh, 2020[4]), giá trị tập thể dần ít quan trọng hơn. Khác với các thế hệ trước đó hướng tới sự nghiệp, gia đình hay giấc mơ Mỹ, gen Z, do sự biến đổi quá nhanh các giá trị, trở nên lạc lối. Họ nên theo đuổi sự nghiệp hay bỏ tất cả du lịch vòng quanh thế giới, bỏ về vùng nông thôn rồi quay vlog? Họ nên nhịn ăn để có một thể hình đẹp hay ngồi trước màn hình thực hiện những bữa mukbang triệu like? Các tiêu chuẩn cứ liên tục thay đổi, gen Z bị quay mòng mòng trong những ý nghĩa cuộc đời mình thấy tràn lan trên mạng: ý nghĩa cuộc đời cứ liên tục thay đổi! Gen Z không tiêu cực về thế giới, nhưng cảm giác của họ trộn lẫn giữa trống rỗng và tuyệt vọng.
Trên thực tế, để nói về sự trống rỗng và dường như vô nghĩa của cuộc đời, meme không phải sản phẩm đầu tiên. Chủ nghĩa siêu thực và anh em của nó, chủ nghĩa Dada (Dadaism) đã xuất hiện từ rất lâu trước đó. “Sự vô nghĩa,” nhà văn và triết gia Albert Camus viết trong bài luận triết học có tên "The Myth of Sisyphus" vào năm 1942, “được sinh ra do sự đối mặt của nhu cầu con người [hạnh phúc và một mục đích] với sự im lặng đến vô lý của thế giới xung quanh.” Sự vô nghĩa về cơ bản, chính là áp lực phải đi tìm kiếm một ý nghĩa không hề tồn tại. Chủ nghĩa siêu thực ngày nay hòa tan tất cả những khía cạnh đó, trộn vào chung với sự hài hước. Chúng ta đã tạo ra một thế giới "không gì có nghĩa cả lol".
Đó có phải là một tin không vui không? Có lẽ là không. Để kết thúc Mục 2, tui xin phép trích dẫn một đoạn trong cuốn sách “The Weird and the Eerie,” của tác giả Mark Fisher, “sự xuất hiện của một vật thể kỳ dị nảy sinh ra cả tiếng cười lẫn sự biến chuyển”, những gì kỳ cục, Fisher viết, “chính là một dấu hiệu rằng những quan niệm và khuôn khổ mà chúng ta từng có giờ đã lỗi thời.”
3. Tại sao tìm hiểu về meme là tìm hiểu về văn hóa
Trong mục 1 lớn, các bạn đã được biết nguồn gốc của từ "meme" là từ đâu và cách mà internet đã thay đổi nó, tui sẽ tóm tắt ngắn gọn ở đây:
từ "đơn vị văn hóa" (tất cả những gì thuộc về văn hóa như hội họa, các bài hát, tư tưởng...) => "một bức ảnh, video, đoạn văn bản... hài hước" truyền qua internet
Nên về cơ bản, nghĩa của chúng ta cũng chỉ khác nghĩa của Richard Dawkins ở chỗ, chúng ta mang sự hài hước vào trong meme. Việc chúng ta ngân nga bài hát quảng cáo của Điện máy xanh cũng không khác gì việc truyền lại những câu chuyện cổ tích có nhiều nét đẹp văn hóa. Việc chúng ta nói chuyện và truyền tai nhau về những người nổi tiếng và meme liên quan tới họ không khác gì cách người xưa rỉ tai nhau về sử thi Đăm Săn và Mtao Mxay.
Trong cuốn sách The selfish gene của mình, Dawkins so sánh meme giống như gen người. Theo Dawkins, khi một người bắt chước người khác, một meme được truyền đi, giống hệt như cách mà gen mắt xanh được truyền từ bố mẹ sang con. (Blackmore, 1999)
Cách mà meme được truyền đi cho phép chúng ta có thể áp dụng vào thuyết này những cơ chế của gen như là "biến đổi" (mutation). Cũng giống như gen, một meme tiếp xúc với một vật chủ (một người), sau đó được vật chủ biến đổi ý nghĩa đi để phù hợp với mục đích của riêng mình. (Dickerson, 2013)
“Meme được so sánh với gen bởi chúng sinh ra những sự thay đổi văn hóa qua một quá trình giống với chọn lọc tư nhiên: những meme được truyền đi qua quá trình bắt chước và học được sẽ có xu hướng thống trị cuộc sống xã hội của chúng ta." (Coker, 2008).
Về cơ bản, một điều mà tui có thể túm lại những trích dẫn ở trên bằng cách so sánh với việc làm một chiếc meme: từ việc xem được một chiếc meme hay, chúng ta đi tìm template của nó để có thể chỉnh sửa chữ trên đó theo ý mình, để nói về thực trạng liên hệ với mình và tiếp tục truyền cho người khác. Đó chính là cách mà không chỉ tư tưởng, thói quen mà cả niềm tin, những gì chúng ta coi trọng sẽ được thể hiện qua meme. Bây giờ bạn có thể tag bố mẹ vào để chứng tỏ việc ngồi lướt reddit, Welax hay đọc Ngoa không phải vô bổ rùi. Thay vì nói "tao đang lướt meme", hãy nói "tao đang tìm hiểu về những giá trị tinh thần của con người" 😉
Một thông tin nữa (thông tin để kết bài đó mà) liên quan đến việc tại sao hình ảnh, video và đoạn văn bản lại được chúng ta ưa thích để làm meme:
Quan sát bằng mắt (visual observation) về thế giới đại diện cho hình thức cơ bản nhất của thông tin và khả năng định hướng xung quanh của con người. Khoảng 83% thông tin con người có được đều truyền tải qua hình thức quan sát (Oklahoma State University, 2016). Rất nhiều những phát hiện mới và có lẽ là cả sự phát triển của xã hội văn minh loài người không thể có được nếu không có sự giúp đỡ của khả năng quan sát. Nếu nhìn vào lịch sử ngoài người, khoảng thời gian quan trọng nhất trong sự hình thành xã hội dựa vào thông tin trực tiếp có được từ việc quan sát và theo dõi thế giới xung quanh. (Baldwin, Roberts, 2006; Sturken, Cartwright, 2001). Khi chúng ta có chữ và ngôn ngữ, việc quan sát và truyền thông tin bằng hình ảnh có phần giảm đi thay bằng việc đọc. Tuy nhiên, do sự phổ biến của những loại hình truyền thông mới như phim, TV và gần đây là internet, việc thông báo, truyền tin, giao tiếp và học bằng quan sát hình ảnh giờ đã trở lại nắm vị trí chiếm toàn bộ ưu thế trong xã hội hiện đại.
Nguồn tham khảo:
1.
Coscia, Michele. (2013). Competition and Success in the Meme Pool: A Case Study on Quickmeme.com. Proceedings of the 7th International Conference on Weblogs and Social Media, ICWSM 2013.
Mourtada, Racha & Salem, Fadi. (2011). The Role of Social Media in Arab Women’s Empowerment.
Adam Lonnberg, Pengcheng Xiao, Kathryn Wolfinger, (2020). The growth, spread, and mutation of internet phenomena: A study of memes, Results in Applied Mathematics, Volume 6, 2020,100092, ISSN 2590-0374,
https://doi.org/10.1016/j.rinam.2020.100092.
2.
[1] https://www.washingtonpost.com/.../64af9cae-7dd5-11e7...
[2] https://knowyourmeme.com/memes/hey-beter
[3] https://www.pewresearch.org/.../qa-why-millennials-are.../
[4] https://www.britishcouncil.vn/.../nghien-cuu-the-he-tre...
3.
Blackmore, S. J. (1999). The Meme Machine. Oxford [England] ; New York : Oxford University Press, 1999.
Coker, C. (2008). War, memes and memeplexes. International Affairs, 84(5), 903-914.
doi:10.1111/j.1468-2346.2008.00745.x
Oklhoma state universuty. (2016). Learnin styles. Oklahoma 4-H Volunteer Development Series. Vol.115 http://4h.okstate.edu/.../4H.VOL.115%20Learning%20Styles.../
Baldwin, J. Roberts, L. (2006). Visual Communication: From eory to Practice. AVA Publishing. ISBN 10: 2940373094
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất