Ngày 11/11 không đơn giản chỉ là ngày “Lễ độc thân” mà còn là “Ngày hội mua sắm” lớn nhất châu Á. Trong ngày này, các nhãn hãng sẽ tổ chức những đợt khuyến mãi lớn, giảm đến 80% giá thành ban đầu của sản phẩm để khách hàng có thể thỏa sức mua sắm. Tuy nhiên, mua hàng giảm giá có thực sự giúp bạn tiết kiệm hơn?

11/11 là ngày gì mà nhiều người quan tâm đến thế?

11-11 ban đầu chỉ đơn thuần là lễ độc thân bắt nguồn từ Trung Quốc vào những năm 1990 với ý nghĩa tôn vinh cuộc sống độc thân. Ngày 11/11 được viết bằng 4 nét gạch, trong tiếng Ả Rập nó tượng trưng cho 4 cây gậy, ám chỉ sự lẻ loi, cô đơn của những người độc thân.
Từ năm 2009, Alibaba đã chọn ngày này là ngày đặc biệt để tổ chức chương trình mua sắm siêu khuyến mãi. Khi bắt đầu, nó ra đời để khuyến khích những người độc thân mua tặng mình những món quà đặc biệt với chi phí thấp hơn nhiều lần so với ngày thường.
Mua hàng giảm giá có thật sự tiết kiệm?
Mua hàng giảm giá có thật sự tiết kiệm?
Dần dần ngày 11/11 không đơn giản chỉ là ngày “Lễ độc thân” mà còn là “Ngày hội mua sắm” lớn nhất châu Á, sánh ngang với Black Friday và Monday Cyber của các nước phương Tây.
Trong ngày này, các nhãn hãng sẽ tổ chức những đợt khuyến mãi lớn, giảm đến 80% giá thành ban đầu của sản phẩm để khách hàng có thể thỏa sức mua sắm những món đồ mình yêu thích. Từ khi trở thành xu hướng mua sắm toàn cầu, nhiều người không ngại rút ví để lao vào cuộc đua săn hàng giảm giá không hồi kết. Liệu mua hàng giảm giá có giúp chúng ta tiết kiệm hơn hay không? Hãy cùng RedBag tìm kiếm câu trả lời ngay sau đây.

Tại sao chúng ta không thể ngừng mua sắm online?

95% động cơ thúc đẩy việc mua sắm đến từ tiềm thức (Gerald Zatman)

Dù không nói ra nhưng có một nguyên tắc quyết định cơ bản mà chúng ta vẫn thường làm theo đó là chọn thứ giúp mình cải thiện tâm trạng. Theo một nghiên cứu gần đây cho thấy, khi mua sắm cơ thể chúng ta sẽ dễ sản xuất ra Hormone Oxytocin và Endorphin nhiều hơn bình thường. Hai hormone này giúp tinh thần chúng ta thêm phấn chấn, thoải mái và tích cực hơn.
Đó là lý do mà nhiều người chuyển sang mua sắm vì họ không thể đối phó với một số căng thẳng, lo âu trong cuộc sống. Họ sẽ coi việc mua sắm giống như một hình thức tự thưởng cho bản thân. Để họ có thể cân bằng lại cảm xúc, xoa dịu mọi nỗi buồn và áp lực đang đè nặng.
95% động cơ thúc đẩy hành vi mua hàng của chúng ta đến từ tiềm thức.
Bởi thế, khi đưa ra quyết định mua sắm, dù bạn có tin rằng mình lý trí đến mức nào thì thực tế 95% động cơ thúc đẩy hành vi mua hàng của chúng ta đến từ tiềm thức. Trong đó cảm xúc đóng vai trò chính (theo giáo sư Gerald Zaltman). Xét ở khía cạnh này, tài chính cá nhân thực sự mang tính cá nhân. Bởi nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cách chúng ta kiếm tiền và tiêu tiền.

Cảm giác được sở hữu và quyền lực tột bậc

Mặt khác, việc chi tiền để đổi lấy những thứ chúng ta luôn khao khát, thích thú hoặc đơn giản là món đồ “trendy” mà những người sành điệu đều có. Nó khiến chúng ta có cảm giác mình đang nắm quyền kiểm soát cuộc sống và thỏa mãn khi sở hữu được chúng.
Bởi lẽ, không giống như cuộc sống thường ngày hay trong công việc, khi ở tại các cửa hàng mua sắm, chúng ta không khác gì thượng đế, muốn gì được đó. Bạn muốn mua gì không ai quản, thứ gì người khác có, đang trở thành xu hướng ở khắp nơi bạn cũng đều sở hữu,… Điều này đem lại cho các tín đồ mua sắm cảm giác sung sướng cực độ và quyền lực tột bậc. 
Niềm vui này len lỏi, cắm rễ sâu vào tiềm thức, khiến nhiều người liên tục mua sắm điên cuồng, bốc đồng để được trải nghiệm thêm cảm xúc ấy nhiều lần khác nữa.

Nghĩ mình đang mua được một món đồ rẻ

Rất nhiều người trong chúng ta khi mua sắm vượt kế hoạch chỉ vì nghĩ rằng mình đang mua được món đồ rẻ. Đương nhiên các cửa hàng cũng sẽ không bỏ qua suy nghĩ này của bạn. Họ sẽ sử dụng những chiêu tặng mã giảm giá hoặc miễn phí giao hàng khi đơn hàng đạt một số tiền nhất định,... Tất cả chỉ nhằm một mục đích cuối cùng, bạn sẽ mua nhiều hàng hơn.
Nhiều người mua sắm vượt kế hoạch chỉ vì nghĩ rằng mình đang mua được món đồ rẻ.
Nhiều người mua sắm vượt kế hoạch chỉ vì nghĩ rằng mình đang mua được món đồ rẻ.
Thực tế, để tạo chương trình ưu đãi giảm giá sâu, thu hút sự chú ý, ham lợi của nhiều người với mức ưu đãi lên đến 80%. Thì có những cửa hàng đã tăng giá lên gấp đôi thậm chí gấp ba rồi mới đưa ra mức giảm giá ( chiến lược giá High - Low). Với những thương hiệu lớn với mức giá niêm yết công khai cố định được nhiều người theo dõi, tình trạng này ít diễn ra hơn so với các cửa hàng không tên tuổi. 
Do đó, hãy tìm hiểu trước về mức giá thông thường của sản phẩm để không bị qua mặt bởi các cửa hàng này.

Niềm yêu thích được “ẩn mình” khi mua sắm

Thay vì có nhân viên đi kè kè ngay bên cạnh để tư vấn hay có camera dòm ngó trên đầu. Bạn được thoải mái lựa chọn và bỏ vào “giỏ hàng” những món đồ yêu thích hay bỏ ra bao nhiêu lần tùy ý. Hôm nay không mua thì có thể quay lại mua lần sau mà không sợ ánh nhìn đánh giá của nhân viên tại cửa hàng.
Dù thực tế từng cú chạm của chúng ta trên các website đều có thể để lại dấu vết dữ liệu. Nhưng so với khi ở cửa hàng truyền thống, cảm giác tự do trong hành trình mua hàng online dường như là quá lớn để bạn bận tâm về điều đó. Tuy nhiên, đối với một số trường hợp nó có thể liên quan đến chứng lo âu xã hội, tránh né tương tác và giao tiếp với người khác.

Sự tiện lợi khi mua sắm online

Tại các thành phố lớn hiện nay như Hà Nội hay Tp.HCM, người dân ít khi sử dụng tiền mặt. Thay vào đó họ chú ý đến các tiện ích thanh toán online và giao hàng miễn phí, nhanh chóng đến từ các cửa hàng mua sắm, ăn uống,... Điều đó thúc đẩy những người kinh doanh online nhận thấy nên chú trọng đến chi phí giao hàng và kênh thanh toán online hơn là quảng cáo.
Đó là lý do nhiều người vì muốn giảm phí giao hàng mà chấp nhận mua thêm những món đồ không cần thiết và có khi chẳng bao giờ dùng tới.
Tóm lại, các sàn thương mại điện tử thường được thiết kế và tối ưu theo những nghiên cứu về hành vi con người. Nhưng dù chúng có tiện lợi và dễ tiếp cận đến đâu thì quyết định cuối cùng vẫn nằm ở người mua hàng. 
Thay vì lao vào những cuộc đua “săn sale” không hồi kết để rồi cuối cùng nhận ra tiền làm ra bao nhiêu cũng không đủ tiêu. Bạn nên quan tâm chăm sóc đời sống tinh thần để giúp tâm trạng luôn thoải mái, khỏe mạnh. Từ đó giảm thiểu hành vi mua sắm bốc đồng.
Mua sắm bốc đồng là cụm từ chỉ việc mua sắm những thứ không có trong dự định. Khi mua sắm trong trạng thái phấn khích nhất thời như lấy thêm một thanh kẹo ở quầy thanh toán khi đang chờ tính tiền. Hoặc lướt ứng dụng mua sắm mỗi đêm dù tủ quần áo đã chật ních đồ đạc,... Tựu chung nó được xem là sự bốc đồng trong mua sắm.

Mua sắm bốc đồng ảnh hướng thế nào đến ví tiền của bạn?

Thất thoát tiền bạc mà chẳng hề hay biết

Hầu hết mọi người thường có xu hướng cân đo đong đếm rất cẩn thận khi sắp phải chi trả một khoản tiền lớn. Nhưng lại khá thờ ơ trong những khoản chi tiêu nhỏ. Đơn cử cho việc mua sắm, chúng ta thường bỏ vào giỏ hàng những món hàng siêu rẻ chỉ tốn có vài chục hoặc vài trăm ngàn đồng. Thế nhưng, đến khi cộng dồn lại bạn mới thấy nó ngốn của bạn khá nhiều tiền vào mỗi cuối năm.
Mua sắm bốc đồng khiến bạn thất thoát tiền bạc mà chẳng hề hay biết.
Mua sắm bốc đồng khiến bạn thất thoát tiền bạc mà chẳng hề hay biết.
Giả sử, mỗi tháng bạn chỉ tốn 1.500.000 đồng/tháng để mua sắm quần áo, bạn cảm thấy đó là số tiền phù hợp với mình. Nhưng nếu chi cho 12 tháng, bạn sẽ mất khoảng 18.000.000 đồng cho việc này, xấp xỉ giá thành của một chiếc xe máy. Nhìn vào cách mà các bà và mẹ mình vẫn thường chi tiêu mua sắm, rất ít khi họ mua quần áo và giày dép xa xỉ, trừ khi nó đã quá cũ và rách nát. Bằng không họ vẫn tiếp tục sử dụng.
Đơn giản vì họ hiểu được giá trị của những món đồ và đồng tiền chi tiêu. Mẹ vẫn thường đầu tư cho những món đồ thật sự cần thiết và sử dụng được bền lâu, còn chúng ta vẫn thường chạy theo các đợt khuyến mãi, mua những món đồ không cần thiết và không chắc chắn về chất lượng. Cứ thấy rẻ là mua.
Đối với nhiều người, một giao dịch có vẻ "hời" là khi mua được một món đồ với giá rẻ hơn thực tế rất nhiều. Thực chất, khoản tiền họ chi chỉ thấp ban đầu nhưng lại tốn kém rất nhiều về sau vì nhiều lý do. Điều này khiến bạn bỏ lỡ những giao dịch mua sắm đáng giá hơn rất nhiều. 
Chẳng hạn khi bạn mua một đôi giày với giá rất rẻ chỉ vài chục nghìn nhưng chỉ mang được vài ngày là bị sứt quai gãy gót. Bạn phải mất tiền mua thêm đôi giày mới để thay thế. Trong khi đó, nếu bạn đầu tư vào một đôi giày dù đắt hơn nhưng chất lượng được đảm bảo và sử dụng được trong nhiều năm. Bạn nghĩ mình nên lựa chọn như thế nào? 
Lời khuyên đúng đắn nhất chính là đừng chỉ chăm chăm nhìn vào giá của một chiếc váy áo. Hãy nghĩ đến bạn mặc được nó bao nhiêu lần và giá trị mà bộ quần áo đó đem lại cho bạn.

Ảnh hưởng đến những mục tiêu tài chính sắp tới

Việc nhượng bộ và để bản thân mua sắm một cách bốc đồng sẽ khiến bạn không bao giờ thực hiện được những mục tiêu tài chính như mua nhà, mua xe, trả nợ hay đầu tư. Mua sắm bốc đồng và chi tiêu quá mức sẽ ngốn hết tiền tiết kiệm của bạn. Hoặc vốn đầu tư cho những kế hoạch lớn hơn sau này. 
Vì vậy, đừng tự hại mình bằng cách mua sắm bốc đồng và không kiểm soát được chi tiêu. Mà hãy luôn ghi nhớ những mục tiêu quan trọng đang hướng tới.

Tưởng tiết kiệm hóa ra lại chẳng hề tiết kiệm

Khi có ý định mua một chiếc kẹp tóc nhưng vì muốn được giảm giá vận chuyển, chúng ta thường cố gắng mua thêm một món đồ khác dù biết mình ít khi nào dùng đến. Liệu tiết kiệm 10.000 đồng phí vận chuyển nhưng mất thêm 30.000 cho một món đồ không cần thiết có giúp tiết kiệm?
Tưởng tiết kiệm hóa ra lại chẳng hề tiết kiệm.
Tưởng tiết kiệm hóa ra lại chẳng hề tiết kiệm.
Những chiêu trò móc ví quen thuộc này nhiều người đã biết đến. Thế nhưng, vì tâm lý muốn sở hữu món đồ nhưng vẫn phải có hời, nhiều người đã chẳng mảy may quan tâm đến chiêu trò kia nữa. Tuy nhiên, việc mua sắm như thế này hóa ra lại chẳng tiết kiệm được nhiều tiền như nhiều người vẫn nghĩ.
Mua sắm là điều cần thiết sau những ngày giãn cách để đáp ứng nhu cầu trở lại cuộc sống bình thường mới. Tuy nhiên nếu mua sắm một cách bốc đồng sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ cho chúng ta. Vì vậy, mỗi người chúng ta cần biết cách cân bằng mua sắm và chi tiêu sao cho hợp lý. Đặc biệt trong giai đoạn mà thu nhập bản thân chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh.

Khi nào mua hàng giảm giá đồng nghĩa với tiết kiệm?

Câu trả lời ngắn gọn là: Mua đồ giảm giá chỉ có thể tiết kiệm khi mình mua đúng những món đồ cần thiết với mức giá tốt.
Ngược lại, mua đồ giảm giá không mang lại hiệu quả tiết kiệm khi bạn mua sắm một cách cảm tính. Mua những thứ mình muốn, những thứ không có trong kế hoạch dự chi ban đầu và với mức giá tưởng là rẻ nhưng thực sự chẳng hề rẻ chút nào.
Bản chất của việc mua hàng giảm giá không hề sai, nhưng không vì thế mà ngày nào chúng ta cũng cuốn mình theo các chương trình khuyến mãi. Hãy sử dụng đồng tiền đúng mục đích hơn.
Cuối cùng, một câu hỏi nữa được đặt ra là làm thế nào để đảm bảo khả năng tiết kiệm cao nhất? Dưới đây là một số lời khuyên mà RedBag muốn dành tặng bạn.

Bí quyết giúp bạn mua sắm tiết kiệm hiệu quả

Lập ngân sách và thực hiện một cách nghiêm túc

Điều đầu tiên quan trọng là bạn phải lập ngân sách tức là danh sách tất cả các khoản thu và chi theo kế hoạch. Điều cốt lõi là bạn phải làm đúng theo ngân sách đã đề ra. Bởi ngân sách không phải cây đũa thần có khả năng biến đồng tiền tự hoạt động.
Lập ngân sách chi tiêu và thực hiện một cách nghiêm túc.
Lập ngân sách chi tiêu và thực hiện một cách nghiêm túc.
Nếu chưa lập được ngân sách thì đừng tiêu tiền. Nghe rất đơn giản nhưng không dễ thực hiện.

Đừng để kế hoạch tài chính trở thành rào cản

Nhiều người sau khi lập kế hoạch tài chính bài bản lại chẳng mấy khi thực hiện đến cùng. Bởi họ cho rằng nó không thực tế và quá ràng buộc. 
Nhưng chúng ta lại quên mất một điều kế hoạch tài chính không phải là một sợi dây trói ràng buộc, bạn có thể khiến sợi dây mềm mỏng hơn nếu không kéo căng nó. Tức là bạn phải thật sự thả lòng mình khi thực hiện kế hoạch tài chính bằng cách cho phép bản thân được chi tiêu thoải mái trong một giới hạn nhất định. 
Một khi vượt quá hạn mức cho phép, hãy dừng lại và đánh giá lại kế hoạch của mình. Để điều chỉnh các khoản chi tiêu nếu cảm thấy chúng không còn phù hợp với bạn. Bởi chúng ta không biết được rằng mỗi tháng mình sẽ có những khoản phát sinh nào? Do đó, bạn cần linh hoạt trong hạn mức chi tiêu để không cảm thấy quá áp lực.

Luôn đặt cho mình những câu hỏi nghi vấn 

Để đảm bảo tính tiết kiệm cao nhất khi mua hàng, bạn nên hỏi mình những điều này trước khi mua sắm: Bạn có thực sự cần món đồ đó không? Bạn có đủ tiền trả cho nó ngay bây giờ không?
Nếu bạn vẫn do dự hay phân vân thì lời khuyên dành cho bạn là nên suy nghĩ kỹ trong vài ngày. Nếu sau vài ngày đó bạn vẫn muốn mua món đồ này thì bạn hoàn toàn có thể yên tâm vì chương trình khuyến mãi của các cửa hàng online hiện nay luôn có giá trị quanh năm. Đừng để ý đến bộ đếm ngược thời gian giảm giá nổi bật trên những ứng dụng này nếu bạn không muốn cảm xúc của mình một lần nữa điều khiển thói quen chi tiêu.

Đừng bao giờ vay tiền chỉ để “săn sale”

Dù giảm giá có sâu đến thế nào, nó cũng không thể bằng cái giá bạn phải trả khi vay nợ. Nhất là nợ thẻ tín dụng. Bạn chỉ nên mua trong hạn mức có sẵn và tính toán chi tiêu rõ ràng.
Đừng lạm dụng thẻ tín dụng dành cho chi tiêu mua sắm bốc đồng.
Đừng lạm dụng thẻ tín dụng dành cho chi tiêu mua sắm bốc đồng.
Nếu bạn thực sự không có một số tiền dư dả để mua sắm thì hãy tạm ngừng lê la những ứng dụng mua hàng trong những ngày giảm giá mạnh như 11/11 này. Nếu không bạn sẽ bị quảng cáo lôi kéo đến mức chẳng thể cưỡng lại.
Tóm lại, mua hàng giảm giá chỉ thực sự tiết kiệm khi bạn có kế hoạch chi tiêu tiết kiệm rõ ràng. Hiểu mình cần gì và muốn gì đồng thời nắm rõ khả năng tài chính của mình hiện tại sẽ ngăn chúng ta khỏi những bốc đồng trong việc mua sắm. Đừng chỉ nhìn vào những tiện ích trước mắt hay xu hướng mua sắm đang thịnh hành của đám đông mà quên mất ví tiền của mình. Hãy chi tiêu tối giản để ví tiền thanh thản bạn nhé!
Nguồn: