Bài viết này phát triển từ một bài post ngắn trên trang cá nhân của mình từ 2 tháng trước khi mà số ca lây nhiễm mới mới chỉ có khoảng 2 trăm ca và số người tử vong vẫn đếm trên đầu ngón tay. Và bản thân những gì mình viết ra trong bài post đó thì là những suy nghĩ mình có kể từ khi Việt Nam bắt đầu chống dịch, và thậm chí là xa hơn, từ những thành công của bóng đá Việt Nam, thể thao Việt Nam trong những năm vừa qua, hay bất cứ các thành tựu nào khác, và cách người Việt Nam đón nhận nó.

Disclaimer

Bài viết không nhằm chỉ trích các vấn đề kỹ thuật liên quan đến công cuộc chống dịch của Việt Nam (nếu các bạn thích bàn về các vấn đề đó có thể gặp Loveless); mà bàn đến thái độ của người dân Việt Nam, và có lẽ là cả của chính phủ Việt Nam nữa khi họ làm mọi cách để tiêm nhiễm thái độ đó vào người dân thông qua các phương tiện truyền thông. Đối với mình thì ngay cả việc nói rằng "Thành công trong chống dịch của Việt Nam là do may mắn" không phải là sự chỉ trích, hay thậm chí còn chẳng phải là một điều tiêu cực đi nữa. Bản thân những người trực tiếp làm nên những thành quả kia có lẽ hoàn toàn không ghét bỏ may mắn và thậm chí còn thích sự may mắn hiện hữu trong công việc và thành tựu của mình nữa (Chắc chắn rồi, đặc biệt khi nghề nghiệp của bạn phải đối mặt với một thứ có thể gây ra vô cùng nhiều đau dớn và thậm chí là cướp đi tính mạng như Covid-19). Tuy nhiên thì phần còn lại của xã hội cũng như những người đứng đầu chính phủ (những người được hưởng sái danh tiếng từ những thành quả đó) thì có vẻ có một sự dị ứng đến khó hiểu đối với sự can dự của may mắn. Mình nghĩ đó là một cách suy nghĩ có vấn đề, và bài viết này sẽ tập trung vào vấn đề đó.
Và để thể hiện thiện chí đó cũng như để đồng nhất cách hiểu về các biện pháp chống dịch và truyền đạt hiệu quả thông điệp của bài viết, mình sẽ coi như chấp nhận hệ thống quan điểm phổ biến xung quanh các biện pháp chống dịch, với các giả định như sau:
- Trước hết mình sẽ dựa trên giả định là các biện pháp phòng chống dịch bệnh (đeo khẩu trang, áo bảo hộ, giãn cách, rửa tay, v.v.) là có hiệu quả nhưng không có hiệu quả triệt để 100%. Tức là kể cả bạn có thực hiện tất cả các biện pháp đó thì bạn vẫn sẽ có một tỉ lệ nhất định khả năng bị nhiễm bệnh khi tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh. Để tiện cho mục đích của post này thì hãy tạm coi nó là 14%. Theo mình thì giả định này có lẽ rất gần với cách suy nghĩ của hầu hết chúng ta về dịch bệnh.
- Việc phân tích công cuộc phòng dịch sẽ hoàn toàn dựa theo các yếu tố đã được xác định là mang lại thành công trong giai đoạn đầu chống dịch của Việt Nam, bao gồm: Chính sách của Chính phủ, đội ngũ y bác sỹ và ý thức của người dân.
Ok. Mình nghĩ chúng ta đã sẵn sàng để bắt đầu.

Căn bệnh bài may mắn

Căn bệnh bài may mắn hiện diện trong thái độ của các cơ quan công quyền Việt Nam, và có lẽ là cả của phần đông người dân Việt Nam nữa, đối với những thành tựu của dân tộc. Sự khó ở của truyền thông và chính quyền Việt Nam với sự may mắn trong các thành tựu của dân tộc hiện hữu từ trong từng buổi họp của các ban bệ cho đến những bản tin, trang báo, phát ngôn, đến nỗi "các nguyên nhân khách quan" và sự (thiếu) may mắn dường nhỉ chỉ hiện diện khi giải trình cho các thất bại (A.k.a. mọi thành tựu đều là do nguyên nhân chủ quan - ở chính phủ). Những phản ứng gay gắt đến khó hiểu này giống với biểu hiện của sự "có tật giật mình"; bạn bị người khác nắm đúng vào yếu huyệt, và bạn phản ứng như một con heo gào thét giãy giụa trong cơn hoảng loạn khi bị người kề dao vào cổ vậy. Cũng như cách các tiêu đề báo "không có chuyện" và "quyết không để" ngày nay đang trở thành meme trên mạng nhờ sự gần nghĩa của chúng với "đã xảy ra" và "sẽ xảy ra", hay sự vô nghĩa và bất lực mà chúng thể hiện.
Phản ứng của Bộ Ngoại giao thì cũng coi như của Chính phủ nhỉ?
Phản ứng của Bộ Ngoại giao thì cũng coi như của Chính phủ nhỉ?
Và sâu xa hơn thì căn bệnh này tồn tại ngay trong chính tư duy của chúng ta. Rõ ràng là cơ quan công quyền chỉ có thể đưa ra các phát ngôn này khi họ tin rằng đông đảo người dân có nhu cầu được tin những điều đó, sẽ hỉ hả ngấu nghiến những câu từ đó mà không có trở ngại, nghi ngờ gì cả. Chúng ta thường có xu hướng loại bỏ đi các yếu tố may mắn hay thậm chí là các thực tế trong các kỳ tích mà chúng ta có được với tư cách là một dân tộc. Và trong đợt dịch này cũng vậy: Mọi người đang vứt yếu tố may may mắn ra khỏi những chiến tích khủng về phòng chống dịch của nước ta. Sau mỗi đợt dập được dịch người ta lại tung hô các bác sỹ, các biện pháp phòng dịch, các nỗ lực của chính phủ v.v. mà gần như chả ai đề cập đến may mắn. Hoặc là họ đơn giản không hiểu, hoặc là họ ngầm hiểu điều đó nhưng phủ nhận nó để chiến thắng của đất nước mà họ là một phần trở nên trọn vẹn và vẻ vang hơn (Mà mình đồ rằng khả năng cao là trường hợp thứ 2).
Bạn thực sự chỉ có nhu cầu phủ định may mắn khi bạn muốn nhìn nhận những thành tựu của mình lớn lao hơn giá trị thực sự của nó. Và có lẽ căn bệnh bài may mắn không gì hơn là con đẻ của căn bệnh sĩ diện hão cùng căn bệnh tự ti thâm căn cố đế của xã hội Việt Nam.

May mắn hiện diện trong mọi ngóc ngách đời sống của chúng ta

Sở dĩ mình thấy rất cách suy nghĩ bài may mắn này quả thực là một căn bệnh; là vì thực tế may mắn luôn luôn hiện diện trong cuộc sống, và việc nhờ cậy vào may mắn thật ra hoàn toàn bình thường. Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta luôn luôn thực hiện vô vàn những hành vi chấp nhận rủi ro. Và khi thực hiện bất cứ hành vi chấp nhận rủi ro nào đó, chúng ta đang kỳ vọng có những diễn biến khác thuận lợi xảy ra để hành vi đó trot lọt và mang lại cho chúng ta lợi ích. Tức là chúng ta kỳ vọng vào những thứ nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta, và đó là chúng ta đang dựa vào may mắn. Và thậm chí là những hành vi mà chúng ta cho rằng bình thường và vô hại luôn luôn có tiềm ẩn những rủi ro nào đó. Như việc chúng ta đi sang đường. Hay những công việc mà chúng ta làm hàng ngày tại nơi làm việc của mình. Chúng ta mong chờ không có cậu chàng choai choai nào đó đang lao nhoáng nhoàng trên đường ngoài dự kiến của chúng ta khi bắt đầu đặt bước xuống lòng đường. Chúng ta trông đợi công việc của các bộ phận còn lại trong công ty được suôn sẻ để chúng ta có thể thực hiện phần việc của mình. Hay những bạn trẻ phóng xe 60-70 km/h trong phố đêm, cũng khá chắc kèo là các bạn đang mong chờ không có ông bác nào lớ ngớ chậm tay không kịp né xe của bạn đang lao đến, hay không có một chiếc xe ô tô khác vượt lên từ phía sau chiếc xe tải các bạn đang định tạt đầu. Hay việc bạn vẫn hàng ngày đi ngang qua gần dưới chân một tòa nhà đang xây dở trên đường về Nếu ví dụ gần gũi hơn với đợt dịch thì sẽ là các chú, các cô, các bà, các bác đi tập thể dục. Họ hy vọng không có ai trong số những người lạ vẫn hay đến sinh hoạt tại công viên đó bị nhiễm bệnh. "Chà, nó sẽ không xảy đến với mình đâu", vậy đấy.
Thực vậy, rủi ro và may mắn hiện diện trong mọi ngóc ngách cuộc sống của chúng ta, từ những hành vi nhỏ nhất hàng ngày cho tới những sự kiện mang tính quyết định cuộc đời, sự nghiệp. Và việc phủ nhận hoàn toàn may mắn cũng đồng nghĩa với việc bạn phủ nhận hoàn toàn vùng tối rủi ro mà bạn đã bước qua. Trong khi chúng ta CẦN PHẢI nhìn nhận những vùng tối để hoàn thiện hơn cách làm việc của chúng ta và thu hẹp những vùng tối đó, nếu chúng ta thực sự muốn thành công lâu dài. Một mặt thì tư duy đó tước đi khả năng nhìn nhận khách quan và toàn cảnh vấn đề của bạn, và mặt khác thì đơn giản nó khiến bạn hoàn toàn đắm chìm trong thành tựu siêu cường kia, và tự tước đi của chúng ta quyền được sai: Chúng ta cảm thấy việc đấu tố và bỏ tù những người làm ảnh hưởng đến thành tích chống dịch kia là hoàn toàn hợp lý vì chúng ta không thể nhìn nhận một cách đầy đủ rủi ro thành tích đó mất đi là lớn đến mức nào.
Er ... No?
Er ... No?

May mắn trong thành công chống dịch của Việt Nam

Và với việc có quá nhiều vùng tối của sự thiếu thông tin về Covid-19 tại thời điểm đó thì việc phụ thuộc vào may mắn trong phòng chống dịch là điều hoàn toàn bình thường. Các biện pháp phòng dịch của chúng ta vốn dĩ là trial-and-error vì khi đó chưa có các nghiên cứu đầy đủ về Covid-19. Bản thân chính phủ của chúng ta đã thừa nhận sự thiếu hoàn thiện đó trong công thức ứng phó dịch bệnh từng được coi là chìa khóa vàng kia, thông qua việc dần hủy bỏ các biện pháp thiếu hiệu quả và không cần thiết. Và ngay cả vũ-khí-dập-dịch-tối-thượng của chính phủ là đóng cửa các thành phố cũng đã cho thấy sự bất lực của nó với việc sau nhiều tuần số lượng ca nhiễm bệnh hàng ngày vẫn đang không ngừng tăng lên ở Hà Nội và TPHCM (Thời gian ủ bệnh giờ đã ngắn hơn 2 tuần nhiều và vì thế tôi nghĩ qua 3 tuần ở Hà Nội và thậm chí là qua vài tháng ở TPHCM là đủ thời gian để chúng ta kết luận về tính hiệu quả của giãn cách xã hội rồi. Không giống như giai đoạn đầu, giãn cách xã hội đơn thuần sẽ không cứu chúng ta được, dù chúng ta có, và thực ra là đã, làm chặt hơn nữa). Vậy nên thực ra việc phủ nhận sự may mắn của chúng ta mới là điều ngược đời và khó hiểu.
Nhưng thôi, quay trở lại với chủ đề của bài viết, thì như đã nói thì việc phân tích sẽ tập trung vào giai đoạn đầu chống dịch, theo các giả thiết đã nêu ở đầu bài. Và ngay cả với những dữ kiện hạn chế đó thì hoàn toàn không khó để thấy đã có những may mắn hiện diện trong kỳ tích chống dịch của Việt Nam.
Có một điều cần được lưu ý rằng nếu toàn bộ những hiểu biết của chúng ta về các triệu chứng và thời gian ủ bệnh covid 19 (tại thời điểm đó) là đúng thì mọi nỗ lực dập dịch của chính phủ đều sẽ luôn bắt đầu chậm hơn tối thiểu là 14 ngày, và mọi thông tin về lây nhiễm dịch bệnh đều có khả năng đến muộn đến 14 ngày so với thực tế lây nhiễm. Các bác sỹ, lực lượng quân đội đi thực hiện cách ly, khử khuẩn khu vực, v.v. họ hoàn toàn không hề biết dịch bệnh trên thực tế đã lây lan đến đâu rồi. Họ thực hiện các biện pháp đó đồng thời cầu mong rằng họ đã ở nơi đúng chỗ cần thiết, rằng tấm lưới cách ly mà họ tạo ra đã đủ rộng để bao trùm hết bệnh dịch. Thậm chí điều tương tự cũng đúng từ phía người dân nữa. Các biện pháp phòng dịch do người dân thực hiện (khẩu trang, rửa tay, giãn cách) thực tế luôn luôn có độ trễ (có lẽ dễ dàng lên tới 1-2 tháng) và thậm chí là độ thiếu nghiêm túc nhất định, đặc biệt là ở những khu vực không phải vùng dịch.
Nếu nhìn lại thì các bạn có thể thấy những ca nhiễm bệnh trong các đợt dịch trước thường dẫn đến hàng chục hàng trăm ca tiếp xúc F1, F2. Tất nhiên rõ ràng là không phải tất cả những trường hợp đó đều sẽ bị nhiễm bệnh (như mình giả định ở trên thì tỉ lệ đó là 14%). Nhưng cũng rõ ràng tất cả từng người trong số bọn họ đều có một mức khả năng nhiễm bệnh nhất định (14%). Vậy điều gì ngăn cản họ không bị nhiễm bệnh? Hẳn là may mắn. Hoặc là một điều gì đấy về cơ chế lây lan của bệnh và bối cảnh mà họ tiếp xúc đã ngăn cản không cho virus lây sang họ. Nhưng trong bối cảnh họ (và tất cả chúng ta) không biết cơ chế và bối cảnh đó là gì và không thể chủ động tái lập bối cảnh an toàn đó khi tiếp xúc với người bệnh, thì rõ ràng vẫn là may mắn đang bảo vệ chúng ta thôi.
Với cách hoạt động của phương pháp chống dịch của Việt Nam, thì nó dựa hoàn toàn vào việc chúng ta có mặt đúng nơi và đúng thời điểm để ngăn chặn, và chúng ta đã có được may mắn đó trong suốt một năm qua. Tuy nhiên với việc số lượng ổ dịch ngày càng gia tăng và nguồn lây đến từ khắp mọi phía thay vì chỉ vì Trung Quốc, thì tất yếu tính khả thi của hình thức "dập dịch" như vậy sẽ ngày càng giảm dần. Và khi đó thì các biện pháp căn cơ và tiềm lực thực sự của các quốc gia sẽ quyết định khả năng chống dịch của họ.
Nếu xét dựa trên các yếu tố được cho rằng đã làm nên thành công trong công tác chống dịch giai đoạn đầu, chúng ta có:
(1) Một chính phủ:
- Tổ chức Dại hội Đảng và Bầu cử toàn dân trong khi đang có dịch bệnh. (Trong khi đến một quốc gia như Mỹ nơi người ta có thể giết nhau chỉ vì trái cánh còn có thể tổ chức bầu cử bằng thư được. Và đồng thời thì kinh phí tổ chức đại hội Đảng và bầu cử có lẽ gấp hàng chục hàng trăm lần so với số tiền quỹ vaccine phòng Covid huy động được)
- Chọn "phương án khó" cho TPHCM, và giờ đã trở thành khó cho cả nước.
- Có tỉ lệ tiêm chủng gần như tệ nhất thế giới và khu vực, và 2/3 trong mức tiêm chủng hiện đạt được thực hiện sau khi dịch đã bùng phát, phần lớn đang ở mũi 1.
Không khó để thấy ưu tiên của chính phủ là các mục tiêu chính trị của họ chứ không phải là chống dịch hay tính mạng của người dân. Và họ cũng không phải là một chính phủ xuất sắc cho lắm. Tại sao những chính phủ nhân văn hơn và có nguồn lực tốt hơn không thể có kết quả chống dịch tốt hơn, nếu không phải may mắn phù trợ Việt Nam?
Công bằng mà nói thì có một điều mà chính phủ Việt Nam đã làm tốt, đó là việc chúng ta nghiêm túc nhìn nhận nguy cơ của dịch Covid-19 khi nó bắt đầu bùng phát tại Trung Quốc, có thể là nhờ vị trí địa lý gần gũi của ta với họ, và điều đó góp phần lớn trong thành công dập dịch của Việt Nam. Tuy nhiên thì dường như theo thời gian sự cảnh giác đó đã trôi theo dòng nước cùng với những mục tiêu chính trị kinh tế, mà nghe khá là viễn tưởng trong điều kiện nguy cơ dịch bệnh lây lan từ nước ngoài ngày càng cao. Và bản thân tỉ lệ tiêm chủng có lẽ cũng phản ánh mức độ sẵn sàng của Việt Nam cho trường hợp dịch bệnh lan rộng, một nguy cơ hoàn toàn nhãn tiền.
(2) Đội ngũ chuyên gia y tế:
Chúng ta vẫn luôn tự hào về lực lượng chuyên gia y tế chất lượng cao và tận tâm; hàng năm truyền hình vẫn đưa tin có nhiều những thành tựu về y học. Tuy nhiên các thành tựu đó chỉ là lần đầu tiên xuất hiện tại nước ta chứ không phải trên Thế giới. Chắc chắn chúng ta không có đội ngũ y tế đông đảo nhất hay được đào tạo tốt nhất. Và càng không phải là đội ngũ được trang bị tốt nhất. Một lần nữa, nếu chúng ta không phải những người giỏi nhất và có nhiều nguồn lực nhất thì tại sao lại có kết quả tốt nhất?
(3) Ý thức của người dân:
Có lẽ những bản tin về việc vi phạm quy định hàng ngày cũng đủ trả lời cho câu hỏi đó rồi. Và với việc thời gian giãn cách càng ngày càng kéo dài và ngày càng nhiều người dân lâm vào cảnh khốn cùng hơn thì có lẽ sẽ đến lúc những người "ý thức" sẽ chỉ còn là thiểu số thôi. Hay bạn định không coi hàng ngàn hàng vạn hàng triệu những con người đang hàng ngày vi phạm quy định đó không nằm trong dân tộc của bạn?
Mà thật ra thì bản thân việc coi ý thức là một thế mạnh của người Việt Nam đã làm mình cảm thấy buồn cười rồi, vì nó vốn dĩ chưa bao giờ là điểm mạnh của chúng ta cả. Chúng ta bắt đầu có quy định toàn dân đội mũ bảo hiểm từ năm 2008 và cho đến hiện tại thì khắp nơi trong cả nước vô số người dân vẫn không từ cơ hội nào để vi phạm quy định đó (cũng như mọi quy định khác của luật giao thông). Chúng ta hoàn toàn bất lực trong việc áp dụng các chương trình phân loại rác, và việc người dân bảo vệ môi trường thì hiếm mọn đến mức những trường hợp như thế được tuyên dương trên truyền hình quốc gia như những anh hùng vậy. Không, thế mạnh của chúng ta chưa bao giờ là ý thức cả. Và ý thức hay tinh thần vì cộng đồng cũng chưa bao giờ là thứ có thể xây dựng được trong một đêm.
Điều đó có nghĩa là nguyên nhân duy nhất khiến thực hành đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, giãn cách v.v. được thực hiện rộng rãi hơn trong giai đoạn đầu dịch bệnh tại Việt Nam là vì các thực hành đó chưa được xác lập như một phần trong ý thức của các quốc gia khác về bảo vệ cộng đồng. Đến khi các thực hành đó được xác lập thì lập tức họ sẽ làm tốt hơn rất nhiều so với chúng ta trong việc có ý thức tuân thủ chúng. Và đồng thời thì họ cũng có nguồn lực tốt hơn rất nhiều để duy trì các thực hành đó (Như là họ có thu nhập và hỗ trợ từ chính phủ nhiều hơn để có thể thực hiện giãn cách, có tiền mua khẩu trang, nước rửa tay, v.v.)
Nói tóm lại là Việt Nam chưa bao giờ làm tốt nhất cả. Kể cả theo tiêu chuẩn do chính chúng ta tự đặt ra. Và việc nói chúng ta là những người chống dịch tốt nhất và những biện pháp chúng ta sử dụng là tốt, có lẽ chỉ là survival bias do những kết quả chúng ta có được thôi. Và khi chúng ta không phải những người làm tốt nhất nhưng vẫn có được kết quả tốt nhất thì rất có thể chúng ta có được những kết quả đó nhờ may mắn.
Một ngày đẹp trời, chúng ta có một đám cháy nho nhỏ trong bếp. Chúng ta dập tắt đám cháy đó bằng chiếc bình cứu hỏa. Và sau đó thì thay vì kiểm tra đường ống ga hay đường điện có thể đã gây ra đám cháy đó, hay học cách báo cho lực lượng cứu hỏa khi có sự cố; chúng ta quyết định mua thêm hai chiếc bình cứu hỏa, giát vàng và đeo vòng nguyệt quế lên chúng. Và khi cả căn nhà của chúng ta và khu vườn xung quanh đang cháy, chúng ta cố gắng dập đám cháy đó bằng 2 chiếc bình cứu hỏa dát vàng, 1 chiếc không mở được.
Chúng ta đã làm rất tốt so với khả năng của chúng ta, và có được những kết quả tốt, ban đầu. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc chúng ta không thể làm tốt hơn và chuẩn bị cho những tình huống xấu hơn.

Vậy tại sao cần chữa căn bệnh bài may mắn?

Như mình đã nói thì may mắn chưa bao giờ là một điều tiêu cực cả, nó là tất yếu vì không có vốn dĩ không có ai là toàn năng cả, và không có ngóc ngách nào trong cuộc sống là không có rủi ro cả. Thứ làm hại bạn không phải là may mắn mà là cách bạn nghĩ về may mắn.
Bằng cách thừa nhận những may mắn đã có mặt trong thành công chống dịch, chúng ta cũng thừa nhận những vùng tối bất trắc có thể chúng ta đã lờ đi trong khi say sưa trong chiến thắng ban đầu. Và từ đó bắt đầu nghiêm túc tìm hiểu để cải tiến cách làm của chúng ta và khắc phục những khoảng trống đó.
Và đồng thời thì chúng ta cũng trả lại quyền được sai, cho các biện pháp mà chúng ta đã giát vàng, tung hô trước đó. Để có thể cởi mở hơn với các ý tưởng mới.
Và trên hết thì chúng ta trả lại quyền được sai cho chính chúng ta, bởi vốn dĩ các biện pháp của chúng ta đã không hoàn hảo đến vậy.
Chiếc huy chương vàng Olympic, những chức vô địch bóng đá, những Ngô Bảo Châu hay những thành tích chống dịch khủng thì tuyệt và tự hào thật đấy. Nhưng nếu chúng không đến từ những thay đổi căn cơ, bền vững về kinh tế, xã hội, giáo dục, v.v ... mà chỉ có được nhờ những nỗ lực tức thời và đơn lẻ, thì có lẽ chúng ta không nên kỳ vọng quá nhiều về chúng, như thể chúng đang mở đường cho nước nhà đến một trang sử mới; rất có thể trang sử mới đã dừng lại ở đó rồi. Như vậy thì công bằng hơn với chính thành tựu đó hơn, với các thế hệ kế cận của các lĩnh vực đó, và với chính chúng ta nữa. Thế nước ta không có đang mạnh và vận thì càng không đang lên. Ít nhất là không phải qua một vài chức vô địch bóng đá, một chiếc huy chương vàng, hay qua việc cả thế giới xung quanh đang bốc cháy nhưng chúng ta tạm an toàn nhờ dập được những đám lửa nhỏ bằng chiếc bình cứu hỏa.
May mắn tạo cơ hội cho chúng ta nâng cao tiềm lực của mình, và biết rõ tiềm lực của chúng ta đang ở đâu.